Cách ăn bánh mì tránh tăng đường huyết

Cách ăn bánh mì tránh tăng đường huyết

Bánh mì hữu cơ, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt có lợi cho sức khỏe của người bệnh tiểu đường. Những loại bánh mì này giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và protein khi so sánh với các loại đã qua chế biến như bánh mì trắng. Dưới đây là gợi ý khi chọn bánh mì dựa vào thành phần và những loại có nhiều giá trị dinh dưỡng.

Kiểm tra nhãn dinh dưỡng của thực phẩm

Một số loại bánh mì có chứa các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Người bệnh tiểu đường có thể đọc nhãn dinh dưỡng của thực phẩm để tìm loại ít calo và carbohydrate (carb); hạn chế các thành phần nhân tạo, hương liệu và các chất phụ gia khác.

Calo

Người bệnh nên chọn loại bánh mì có khoảng 90 calo hoặc ít hơn trong mỗi lát. Đồng thời nên chú ý khẩu phần ăn. Bánh mì có chứa các loại hạt có một số chất béo lành mạnh, protein và chất xơ nhưng lượng calo cao hơn. Nên chọn loại bánh mì có hạt nhưng giảm lượng ăn vào để đảm bảo lượng calo phù hợp.

Carb

Carb có khả năng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều nhất. Tùy thuộc vào kế hoạch bữa ăn và lượng carb mà chọn loại phù hợp. Bánh mì có từ 15 đến 20 g carb trở xuống mỗi khẩu phần có lợi cho sức khỏe. Người bệnh nên đọc nhãn và tuân thủ khẩu phần. Nếu bánh mì không có nhãn mác thì có thể cân để tính lượng carb. Ước tính 28 g bánh mì thường chứa khoảng 15 g carb.

Chất xơ

Chất xơ quan trọng trong chế độ ăn uống đối người bệnh tiểu đường. Chất xơ làm chậm tốc độ tăng đường trong máu, tăng cảm giác no, giảm cholesterol và tốt cho đường ruột. Người bệnh nên chọn loại có nguồn chất xơ tốt và ít nhất 3 g trong khẩu phần hai lát.

Bánh mì nâu giàu chất xơ hơn bánh mì trắng. Ảnh: Freepik

Bánh mì nâu giàu chất xơ hơn bánh mì trắng. Ảnh: Freepik

Chất béo

Những người mắc bệnh tiểu đường nên ăn ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Ăn nhiều chất béo không bão hòa có lợi cho tim. Hầu hết các loại bánh mì không chứa nhiều chất béo, trừ khi chúng có hạt hoặc quả hạch. Tuy nhiên, nên chọn loại không có chất béo chuyển hóa và ít hơn khoảng 1,5 g chất béo bão hòa.

Natri

Chế độ ăn giàu natri có thể góp phần làm tăng huyết áp, nhất là đối với người nhạy cảm với muối. Bánh mì chứa 150 mg natri hoặc ít hơn trong một lát sẽ tốt hơn cho người tiểu đường. Bánh mì làm từ 100% ngũ cốc nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ hơn so với bánh mì tinh chế.

Thành phần cần tránh

Những thành phần trong bánh mì nên tránh là sirô ngô hàm lượng đường cao, chất béo chuyển hóa, chất nhũ hóa thực phẩm, màu nhân tạo...

Các loại bánh mì có lợi

Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt: Loại bánh này thường giúp giảm chỉ số đường huyết, có nhiều giá trị dinh dưỡng. Bánh mì nguyên hạt không chỉ có thành phần là lúa mì nguyên hạt mà còn có thể là lúa mạch đen, lúa mạch, yến mạch...

Bánh mì nảy mầm: Chúng được làm từ ngũ cốc, đậu và hạt nảy mầm. Loại bánh mì này có thể làm giảm chỉ số đường huyết và tăng thành phần dinh dưỡng. Hầu hết các loại ngũ cốc nảy mầm có chứa 9 axit amin thiết yếu, rất giàu protein và chất xơ.

Bánh mì hữu cơ: Bánh mì hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu, không chứa các thành phần biến đổi gene. Tuy nhiên, loại bánh mì này thường đắt tiền hơn bánh mì thông thường.

Bánh mì không chứa gluten: Gluten giúp tạo độ đàn hồi và kết cấu cho bánh mì. Các công ty sản xuất bánh mì thường sử dụng các chất như tinh bột tinh chế để thay thế chất này. Khi tìm kiếm bánh mì không chứa gluten, người bệnh tiểu đường cũng nên lưu ý lượng calo, carb, chất xơ và chất béo được đề cập ở trên để có lợi cho sức khỏe.

Kim Uyên
(Theo Verywell Health)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận