Giải đấu Chung kết thế giới Liên Minh Huyền Thoại 2023 (CKTG 2023) đã kết thúc ngày 19.11 vừa qua với những con số gây sốt: hơn 3 triệu người xem cùng lúc (không tính Trung Quốc) cho trận tứ kết và hơn 6,4 triệu người xem trận chung kết, trở thành sự kiện thể thao điện tử chuyên nghiệp có lượt xem cao nhất mọi thời đại. Trước đó, giải đấu Free Fire World Series (Singapore) từng nắm giữ kỉ lục này với 5,4 triệu người. Tổng giải thưởng của giải đấu do Riot công bố cũng cao ở mức kỉ lục là 2,225 triệu USD (khoảng 55 tỉ đồng).
Lên ngôi vô địch 4 lần, T1 (đội Liên Minh Huyền Thoại đến từ Hàn Quốc) đã nhận được lời chúc mừng từ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, khẳng định T1 đã lấy lại niềm tự hào cho đất nước và ông nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho ngành game trong thời gian tới.
Giải đấu cũng thu hút đông đảo người hâm mộ Việt Nam, dù 2 đại diện của Việt Nam đã phải sớm dừng bước tại vòng loại. Sự kiện Viewing Party trận chung kết do Ban tổ chức VCS (Vietnam Championship Series) phối hợp cùng YouTube Gaming tổ chức ngày 19.11 đã thu hút hơn 3.200 người theo dõi trực tiếp cùng nhau tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM. BTC cũng cho biết, 1.400 vé xem trận chung kết đã được bán hết chỉ sau 1 giờ mở bán. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có những buổi xem tập trung truyền hình trực tiếp quy mô lớn, có sự hỗ trợ từ nhà phát triển, nhà phát hành game, giúp người hâm mộ Việt Nam được trải nghiệm tiệm cận với cộng đồng thể thao điện tử tại các nước phát triển khác.
Trước đó vào tháng 8.2023, Liên Minh Huyền Thoại cũng đã được đưa vào thi đấu chính thức giành huy chương tại ASIAD 19, một bước tiến mới kể từ ASIAD 18 - lúc đó thể thao điện tử chỉ được coi là bộ môn trình diễn.
Không khó để lí giải vì sao thể thao điện tử lại tạo ra những cơn địa chấn nói trên, dù đây mới chỉ là Vòng chung kết của một tựa game nổi tiếng. Nếu cộng dồn các giải thể thao điện tử lớn mỗi năm, số người theo dõi trực tuyến trên thế giới trong năm 2022 lên đến gần 1 tỉ người, và không ngừng gia tăng mỗi năm, theo Newzoo.Trong khi chi phí bản quyền quá lớn của các giải bóng đá lớn như World Cup, Euro, Ngoại hạng Anh,... có thể là rào cản khiến công chúng nhiều quốc gia không thể tiếp cận thì ngược lại, tính đại chúng và khả năng tiếp cận dễ dàng trên các nền tảng livestream chính là yếu tố giúp thể thao điện tử có sự bùng nổ nhanh như vậy.
Nhờ tính đại chúng, thể thao điện tử trở thành một kênh hiệu quả cho các nhãn hàng quảng bá hình ảnh, sản phẩm thông qua việc tài trợ trang phục, thiết bị, giải thưởng và với mức chi phí khả thi theo từng ngân sách của doanh nghiệp. Mercedes-Benz là một trong số các nhà tài trợ toàn cầu đã đồng hành cùng giải đấu Liên Minh Huyền Thoại từ rất sớm và tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác 4 năm liên tiếp cho đến năm 2025. Thống kê của Newzoo cũng cho thấy, doanh thu thể thao điện tử năm 2022 đạt gần 1,4 tỉ USD, nguồn thu này đến từ phí bản quyền, phí tài trợ, mua bán các vật phẩm trực tuyến, vé xem, phí phát hành, streaming.
Các quốc gia trên thế giới có đã có những phương thức khác nhau để khai thác thế mạnh của ngành công nghiệp này. Đơn cử như Singapore, họ coi đây là cách hiệu quả để quảng bá du lịch thông qua việc đăng cai tổ chức các sự kiện game và thể thao điện tử lớn như Gamescom châu Á, giải vô địch Free Fire World Series 2022, giải ICON Global Championship (Tốc chiến). Giám đốc điều hành thể thao của Hội đồng Du lịch Singapore (STB), bà Ong Ling Lee đã chia sẻ tầm nhìn tích cực về các giải đấu lớn: "Chúng tôi rất mong chờ những khách du lịch quốc tế sẽ đến với Singapore, các sự kiện thể thao điện tử nói riêng và thể thao nói chung sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển những sự kiện trọng đại, thu hút khách du lịch của STB".
Tỷ lệ tạo ra lợi nhuận (ROI) của ngành rất hấp dẫn cũng đã khiến Trung Đông để mắt và xây dựng những đặc khu riêng với ưu đãi về chính sách để thúc đẩy các công ty sản xuất trò chơi điện tử, sau khi nhận ra ngành này có thể thay thế dầu mỏ trở thành "vàng đen" mới. Theo Niko Partners, doanh thu ngành game chỉ riêng 3 nước trong khu vực này gồm Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ai Cập, được dự báo sẽ tăng từ 1,8 tỉ USD năm 2022 lên gần 2,8 tỉ USD năm 2026.
Bên cạnh đó, thể thao điện tử cũng là bộ môn đem lại huy chương quốc gia ở các giải thể thao khu vực và thế giới, giải quyết được bài toán về sự chênh lệch thể lực ở nhiều nơi.
Nếu so với bóng đá, tennis, thể thao điện tử có lịch sử phát triển tương đối non trẻ. Tuy nhiên, những đặc điểm phía trên đã cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn từ bộ môn này, cùng với đó là những lợi ích mà các quốc gia sẽ thu được nếu đầu tư hiệu quả.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận