Cảnh giác với những tạp chí “ăn xổi”

Cảnh giác với những tạp chí “ăn xổi”

Các tạp chí này có tốc độ nhận bài nhanh chóng, bình duyệt qua loa và có phí xử lý đăng bài rất cao.

Lời tòa soạn: Với mong muốn tiêu chí công bố quốc tế thực sự phản ánh đúng chất lượng nghiên cứu, trong thời gian qua các nhà khoa học Việt Nam đã liên tiếp đóng góp ý kiến để xây dựng các danh mục tạp chí uy tín, qua đó góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý khoa học tham khảo và lựa chọn. Chúng tôi đã nhận được ý kiến của các nhà khoa học, nhấn mạnh đến việc nên tiếp tục rà soát, sàng lọc thêm để tránh những trường hợp các tạp chí thu phí cao, bình duyệt sơ sài nhưng có thể lọt vào danh sách tài trợ của các cơ quan quản lý khoa học trong khu vực công. Trong số báo này, TS Hoàng Xuân Trung, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam chỉ ra một số trường hợp tạp chí có vấn đề về chất lượng và cần xem xét lại khi đưa vào danh sách các tạp chí quốc tế uy tín. Chúng tôi đăng ý kiến của anh để các nhà khoa học và nhà quản lý cùng thảo luận về trường hợp này.

Cảnh giác với những tạp chí “ăn xổi”
TS Hoàng Xuân Trung trong một hội thảo kinh tế vào tháng 11 năm 2019.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý khoa học trong nước đã liên tục cập nhật yêu cầu công bố quốc tế trên danh mục các tạp chí uy tín nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của các nghiên cứu khoa học. Đặc biệt Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã đánh dấu sự thay đổi mang tính đột phá trong lĩnh vực KHXH khi thông qua quy định các chủ nhiệm đề tài do Quỹ tài trợ phải có công bố bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc thuộc 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Thực tế những năm qua cho thấy chính những yêu cầu đầu vào và đầu ra khắt khe như vậy đã giúp nâng cao được chất lượng nghiên cứu khoa học và hướng tới chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực KHXH của Việt Nam.

Việc sử dụng danh mục ISI hay Scopus là một bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng danh mục ISI hoặc Scopus cũng chỉ là một “lưới lọc” có tính tương đối, nên vẫn để lọt những tạp chí không đảm bảo chất lượng. Điều này là do gần đây trên thế giới xuất hiện các nhà xuất bản (NXB) và tạp chí rởm (predatory) đồng thời với xu hướng xuất bản mở1. Việc xuất hiện các NXB và tạp chí rởm là một thực tế hết sức đáng lo ngại và đã được nhiều cơ quan, trường đại học cũng như cá nhân các nhà khoa học cảnh báo2. Những nội dung trao đổi ngắn gọn dưới đây nhằm giúp các nhà khoa học Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhận biết để tránh những tạp chí và NXB này, đồng thời giúp cơ quan tài trợ bớt lãng phí nguồn lực để đầu tư đúng địa chỉ.

Có khá nhiều chỉ dấu để xác định một tạp chí rởm, một NXB không nghiêm túc3, nhưng một đặc điểm chung là thời gian trung bình tính từ lúc gửi bài đến khi nhận được bình duyệt phản biện (review) và chấp nhận đăng bài rất nhanh. Trong nhiều trường hợp, thời gian bình duyệt có thể chỉ là 1 tuần và chấp nhận đăng trong vòng một tháng. Quá trình bình duyệt là một công đoạn cực kỳ quan trọng để đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học, chất lượng của tạp chí. Do thời gian tính từ khi nộp bài đến khi xuất bản là quá ngắn, điều có thể dự đoán là các tạp chí rởm (hoặc tạp chí chất lượng thấp) sẽ thường bỏ qua quá trình bình duyệt, hoặc chỉ thực hiện một cách chiếu lệ. Xin lưu ý, trong các ngành khoa học nói chung và ngành kinh tế nói riêng, thông thường phải mất từ nửa năm tới một năm mới có thể bình duyệt và đăng bài. Do đó, những tạp chí mở thu phí rất cao nhưng bình duyệt một cách quá nhanh chóng có thể coi như máy hút tiền của các tác giả muốn đăng bài báo. Một chỉ dấu khác có thể nói lên chất lượng của tạp chí, đó là việc các tổng biên tập (editors) đăng bài báo của mình tại tạp chí mình làm biên tập một cách tràn lan. Thông thường, khi một nhà khoa học chịu trách nhiệm là tổng biên tập của một tạp chí nào đó thì họ sẽ hạn chế việc đăng công trình của mình tại tạp chí đó, do vấn đề đạo đức và mâu thuẫn lợi ích.

Một đặc điểm nổi bật nữa của những tạp chí rởm này là việc thu phí xuất bản. Khác với việc các tạp chí truyền thống thu phí xuất bản mở (Gold open access) qua đó tác giả chấp nhận đóng tiền sau khi bài báo của mình đã được chấp nhận đăng để độc giả có thể tiếp cận bài báo của mình mà không phải trả phí đặt mua tạp chí (subscription fees), các nhà xuất bản đáng ngờ sẽ thu một khoản phí gọi là “Phí xử lý đăng bài” (Article Processing Charge - APC) đối với tất cả các bài báo họ chấp nhận đăng. Phí chấp nhận đăng bài khá cao, dao động từ 20 triệu VNĐ đến 40 triệu VNĐ, thậm chí có tạp chí lên đến 60 triệu. Chúng ta đều biết truy cập mở (OA – Open Access) giúp cho các nghiên cứu hàn lâm được phổ biến nhanh chóng hơn cho cộng đồng, hiện nay nhiều nước và cơ quan tài trợ nghiên cứu cách thức thúc đẩy OA để các nhà khoa học (đặc biệt là ở các nước kém phát triển) có thể tiếp cận các kết quả nghiên cứu thông qua OA. Nhưng dù xuất bản theo hình thức truyền thống hay truy cập mở thì các tạp chí đều phải đặt yêu cầu bình duyệt chặt chẽ, đảm bảo chất lượng lên hàng đầu.

Cần lưu ý rằng “phí xử lý đăng bài” ở trên khác với phí nộp bài mà nhiều tạp chí uy tín trong lĩnh vực KHXH vẫn thu. Phí nộp bài không ảnh hưởng tới quyết định bài có được đăng hay không, và sẽ thường được nhiều tạp chí hàng đầu trên thế giới yêu cầu tác giả phải nộp phí gửi bài (mức giá khoảng 2 triệu VNĐ) nhằm giảm bớt những bài gửi đến có chất lượng thấp, từ đó đỡ tốn nguồn lực cho việc thẩm định bài viết.

Cảnh giác với những tạp chí “ăn xổi”

Số 1 tháng 2 năm 2020 của Sustainability đăng 531 bài. Trước đó, số 1 tháng 1 của tạp chí này đăng 442 bài.

Chúng tôi xin nêu ra hai ví dụ cụ thể tiêu biểu về các tạp chí và NXB đáng ngờ.

Multidisciplinary Digital Publishing Institute (MDPI) là một trong những nhà xuất bản thuộc kiểu tác giả phải trả tiền đăng bài báo. Nhà xuất bản MDPI được Shu-Kun Li, sinh ra ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thành lập. MDPI được đăng ký chính thức ở Thụy Sĩ, văn phòng biên tập đặt ở Trung Quốc, Tây Ban Nha, Serbia và Anh Quốc. Văn phòng hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc. Tổng số tạp chí của nhà xuất bản này là 227. Các tạp chí này sẽ có các mức phí đăng bài báo khác nhau nhưng đều cao so với các nước đang phát triển. Ví dụ, Tạp chí Sustainability thuộc MDPI có mức phí đăng bài là 1800 CHF (Franc Thụy Sĩ), tương đương 43 triệu VNĐ. Số lượng tổng biên tập của tạp chí này là 11, thành viên ban biên tập lên đến 1.549 người, một con số đáng kinh ngạc! Một tháng Tạp chí ra 2 số, mỗi số có khoảng 400-500 bài báo được đăng, như vậy một tháng có khoảng 800-1000 bài, một con số khủng khiếp mà không có một tạp chí uy tín nào có thể sản xuất được trong một năm chứ chưa nói đến một tháng. Tốc độ gửi bài và nhận bài rất nhanh, trong vòng khoảng 1,5 tháng hoặc nhanh hơn. Doanh thu một tháng của Tạp chí này trung bình khoảng 38 tỷ đồng (đây là một tạp chí của nhà xuất bản MDPI, nếu tính cho 227 tạp chí thì doanh thu một tháng khủng đến mức nào). Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận dựa trên lệ phí đăng bài, nên điều dễ hiểu là NXB này tìm cách đăng càng nhiều bài càng tốt. Chính điều này đã gây ra sự tranh cãi về chất lượng của những tạp chí thuộc MDPI. GS Mark Lubell - giám đốc Trung tâm Hành vi và Chính sách Môi trường của trường Đại học California, Mỹ thẳng thắn nhận xét “MDPI hoàn toàn ăn thịt người. Nhóm của tôi từ chối đăng bài trên các tạp chí thuộc MDPI. Các nhóm nghiên cứu khoa học khác cũng nên tẩy chay”4. Tương tự, GS Marc Bellemare – tổng biên tập Tạp chí American Journal of Agricultural Economics, tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp (do NXB thuộc trường Đại học Oxford ấn hành) – cũng cho rằng “Tôi vui mừng khi tôi không phải là người duy nhất nghi ngờ về NXB MDPI”5.

Nếu các cơ quan quản lý khoa học không loại bỏ những tạp chí thuộc NXB MDPI khỏi danh mục tạp chí quốc tế uy tín thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cơ quan tài trợ và mục tiêu lâu dài trong việc hướng đến các tạp chí theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, vô hình trung chúng ta lãng phí tiền của mà chỉ đem lại nguồn lợi lớn cho cơ quan xuất bản đặt tại Trung Quốc, trong trường hợp của MDPI.

Tương tự như vậy, các tạp chí thuộc Growing Science (http://growingscience.com/) cũng cần phải loại bỏ khỏi danh mục tạp chí uy tín. Mặc dù không khẳng định thu tiền phí đăng bài nhưng Growing Science lại thu tiền dưới dạng sửa bài, đây là một cách thu phí tiền đăng bài một cách tinh vi. Điều nổi bật của những tạp chí thuộc Growing Science là thời gian gửi bài và đăng bài rất nhanh, khoảng 1 tháng.

MDPI, Growing Science6 và Frontier7đều đã từng nằm trong danh sách nhà xuất bản rởm theo danh sách của chuyên gia thư viện Jeffrey Beall (ĐH Colorado, Denver, Mỹ). Đến năm 2015, dù không còn nằm trong danh sách Beall nhưng MDPI vẫn bị nhiều tai tiếng và được coi là một nhà NXB tiệm cận rởm (border line predatory) theo đánh giá của Hội đồng xuất bản quốc gia Na Uy8. Để tạo cảm giác an tâm và xây dựng uy tín giả, MDPI thực hiện chính sách miễn phí cho các học giả ở các nước phát triển trong khi lại tính phí các học giả ở các nước đang phát triển.

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại lựa chọn các tạp chí đăng bài phải mất phí, mà không lựa chọn các tạp chí truyền thống, có uy tín, có quá trình bình duyệt nghiêm túc và hoàn toàn không mất phí đăng bài. Có một số lượng rất lớn các tạp chí không thu phí đăng bài ở các lĩnh vực và chuyên ngành khác nhau, với thứ hạng từ thấp tới cao, là những tạp chí nghiêm túc vì họ không có động cơ moi tiền của tác giả. Như vậy một tiêu chí quan trọng để loại các tạp chí này là chỉ công nhận công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus không mất phí xử lý đăng bài.

Trong bối cảnh Việt Nam hãy còn là một nước nghèo, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế chúng ta không nên lựa chọn các tạp chí đó.

Để tạo dựng một nền học thuật nước nhà mang tính lành mạnh, đồng thời hướng tới chất lượng bài báo đăng tạp chí quốc tế ngày càng được nâng cao, thì việc loại bỏ những tạp chí “ăn xổi” như đã lấy ví dụ ở trên ra khỏi danh mục tạp chí uy tín của quỹ là hết sức cần thiết.

TS. Jampel Dell’Angelo, ở Viện Nghiên cứu môi trường ĐH Amsterdam, phó tổng biên tập Tạp chí World Development (tạp chí xếp hạng thứ 32/347 trong lĩnh vực kinh tế theo cơ sở dữ liệu của Clarivate Analytics) đã đưa ra lưu ý với các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên về tường hợp xuất bản trên các tạp chí thuộc MDPI: "Vấn đề chính là quy trình bình duyệt của MDPI không nghiêm ngặt. Lợi nhuận và tiền nhanh làm hạ thấp đi tiêu chuẩn nghiêm ngặt của khoa học. Cá nhân tôi không coi trọng các bài báo ở MDPI và tôi cũng cảm thấy rằng nhiều học giả khác cũng không coi trọng họ.

Tôi không bình duyệt cho họ, không chấp nhận thư mời vào hội đồng biên tập nào của họ, từ chối đăng bất kỳ bài báo nào mà tôi làm đồng tác giả ở bất kỳ tạp chí nào của họ. Và đây là lời khuyên tôi dành cho các sinh viên và đồng nghiệp của mình”.


Ngày 15/4 vừa qua, TS Dani Barrington, Giảng viên của trường Dân số và sức khỏe toàn cầu, thuộc ĐH Western Australia và Giảng viên mời tại ĐH Leeds, Anh đã cho biết trên trang của ĐH Leeds9 về trường hợp bà được mời chủ biên cho một số tạp chí đặc biệt về chủ đề 'Thất bại' của Tạp chí International Journal of Environmental Research and Health, trực thuộc MDPI. Tuy nhiên, chính sách của tạp chí này có sự phân biệt đối xử giữa học giả từ nước phát triển và nước đang phát triển.

Cụ thể, theo chính sách của Tạp chí này, khi được mời làm chủ biên khách mời thì bà được quyền được xuất bản miễn phí 1 bài đồng thời được mời 4 tác giả khác đăng bài miễn phí. Dani viết thư hỏi Tạp chí liệu chính sách này có miễn phí cho các tác giả khách mời từ các nước đang phát triển không. Tạp chí cho biết chính sách miễn phí này chỉ ưu tiên cho các học giả từ các nước phát triển, còn các tác giả từ các nước đang phát triển thì có thể giảm giá, chứ chưa có chính sách miễn phí. Quá thất vọng, Dani đã cố thuyết phục Tạp chí rằng chính sách miễn phí nên dựa vào chất lượng bài viết, chứ không phải trao đặc quyền các nhà khoa học ở các nước phát triển - những người có thể không quan tâm đến việc được hưởng chính sách đăng miễn phí này. Bà lập luận rằng, với tư cách là chủ biên, bà muốn mời các tác giả từ các nước thu nhập thấp và trung bình để có thể đa dạng hóa các kinh nghiệm về 'thất bại' bằng tiếng nói địa phương - những kiến thức vốn còn thiếu hụt về chủ đề này.

Tuy nhiên, chủ trương của Tạp chí vẫn là ưu tiên miễn phí cho các tác giả từ các nước phát triển để tăng độ bao phủ của số đặc biệt và mở ra cơ hội phát triển sau này. Sau khi nhận được câu trả lời củaInternational Journal of Environmental Research and Health, Dani và các cộng sự từ chối làm biên tập viên khách mời cho Tạp chí này.
Nguyễn Trung Kiên (NCS,ĐH Monash, Úc)

Tài liệu tham khảo
https://core.ac.uk/download/pdf/43497765.pdf
http://www.sun.ac.za/english/research-innovation/Research-Development/Documents/Predatory%20publishing%20in%20South%20Africa_17%20August%202017.pdf
https://ideas.repec.org/a/eee/infome/v12y2018i4p1296-1311.html
https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/1350507619878820
https://www.4open-sciences.org/articles/fopen/full_html/2018/01/fopen180001s/fopen180001s.html
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6550518/

Chú thích:
1https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/1350507619878820
2https://www.universityaffairs.ca/features/feature-article/beware-academics-getting-reeled-scam-journals/
3 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5493175/
4https://twitter.com/EnvPolicyCenter/status/1271721187211571200?fbclid=IwAR2raGuZuI0m5lKn6u-E1SZbyA1QdTGioNSV35abz-fkoEL7nL0UXjieb5k
5https://twitter.com/marcfbellemare/status/1272249524539600897?fbclid=IwAR2LUYkDUVVMsid2693S1LZ2BPMx4-1GDubIbHLSNN-DTCmKpEgtj_raGUk
6 https://predatoryjournals.com/publishers/#G
7https://predatoryjournals.com/publishers/#F
8 The National Publication Committee of Norway stated that they shared Fosso's and Nøland's concerns over MDPI and described it as a "borderline publisher" that "deftly makes sure not to fall in the 'predatory publisher' category" and that "superficially meets the criteria" for level 1 status, and noted that Norway will introduce a new "level X" for questionable publishers in 2020.
9https://wash.leeds.ac.uk/what-the-f-how-we-failed-to-publish-a-journal-special-issue-on-failures/?

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận