Cần đưa cơ khí chế tạo vào danh mục chiến lược quốc gia

Cần đưa cơ khí chế tạo vào danh mục chiến lược quốc gia

 

Ngày 2/7, Triển lãm quốc tế hàng đầu về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo - MTA Vietnam 2025 khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM.

Tại lễ khai mạc, ông Mitsutoshi Okabe, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản – JETRO tại TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong 5 năm qua, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ASEAN về thu hút dịch chuyển đầu tư từ Nhật Bản với 106/289 trường hợp, chiếm 36%.

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN, Việt Nam là điểm đến của 90 công ty, chiếm 51%.

Ông Okabe cho biết, JETRO đang nỗ lực hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự kiện này không chỉ là một triển lãm công nghệ mà còn đánh dấu 21 năm ngành cơ khí và sản xuất Việt Nam kiến tạo, chuyển mình vươn tầm quốc tế.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được Nhà nước xác định là động lực then chốt để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, trong Quyết định số 1131/QĐ-TTg về danh mục công nghệ và sản phẩm công nghệ chiến lược mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngành cơ khí chế tạo vẫn chưa nằm trong 11 lĩnh vực và 35 sản phẩm công nghệ chiến lược.

"Việt Nam là một nước đang trong quá trình công nghiệp hóa nên vai trò của ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là cơ khí chế tạo công nghệ cao rất quan trọng và không thể thiếu. Tôi rất mong thời gian tới, Chính phủ sẽ bổ sung lĩnh vực công nghệ chiến lược về cơ khí chế tạo vào trong danh mục các sản phẩm chiến lược" - Ông Nguyễn Quân cho biết.

Ông Quân khẳng định, cơ khí chế tạo là nền tảng của các quốc gia phát triển, bởi đây là ngành sản xuất máy móc cho các lĩnh vực khác. Do đó, ông đánh giá cao vai trò của MTA Vietnam trong việc giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thành tựu mới nhất về cơ khí chế tạo, đồng thời giúp các nhà quản lý Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành này trong nền kinh tế.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết triển lãm hướng đến mục tiêu mở rộng mạng lưới kết nối, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất chế tạo, nhằm nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ và kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

MTA Vietnam 2025 – Quy mô và điểm nhấn

MTA Vietnam 2025 có diện tích trưng bày 13.200 m2, quy tụ gần 500 nhãn hàng từ hơn 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 16.000 khách tham quan.

Trong khuôn khổ triển lãm, nhiều chương trình nghị sự quan trọng sẽ diễn ra, điển hình là Hội thảo Quốc tế ngành bán dẫn Việt Nam – Cơ hội Đầu tư, Phát triển và Hợp tác, với sự tham gia của các chuyên gia từ Tổng Lãnh sự quán Hà Lan, PwC Việt Nam, Ban Quản lý Khu CNC TP.HCM.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận