Năm 32 tuổi, Hưng, một Việt kiều sinh sống tại Mỹ, quyết định đi triệt sản vì thấy bạn gái căng thẳng, sợ có thai ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, không bao lâu sau khi thực hiện thắt ống dẫn tinh, Hưng và bạn gái chia tay. Anh nên duyên cùng người mới. Vì tình yêu và mong ước có con chung, họ quyết định đăng ký kết hôn, về Việt Nam tìm biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Tháng trước, hai vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCM) xin tư vấn. Theo ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học của Trung tâm, nhóm nam giới triệt sản nhưng sau đó muốn có con đến điều trị tại IVFTA-HCM ngày càng gia tăng. Những trường hợp này chủ yếu từng có đủ con và chọn triệt sản như một phương pháp ngừa thai. Tuy nhiên, sau đó, một số người đổ vỡ hôn nhân rồi tái hôn nên muốn có con với người mới. Một số khác bị mất con ngoài ý muốn (do bệnh tật hoặc tai nạn). Một số trường hợp gặp phải biến cố như tai nạn giao thông, động vật tấn công, biến chứng sau phẫu thuật vùng chậu hoặc bẹn, bìu... làm tổn thương ống dẫn tinh khiến không thể có con một cách tự nhiên. Họ đến gặp các chuyên gia để nhờ "phục hồi" đường ống dẫn tinh.
Trong khoảng 16 năm gắn bó điều trị hiếm muộn, đây là lần đầu tiên bác sĩ Khoa thấy trường hợp nam thanh niên trẻ tuổi, chưa lập gia đình, chưa có con lại triệt sản như Hưng. "Có lẽ là do ảnh hưởng văn hóa phương Tây vì ở Mỹ, phương pháp thắt, cắt ống dẫn tinh khá phổ biến (với khoảng 500.000 ca mỗi năm) và bệnh nhân thường có tâm lý nghĩ rằng thắt được thì chắc sẽ tháo ra được dễ dàng", bác sĩ Khoa nói.
Hưng đứng trước 3 lựa chọn: một là phẫu thuật nối ống dẫn tinh và chờ đợi để có con tự nhiên; hai là thực hiện thủ thuật trích tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF); ba là phẫu thuật nối ống dẫn tinh kết hợp trữ tinh trùng dự phòng, trong trường hợp nối ống dẫn tinh thất bại vẫn có thể có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Theo bác sĩ Khoa, thắt ống dẫn tinh để triệt sản là biện pháp mang lại hiệu quả tránh thai cao nhất (gần 100%). Dù vậy, điểm yếu của phương pháp này là tính chất vĩnh viễn. Khi muốn có con, việc khôi phục về tình trạng ban đầu phụ thuộc rất nhiều yếu tố. "Đập đi thì dễ, xây lại khó khăn và tốn kém", bác sĩ Khoa nhấn mạnh.
Tỷ lệ thành công nối ống dẫn tinh là khoảng 90-95%, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: phương pháp thực hiện, vị trí nối, thời gian triệt sản, các bệnh lý nam khoa kèm theo, trang thiết bị y tế và trình độ tay nghề bác sĩ.
Hai vợ chồng Hưng quyết định chọn phẫu thuật nối ống dẫn tinh kết hợp lấy tinh trùng để trữ đông. Trong trường hợp phẫu thuật thất bại, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện IVF.
Sau một tuần phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, nam Việt kiều đã có tinh trùng trở lại. Trong thời gian đầu, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy lượng tinh trùng nhiều nhưng khả năng di động kém. Tuy nhiên, điều này sẽ cải thiện dần theo thời gian. Người được nối ống dẫn tinh sau đó sẽ có thể phục hồi khả năng có con tự nhiên.
Từ trường hợp của Hưng, bác sĩ Khoa khuyến cáo, hiện đã có nhiều phương pháp tránh thai hiện đại, an toàn, ít xâm lấn, nên nam giới không nhất thiết phải triệt sản. Tuy nhiên, nếu nam giới vẫn quyết tâm chủ động chọn phương pháp này thì có thể cân nhắc trữ tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản trước khi tiến hành.
Tuệ Diễm
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận