Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống có thể còn cung cấp các dấu hiệu cho thấy một người nhiễm virus SARS-CoV-2 khi họ còn chưa biểu hiện triệu chứng, qua đó, giúp lực lượng chức năng giải quyết một trong những vướng mắc của việc phát hiện và khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Với số lượng thiết bị đeo tay hiện nay trên thế giới sẽ là công cụ phòng chống dịch COVID-19 được các nhà khoa học tìm đến.
Cũng nhằm tìm hiểu liệu các thiết bị đeo thông minh có thể phát hiện những người mắc COVID-19 ở giai đoạn "tiền triệu chứng" và không biểu hiện triệu chứng, Viện Nghiên cứu Scripps cũng đã tiến hành nghiên cứu đối với hơn 30.000 người.
Theo nhà dịch tễ học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps Jennifer Radin - trưởng nhóm nghiên cứu, các dấu hiệu sớm cho thấy các thiết bị đeo có khả năng xác định những người ở giai đoạn tiền triệu chứng song vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Bà khẳng định các thiết bị đeo có thể phát hiện "những thay đổi nhỏ nhất cho thấy bạn đang nhiễm virus" trước khi xuất hiện các triệu chứng.
Đơn cử như nhịp tim khi nghỉ ngơi sẽ là một chỉ số hữu hiệu cho thấy người dùng mắc COVID-19 vì thông thường nhịp tim của con người khá đều, và hầu hết các thiết bị đeo tay đều có thể đo chính xác nhịp tim. Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps phát hiện những thay đổi trong nhịp tim của người bệnh 4 ngày trước khi họ bắt đầu bị sốt.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps Eric Topol khẳng định ý tưởng sử dụng thiết bị đeo nhiều triển vọng vì hơn 100 triệu người Mỹ đều có đồng hồ thông minh hoặc vòng đeo tay theo dõi sức khỏe.
Thống kê cho thấy có tới 41% những người mắc COVID-19 không có triệu chứng sốt, do đó, việc dùng các thiết bị đeo để sàng lọc những người nhiễm bệnh sẽ hữu hiệu hơn là kiểm tra nhiệt độ.
Trong khi đó, với sự tài trợ của Chính phủ Mỹ và Quỹ Bill & Melinda Gates, công ty khởi nghiệp công nghệ y tế Evidation đã bắt đầu một dự án sản xuất một thuật toán cảnh báo sớm từ thiết bị đeo của 300 người có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Lãnh đạo công ty Evidation khẳng định nghiên cứu này nhằm xác định hiệu quả hơn về thời gian và địa điểm con người có thể lây nhiễm COVID-19 cũng như có thể cho phép can thiệp theo thời gian thực để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như theo dõi kết quả. Hiện một nỗ lực nghiên cứu tương tự đang được tiến hành tại Đức.
Các nghiên cứu trên đã cho thấy một số thiết bị đeo, vốn ban đầu được phát triển nhằm theo dõi việc tập thể dục và giải trí, có thể được dùng cho những nghiên cứu y tế quan trọng.
Các nhà khoa học khẳng định các thiết bị đeo có thể cung cấp dữ liệu về nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở, giấc ngủ và một số chỉ số khác, có thể dùng làm công cụ chẩn đoán. Không chỉ vậy, các thiết bị này còn có thể cảnh báo người dùng khi nhịp tim, nhiệt độ hoặc một số bộ phận trên cơ thể bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh.
Chính do đó, tháng Tư vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Scripps tham gia nghiên cứu về các thiết bị đeo tay để phát hiện COVID-19 cũng như các bệnh khác.
Trong khi đó, hãng Apple cũng đã bắt đầu nghiên cứu làm thế nào để đồng hồ thông minh có thể phát hiện các vấn đề về bệnh tim, trong khi Fitbit hiện đang hợp tác với hơn 500 dự án khác nhau để nghiên cứu ung thư, tiểu đường, hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác.
Tháng trước, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thần kinh Rockefeller thuộc trường Đại học West Virginia (Mỹ) thông báo đã tạo ra một nền tảng số, thông qua nhẫn Oura có thể phát hiện một người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ba ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.
Ứng dụng này sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo sự xuất hiện của các triệu chứng liên quan đến COVID-19, trong đó có sốt, ho, khó thở và mệt mỏi, với độ chính xác lên tới trên 90%.
Trước đó, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành The Lancet của Anh, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps đã chứng minh giá trị của các thiết bị đeo tay trong việc dự đoán người dùng mắc cúm.
Theo Tạp chí Điện tử
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận