So sánh TV MiniLED đầu bảng của Sony và LG

So sánh TV MiniLED đầu bảng của Sony và LG

LG lần đầu bán TV với công nghệ MiniLED từ năm 2021, còn Sony muộn hơn một năm. Dải sản phẩm của hãng Hàn Quốc cũng rộng hơn với nhiều lựa chọn về kích cỡ màn hình, độ phân giải 4K hoặc 8K. Trong khi đó, Sony chỉ tập trung vào dòng cao cấp Bravia XR X95K độ phân giải 4K.

Với kích thước 65 inch phổ biến ở phân khúc cao cấp, Sony XR-65X95K là đối thủ trực tiếp của LG 65QNED86SQA.

LG 65QNED86SQA và Sony XR-65X95K.

MiniLED được đánh giá là công nghệ TV LED chiếu sáng nền tốt nhất hiện nay. Các model thông thường chỉ sử dụng vài trăm đèn nền LED, trong khi MiniLED được trang bị hàng chục nghìn đèn nền. Ưu điểm này giúp mang đến độ tương phản cao, gần bằng OLED, mà vẫn giữ được những đặc điểm khác như độ sáng cao, màu sắc rực rỡ.

Thiết kế, cổng kết nối

Viền màn hình Sony XR-65X95K (trái) mỏng hơn và làm bằng kim loại cao cấp.

XR-65X95K nổi bật hơn về thiết kế với bộ khung kim loại cao cấp trong khi LG chỉ dùng chất liệu nhựa. TV Sony có viền dưới dày nhưng cả ba cạnh viền còn lại đều mỏng hơn đối thủ.

Trong khi đó, chân đế của LG 65QNED86SQA là dạng bán nguyệt, đẹp nhưng gây khó cho người dùng nếu muốn kết hợp soundbar. Thiết bị của Sony sử dụng hai chân bên với ba kiểu xếp khác nhau, đa dạng hơn.

Một điểm cộng khác, thể hiện sự tỉ mỉ đậm chất Nhật trong thiết kế của XR-65X95K là mặt sau có nắp nhựa che phần cổng kết nối, giúp các dây dẫn gọn gàng hơn. Là dòng cao cấp, cả hai đều có đầy kết nối tốt nhất như HDMI 2.1 hỗ trợ đầu vào 4K 120 Hz (chơi game), HDMI eARC/ARC, Wi-Fi chuẩn ac.

Chất lượng hình ảnh

XR-65X95K (trái) sáng hơn đáng kể nhưng 65QNED86SQA dịu hơn, không bị cháy sáng.

Cùng sử dụng công nghệ MiniLED, chấm lượng tử để cải thiện khả năng xử lý màu sắc, tương phản và góc nhìn nhưng cách thể hiện của hai TV rất khác nhau. Các khung hình thử nghiệm đều cùng nguồn phát, cùng chế độ hình ảnh Tiêu chuẩn, Sống động hoặc Phim.

Về độ sáng, XR-65X95K tốt hơn đáng kể khi ở mức cài đặt 35% đã ngang LG QNED86SQA ở mức cao nhất. Tuy nhiên, khi tăng sáng trên 50%, TV Sony có nhiều điểm bị mất chi tiết, cảm giác nhìn chói không thoải mái. Trong khi đó, độ sáng của TV đủ để xem trong hầu hết tình huống thông thường, như ở phòng khách có ánh nắng chiếu trực tiếp.

Màu sắc trên TV LG chính xác và cân bằng trắng nhỉnh hơn đối thủ.

Về màu sắc, LG QNED86SQA lại thể hiện tốt hơn khi sắc độ không bị quá rực, tách bạch và chính xác hơn. Trong một số phim hành động với khung cảnh tối, tông màu da trên TV LG tạo cảm giác ấm, chuyển màu đều, thay vì hơi gắt và lóa như của Sony. Với khung cảnh trắng, TV Sony hơi ám đỏ.

Cả hai đều thể hiện màu đen sâu hơn hẳn so với TV LED truyền thống. Tuy vậy, khi đặt cạnh nhau, việc kiểm soát vùng tối cục bộ nhiều hơn (900 vùng) đã giúp LG QNED86SQA hoạt động hiệu quả hơn XR-65X95K (432 vùng). TV Sony ở một số khung cảnh có phần màu đen hơi chuyển xám (độ sáng mặc định 35%). Hãng Nhật Bản sử dụng tấm nền VA trong khi đối thủ là IPS.

Khi bật nội dung Full HD hoặc thấp hơn (chủ yếu là các video YouTube cũ hoặc chương trình truyền hình), khả năng nâng cấp hình ảnh của hai TV tương đồng. Góc nhìn của cả hai cũng rất tốt, không bị thay đổi màu sắc, độ sáng đáng kể.

Hỗ trợ chơi game

QNED86SQA hỗ trợ nhiều công nghệ và thể hiện tốt hơn khi chơi game.

Đều là dòng cao cấp, XR-65X95K và QNED86SQA cùng hỗ trợ HDMI 2.1 độ phân giải 4K 120 Hz, công nghệ VRR (Variable Refresh Rate) và ALLM (Auto Low Latency Mode) để tương thích tốt nhất với các máy chơi game "khủng" như PlayStation 5 hay Xbox Series X. Trong thử nghiệm cùng kết nối máy PS5, cả hai đều tự nhận diện thiết bị chơi game và mở sẵn chế độ tương thích cũng như bảng cài đặt riêng cho game thủ.

Tuy nhiên, LG trang bị tốt hơn, như công nghệ chống rách hình AMD FreeSync Premium. Đây là tính năng quan trọng giúp các game ở tần số quét cao không bị rách hình trong trường hợp tần số quét TV và tốc độ khung hình game không đồng bộ. Phần mềm tùy chỉnh Game Optimizer trên QNED86SQA cũng phong phú hơn, liên quan trực tiếp đến trải nghiệm như cân bằng trắng, chế độ Low Latency hoặc các bộ thiết lập sẵn cho từng loại game riêng biệt.

Chất lượng âm thanh

Loa trên TV Sony hay hơn trong hầu hết các điều kiện sử dụng nhờ trang bị tốt.

Âm lượng trên Sony XR-65X95K lớn hơn đối thủ nhờ hệ thống loa 2:2:2 công suất tổng 60 W so với 2:2 40 W. Với trải nghiệm phim ảnh, TV Sony cho hiệu ứng âm thanh vòm rõ rệt và chính xác. Ưu điểm này là nhờ công nghệ Acoustic Multi-Audio và hệ thống loa hơn đối thủ là tweeter và subwoofer.

Tuy nhiên, ở trải nghiệm game, LG nhỉnh hơn, đặc biệt khi chơi trên chính mẫu máy SonyPlayStation 5. Trong game góc nhìn thứ nhất như Returnal, âm thanh của QNED86SQA trong và tạo cảm giác như một chuyến thám hiểm thực sự, còn XR-65X95K cho cảm giác hơi đục. Với game thể thao như eFootball (PES), không khí khán đài có âm vang tốt, sống động hơn.

Hệ điều hành, phần mềm

Google TV có điểm mạnh về hệ sinh thái, trợ lý ảo, ứng dụng trong khi LG mạnh về điều khiển từ xa hỗ trợ chuột bay.

Hệ điều hành Google TV trên sản phẩm Sony có nhiều thế mạnh hơn so với webOS 22 trên TV LG. Ví dụ, số lượng phần mềm phong phú, giao diện đơn giản, dễ sử dụng và trợ lý ảo Google Assistant tích hợp sâu. TV Sony cũng là mẫu hiếm hoi trên thị trường có thể điều khiển giọng nói trực tiếp không cần remote và cả ở trạng thái TV đã tắt.

Với phiên bản hệ điều hành mới, LG QNED86SQA thu hẹp khoảng cách về trợ lý ảo khi webOS 22 cũng hỗ trợ Google Assistant tiếng Việt tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm của hãng Hàn Quốc cũng có ưu thế hơn so với đối thủ ở điều khiển từ xa hỗ trợ chuột bay chính xác, dễ sử dụng.

Tuấn Hưng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận