Apple thiết kế dòng máy tính xách tay MacBook có vỏ bằng hợp kim nhôm để giảm trọng lượng, tăng tính thẩm mỹ và chắc chắn hơn so với sử dụng vật liệu bằng nhựa. Tuy nhiên điểm yếu của vỏ kim loại là dễ móp méo khi chịu tác động ngoại lực. Thực tế, việc trầy, móp vỏ máy tính luôn là vấn đề với nhiều người dùng MacBook nói riêng hay các dòng laptop sử dụng chất liệu hợp kim để làm vỏ nói chung.
Tại Việt Nam, hiện có một số cơ sở sửa chữa nhận khắc phục lỗi cong vênh, móp méo trên vỏ máy tính, đặc biệt là MacBook do nhu cầu dịch vụ này khá cao. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi người có tay nghề, kinh nghiệm và thủ thuật riêng nên không nhiều nơi nhận làm.
Tuấn Anh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết chiếc MacBook của anh bị móp góc bo viền trong một lần mạnh tay đặt túi đựng xuống đất, đã tìm nhiều tháng nhưng không có cơ sở nào ở Hà Nội nhận làm mà chỉ có ở TP.HCM và Đà Nẵng. "Tại Hà Nội có người nhận 'ủi' phẳng chỗ móp do nhôm dập để máy có thể đóng khít nắp lại, nhưng họ không thể làm phần hư hại phục hồi nguyên trạng", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Dù chiếc máy tính bị móp vỏ gây vênh khi đóng màn hình, anh vẫn chấp nhận sử dụng do không muốn gửi máy vào các địa chỉ ở TP.HCM hay Đà Nẵng vì nhiều lý do. Trong chuyến công tác mới đây, Tuấn Anh quyết định mang theo thiết bị và "đặt niềm tin" vào một cửa hàng do các thành viên trong nhóm cộng đồng người dùng MacBook chia sẻ.
Sau khi đưa đến cửa hàng để đánh giá tình trạng, kỹ thuật viên tại đây cho biết thiết bị của anh có thể được phục hồi gần như nguyên trạng mà không cần tháo vỏ, với chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng cho một vị trí móp méo và có thể nhận lại máy ngay trong ngày. Khi nhận lại chiếc MacBook vào cuối ngày, Tuấn Anh cho biết "không thể tin vào mắt mình" khi mẫu laptop vỏ nhôm của anh nhìn mới như chưa từng có va chạm.
"Vị trí bị móp và vênh hoàn toàn biến mất, vết lõm đã được phủ đầy và tạo bo tròn giống hệt nguyên bản, màu sơn cũng giống", anh đánh giá.
Theo anh Quốc Huy, kỹ thuật viên thiết bị di động (ngụ tại quận 10, TP.HCM), việc khôi phục vỏ máy tính bằng nhôm, đặc biệt là MacBook đã có cách nay vài năm nhưng không phổ biến do các công đoạn làm khá khó khăn, tốn thời gian. "Không phải cứ đủ trang thiết bị là làm được, còn phụ thuộc vào tay nghề để biến chiếc máy về càng giống nguyên trạng càng tốt", anh Huy nhấn mạnh.
Chủ một địa điểm "làm đẹp" cho máy tính tại TP.HCM tiết lộ việc phục hồi vỏ MacBook cần tới bột nhôm cán mịn để đắp vào các vị trí bị khuyết, móp, sau đó được cố định bằng keo và cuối cùng là sơn phủ: "Sau khi giám định hư hại, kỹ thuật viên sẽ mài phẳng các vị trí vênh hoặc bị khuyết, đắp hỗn hợp bột nhôm và keo vào chỗ móp để làm đầy lại như cũ, lại tiếp tục đánh nhẵn bề mặt rồi tiến đến sơn". Anh cũng xác nhận màu sơn mới có thể nhìn giống màu gốc, nhưng kém bền và có thể nhận thấy sự khác biệt bằng cách thay đổi góc nhìn hay cường độ ánh sáng.
"Người dùng muốn bảo vệ lớp sơn ấy thì nên dán keo trong để giữ, tránh việc bong tróc sau một thời gian sử dụng. Phương án phục hồi vỏ hiệu quả với người dùng không thích nhìn thiết bị có vấn đề về ngoại quan, không phải là giải pháp để bán lại sản phẩm với giá cao vì vẫn có thể nhận ra nếu quan sát kỹ", kỹ thuật viên này tư vấn.
Đối với những thiết bị lỗi nặng như cong vênh khiến hở chi tiết máy hay bị gãy, dập vỏ có nguy cơ ảnh hưởng đến linh kiện, người xử lý sẽ cần tháo rời thiết bị để đưa vỏ máy đi ép, gò lại trước khi tiến hành đắp những phần bị hụt do va đập ngoại lực.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận