Uống trà sữa có gây nghiện?

Uống trà sữa có gây nghiện?

Uống nhiều trà sữa có gây hại gì không, tôi nên làm gì để cải thiện? (Minh Trang, 27 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

Trà sữa hiện phổ biến và được nhiều người yêu thích. Thức uống này có một số ích lợi nhất định với cơ thể song mang lại tác hại nhiều hơn.

Phân tích trên một ly trà sữa thực tế được bày bán hiện nay thì hàm lượng dinh dưỡng không nhiều. Sữa dùng để pha chế làm từ đường và bột béo, không phải loại sữa thông thường chúng ta sử dụng. Tính trên một ly trà sữa 500 ml cho thấy có khoảng 30 g đường, tương đương 120 kcal; khoảng 30 g bột béo chủ yếu làm từ dầu cọ, dầu chiết xuất từ hạt với 55% đường, 35% chất béo, tương đương 160 kcal.

Trong trà sữa có trân châu, thành phần chủ yếu là bột năng và đường, chất béo; 15-20 g trân châu tương đương 80 kcal. Như vậy một ly trà sữa trân châu có khoảng 300-350 kcal; nếu bao gồm siro và nguyên liệu khác như thạch, kem cheese... thì có thể vượt 450-500 kcal năng lượng. Ngược lại thành phần chất đạm, vitamin và chất xơ trong trà sữa rất thấp.

Có một dạng trà sữa nhà làm khác, pha từ trà, sữa tươi, đường và trân châu, thì một ly 500 ml sẽ tương đương khoảng 200-250 kcal năng lượng, có vẻ an toàn hơn so với trà sữa bán sẵn.

Trà sữa kích thích vị giác và cung cấp nhiều năng lượng, song không có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Trà sữa kích thích vị giác và cung cấp nhiều năng lượng, song không có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Từ đây, ta thấy trà sữa cung cấp nguồn năng lượng lớn, có thể ích lợi với những người cần tăng cân. Tuy nhiên, năng lượng kcal chủ yếu đến từ chất đường, thiếu chất đạm, vitamin và các chất cần thiết khác, vì vậy dễ tích tụ thành mỡ thừa trong cơ thể, có thể gọi là "calo rỗng". Việc tăng cân do mỡ thừa sẽ gây nguy cơ béo phì, mỡ nội tạng và mỡ trong máu. Ngoài ra, lượng đường rất cao trong trà sữa sẽ làm rối loạn chuyển hóa, tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường.

Uống trà sữa với hàm lượng đường và chất béo cao, còn khiến mọi người cảm thấy khó tiêu, không muốn ăn thêm các chất dinh dưỡng khác, từ đó gây thiếu chất. Chất tanin có trong trà làm giảm hấp thu vi chất có lợi cho cơ thể (ví dụ sắt, canxi) nên tiêu thụ quá nhiều có thể gây nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Caffeine có trong trà mặc dù ít nhưng cũng có thể gây mất ngủ, hồi hộp, bồn chồn, hoa mắt, chóng mặt.

Triệu chứng của bạn khi không được uống trà sữa thì cảm thấy bứt rứt khó chịu có thể là dấu hiệu nghiện trà sữa. Thực tế, trà sữa có khả năng gây nghiện. Ly trà sữa có mùi hương kích thích vị giác. Trong trà có caffein, tăng cảm giác hưng phấn, thoải mái. Bên cạnh đó, trà sữa có nhiều đường, kích thích não bộ tiết ra hormone dopamine, còn gọi là hormone vui vẻ, hạnh phúc. Đây là tín hiệu từ não bộ nhằm củng cố hành vi, kích thích cơ thể tiếp tục uống trà sữa, khiến trà sữa gây nghiện.

Để cải thiện tình trạng uống nhiều trà sữa, bác sĩ khuyên nên từ từ loại bỏ trà sữa khỏi thực đơn hàng ngày, không cắt giảm đột ngột để tránh phản tác dụng. Nếu một tuần uống 6-7 ly, mỗi ngày một ly thì bạn có thể giảm xuống 2-3 ngày, uống một ly, tiến tới một tháng uống 2-3 lần với lượng vừa phải. Khi mua trà sữa, bạn nên giảm lượng đường bổ sung xuống, từ 100% còn 50%, cuối cùng là 0%.

Khi đã uống trà sữa, bạn phải cắt giảm các thực phẩm đường bột khác, ví dụ cơm, mì, bún và các loại đồ ăn uống ngọt... Đồng thời, tăng bổ sung rau xanh và trái cây, cân bằng vitamin và khoáng chất; bữa ăn cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, cơ thể không bị đói. Để giảm tác hại uống trà sữa ngoài quán, bạn nên tự làm trà sữa, hoặc tìm công thức lành mạnh hơn.

ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận