Nỗi lo cơm áo gạo tiền có thể dẫn đến bệnh tật nào?

Nỗi lo cơm áo gạo tiền có thể dẫn đến bệnh tật nào?

Một một cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy 2/3 chuyên gia tâm lý ở Hiệp hội tư vấn và trị liệu tâm lý Ah (BACP) tin rằng những lo lắng về chi phí sinh hoạt sẽ khiến khỏe tâm thần của mọi người xuống cấp. Bạn có thể cho rằng lo lắng chỉ là vấn đề của đầu óc, nhưng thực tế, căng thẳng tâm lý tác động đến cả thể chất theo nhiều cách.

Theo tiến sĩ Zoe Gotts, nhà tâm lý học lâm sàng tại London Sleep Centre, tâm trạng lo lắng ảnh hưởng đến mọi hệ thống cơ thể, từ nhịp tim đến hơi thở và não. Dù căng thẳng, ở mức độ vừa phải, thúc đẩy chúng ta hành động và giữ an toàn cho bản thân, nhưng về lâu dài, điều đó có thể gây tác động xấu.

Gotts cho rằng căng thẳng quá mức sẽ dẫn đến phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy", một dạng phản ứng của cơ thể khi cảm nhận một sự kiện có thể đe dọa, tấn công, hay gây bất ổn cho sự an nguy. Phản ứng này khiến nồng độ của hai hormone cortisol và adrenaline trong máu tăng lên. Đây là những hormone có khả năng ức chế hệ thống tiêu hóa, miễn dịch và sinh sản, đồng thời gây rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng

Cẳng thẳng tiền bạc có thể dẫn đến những dấu hiệu bất ổn rõ ràng về sức khỏe thể chất. Simon Coombs, nhà tâm lý trị liệu của BACP, nói: "Các biểu hiện rõ ràng gồm giấc ngủ kém, dễ cáu kỉnh, năng lượng thấp và hay chảy nước mắt. Một số người không thiết ăn uống, vì vậy, họ dễ bị ốm bệnh hơn và phải nghỉ làm".

Gotts cho biết tâm trạng lo lắng thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe trầm trọng hơn như chứng đau nửa đầu, đau lưng và cơ bắp, bệnh dạ dày và tiêu hóa, mất ngủ, huyết áp cao và rối loạn nhịp tim.

Căng thẳng quá mức cũng có thể khiến mọi người dễ rơi vào những hành vi không lành mạnh. Ví dụ, ăn quá nhiều, lạm dụng rượu và ma túy, cũng như lối sống ít vận động như xem tivi và chơi game. Tiêu thụ đồ ăn vặt để giải khuây hoặc uống nhiều cà phê hơn vào những đêm mất ngủ, trong khi không có đủ năng lượng tập thể dục, có thể tạo ra vòng luẩn quẩn.

Lo lắng về tiền bạc có thể khiến bạn mất ngủ, lười vận động, ăn uống thất thường, làm tăng rủi ro bệnh tật. Ảnh: Freepik

Lo lắng về tiền bạc có thể khiến bạn mất ngủ, lười vận động, ăn uống thất thường, làm tăng rủi ro bệnh tật. Ảnh: Freepik

Coombs cảnh báo chế độ ăn uống nghèo nàn sẽ dẫn đến thể chất uể oải, lười vận động. Hệ quả là tình trạng tâm lý của bạn sẽ xấu đi, với các biểu hiện lo lắng và trầm cảm. Mặt khác, rủi ro về sức khỏe thể chất như béo phì, tiểu đường và bệnh tim đều có tăng lên do chế độ ăn uống kém lành mạnh, ít tập thể dục và sức khỏe tinh thần kém, Coombs nói.

Để phục hồi các vấn sức khỏe nảy sinh từ nỗi lo tài chính, các chuyên gia cho rằng bạn cần nhận diện và giải quyết các triệu chứng căng thẳng.

"Điều quan trọng là phải chú ý đến cơ thể và nhận biết khi nào bạn đang cảm thấy căng thẳng. Ví dụ, bạn có thấy khó thư giãn không? Bạn có thấy quá căng thẳng khi chuyện với người khác? Giấc ngủ của bạn có bị xáo trộn không?", Gotts nói.

Tập thể dục có thể là một liều thuốc giảm stress cực kỳ hiệu quả vì điều này sẽ làm tăng nồng độ chất truyền dẫn thần kinh serotonin, được xem là "hormone hạnh phúc". Serotonin cho phép chúng ta suy nghĩ minh mẫn hơn, tràn trề năng lượng và động lực hơn để đương đầu với những thách thức.

Theo Coombs, chỉ cần đi bộ trong bầu khí không khí trong lành, những lo toan quay cuồng trong tâm trí sẽ dịu lại. Điều này là nhờ khi đi bộ, cơ thể bạn giải phóng endorphin, một loại hormone hạnh phúc khác, giúp giảm lo lắng và khuyến khích hành động.

Chế độ ăn uống cân bằng và sự hỗ trợ của bác sĩ cũng rất quan trọng. Nếu quá lo lắng về sức khỏe thể chất, bạn phải liên hệ với bác sĩ và nếu cần, hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp hơn từ một nhà tâm lý trị liệu.

Bạn có thể chạy trốn nỗi lo thực tại về vấn đề tài chính. Nhưng Coombs khuyên bạn hãy đối diện với nó và hành động để giải quyếtm thay vì trì hoãn. Hành động sẽ tạo cho bạn sức mạnh chiến đấu đáng kinh ngạc, dù ban đầu, điều này có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi.

"Điều quan trọng là bạn phải hành động với một đầu óc minh mẫn nhất có thể", ông nói.

Bạn nên thực hiện các bước thiết thực để luôn kiểm soát tình hình tài chính, "Ví dụ, bạn hãy thiết lập ngân sách tiết kiệm bằng cách xác định những lĩnh vực có thể giảm chi tiêu", Gotts khuyên.

Nếu cần, bạn có thể tìm đến một cố vấn tài chính, hoặc nói chuyện với bạn bè, gia đình để tìm lời khuyên.

Hồng Vân (Theo Telegraph)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận