Cách phân biệt thủy đậu, sởi và sốt phát ban

Cách phân biệt thủy đậu, sởi và sốt phát ban

Trả lời:

Bệnh sởi, thủy đậu và sốt phát ban rất dễ nhầm lẫn vì đều xuất hiện ban trên da. Việc phân biệt thủy đậu, sởi và sốt phát ban sẽ giúp người bệnh có biện pháp xử lý kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi cấp.

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella-zoster (VZV) với triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu, phát ban dạng phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1-3 mm, ngứa toàn thân. Ban đầu phỏng nước xuất hiện ở mặt, các chi, sau đó lan nhanh ra toàn thân chỉ trong 12-24 giờ. Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy, thâm da vị trí nổi mụn nước, nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo.

Các mụn nước do bệnh thủy đậu. Ảnh: NetDoctor

Các mụn nước do bệnh thủy đậu. Ảnh: NetDoctor

Bệnh sởi do virus sởi Morbillivirus gây ra, triệu chứng khởi phát là sốt nhẹ, tăng thân nhiệt, ho, chảy nước mũi, đau mắt đỏ, tiêu chảy. Vào ngày thứ hai, người bệnh xuất hiện các hạt trắng có kích thước nhỏ như hạt vừng trên niêm mạc miệng (hạt Koplik) và tồn tại 12-14 giờ. Vào ngày thứ 4-6, người bệnh sẽ phát ban dạng nốt sẩn, kích thước nhỏ, mọc tuần tự từ sau tai rồi lan dần hai bên má, cổ, xuống ngực, bụng, tay, lưng, hông và chân. Sau khi lan khắp toàn thân, ban sẽ tồn tại đến ngày thứ 6 và dần dần biến mất.

Sốt phát ban là bệnh lý lành tính do virus Human Herpes 6 và 7. Triệu chứng điển hình là xuất hiện những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

Hiện nay, bệnh sốt phát ban chưa có vaccine, bệnh thủy đậu và sởi đã có vaccine phòng ngừa. Trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn nên tiêm vaccine thủy đậu và sởi để phòng bệnh sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng bệnh thủy đậu, bạn có thể tiêm vaccine phối hợp sởi-rubella-quai bị Priorix (Bỉ) hoặc MMR II (Mỹ), hoặc vaccine sởi đơn MVVac (Việt Nam). Với thủy đậu, hiện có 3 loại vaccine gồm: Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc).

BS Hoa Tuấn Ngọc,
Quản lý Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận