Các doanh nghiệp di động không nên triển khai IPv6 cho mạng 3G

Các doanh nghiệp di động không nên triển khai IPv6 cho mạng 3G

Các doanh nghiệp di động không nên triển khai IPv6 cho mạng 3G

Ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam , Phó Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia phát biểu kết luận hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm 2018 chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung”.

Cũng trong kết luận tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm 2018 có chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung” diễn ra chiều ngày 4/5 tại Hà Nội, ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam , Phó Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đánh giá, hội thảo với nhiều nội dung hấp dẫn, mang tính chuyên môn cao của các đơn vị, doanh nghiệp cùng những trao đổi, thảo luận cởi mở, tích cực về kết quả, hiện trạng công tác phát triển IPv6 ở nước ta nói chung, 2 mảng dịch vụ 4G LTE và nội dung số nói riêng là tín hiệu tốt về tình hình ứng dụng IPv6 tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt. Tính đến 30/4/2018, theo thống kế của APNIC, chỉ số triển khai IPv6 của Việt Nam đạt mức 14%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và thứ 7 châu Á, với khoảng 6 triệu người sử dụng IPv6 (nguồn Cisco). “Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam có được là do kết quả triển khai dịch vụ IPv6 tốt của hai doanh nghiệp tiêu biểu là FPT Telecom và VNPT, đặc biệt là trong 4 tháng đầu năm VNPT đã mở rộng triển khai dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định”, báo cáo của Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 nêu.

Nhấn mạnh năm 2018 là năm nước rút của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, ông Trần Minh Tân đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp cần tăng tốc chuyển đổi IPv6, chung tay cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. VNNIC - Thường trực Ban được giao tiếp tục được giao trách nhiệm đốc thúc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018 đã được Bộ TT&TT ban hành. Kết quả triển khai IPv6 của đơn vị, doanh nghiệp sẽ được xem xét đánh giá khen thưởng của Bộ TT&TT vào cuối năm nay.

Đối với việc triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE và trên các ứng dụng trên nền tảng di động, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đề nghị các doanh nghiệp di động gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile cần mạnh dạn triển khai cung cấp chính thức dịch vụ di động 4G LTE cho các thuê bao di động. Các doanh nghiệp triển khai IPv6 cho mạng 4G LTE, không nên triển khai cho mạng 3G, đây cũng là xu thế triển khai IPv6 cho mạng di động trên thế giới.

Lãnh đạo Ban công tác cũng giao VNNIC và Cục Viễn thông tiếp tục giám sát, khuyến khích, yêu cầu, thậm chí bắt buộc (trong cấp, gia hạn giấy phép viễn thông) các doanh nghiệp triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE.

Về việc tăng cường ứng dụng, phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung thời gian tới triển khai cung cấp dịch vụ IPv6; các đơn vị sản xuất ứng dụng, phần mềm đảm bảo hỗ trợ IPv6 trên sản phẩm cung cấp.  “Đề nghị lấy VnExpress là trường hợp chuyển đổi thành công IPv6 điển hình trong mảng nội dung số để nhân rộng kinh nghiệm chuyển đổi IPv6 với các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung khác. Giao FPT Online/VnExpress tiếp tục tham gia các hoạt động do Thường trực Ban tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi IPv6 cho các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung khác”, đại diện lãnh đạo Ban công tác yêu cầu.

Các doanh nghiệp di động không nên triển khai IPv6 cho mạng 3G

VNNIC và Cục Viễn thông được Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia giao trách nhiệm giám sát, khuyến khích, yêu cầu và thậm chí bắt buộc (trong cấp, gia hạn giấy phép viễn thông) các doanh nghiệp triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Để tiếp tục triển khai IPv6 cho dịch vụ cố định băng rộng, đảm bảo các thiết bị đầu cuối, modem FTTH kích hoạt hỗ trợ IPv6,  Ban công tác yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn mặc định cung cấp dịch vụ IPv4/IPv6 cho khách hàng; mở cổng kết nối, modem hỗ trợ IPv6 cho các đơn vị kết nối ngang hàng với nhau.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo các thiết bị kết nối Internet hỗ trợ IPv6, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia khuyến nghị các đơn vị, doanh nghiệp mua sắm thiết bị có kết nối Internet cả trong nước và quốc tế đảm bảo hỗ trợ IPv6. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thiết bị có kết nối Internet đảm bảo hỗ trợ IPv6; hỗ trợ nâng cấp hệ điều hành đối với thiết bị cũ để hỗ trợ IPv6.

Nhằm tăng cường triển khai IPv6 trong ứng dụng CNTT của khối cơ quan Nhà nước, Ban công tác chỉ đạo VNNIC chủ trì, triển khai tốt chương trình tập huấn và tọa đàm triển khai IPv6 dành cho khối cơ quan Nhà nước vào ngày 9/5-11/5/2018 tại TP.HCM. Đây là một trong 2 hoạt động hưởng ứng Ngày IPv6 Việt Nam 2018.

Cục Tin học hóa, VNNIC và Cục Bưu điện Trung ương được giao phối hợp triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho mạng khối cơ quan nhà nước; triển khai chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài của cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo hỗ trợ IPv6. Đặc biệt là công tác hướng dẫn triển khai Thông tư 32 năm 2017 của Bộ TT&TT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Cùng với yêu cầu tiếp tục duy trì và tăng cường kết nối IPv6 giữa các doanh nghiệp với nhau, kết nối IPv6 với Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cũng chỉ đạo cac đơn vị trong thời gian tới tiếp tục triển khai các hoạt động thúc đẩy IPv6 khác theo Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018 của Ban Công tác. “Các cá nhân, đơn vị được phân công nhiệm vụ chủ động triển khai tại đơn vị của mình, phối hợp với Thường trực Ban công tác – VNNIC để triển khai đồng bộ, báo cáo với lãnh đạo Bộ TT&TT kịp thời”, đại diện lãnh đạo Ban công tác đề nghị.

Cũng theo Phó Trưởng ban Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia Trần Minh Tân, trong kết luận tại cuộc họp Ban công tác hồi đầu năm 2018, Ban đã đặt mục tiêu chỉ số triển khai IPv6 của Việt Nam vào thời điểm cuối năm nay đạt khoảng 20%. “Phát huy sức mạnh tổng thể, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018, hướng tới mục tiêu quốc gia về IPv6 “Internet Việt Nam hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (hoàn toàn tương thích với IPv6) từ năm 2019”, ông Tân nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận