Dấu hiệu cảnh báo đau họng mạn tính

Dấu hiệu cảnh báo đau họng mạn tính

Theo Viện Đầu và Cổ, Trung tâm Y tế Độc lập Ohio (Mỹ), đau họng có thể gây trầy xước hoặc ngứa, bỏng hoặc gây đau khi nuốt. Nhiều khi đau họng đi kèm với ho khan, gây kích ứng cổ họng. Đau họng do cảm lạnh và virus thông thường thường giảm trong vài ngày. Nếu cơn đau họng kéo dài, dai dẳng và không có dấu hiệu thuyên giảm nhiều ngày thì có thể bệnh đã trở thành mạn tính.

Nguyên nhân gây đau họng mạn tính gồm: viêm amidan (nhiễm trùng amidan), viêm họng, dị ứng, hút thuốc, hít phải chất gây ô nhiễm không khí. Mắc cúm lâu ngày, bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

Một số tình trạng gây đau họng có thể nhẹ và không cần điều trị, ví dụ như cúm thông thường. Viêm họng liên cầu khuẩn và viêm amidan có thể trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đau cổ họng dai dẳng ở một bên cho thấy nhiễm trùng do biến chứng của viêm amidan hoặc viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị (áp xe quanh amidan). Trong một số trường hợp, cơn đau có thể do một khối u tiến triển. Người bị đau họng kèm theo sưng hạch ở cổ (khối u), nên đi khám sớm.

Đau họng kéo dài có thể do viêm họng liên cầu khuẩn. Ảnh: Freepik

Đau họng kéo dài có thể do viêm họng liên cầu khuẩn. Ảnh: Freepik

Việc điều trị chứng đau họng mạn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh. Nhiễm vi khuẩn này có thể dẫn đến sốt thấp khớp. Nếu bị dị ứng gây đau họng mạn tính (do chảy nước mũi sau), người bệnh cần dùng thuốc kiểm soát các triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ và tránh những chất gây dị ứng (thường là những thứ như nấm mốc, lông hoặc vẩy da thú cưng, phấn hoa). Nhiễm virus cúm có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus. Nếu đau họng mạn tính do hút thuốc, bỏ thuốc lá có thể kiểm soát và giảm bớt cơn đau họng.

Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số cách làm dịu cơn ngứa, rát và đau cổ họng như: ngậm viên ngậm trị đau họng hoặc kem que làm mát cổ họng; làm ẩm cổ họng bằng cách uống nhiều nước; thêm mật ong vào đồ uống ấm hoặc nhâm nhi một tách trà ấm; súc miệng bằng dung dịch nước muối ấm và loãng. Nếu đau họng dữ dội khi nuốt và sốt cao, người bệnh nên nhanh chóng đi khám.

Mai Cat
(Theo Everyday Health)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận