
Hồi tháng 5 vừa qua, DPC đã ra quyết định phạt TikTok số tiền 530 triệu euro (620 triệu USD) vì cho rằng nền tảng chuyển dữ liệu của người dùng châu Âu sang Trung Quốc, vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU. Khi đó, TikTok không đồng ý với quyết định này của DPC, khẳng định dữ liệu chỉ được "truy cập từ xa".
Đến ngày 10/7, DPC cho biết đã nhận được thông báo từ TikTok vào tháng 4 vừa qua. Theo đó, một phần dữ liệu người dùng tại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) thực tế đã từng được lưu trữ trên các máy chủ tại Trung Quốc và sau đó đã bị xóa. DPC cho rằng thông tin này mâu thuẫn với những bằng chứng mà TikTok từng trình bày trước đó trong quá trình điều tra. Cơ quan giám sát này cho biết trong cuộc điều tra trước đó, họ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc TikTok cung cấp thông tin không chính xác.
TikTok dự kiến sẽ kháng nghị mức phạt mà DPC đưa ra hồi tháng 5, mức phạt lớn thứ hai mà DPC từng ban hành. Lâu nay, TikTok luôn khẳng định chưa từng nhận bất kỳ yêu cầu nào từ phía giới chức Trung Quốc về việc cung cấp dữ liệu người dùng châu Âu.
Với khoảng 1,5 tỷ người dùng trên toàn cầu, TikTok là một nền tảng thuộc tập đoàn công nghệ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Do đặt trụ sở châu Âu tại Ireland, nên TikTok chịu sự giám sát trực tiếp của DPC, tương tự nhiệm vụ mà DPC thực hiện đối với các tập đoàn công nghệ lớn khác như Google, Meta và Apple.
DPC có nhiệm vụ giám sát việc các doanh nghiệp tuân thủ Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) của EU. Đây là bộ quy định nghiêm ngặt có hiệu lực từ năm 2018 nhằm bảo vệ người tiêu dùng châu Âu trước các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận