Gờ nổi để dễ xác định phím và gõ dễ hơn khi không nhìn
Có thể không ít lần trong đời bạn nhìn thấy người khác gõ phím với tốc độ rất nhanh mà không cần nhìn xuống dù chỉ một lần. Kỹ năng này không quá đặc biệt, nhưng cũng không phải tự nhiên mà có được. Nói chính xác hơn, người gõ chữ biết vị trí của những phím nằm ở đâu trên tổng thể bàn phím thông qua việc "cảm nhận" cũng như khả năng ghi nhớ của các bó cơ, tạo thành một thói quen.
Những phím như dấu cách (Space), Ctrl hay Alt đều dễ tìm mà không cần phải nhìn vì luôn nằm ở cạnh bàn phím. Nhưng với các phím ký tự chữ, người dùng cần tới thiết kế đặc biệt để ghi nhớ vị trí: chính là các gờ nổi xuất hiện ở mặt phím. Trên thiết kế bàn phím chuẩn QWERTY và QWERTZ (thay vị trí của chữ Y và chữ Z), luôn có 2 gờ nổi ở vị trí phím F và J, đôi khi bổ sung độ võng xuống ở bề mặt so với các phím còn lại.
Người gõ thường đặt 2 ngón tay trỏ của mình ở vị trí này để xác định tư thế thao tác. Kỹ thuật gõ phím luôn giống nhau, do vậy việc chuyển đổi bàn phím từ loại này sang loại khác sẽ không làm ảnh hưởng đến tốc độ gõ.
Ngoài F và J, những mẫu bàn phím đầy đủ (full layout) còn có thêm bộ phím số và một số tính năng đặc biệt ở góc bên tay phải. Tại đây, phím số 5 cũng được in thêm một gờ nổi với công dụng tương tự như phần hiển thị ký tự là chữ cái: giúp người dùng xác định vị trí trên bàn phím mà không cần nhìn vào bộ số.
Những số từ 0 tới 9 được thiết kế theo khung 3 x 3 và số 0 luôn nằm ở dưới cùng, bên tay trái, xung quanh là một vài phím ký tự khác. Người gõ nhanh sẽ sử dụng ngón giữa thay vì ngón trỏ để tìm tới vị trí của phím số 5 tại khu vực này.
Học cách gõ nhanh và đúng để cải thiện tốc độ công việc
Khả năng gõ chuẩn xác mà không cần nhìn vào bàn phím tất nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích. Với những người mới bắt đầu, họ sẽ không phải chuyển sự chú ý từ màn hình xuống bàn phím để tìm kiếm ký tự muốn gõ. Người dùng có thể tiếp tục dành sự tập trung cho công việc trên màn hình để thấy những gì mình đang gõ, thay vì quan tâm đến từng chữ cái. Hoạt động này cũng giúp việc phát hiện và sửa lỗi gõ sai dễ hơn.
Một lợi ích khác là người dùng sẽ học được cách sử dụng các lối tắt trên bàn phím để phục vụ hiệu quả hơn cho công việc. Nhưng hơn hết là cải thiện tốc độ gõ để tăng tốc hoàn thành công việc.
Theo thống kê, trung bình những người thường xuyên gõ chữ có tốc độ viết là 43 tới 80 WPM (số từ trên một phút). Người dùng có thể thử tốc độ của mình trên một số website trực tuyến, nếu thấp hơn con số trên thì nên cân nhắc cải thiện tốc độ. Với quyết tâm và sự chăm chỉ, tốc độ có thể được nâng lên tới 80 - 100 WPM chỉ sau thời gian ngắn.
Phương pháp luyện gõ truyền thống tất nhiên sẽ gồm yêu cầu đặt ngón tay trỏ trái và phải lên phím F và J trên bàn phím, còn các ngón khác sẽ đảm trách những phím liền kề để mỗi ngón có thể thao tác lên từng vùng khác nhau.
Nếu không thể gõ cả 10 ngón như chương trình mẫu cũng đừng lo lắng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng ngón sử dụng để gõ phím không quan trọng. Một trong số những tác nhân ảnh hưởng đến tốc độ gõ là vị trí của bàn tay: người gõ chuyên nghiệp có tốc độ cao thường giữ đôi tay cố định ở vị trí và chỉ di chuyển các ngón tay thay vì đưa cả bàn di chuyển qua lại trên phím.
Nhưng cũng có những người đạt tốc độ tới 130 WPM mà không cần giữ bàn tay ở nguyên vị trí. Họ sử dụng gờ nổi trên phím F và J để làm vị trí đánh dấu, "thả neo" bàn tay ở đó, phần còn lại do khả năng ghi nhớ của các bó cơ đảm trách để hỗ trợ việc tìm kiếm những phím khác. "Ghi nhớ của bó cơ" chính là việc gõ nhiều thành quen, để trí óc và cơ ngón/bàn tay xác định cần di chuyển trong quãng bao nhiêu từ vị trí "mỏ neo" nhằm chạm tới phím tiếp theo muốn gõ.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận