4 yếu tố khiến bệnh xơ gan tiến triển nặng

4 yếu tố khiến bệnh xơ gan tiến triển nặng

Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, tỷ lệ mắc xơ gan ngày càng gia tăng và gây ra nhiều trường hợp tử vong. Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh gan mạn tính; thường là hậu quả của viêm gan virus B, C mạn tính, bệnh gan do rượu, bệnh gan thoái hóa mỡ không do rượu... Bệnh gan mạn tính do virus B hoặc C dễ dẫn đến xơ gan hơn những người thừa cân và uống bia rượu. Các nguyên nhân và yếu tố đi kèm quyết định tốc độ tiến triển của xơ gan.

Uống nhiều rượu

Theo Tiến sĩ Khanh, người bệnh xơ gan khi uống nhiều rượu bia, chức năng gan khó phục hồi. Chất ethanol (cồn) trong rượu bia theo máu đến gan, biến đổi thành acetaldehyde, là nguyên nhân chính gây viêm và phá hủy tế bào gan. Khi dùng rượu bia với liều lượng nhiều, nồng độ cao, gan mất dần cơ chế tự bảo vệ gây biến chứng của xơ gan mất bù, điển hình là cổ trướng.

Biểu hiện của bệnh dễ nhận thấy là bụng phình to sang hai bên, sờ vào cảm giác hơi căng, rốn căng mọng và lồi ra. Bệnh nhân có thể bị chân phù, vàng da, nôn ra máu, đại tiện phân đen lỏng như bã cà phê; có thể gây bệnh não do gan như mất ngủ bồn chồn hoặc ngủ nhiều, trí nhớ giảm sút, không tập trung, khi nặng có thể dẫn tới hôn mê gan. Xơ gan chuyển sang giai đoạn mất bù có tỷ lệ tử vong cao.

Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ xơ gan tiến triển. Ảnh: Freepik

Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ xơ gan tiến triển. Ảnh: Freepik

Ăn uống không khoa học

Người mắc bệnh xơ gan có chuyển hóa dinh dưỡng kém, thường gặp các vấn đề về tiêu hóa thức ăn. Ăn mặn, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ là yếu tố nguy cơ khiến bệnh xơ gan tiến triển. Tiến sĩ Khanh giải thích, cơ thể tiêu hóa chất béo bằng việc dùng mật tạo ra trong gan. Gan bị xơ khiến quá trình sản xuất và cung cấp mật bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng tiêu hóa. Chức năng gan hạn chế khiến việc tiêu hóa thực phẩm giàu chất béo gặp khó khăn, tạo gánh nặng cho gan.

Các thực phẩm đóng hộp hay đồ chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường, phụ gia không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến chức năng gan. Người bệnh xơ gan còn bị suy giảm chức năng miễn dịch, nếu ăn các loại thực phẩm tái sống, hải sản sống có thể tăng nguy cơ nhiễm độc, tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và virus.

Tăng cân

Thừa cân, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có thể dẫn đến xơ gan như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và không do rượu mà còn khiến xơ gan tiến triển nặng. Tiến sĩ Khanh cho biết, ở người béo phì, chất béo vượt ngưỡng cơ thể hấp thu gây tích tụ mỡ trong gan. Chất béo ứ đọng chủ yếu là triglyceride khiến tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, làm thể tích gan to ra. Bao gan bị căng khiến người bệnh đau tức ở vùng gan. Một số trường hợp bị vàng da, đau bụng, nôn. Tình trạng mỡ bao phủ các tế bào gan khiến chức năng thải độc của gan suy giảm, tạo điều kiện cho các độc tố, vi khuẩn, ký sinh trùng... xâm nhập. Gan dần suy kiệt dẫn tới suy gan rõ rệt.

Không tầm soát định kỳ

Xơ gan có thể ít triệu chứng rõ rệt và tiến triển âm thầm. Những người béo phì, mắc bệnh tiểu đường, gia đình có tiền sử ung thư gan, người thường xuyên uống rượu bia không tầm soát sức khỏe định kỳ hoặc người bệnh gan không tái khám có thể phát hiện trễ những vấn đề sức khỏe bất thường.

Người bệnh xơ gan còn bù hoặc bệnh gan mạn tính cần thăm khám định kỳ, tầm soát theo chỉ định của bác sĩ như xét nghiệm máu, đánh giá chức năng gan, đo tải lượng virus, siêu âm ổ bụng tổng quát... Nhờ đó, người bệnh có thể hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xuất huyết tiêu hóa, phù chân, trướng bụng, hôn mê gan, bệnh não gan, suy thận, ung thư gan... Người bệnh xơ gan cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tầm soát ung thư gan khoảng 6 tháng một lần.

Lục Bảo

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận