Hà Nội sáng 5/2, thời tiết lạnh, mưa to suốt buổi khiến khu vực Đường thơ, Đường sách tại sự kiện vắng hơn dự kiến. 8h, một số độc giả đến sớm, dạo quanh các khu vực. Một số người cho biết do không đọc kỹ thông tin, họ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi quen thuộc diễn ra Ngày Thơ các năm trước, sau đó mới biết ban tổ chức chuyển địa điểm. Đa số nhận xét không gian trưng bày, triển lãm năm nay đẹp, hút mắt hơn.
Dọc hai bên đường từ cổng vào đến sân khấu chính, độc giả được thưởng lãm 100 câu thơ hay của Việt Nam nhiều thời kỳ. Ban tổ chức còn dựng Đường sách, gồm 40 ki-ốt dành cho các Nhà xuất bản, công ty văn hóa, phát hành sách, nhằm quảng bá văn hóa đọc. Nhiều gian hàng phải chăng bạt, che nilon vì trời mưa. Vì thời tiết xấu, đa số tập trung trong khu vực Nhà ký ức để tránh mưa. Đây là nơi trưng bày hiện vật của các tác giả tên tuổi, do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp.
Buổi chiều, trời tạnh mưa, độc giả - đa phần là người trung niên, cao tuổi - đến đông hơn, tham gia một số hoạt động, như đố thơ nhận quà. Tác giả Hồng Ánh (96 tuổi) cho biết hồi hộp chờ sự kiện từ một tuần trước, với mong muốn được gặp gỡ, giao lưu bạn bè. Ông vốn là cựu sinh viên Đại học Bách khoa, làm ngành kỹ thuật nhưng yêu thơ từ nhỏ. Theo ông, người Việt yêu văn học, có truyền thống thi ca lâu đời, cần phát triển nhiều hoạt động tương tự như Ngày Thơ. Diễm Thu (19 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho biết yêu thích văn học, muốn tìm hiểu thêm kiến thức liên quan các tác giả mình từng biết thời phổ thông.
Ngoài các sự kiện trưng bày, 19h tối cùng ngày, Đêm thơ Nguyên tiêu được khai mạc, kết hợp trình diễn thơ, nhạc, họa. Êkíp thực hiện gồm đạo diễn Lê Quý Dương, họa sĩ Phạm Hà Hải, Lê Đình Nguyên. Mọi năm, hoạt động đọc thơ gói gọn trong buổi sáng.
Ngày Thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các năm qua, chương trình thu hút đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước. Năm nay, sự kiện ở Hà Nội trở lại sau hai năm phải hoãn vì dịch.
* Một số hình ảnh tại Ngày Thơ Việt Nam ở Hà Nội
Ở TP HCM, hàng trăm tên tuổi quy tụ tại tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, quận 3, như: Nghệ sĩ Kim Cương, nhà văn Xuân Phượng, nhà thơ Nguyễn Duy, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn... Sau tiếng trống khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - cảm ơn quan khách, độc giả đến dự ngày thơ Việt Nam. Ông cho biết đêm qua khó ngủ hơn so với những lần công tác trước ở TP HCM, bởi chứng kiến ngày này đông vui, náo nhiệt trở lại sau hai năm hoãn vì dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quang Thiều nói: "Tôi nhớ đến một bài thơ giải Nobel của nữ thi sĩ người Ba Lan Szymborska, bà nói nhà thơ là 'những áng mây xuyên qua bầu trời, vượt qua biên giới và mang theo tiếng hát của mình. Tiếng hát ấy có thể hạnh phúc hoặc khổ đau, nhưng xuất phát từ tâm hồn con người. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh của thi ca, bởi thơ đã phá đi những biên giới của lòng người".
Chương trình được chia làm bốn phần với các màn trình diễn thơ, xoay quanh bốn chủ đề: Khát vọng tương lai, Khát vọng bình yên, Khát vọng yêu thương, Khát vọng phương Nam. Mở đầu, nhà thơ Lê Tú Lệ ngâm trích đoạn trường ca Thành phố khát vọng. Tác phẩm ra mắt đầu năm 2021, là lời tạ ơn tác giả dành tặng cho mảnh đất gắn bó với bà, kể về quá trình Sài Gòn - TP HCM từ thuở cha ông đi mở cõi đến hiện tại, trải qua nhiều thăng trầm.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt - đại diện cho thế hệ thi sĩ trẻ của TP HCM - ngâm bài Thành phố này, những ngày mình đi qua đây. Cùng hoạt cảnh của các diễn viên trẻ, anh nói về những ký ức một thời hoa mộng ở Sài Gòn: "Thành phố này,
những ngày mình đi qua đây/ Thấy một cơn mưa rơi xuống trên những mái nhà sum vầy/ Mà tiếng cười vẫn giòn tan như chưa từng lấm lem mất mát...".
Không gian sự kiện lắng lại khi bài Tưởng niệm (tác giả: bác sĩ Tự Hàn) được vang lên. Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam, do Hội nhà văn TP HCM. Bài thơ là lời tưởng nhớ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - nguyên trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM, hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch năm 2021: "Anh ơi, ống nghe còn đây, áo blouse còn đây, và cả hũ tro còn đây/ Sao anh không kịp nói một lời với mẹ, với vợ, với con, đã theo loài mây trắng...". Dưới ghế khán giả, bà Thân Ngọc Hương - vợ bác sĩ Nhẫn - khóc theo giọng ngâm của nhà thơ Trần Mai Hường.
Chương trình sôi nổi hơn khi nhà thơ Nguyễn Duy góp mặt, đọc bài Đánh thức tiềm lực, một trong những tác phẩm gây sóng gió sự nghiệp của ông thập niên 1980. Ở tuổi 75, nhà thơ vẫn giữ giọng đọc diễn cảm, sôi sục khi nói về những ngày "đất nước của ba miền cày ruộng, chưa đủ no cho đều khắp ba miền".
Ngoài sân khấu chính, sân khấu thơ trẻ là nơi hội ngộ của các tác giả tiềm năng, với chủ đề Góc nhỏ thành phố, giúp độc giả nghe thơ, xem thơ và chụp hình lưu niệm. Ngoài trời, ban tổ chức dựng một đường thơ, với poster in tác phẩm của các tác giả tiêu biểu, gắn bó vùng đất phương Nam, từ thời cận hiện đại đến hiện đại, như Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tuấn Khải, Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Viễn Phương, Chim Trắng, Trần Quang Long... 24 câu lạc bộ dựng nhiều lều thơ để trình diễn văn nghệ, giao lưu.
Ngoài các tiết mục thi ca, tọa đàm Dòng thơ giữa phố được tổ chức, bàn về sức sống thi ca ở đô thị, đề cao giá trị thơ nuôi dưỡng tâm hồn con người, do nhà thơ Lê Thiếu Nhơn dẫn dắt. Nhà văn Bích Ngân - trưởng ban tổ chức - nói: "Chúng tôi kỳ vọng không chỉ trong Ngày Thơ mà mọi dịp trong năm, các vần thơ, câu thơ dù nhỏ bé vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng sự lương thiện, khơi dậy lòng trắc ẩn của con người trong cuộc sống hiện tại và trên hành trình vươn tới tương lai".
Hà Thu - Mai Nhật
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận