Chuyển đổi di sản công nghiệp: Một gợi ý về không gian sáng tạo cho startup

Chuyển đổi di sản công nghiệp: Một gợi ý về không gian sáng tạo cho startup

Mặc dù có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng những mô hình không gian sáng tạo hỗ trợ khởi nghiệp đang phải đối diện với hai thử thách là khó khăn trong kêu gọi đầu tư và quỹ đất quá ít ỏi để hình thành không gian. Họ có thể làm gì để vượt qua những thử thách này?

Tìm nhà đầu tư muốn tạo ra giá trị xã hội

Trong số các mô hình không gian làm việc chung (Coworking Space) hiện nay, UPGen (Up Coworking Space) là một cái tên quen thuộc đối với các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á, đây là nơi đã ươm mầm cho rất nhiều các startup non trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng khởi điểm của không gian sáng tạo UPGen cũng là ở một… không gian sáng tạo khác mang tên Hanoi Creative City.

Chuyển đổi di sản công nghiệp: Một gợi ý về không gian sáng tạo cho startup
Vườn ươm startup Station F ở Paris, một dẫn chứng tiêu biểu cho việc chuyển đổi thành công không gian công nghiệp thành không gian sáng tạo. Ảnh: architecturaldigest

“Chỉ sau 10 phút trò chuyện với anh Đoàn Kỳ Thanh (nhà sáng lập Hanoi Creative City), tôi đã quyết định sẽ khởi đầu UPGen tại không gian sáng tạo này, và cho đến hiện tại tôi vẫn nghĩ đó là quyết định vô cùng chính xác, góp phần quan trọng vào sự thành công của UPGen”, ông Đỗ Hoài Nam, nhà sáng lập UPGen kể lại tại tọa đàm “Động lực và cơ hội nào cho kinh tế sáng tạo?” do UNESCO, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE), UBND Quận Hoàn Kiếm và Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp tổ chức vào tháng sáu vừa qua. “Lúc đó, UPGen chỉ là một startup bắt đầu từ con số 0, và hiện tại nó đã là một trong những đơn vị cung cấp không gian làm việc hàng đầu Đông Nam Á. Đây là một trong những bằng chứng sống cho thấy liệu những không gian sáng tạo như Hanoi Creative City có thể tạo ra những giá trị gì cho các startup trên thị trường”.

Theo định nghĩa của Hội đồng Anh, không gian sáng tạo có thể hiểu là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ.

Thực chất, vào năm 2015 - khi Hanoi Creative City thành lập, không gian sáng tạo vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ và hầu như không có một cơ chế chính sách nào dành cho mô hình này, “lúc đó chúng tôi phải đăng ký Hanoi Creative City dưới dạng đơn vị bất động sản”, Đoàn Kỳ Thanh cho biết. Tuy nhiên, trong quá trình phát động phong trào khởi nghiệp, nhà nước đã mở ra rất nhiều cơ chế thuận lợi, “trong đó có việc thành lập ra một ngành nghề riêng cho những không gian sáng tạo với tên gọi ngành hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp và không gian làm việc chung. Và do đó, năm 2016 khi UPGen thành lập, chúng tôi đã có thể đăng ký ngành nghề với mã số thuế riêng cho startup này”, ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ.

Những không gian sáng tạo như Hanoi Creative City hay UPGen là địa điểm thích hợp cho các startup, những người hoạt động nghệ thuật, sáng tạo có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về không gian làm việc, thảo luận, nghiên cứu, trưng bày, cũng như kết nối với mạng lưới những người hoạt động trong cùng lĩnh vực sáng tạo. Hiện nay UPGen đã có hơn 15 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM, thậm chí đã vươn ra khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thành công của UPGen không phải tự dưng mà có. Trước khi trở thành một mô hình cung cấp dịch vụ văn phòng hỗ trợ cho các startup, bản thân họ cũng là một startup bắt đầu từ con số 0, phải đi kêu gọi vốn. Rõ ràng việc kêu gọi vốn cho những không gian sáng tạo sẽ khó hơn bình thường, khi mà cùng một diện tích đất như vậy, nhà đầu tư có thể xây nên các tòa nhà chung cư lớn và bán cho hàng ngàn hộ dân để thu lại một lợi nhuận khổng lồ thay vì bỏ tiền ra xây nên một không gian sáng tạo cho các startup… còn nghèo và không biết khi nào mới có thể hoàn vốn. Vậy họ đã thuyết phục các nhà đầu tư như thế nào? “Tôi chia các nhà đầu tư làm hai nhóm: nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến việc thu về lợi nhuận là tiền ngay lập tức, và nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến giá trị trong tương lai – mà chúng ta vẫn hay gọi là ‘các nhà đầu tư mạo hiểm’ (venture capitalist)”, ông Nam phân tích. “Các nhà đầu tư này sẽ sẵn sàng bỏ loại tiền tệ (currency) mà họ đang có là tiền bạc ra để đổi lấy một giá trị nào đó cho xã hội trong tương lai”.

Chuyển đổi di sản công nghiệp: Một gợi ý về không gian sáng tạo cho startup
Các Coworking Space hiện nay đặc biệt phát triển ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…. Ảnh: d1arch

Tuy nhiên, loại tiền tệ của các nhà đầu tư ở các nước đang phát triển hầu hết vẫn là “tiền”. “Theo thống kê, cứ 100 startup thì sau vài năm sẽ có 90 startup phá sản, 9 startup sống lay lắt và 1 startup bật lên được. Nếu nhà đầu tư nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích thu được là tiền thì chắc chắn hệ sinh thái về mặt khởi nghiệp, sáng tạo sẽ không tồn tại”, ông Đỗ Hoài Nam khẳng định.

Ông cho rằng những chủ đầu tư quan tâm đến xã hội sẽ chấp nhận đánh đổi tiền bạc để thu về giá trị tương lai, còn startup sẽ đưa ra tiềm năng phát triển tương lai để thu về khoản đầu tư mong muốn nhằm phát triển startup của mình. Cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp đang từng bước chứng minh tương lai tiềm năng của những nhà đầu tư và những người khởi nghiệp sẵn sàng tạo ra giá trị cho xã hội. “Tôi nghĩ hành trình khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp về không gian sáng tạo rất khó khăn, nhưng Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng nhất trên bản đồ đầu tư mạo hiểm, thế nên việc tiếp cận vốn cho một sản phẩm hay dịch vụ sẽ có giá trị trong tương lai thì hoàn toàn không khó”, ông kết luận.

Tận dụng các di sản công nghiệp

Dù mô hình không gian sáng tạo hiện nay đang có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh bùng nổ khởi nghiệp, nhưng làm thế nào để có được diện tích đất đủ lớn để xây dựng không gian thì vẫn là một bài toán khó. Vậy giải pháp từ đâu? Tại tọa đàm “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo” được tổ chức vào cuối năm 2020, PGS.TS.KTS Nguyễn Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho biết cuối năm 2019, Hà Nội có 92 cơ sở công nghiệp trên địa bàn nội thành cần phải di dời. “Đây là những quỹ đất trống cuối cùng của thành phố. Nếu không nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi các cở sở công nghiệp thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo thì có lẽ chúng ta sẽ mất cơ hội mãi mãi”. Bà cũng cho rằng việc chuyển đổi nhà máy thành chung cư, trung tâm thương mại không phải là dở, nhưng không nên là ưu tiên, mà nên dành lại quỹ đất ít ỏi cho không gian công cộng, trong đó có không gian sáng tạo.

Tiến hành khảo sát 10 nhà máy cũ tại Hà Nội, KTS Trương Ngọc Lân, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, có thể chia những nhà máy này làm ba loại: Cơ sở công nghiệp có nguồn gốc từ thuộc địa và chưa thay đổi nhiều như Nhà máy Bia Hà Nội; Cơ sở bị phá hủy trong chiến tranh, xây dựng lại theo kiến trúc hậu chiến như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; và Các nhà máy được xây dựng trong giai đoạn mở đầu xây dựng XHCN miền Bắc như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Cao su Sao Vàng,… Trong số này, “có nhiều công trình kiến trúc còn tốt và có thể chuyển đổi công năng”, anh cho biết.

Đồng tình với điều này, PGS. Nguyễn Thúy Loan cho rằng “chúng ta cần thay đổi quan niệm cho rằng nhà máy cũ là thứ gì đó phế tàn, không có giá trị, hãy xem đó là những di sản quý báu và là cơ hội cho chúng ta tạo ra những cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế sáng tạo như trung tâm văn hóa, các tổ hợp sáng tạo, khởi nghiệp”.

Đó cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia. Tại tọa đàm “Động lực và cơ hội nào cho kinh tế sáng tạo”, KTS Mai Hưng Trung đưa ra trường hợp Station F ở Paris, một dẫn chứng tiêu biểu cho việc chuyển đổi thành công không gian công nghiệp thành không gian sáng tạo. “Tòa nhà này từng là khu tập kết đầu máy xe lửa, xe hỏa tín, thuộc sở hữu của Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp SNCF. Nó đã ngừng hoạt động và bị bỏ hoang vào năm 2006, đến năm 2011 thì SNCF đã xin cấp phép dỡ bỏ tòa nhà”, anh chia sẻ. Tuy nhiên, dưới sức ép của cộng đồng, công trình này đã được công nhận là di sản. Sau đó tòa nhà được chủ tịch tập đoàn Free mua lại và chuyển đổi thành startup campus, và hiện tại đây là startup campus lớn nhất thế giới với hơn 1000 startup hoạt động. “Tôi nghĩ đây là trường hợp thú vị, và nó có sự tương đồng với nhà máy xe lửa Gia Lâm”, anh đề xuất.

Trên thực tế, ở Việt Nam, không gian sáng tạo Zone 9 đã hình thành nên từ quá trình cải tạo khai thác một cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, và bản thân Hanoi Creative City cũng là một trường hợp tiêu biểu khi không gian này hình thành sau khi chuyển đổi công năng tòa nhà Kim khí Thăng Long.

Ông Đỗ Hoài Nam nhận định, “chúng ta hiếm khi tận dụng những giá trị đang có sẵn và thay đổi, chuyển hóa nó cho phù hợp”. “Khi lựa chọn giữa đập một tòa nhà để xây nên chung cư thu lợi nhuận nhanh chóng, hay chuyển đổi tòa nhà đó thành một không gian sáng tạo có giá trị trong tương lai, chúng ta cần xem xét rốt cục mình cần gì, tiền ngay lập tức hay giá trị trong tương lai? Nếu câu trả lời là giá trị trong tương lai, thì sự lựa chọn trong hiện tại của chúng ta sẽ không bao giờ là tiền”, ông kết luận.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận