Hướng dẫn sao lưu dữ liệu Android trọn gói bằng FlashFire

Hướng dẫn sao lưu dữ liệu Android trọn gói bằng FlashFire

Bình thường chúng ta sẽ sao lưu dữ liệu thiết bị Android bằng cách copy thủ công, cao cấp hơn một chút thì dùng custom recovery để sao lưu. Tuy nhiên, nhược điểm của những giải pháp này đó là mất công, mất thời gian, custom recovery nhiều khi cũng phức tạp không phải ai cũng có thể làm được. Hôm nay xin giới thiệu một giải pháp khác hay hơn để tham khảo: FlashFire. Ứng dụng này do lập trình viên ChainFire làm ra, nó dành cho các máy đã root và có thể sao lưu tất cả mọi thứ trong thiết bị Android của bạn mà không phải đi vào custom recovery, không dòng lệnh, tất cả đều được thực hiện như cách mà chúng ta sử dụng một app rất bình thường. Chưa hết, FlashFire còn hỗ trợ flash các file ZIP và ROM ngay từ trong ứng dụng luôn, thậm chí còn hỗ trợ cập nhật Over The Air cho máy đã root nữa.

Yêu cầu

+ Máy chạy Android 4.2 trở lên. Lưu ý tác giả phần mềm nói rằng đây chỉ là lý thuyết, tốt nhất là nên có máy từ Android 4.4 trở lên vì đã được thử nghiệm.

+ Máy của bạn buộc phải root, không root thì FlashFire sẽ không hoạt động

+ Theo như trên diễn đàn XDA thì các máy Samsung, LG, Sony, HTC, Huawei, Motorola và Nexus đều được hỗ trợ, tuy nhiên không thể chắn chắn tương thích 100%.

Hướng dẫn cách cài đặt

+ Bấm vào đây.

+ Nhấn nút "I want to be a tester".

+ Nhấn tiếp vào đường dẫn tới Play Store.

+ Cài ứng dụng FlashFire vào máy của bạn như bình thường.

+ Chạy ứng dụng lên, đồng ý cấp quyền root cho nó.

Hướng dẫn cách sử dụng

1. Sao lưu dữ liệu

Như đã nói ở trên, FlashFire có khả năng sao lưu toàn bộ thiết bị Android của chúng ta chỉ với một cái cái click đơn giản. Sau khi đã chạy được ứng dụng thành công, bạn hãy nhấn vào biểu tượng hình tròn ở góc dưới bên phải màn hình, chọn Backup.

Ở đây có rất nhiều kiểu cho bạn lựa:

+ Normal backup: sao lưu bình thường, đủ để khi nào máy bị hư hỏng gì đó về phần mềm thì có thể restore lại và chạy tiếp. Những phân vùng sẽ được sao lưu bao gồm boot, system (hệ điều hành và app), internal storage (bộ nhớ trong) và một số cái nhỏ nhỏ lặt vặt khác.

+ ID: sao lưu các dữ liệu định danh của thiết bị, bao gồm ID máy, số IMEI... Lý do là vì một vài thiết bị khi unlock bootloader hay can thiệp sâu hơn có thể làm mất đi các thông tin này, nhất là các máy HTC.

+ Full: sao lưu tất cả mọi phân vùng có trong máy, an toàn nhất và nên chọn nếu bạn có dư dả thời gian và dung lượng bộ nhớ.

+ Raw: chỉ sao lưu các phân vùng hệ thống, không quan tâm đến dữ liệu của cá nhân bạn.

+ Fastboot: tạo một bản sao lưu có khả năng flash từ chế độ fastboot. Hơi giống Full backup nhưng có thể chạy độc lập từ chế độ fastboot.

Hướng dẫn sao lưu dữ liệu Android trọn gói bằng FlashFire

Sau khi đã chọn chế độ sao lưu xong, nhớ chọn vào phần Location nếu bạn cần đổi nơi lưu sao lưu. Ví dụ, có thể bạn không muốn lưu file sao lưu lên bộ nhớ trong mà cần lưu vào thẻ nhớ hay ổ USB chẳng hạn.

Khi đã hoàn tất, bạn nhấn vào biểu tượng Flash màu đỏ rồi để yên đó cho máy tự làm. Lưu ý khi máy đang sao lưu thì không đụng gì vào thiết bị, không tắt nguồn, nói chung là để máy yên đó. Trong quá trình này máy có thể tự khởi động lại nhiều lần.

Lưu ý:

+ Các file sao lưu sau khi đã chạy xong sẽ nằm ở thư mục /sdcard/FlashFire/Backup. Trong đó sẽ có nhiều thư mục, mỗi thư mục là một bản sao lưu mà bạn đã chạy. Copy nguyên thư mục này rồi lưu vào máy tính hay chỗ nào đó an toàn để mai mốt bạn có thể khôi phục lại được, chứ nếu để trên điện thoại lỡ máy hư thì xem như là mất hết.

+ Không thay đổi hay tự chỉnh sửa tên các file nằm trong các bản sao lưu vì có thể bạn sẽ làm cho FlashFire không nhận biết được file đó có tác dụng gì => sao lưu hỏng.

2. Khôi phục dữ liệu

Vụ này thì dễ rồi. Giả sử máy của bạn bị hỏng phải reset lại từ đầu. Khi máy đã chạy lên được, bạn sẽ cài lại FlashFire, copy bản sao lưu của mình từ máy tính vào, sau đó cũng ấn vào nút tròn ở góc dưới bên phải. Tại đây, chọn Restore rồi chọn tiếp bản sao lưu mà bạn muốn khôi phục là xong. Lưu ý quá trình này có thể mất khá nhiều thời gian, đôi khi lên tới vài chục phút tùy vào dung lượng dữ liệu của bạn là bao nhiêu.

Nếu bạn muốn khôi phục lại từ một bản sao lưu Fastboot, bạn sẽ phải gắn điện thoại vào máy tính, sau đó chạy file flash-all.bat từ máy tính Windows, Linux, OS X. Bạn cũng có thể flash file ZIP Fastboot này bằng FlashFire trên điện thoại nhưng việc này không được khuyến khích.

Xem hướng dẫn chi tiết hơn và các tính năng khác của FlashFire tại đây.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận