Cần có những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực để thúc đẩy phát triển CNTT

Cần có những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực để thúc đẩy phát triển CNTT

“Cần có chính sách về cấp độ mở của dữ liệu, cơ chế sử dụng, chia sẻ dữ liệu” | Cần có những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực để thúc đẩy phát triển CNTT

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Hanel, Đoàn đại biểu TP.Hà Nội góp ý về lĩnh vực CNTT tại phiên thảo luận ngày 26/10/2018 (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

CNTT - Yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số

Trong phát biểu tại phiên thảo luận ngày 26/10/2018 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, góp ý vào lĩnh vực CNTT, TS. Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hanel, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã đề xuất “cần có những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực để thúc đẩy phát triển CNTT tạo nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) ở nước ta”.

Theo ông Bình, CMCN 4.0 về bản chất là một quá trình chuyển đổi số, là sự chuyển đổi rộng lớn về mô hình kinh doanh chuyển từ mua-bán sang thuê và cung cấp dịch vụ, hay còn gọi là nền kinh tế - mọi thứ như là dịch vụ. Amazon, Alibaba, Uber… là những ví dụ tiêu biểu cho các xu hướng kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã giúp một nền kinh tế - mọi thứ như dịch vụ được hình thành.

“Trong CMCN 4.0, CNTT trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và CNTT không còn và không nên được coi là một ngành riêng mà cần thiết được xem là yếu tố cấu thành của mọi hoạt động tương tự như yếu tố nguồn nhân lực, yếu tố tài chính, là yếu tố cốt lõi để tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số”, ông Bình nhấn mạnh.

Dẫn số liệu từ Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017, ông Bình nêu, ở nước ta thời gian qua, CNTT đã có những bước phát triển quan trọng trong cả 3 lĩnh vực sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ. Năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ USD (88%), công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ USD (5,58%) và dịch vụ CNTT là 5,07 tỷ USD (6,42%). So sánh với ngành công nghiệp ôtô được coi là ngành rất “nóng”, tổng doanh thu năm 2016 của ngành này là 3,7 tỷ USD thì ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng 20 lần ngành công nghiệp ôtô.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hà Nội cho rằng: “So với trình độ phát triển CNTT thế giới, CNTT ở nước ta đang tụt hậu rất xa và chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế, xã hội hay trong điều hành Chính phủ”.

Nhận định thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương sâu sắc, đúng đắn về CNTT, ông Nguyễn Quốc Bình dẫn chứng, năm 2016, trước nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp cuộc CMCN 4.0, Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu “Rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của CMCN 4.0. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số”. Mới đây, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu và Chính phủ đã thành lập Ủy ban trọng điểm về công nghiệp 4.0 tại Bộ KH&CN. “Đây là chủ trương và hành động rất tích cực của Chính phủ”, ông Bình nói.

Đề xuất 5 quan điểm, chính sách để thúc đẩy phát triển CNTT

Cũng trong phát biểu góp ý tại phiên thảo luận ngày 26/10 về tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề xuất 5 quan điểm, chính sách cụ thể mà theo ông cần được triển khai ngay để Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển của CMCN 4.0, hiện thực hóa những chủ trương tích cực đã được Chính phủ đề ra thời gian gần đây.

Trước hết, đề xuất cần phải nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số, ông Bình phân tích: “Ngoài việc hiểu rõ về CMCN 4.0, điều quan trọng là thống nhất nhận thức về việc tạo ra tài sản số và lợi thế kinh doanh số thông qua chiếm lĩnh mặt tiền kinh doanh trong không gian số-thực. Chính vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra danh sách các Tài sản số quốc gia quan trọng cần được xây dựng và có các chiến lược và chương trình phù hợp trong đó doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng Tài sản Số quốc gia và nhanh chóng chiếm lĩnh các mũi kinh doanh số quan trọng như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các dịch vụ thông minh…”.

Thứ hai là, cần phải nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về CNTT hay những gì đã lỗi thời. Minh chứng cho nhận định của mình, ông Bình nêu, nhiều năm qua, tin học hóa ở nước ta được triển khai phân tán theo ngành dọc mà thiếu thiết kế tổng thể ở cấp Chính phủ. Vì vậy, kết quả thu được là các hệ thống ứng dụng rời rạc, không liên thông với nhau, dẫn đến sự hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) cát cứ, độc lập với nhau và có chất lượng thấp.

“Để khắc phục những thiếu sót này, cần điều chỉnh ngay các dự án xây dựng CSDL quốc gia và các hệ thống thông tin đang triển khai phân tán rời rạc về thành một CSDL quốc gia tích hợp liên thông; xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu, định danh điện tử và quyền riêng tư về dữ liệu; đồng thời, cần đổi mới việc triển khai CNTT trong cơ quan nhà nước theo hướng áp dụng chính sách thuê ngoài dịch vụ CNTT”, ông Bình kiến nghị.

“Cần có chính sách về cấp độ mở của dữ liệu, cơ chế sử dụng, chia sẻ dữ liệu” | Cần có những chính sách nhanh, mạnh, thiết thực để thúc đẩy phát triển CNTT

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình kiến nghị cần phải xây dựng hạ tầng số quốc gia và các tài sản số quốc gia (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhấn mạnh quan điểm cần phải xây dựng hạ tầng số quốc gia và các tài sản số quốc gia, ông Bình lý giải: hạ tầng số quốc gia bao gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống chính sách quản lý kho dữ liệu số quốc gia. Trong hạ tầng số quốc gia, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất. Hạ tầng dữ liệu phải được hình thành trên cơ sở số hóa các dữ liệu đang có và liên tục tiếp nhận các dữ liệu số hóa mới.

Để thực hiện việc này, vị đại biểu đoàn TP.Hà Nội cho rằng, cần đưa việc kiểm toán dữ liệu trong cơ quan nhà nước thành yêu cầu bắt buộc, giống như kiểm toán tài chính. Qua đó có thể biết được các dữ liệu nào cần để hình thành hạ tầng số và tài sản số quốc gia; đồng thời cần có chính sách quy định cấp độ Mở của dữ liệu, cơ chế sử dụng chia sẻ dữ liệu trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam được chủ động trong việc cung cấp và sử dụng các dữ liệu chung của quốc gia nhằm làm chủ để tạo ra các giá trị gia tăng và tạo lợi thế cạnh tranh.

Quan điểm, chính sách cụ thể thứ tư mà ông Bình đề xuất là cần tạo lập ra một Việt Nam số (xã hội số) để người dân trở thành công dân của một Việt Nam số. Nói rõ hơn về luận điểm này, ông Bình phân tích, hiện nay, trung bình mỗi người Việt Nam dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày tham gia các giao dịch trên những “vương quốc số” của Facebook, Google, Youtube … bởi vì chúng ta không có những không gian số như vậy cho người Việt. Trong khi tài sản văn hóa thực của chúng ta rất lớn, thì hầu như trên không gian số, các thông tin còn rất nghèo nàn.

“Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách và chương trình để hình thành nên một Việt Nam số, nơi người dân giữ mối liên lạc với tài nguyên văn hóa của đất nước. Đề án tri thức Việt số hóa của Chính phủ là bước đi rất đúng đắn theo hướng này, tuy nhiên, trước mắt Chính phủ cần sớm có chính sách và dành nguồn lực để số hóa những tài sản văn hóa tương tự như chúng ta đã chi tiêu để gìn giữ văn hóa vật thể và phi vật thể”, ông Bình đề nghị.

Cuối cùng, nêu kiến nghị cần khai thác ngay một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại CMCN 4.0 nhằm chiếm lĩnh những mặt tiền kinh doanh và thu hút đầu tư, Chủ tịch Hanel Nguyễn Quốc Bình nhận định: hiện nay, việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 không đòi hỏi phải đạt đến trình độ nhất định mới có thể triển khai mà có thể áp dụng được ngay trong chừng mực nhất định. Uber hay Grab là những ví dụ dễ thấy, nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh… cũng là những ứng dụng minh chứng ngày càng phổ biến.

Theo ông Bình, khai thác thế mạnh của CMCN 4.0 vào thực tế còn là cách tạo ra đột phá trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ áp dụng IoT trong phát triển nông nghiệp thông minh tạo ra bước nhảy vọt trong lĩnh vực nông nghiệp nếu so sánh với tập quán canh tác truyền thống ở nước ta.

“Việc chúng ta có tranh thủ thời cơ và không bị tụt hậu trong CMCN 4.0 hay không phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của Chính phủ. Một cơ chế chính sách nhanh, mạnh, đúng đắn, minh bạch về lĩnh vực này sẽ được xem như là tài nguyên quốc gia lớn nhất trong thời đại CMCN 4.0”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận