Bản quyền trên môi trường số của Việt Nam: Quá nhiều lỗ hổng

Bản quyền trên môi trường số của Việt Nam: Quá nhiều lỗ hổng

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đi kèm với những kẽ hở về bản quyền đã biến không gian số của Việt Nam trở thành “miền Tây hoang dã” cho những kẻ xâm phạm bản quyền.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Từ không gian thực đến không gian số


Dù các loại đĩa CD và DVD vẫn còn tồn tại song ngày nay, chẳng còn mấy ai nhắc đến tình trạng buôn bán băng đĩa lậu - bài toán nan giải cách đây hơn 20 năm. Trước những năm 2000 là thời kỳ hoàng kim của ngành băng đĩa Việt Nam, có những đĩa CD đạt số lượng phát hành lên tới hàng trăm ngàn bản. Không ai ngờ rằng chỉ vài năm sau, nạn băng đĩa lậu đã khiến toàn ngành “thoi thóp”. Có những đơn vị tiên phong trong sản xuất và phát hành băng đĩa như Công ty Đồng Giao, từng lập kỷ lục với những đĩa nhạc bán được gần 100 ngàn bản, nhưng trong năm 2005, mỗi đĩa CD của họ chỉ bán được khoảng 500 bản, theo chia sẻ của đại diện Công ty Đồng Giao trên Zing News vào năm 2017.

Tình trạng này cũng được phản ánh qua báo cáo về vấn đề xâm phạm bản quyền tại thị trường Việt Nam của Liên minh Sở hữu trí tuệ quốc tế vào năm 2008: “Mức độ vi phạm bản quyền trong ngành công nghiệp âm nhạc vẫn còn trên 90%, lợi nhuận sụt giảm đến mức các công ty không thể đầu tư cho album mới”.

Sự biến mất của những băng đĩa lậu có phải là dấu hiệu cho thấy vấn đề bản quyền đã được kiểm soát? Thực ra, nạn xâm phạm bản quyền chưa bao giờ mất đi, nó chỉ chuyển từ hình thức này qua hình thức khác. Sự lên ngôi của internet và mở ra không gian số không chỉ thu hẹp thị trường băng đĩa mà còn tạo cơ hội để xuất hiện những phương thức xâm phạm bản quyền mới. “Trong những năm gần đây, các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng ngày càng có nhiều thủ đoạn mới, tinh vi và phức tạp”, Thiếu tá Lê Hồng Giang, Phòng An ninh chính trị nội bộ PA03 (Công an TP. Hà Nội) nhận xét trong một hội thảo về quyền sao chép vào cuối năm 2022.

Khi bản quyền trong thế giới thực và ảo bị xâm phạm, có nghĩa là hai nhóm quyền cơ bản là quyền nhân thân và quyền tài sản bị thách thức. Ở đây, nhóm quyền thứ nhất bao gồm quyền đặt tên, đứng tên, công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Những quyền này vĩnh viễn thuộc về tác giả, không thể chuyển giao cho ai (ngoại trừ quyền đặt tên và công bố tác phẩm). Quyền tài sản sẽ thuộc về chủ sở hữu tác phẩm (có thể là tác giả hoặc không), gồm quyền làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, sao chép, phân phối, nhập khẩu, phát sóng, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

Nhóm quyền tài sản thường bị xâm phạm nhiều hơn, đặc biệt là quyền sao chép, bởi vì trong trường hợp này, mục tiêu chính của những kẻ xâm phạm bản quyền là lợi nhuận. Mặt khác, việc nhân bản một tác phẩm đã có là phương thức kiếm tiền đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều so với đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để sáng tạo như những tác giả chân chính. Đơn cử như một đĩa CD ca nhạc là kết quả của một quá trình với rất nhiều công đoạn khác nhau, khởi nguồn từ sáng tác của nhạc sĩ, thu âm của ca sĩ, quay video ca nhạc… cùng nhiều phần việc khác để hình thành một sản phẩm thương mại phát hành trên thị trường. Trong khi đó, chỉ cần một dàn máy vi tính là những kẻ sản xuất băng đĩa lậu có thể thoải mái sao chép. Do đó, bằng sản phẩm phi bản quyền, bọn họ đã nhanh chóng hạ gục hàng chính hãng với giá bán rẻ bằng 1/4 so với bản gốc.

Đây cũng là tình cảnh chung của các loại hình tác phẩm khác, tiêu biểu như sách - theo chia sẻ của những người làm trong ngành xuất bản, có phiên bản sách trên đường đi đến nhà in đã bị làm giả rồi.

“Mảnh đất vàng” cho xâm phạm bản quyền


Những thách thức về bản quyền càng được nhân lên gấp bội trên môi trường số. Tựa như mảnh đất bao la cho phép mọi người tự do khai phá, với các thiết bị internet ngày một phổ biến và giá thành thấp, khán giả có cơ hội tiếp cận với muôn vàn tác phẩm của Việt Nam và quốc tế với mức chi phí rẻ hơn nhiều so với trước kia, thậm chí là miễn phí. Thay vì bỏ tiền ra mua đĩa nhạc, vừa dùng vừa sợ xước, họ có thể nghe bài hát trên các nền tảng như YouTube, Spotify trên điện thoại thông minh, tivi hoặc máy tính bất cứ lúc nào, tiện lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, người dùng càng dễ dàng truy cập thì việc bảo vệ bản quyền càng thêm khó khăn. Theo báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu Media Partners Asia, trong năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tỉ lệ xâm phạm bản quyền trên môi trường số, với 15,5 triệu người xem bất hợp pháp.

Hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường số dễ xảy ra hơn nhiều so với truyền thống. Ảnh: Poster chương trình Rap Việt bị tố sử dụng trái phép tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài. Nguồn: Vietcetera

Hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường số dễ xảy ra hơn nhiều so với truyền thống. Ảnh: Poster chương trình Rap Việt bị tố sử dụng trái phép tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài. Nguồn: Vietcetera

Xâm phạm bản quyền xảy ra trong nhiều lĩnh vực dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là xem phim trên trang web lậu, đăng tải trái phép các hình ảnh, bài hát… Trong số đó, âm nhạc là loại hình bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất. Theo một nghiên cứu trong khuôn khổ dự án “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện vào năm 2022, âm nhạc là lĩnh vực bị xâm phạm quyền nhiều nhất (76,9%), tiếp theo là điện ảnh (71,6%), các tác phẩm xuất bản, chương trình máy tính (50,7%). Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của nhiều người bởi chương trình máy tính là yếu tố thiết yếu trong kỷ nguyên số hiện nay, còn âm nhạc và phim ảnh là những sản phẩm giải trí phổ biến, được ưa chuộng và dễ dàng thưởng thức. Điều này thể hiện rõ qua số lượng khổng lồ các trang web phim lậu ở Việt Nam, trong đó có những cái tên “khét tiếng” như phimmoi đến nay vẫn tồn tại.

Loại quyền bị xâm phạm nhiều nhất là quyền sao chép (64,9%), làm tác phẩm phái sinh (37,8%) và quyền nhân thân (27%). Nhiều người có thể bất ngờ, vì sự xuất hiện của quyền nhân thân có thể trái với nhận định ở trên rằng quyền tài sản (bao gồm quyền sao chép và làm tác phẩm phái sinh) vốn tạo ra lợi nhuận nên thường bị xâm phạm nhiều hơn. Thực chất, trong quyền nhân thân vẫn có một số quyền liên quan đến khía cạnh kinh tế, tiêu biểu là quyền đứng tên cho tác phẩm. Khi ghé thăm một triển lãm tranh ở TP.HCM cách đây vài năm, họa sĩ Thành Chương bất ngờ phát hiện một bức tranh của ông vẽ cách đây vài chục năm được trưng bày trong triển lãm, nhưng bút danh đề trên bức tranh lại là Tạ Tỵ - một họa sĩ nổi tiếng đã qua đời. Rõ ràng, mục đích của những kẻ đứng sau là lợi dụng tên tuổi của họa sĩ Tạ Tỵ để nâng giá bán tác phẩm.

Đối tượng thực hiện các hành vi xâm phạm bản quyền cũng rất đa dạng, từ những cá nhân ở mọi độ tuổi, giới tính, tầng lớp khác nhau cho đến các nhóm lớn. Để tối đa hóa lợi nhuận và lẩn tránh cơ quan chức năng, những đối tượng này đã tổ chức hoạt động bài bản với nhiều thủ đoạn phức tạp. “Hiện nay các đối tượng vi phạm đã đi từ hoạt động cá nhân cho đến các tổ chức, nhóm lớn, liên kết nhiều công ty, ràng buộc nhau bằng nhiều phương thức để lách luật, tạo áp lực đến chính những tác giả chân chính, hoặc thỏa thuận, dọa nạt khiến họ không dám khiếu kiện, cũng như dùng các lợi ích vật chất để che lấp hành vi vi phạm”, Thiếu tá Lê Hồng Giang nói. Khi điều tra các vụ xâm phạm quyền tác giả cũng như quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, cơ quan chức năng nhận thấy các đối tượng đã phân công cụ thể từng cá nhân, nhóm chịu trách nhiệm cho từng công đoạn như vận hành website, chuẩn bị các loại tiền ảo, tài khoản ví điện tử quốc tế và chuyển hóa nguồn tiền phạm pháp sang tài khoản ngân hàng thông qua các hợp đồng kinh tế “ma” hoặc bán lại trên các diễn đàn, cộng đồng người dùng trên mạng internet nhằm hợp thức hóa số tiền phạm pháp.

Tận dụng công nghệ số để xâm phạm bản quyền

Nếu tình trạng xâm phạm bản quyền khoảng hai thập kỷ trước đã đẩy ngành băng đĩa tại Việt Nam đến bờ vực thì ngày nay, những người sáng tạo chân chính cũng đang gặp không ít khó khăn do xâm phạm bản quyền trực tuyến. Theo báo cáo của Media Partners Asia, tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Họ cũng cảnh báo trong vòng năm năm tới, số lượng người truy cập nội dung vi phạm bản quyền tại Việt Nam có thể tăng gần 1 triệu người/năm, dẫn đến thiệt hại gần nửa tỷ USD. “Điều này khiến các tác giả, nhà sản xuất, nhà xuất bản và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung phải chịu thiệt thòi, vì không được đền đáp xứng đáng. Nền công nghiệp văn hóa, giải trí của chúng ta theo đó cũng bị kìm hãm. Mặt khác, những vi phạm này sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để mang đến những sản phẩm tinh thần giá trị cho người dân”, Thiếu tá Lê Hồng Giang nhận xét.

Để tránh khỏi tình cảnh này, việc đẩy mạnh bảo hộ bản quyền là điều bắt buộc phải làm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Ở góc độ chính sách, bước đầu tiên có lẽ là xóa bỏ khoảng cách giữa chính sách và thực tế. Bởi lẽ, môi trường số đã tạo ra những khái niệm mới nằm ngoài tầm kiểm soát của các quy định về bản quyền truyền thống. Chẳng hạn, trước đây mọi người thường nghĩ sao chép là việc tạo ra bản sao của tác phẩm, nhưng nếu dựa vào định nghĩa này, việc xem một video trực tuyến cũng có thể bị coi là xâm phạm quyền sao chép. Bởi lẽ quy trình truyền dữ liệu qua mạng internet hiện nay theo công nghệ “chuyển gói” (packet switching - dữ liệu được chia thành các gói nhỏ và truyền qua mạng), trong đó bản sao tạm thời của dữ liệu luôn tự động tạo ra tại bộ nhớ RAM máy tính. Như vậy, khi xem một video, “máy tính của bạn đã lưu trữ tạm thời một phần dữ liệu video trong RAM máy tính, dù thời gian rất ngắn, chưa đầy một giây, để đảm bảo bạn xem xong cái đó thì xóa đi”, luật sư Phan Vũ Tuấn ở Công ty Luật Phan Law phân tích.

Luật Sở hữu trí tuệ mới sửa đổi có hiệu lực vào đầu năm nay đã bắt nhịp với những vấn đề mới đặt ra trong môi trường số. Một trong những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung là quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Chẳng hạn như định nghĩa về sao chép tạm thời đã được quy định rõ ràng hơn, trường hợp sao chép tạm thời là một phần quy trình công nghệ, diễn ra trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian, và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại thì vẫn hợp pháp. Việc bổ sung các quy định như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn hiện thực hóa các cam kết trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia trong những năm gần đây.

Ngoài chính sách, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc thay đổi hành vi của người dùng. Đây là bài toán nan giải, nhất là khi môi trường số có thể khiến chúng ta vô tình xâm phạm quyền tác giả. Việc nhấn “chia sẻ” một bài hát trên mạng với bạn bè trước đây được coi là bình thường, song nếu chiếu theo đúng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta tham gia, việc chia sẻ các tác phẩm trên internet là hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm khi chưa được sự cho phép của tác giả. “Chúng ta có thể dễ dàng vi phạm nếu không biết, đặc biệt trong môi trường số hiện nay, tất cả smartphone trong tay chúng ta đều có thể thực hiện điều này”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VH, TT & DL) nhận định.
(Còn tiếp)


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận