Hành trình đến với Giải thưởng khoa học VinFuture

Hành trình đến với Giải thưởng khoa học VinFuture

Hành trình đến với Giải thưởng khoa học VinFuture

Xuyên suốt gần một tuần, những nhà khoa học hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam để chia sẻ và tham gia lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ I, nhấn mạnh cho quá trình Việt Nam trở thành điểm đến về khoa học - công nghệ trong tương lai.

Cầm trên tay chiếc cúp của giải thưởng khoa học VinFutre lần thứ I, GS Katalin Kariko chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được lựa chọn là chủ nhân của giải thưởng chính VinFuture. Là những nhà khoa học, chúng tôi ngày ngày thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và mong rằng, một ngày nào đó trong cuộc đời mình, những thành tựu nghiên cứu của mình sẽ mang lại lợi ích chung cho nhiều người. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc phiêu lưu khoa học của mình sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà nghiên cứu tiếp theo, để những đóng góp của họ sẽ nâng cao các kiến thức khoa học của nhân loại, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của con người”.

GS Katalin Kariko (Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech) và 2 đồng nghiệp của mình là GS Pieter Rutter Cullis (Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thuốc, Đại học British Columbia, Canada) và GS Drew Weissnam (Giám đốc Nghiên cứu vaccine, Bộ phận Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania) được vinh danh với giải thưởng chính của Giải thưởng VinFuture với những đóng góp to lớn về công nghệ mRNA trong cuộc chiến chống Covid-19.

giai thuong khoa hoc anh 1

Với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 viện nghiên cứu nổi tiếng, và 42 viện hàn lâm khoa học quốc gia uy tín toàn cầu, giải thưởng VinFuture đã ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà khoa học trong tương lai.

Giải thưởng khoa học - công nghệ mang tầm quốc tế tại Việt Nam

Tối 20/1, Giải thưởng VinFuture về khoa học - công nghệ lần đầu tổ chức đã vinh danh tác giả của các công trình nghiên cứu: Công nghệ gốc vaccine mRNA; Vật liệu khung cơ-kim (MOFs); Vật liệu điện tử hữu cơ có tính năng như da người và công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Đây là những thành tựu khoa học xuất chúng, có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực và rộng rãi nhất đến cuộc sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới trong hiện tại và tương lai.

19h30, khách mời có mặt tại khu vực Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong đêm trao giải thưởng vinh danh những nhà khoa học có đóng góp to lớn trên toàn cầu. Phát biểu trước buổi lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: "Đây thực sự là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín. Cuộc hội tụ ngày hôm nay là hội tụ của trí tuệ, của khát vọng, của cống hiến, của tình hữu nghị, tinh thần đoàn kết hợp tác kết nối của những giá trị nhân văn tốt đẹp cho nhân loại trên Trái Đất. Tôi mong chờ những bước phát triển mới trong việc ứng dụng các nghiên cứu của quý vị tại Việt Nam".

giai thuong khoa hoc anh 2
giai thuong khoa hoc anh 7

Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” được trao cho GS Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs). MOFs là một loại vật liệu mới bao gồm các liên kết hữu cơ tích điện và các ion kim loại, có độ xốp vĩnh viễn, sự ổn định ấn tượng trên diện tích bề mặt lớn. Với kích thước lỗ xốp có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới 3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hoá học của nhiều loại khí và phân tử, có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn.

Đặc biệt, máy thu nước MOF của giáo sư Yaghi có tiềm năng cung cấp nước sạch từ không khí. Nếu được ứng dụng thành công, vật liệu mới MOFs sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang sinh sống tại những nơi khan hiếm nguồn nước sạch, giúp tự chủ về nguồn nước và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

giai thuong khoa hoc anh 8

Giải Đặc biệt thứ 2 dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho GS Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học. Những chức năng trên đem lại những giá trị lớn trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.

giai thuong khoa hoc anh 9

Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, GS Salim Abdool Karim và GS Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch tễ, hai nhà khoa học đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim cũng tạo ra thuốc dạng uống nhằm thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV đặc biệt dành cho phụ nữ trẻ và nữ vị thành niên, hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.

giai thuong khoa hoc anh 10

21h30, giải thưởng chính xướng tên 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp bước lên sân khấu trao giải thưởng cho những nhà khoa học cùng những cái ôm để thể hiện sự trân trọng với các đóng góp của họ.

Công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống Covid -19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

GS Weissman cho biết với ông đây không phải là dấu chấm hết của mọi thứ mà là mở ra liệu pháp vaccine mới, thế thệ vaccine mới cho những bệnh tật khác nhau, điều quan trọng hơn nữa là sự mở đầu cho hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. "Điều quan trọng nhất, tôi không phải là người nhận giải thưởng này mà hàng nghìn nhà khoa học đã đi trước tôi, hàng nghìn nhà khoa học sau tôi sẽ tiếp bước nghiên cứu này để đưa ra cách chữa bệnh mới cho các căn bệnh mới", GS Weissman nói.

giai thuong khoa hoc anh 13

Câu chuyện phía sau những phát minh dành cho nhân loại

Sáng 21/1, buổi tọa đàm Tương lai diễn ra tại VinUniversity (Gia Lâm, Hà Nội) tiếp nối chuỗi sự kiện gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Buổi gặp mặt có sự tham gia của những sinh viên đại học tại Việt Nam và những người quan tâm tới lĩnh vực khoa học - công nghệ.

TS Lê Mai Lan (Hiệu trưởng trường đại học VinUni) chia sẻ: "Cha tôi là một tiến sĩ y học. Tôi được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo đói, tôi hiểu khó khăn người nghèo gặp phải. Chúng tôi sinh ra vào giai đoạn khó khăn tại Việt Nam, khi ấy thậm chí tôi đã không có sách để đọc. Cha tôi biết 6 ngôn ngữ khác nhau, ông đã giúp tôi đọc, dịch sang tiếng Việt, viết sách dành riêng cho tôi để tôi học. Có nhiều đêm gặp tình trạng mất điện, không học được. Cha chỉ lên trời, phía những vì sao và đó là bài học đầu tiên về khoa học của tôi. Khi tôi 18 tuổi, tôi trở thành một trong những sinh viên được Chính phủ cử đi du học tại Đức. Thời điểm đầu, tôi thấy mặc dù tất cả chúng ta sống trên Trái Đất nhưng hoàn cảnh lại khác nhau. Có người sống có điều kiên, có người khó khăn và khi ấy tôi dần hiểu ra phát kiến khoa học công nghệ, tri thức sẽ là chìa khóa cho phát triển, cho con đường thoát khỏi nghèo đói để sống hạnh phúc bình yên.

Phụng sự cho nhân loại là sứ mệnh của khoa học. Có câu tục ngữ: Nếu muốn đi nhanh đi 1 mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Với tinh thần đoàn kết, vị lai đó, tôi muốn nghe các câu chuyện từ các nhà khoa học vĩ đại tại đây hôm nay".

giai thuong khoa hoc anh 14

Mở đầu buổi trò chuyện là sự có mặt của GS Omar Yaghi (Mỹ) - chủ nhân của giải đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới”. GS Omar Yaghi làm quen với những sinh viên Việt Nam, những vị khách có mặt tại khán phòng bằng những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực khoa học: "Làm thế nào để giải quyết vấn đề phát thải carbon dioxide?", "Làm cách nào tạo ra nguồn nước uống mới?", "Bằng 1 gam vật liệu, làm thế nào để tạo ra vật liệu có thể bao phủ cả sân bóng đá? Đó là vật liệu gì?".

Chia sẻ lý do đam mê lĩnh vực hóa học và đặt ra 3 câu hỏi này, ông Yaghi kể lại câu chuyện của mình khi 10 tuổi: "Giờ ăn trưa tôi lại đến thư viện, thấy một cuốn sách. Trong đó có hình ảnh là mô hình phân tử mà khi đó tôi chưa biết là gì, nhưng ấn tượng, đáng nhớ. Nhiều năm sau càng quan tâm hình ảnh đó và mới biết đó là hình ảnh một phân tử. Hồi còn nhỏ không thể hình dung đó là khởi điểm tình yêu của tôi dành cho hóa học và vật liệu. Từ đó dẫn đến đam mê và phát minh của tôi trong tạo ra vật liệu mới Vật liệu khung cơ kim MOFs. Đó là câu trả lời cho 3 câu hỏi vừa rồi".

Phát minh đoạt giải lần này của GS Yaghi về MOF và COF có ý nghĩa lớn trong việc làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn. Ngoài ra, máy thu nước MOF của GS Yaghi đã được chứng minh có tiềm năng cung cấp nước sạch mọi lúc mọi nơi, nhờ đó giúp con người có thể tự chủ về nguồn nước. Các cấu trúc dạng nano xốp này có thể được sử dụng để thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hóa học của nhiều loại khí và phân tử. Chúng có một loạt ứng dụng tiềm năng trong hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang không carbon thuần, tinh chế, xúc tác và cảm biến.

giai thuong khoa hoc anh 17
giai thuong khoa hoc anh 20

Sau những chia sẻ thú vị về nước, không khí sạch..., khán phòng trầm lặng đi khi màn hình lớn xuất hiện một đoạn phim ngắn về cô bé Như Linh - một bé với dị tật bẩm sinh từ nhỏ về tay. Cô bé không có bàn tay, không thể cầm nắm đồ vật như những đứa trẻ khác. Đó là phần giới thiệu cho phát minh về da điện tử của nhà khoa học nữ Zhenan Bao.

"Tôi thực sự xúc động về câu chuyện của bé gái trong video. Đó cũng chính là động lực cho phát minh khoa học của tôi. Theo đuổi đam mê trong lĩnh vực này đã nhiều năm, tôi tự tin có thể nghiên cứu về phân tử, có thể tạo ra bất cứ phân tử nào tôi muốn, nhưng tôi muốn tìm ra cái nào phải có ý nghĩa với con người, có tính ứng dụng thực tế cao", GS Zhenan Bao nói.

Các vật liệu hữu cơ mới từ phát minh đoạt giải VinFuture lần này của GS Bao có các đặc tính giống da người, như khả năng co dãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học. Điều này đang thay đổi cách con người tương tác với các thiết bị điện tử. Các vật liệu này cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người và có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép.

Cuối buổi chia sẻ của bà, cả khán phòng đứng dậy vỗ tay khi cô bé Như Linh - nhân vật trong video mở màn bất chợt bước tới, ôm theo bó hoa lớn để gửi tặng GS Bao với lời cảm ơn chân thành về phát minh nhân văn của bà.

giai thuong khoa hoc anh 21
giai thuong khoa hoc anh 24

Là câu chuyện của những nhà khoa học tới từ các nước đang phát triển, nghiên cứu của vợ chồng GS Karim đã được UNAIDS và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ HIV/AIDS tại châu Phi và trên toàn thế giới. Chia sẻ về quá trình nghiên cứu của mình, GS Karim cho rằng mình là "nhà khoa học có nhiều thất bại nhất" khi nghiên cứu của ông đã kéo dài nhiều năm với vô vàn đổ bể và những cái lắc đầu.

"Nhưng sau cùng chúng tôi đã thành công. Với bằng sáng chế về phát minh này, chúng tôi cống hiến nó cho Chính phủ nước nhà mà không mong cầu bất cứ lợi nhuận cá nhân nào. Chúng tôi làm nghiên cứu để giúp đỡ người dân của đất nước mình, khu vực mình và rộng ra là trên toàn thế giới. Chúng tôi cố gắng làm điều này với tất cả khả năng mình có. Giải thưởng không chỉ dành cho vợ chồng tôi mà đây là tia sáng hy vọng dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển đang làm việc miệt mài trong các phòng nghiên cứu để tạo ra điều khác biệt tốt hơn cho thế giới", GS Karim nói.

giai thuong khoa hoc anh 25

"Cả một thập kỷ và còn nhiều thập kỷ nữa, nhà nghiên cứu thường là tâm điểm sân khấu, như lần này. Ước gì các đồng nghiệp cũng đứng cùng tôi tại đây. Những con người suốt nhiều thập kỷ qua đứng sau các nghiên cứu, hôm nay tôi chỉ thay mặt các đồng nghiệp của mình", GS Kariko bắt đầu buổi chia sẻ của mình về hành trình của bà trong khoa học.

GS Kariko tiếp tục buổi trò chuyện với sự thừa nhận mình từng thất bại nhiều lần và trước khi phát minh về mRNA của bà được công nhận dường như thế giới không biết đến bà là ai. Cho đến hiện tại, đã có 150 quốc gia đã được hưởng lợi từ sự ra đời của vaccine Covid-19 mRNA. Hiệu quả của vaccine: 95,3% phòng bệnh nặng; 95% chống lại bệnh nặng hoặc nguy cơ tử vong do các biến chủng Alpha và Beta; 96% hiệu quả ngăn ngừa việc nhập viện; 88% chống lại bệnh có triệu chứng từ biến chủng Delta; Hiệu quả của mũi tiêm đầu tiên: 52% (CDC).

GS Kariko cũng cho biết bà đánh giá cao về giải thưởng VinFuture lần này bởi những khắt khe mà ban hội đồng đặt ra cho các nghiên cứu, đặc biệt là việc yêu cầu các phát minh, công trình khoa học phải được áp dụng vào thực tiễn và đã đạt được hiệu quả nhất định.

giai thuong khoa hoc anh 26

Với GS Weissman, mở ra tương lai hợp tác cùng các nhà khoa học Việt Nam là mục đích chính cho chuyến đi lần này sau khi ông đã làm việc với Thái Lan 6 năm, Malaysia, Singapore và nhiều nước khác.

"Với dịch bệnh hiện tại, Mỹ và châu Âu đã bao phủ vaccine tốt. Nhưng còn nhiều quốc gia ở châu Phi và trên thế giới chưa tiếp cận. Phải sản xuất, cung cấp vaccine cho họ hoặc cung cấp năng lực để họ tự chủ, tự sản xuất, cung cấp vaccine. Khi đó sau khi Covid-19 kết thúc, với công nghệ đã được chuyển giao, các quốc gia này có thể tự chủ sản xuất vaccine, không phải phụ thuộc vào các công ty khác. Các vấn đề của quốc gia nên được giải quyết bởi chính quốc gia đó", GS Weissman nói.

giai thuong khoa hoc anh 31

Tương lai hội tụ của khoa học thế giới tại Việt Nam

Tuần lễ Giải thưởng VinFuture diễn ra trong các ngày 18-21/1 nhằm tôn vinh những phát kiến có thể đem lại tác động thực tiễn và tích cực cho cuộc sống của hàng tỷ người. VinFuture Prize được lập ra để nuôi dưỡng những ý tưởng tưởng chừng điên rồ, nhưng có thể giúp ích cho nhân loại trong lâu dài, với tiêu chí trao giải thưởng cho các nghiên cứu đột phá và đổi mới công nghệ đi trước thời đại, đồng thời hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế trong giai đoạn then chốt của sự nghiệp để giúp họ phát huy hết tiềm năng.

giai thuong khoa hoc anh 32
giai thuong khoa hoc anh 35

Đến nay, giải thưởng VinFuture Prize đã nhận gần 600 đề cử từ 60 quốc gia sau 4 tháng tiếp nhận. Gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều người trong đó từng nhận các giải thưởng cao quý như Giải Nobel, Giải Breakthrough, Giải Japan Prize…

GS Richard Friend, Đại học Cambridge (Anh), cho biết ông tự hào khi được đồng hành cùng giải VinFuture năm đầu tiên trong tư cách Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng. Nói về chất lượng các đề cử, ông cho biết: “Chúng tôi nhận được hồ sơ không những nhiều về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng. Với hồ sơ như vậy, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể cảm thấy tự hào”.

giai thuong khoa hoc anh 36

VinFuture được đánh giá khác biệt vì mang những phát kiến có giá trị thực tiễn đến những người thường không có cơ hội tiếp cận những công trình lớn lao. “Với tôi, giải thưởng này rất đặc biệt vì tôi là người Việt Nam. Đây không chỉ là giải thưởng của Quỹ VinFuture mà còn là giải thưởng đại diện cho đất nước và người dân Việt Nam”, GS Nguyễn Thục Quyên - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo VinFuture - Đại học California (Mỹ) nói trong buổi giao lưu.

giai thuong khoa hoc anh 37

Vào ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại 20/12/2020, Quỹ hoạt động phi lợi nhuận VinFuture đã thành lập Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture. Hệ thống Giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó Giải thưởng chính (trị giá 3 triệu USD) là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới; 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới. Đây là điểm khác biệt nhân văn của VinFuture trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những “vùng trũng” hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận