Chuyển đổi số không phải là trào lưu

Chuyển đổi số không phải là trào lưu

Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số đang trở thành một từ khóa thời thượng và chính phủ nhiều lần cổ vũ, kêu gọi mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia trào lưu này. Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang không khỏi cảm thấy mơ hồ, thậm chí xa lạ với khái niệm này. Họ không khỏi băn khoăn: chuyển đổi số thực sự là làm gì?

Chuyển đổi số là gì?

Trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên, khi Alice rời khỏi nhà Nữ công tước – Hậu cơ, đã hỏi chú mèo Cheshire mà cô gặp trên đường rằng cô nên đi đường nào. Mèo Cheshire đã trả lời rằng điều đó phụ thuộc vào cái đích cô muốn tới. Thế là, Alice đáp lại: “Tôi không quan tâm, miễn là đi đâu đó.”

Tony Saldanha, tác giả của cuốn sách “Tại sao chuyển đổi số thất bại: Những nguyên tắc đáng kinh ngạc để cất cánh và dẫn đầu” trong một cuộc phỏng vấn đã so sánh các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng chẳng khác gì Alice. Ông cho rằng, 70% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại và nguyên nhân chính là họ không xác định được rõ ràng, cụ thể doanh nghiệp của họ cần trở thành như thế nào.

Kiến thức kỹ thuật số ở các cấp lãnh đạo là một vấn đề lớn, bắt đầu từ cấp hội đồng quản trị . Tony Saldahna chỉ ra chưa đến 20% thành viên HĐQT có kiến thức cần thiết cho chuyển đổi số. Từ những thất bại được phân tích trong cuốn sách, Saldanha cũng chỉ ra rằng, nếu thiếu ba điểm quan trọng thì các doanh nghiệp sẽ gặp thất bại bao gồm (1) Xây dựng năng lực để đi trước đối thủ xét trong dài hạn; (2) Kế hoạch tái tạo và phát triển những mô hình kinh doanh mới; (3) Duy trì kỷ luật chính. Chuyển đổi số sẽ chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng nếu doanh nghiệp không có mục tiêu và thiếu cam kết cũng như kỉ luật để đạt được và duy trì mục tiêu đó.

Chuyển đổi số không phải là trào lưu
Sáu bước chuyển đổi số theo GS. Hồ Tú Bảo.

Như ta đã biết, cách mạng công nghiệp lần thứ ba còn được gọi là cuộc cách mạng số ra đời nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện tử điện tử viễn thông với sự xuất hiện của máy tính cá nhân và internet. Còn cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trỗi dậy là sự hòa quyện giữa thế giới thực và ảo, các thực thế vật lý và sinh học đều có thể được số hóa và cá nhân hóa. Trong lịch sử, sự xuất hiện các cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ hình thành các lớp doanh nghiệp thế hệ mới, đồng thời, đại đa số những doanh nghiệp ở thời kì cũ không đuổi kịp sẽ bị đào thải. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo Tony Saldahna là phải làm sao để công ty thời kì cách mạng công nghiệp lần thứ ba “hòa nhập” được với thời kì cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Họ phải làm sao để công nghệ số trở thành xương sống của các sản phẩm mới, của cách điều hành doanh nghiệp mới và của các mô hình kinh doanh mới.

Thực chất, chuyển đổi số chính là đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở mức cao nhất. Và trước khi bước vào con đường này, Saldana đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá mục tiêu chuyển đổi số của họ bằng cách trả lời những câu hỏi (rất khó) sau:

• Chuyển đổi được đề xuất có sử dụng hai hoặc nhiều thứ sau đây không: (1) công nghệ theo cấp số nhân (2) mô hình dựa trên kết quả (3) hệ sinh thái theo cấp số nhân.

• Mục tiêu chuyển đổi số có phải là để tái tạo thay vì tạo ra sự tiến hóa dần dần không?

• Mục tiêu có mang lại một hoặc nhiều điều sau không? (1) chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới (2) sản phẩm được công nghệ hỗ trợ mới (3) hiệu quả hoạt động tăng gấp nhiều lần.

• Mục đích của việc chuyển đổi có nhằm thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp chuyển đổi vĩnh viễn hay không?

• Đề xuất chuyển đổi toàn doanh nghiệp có dựa trên một chiến lược chính thức và định hướng từ ban lãnh đạo cấp cao hay không?

Sau khi đã tìm được mục tiêu, doanh nghiệp bước vào năm giai đoạn của quá trình chuyển đổi số. Trong đó, việc tự động hóa một số quy trình nội bộ (như bán hàng, sản xuất, kế toán) bằng các nền tảng công nghệ chỉ là giai đoạn một, là bước khởi đầu (foundation). Giai đoạn hai, được gọi là giai đoạn "tách biệt", là khi một hoặc một vài chức năng đơn lẻ trong công ty bắt đầu sử dụng những công nghệ rất mới để tạo lập các mô hình kinh doanh mới (chẳng hạn như bộ phận sản xuất sử dụng công nghệ Internet Vạn vật để tạo ra thay đổi lớn trong sản xuất và logistics). Giai đoạn ba là chuyển đổi “đồng bộ một phần”, trong đó lãnh đạo công ty đã xác nhận được “sức mạnh đột phá” của công nghệ số và định nghĩa được tương lai số sẽ như thế nào. Tuy nhiên, công nghệ vẫn chưa trở thành cốt lõi, thành xương sống của các mô hình kinh doanh mới, cũng chưa có văn hóa đổi mới sáng tạo. Giai đoạn bốn là được gọi là “đồng bộ toàn phần”, đánh dấu thời điểm toàn bộ công ty trở thành một nền tảng số và mô hình kinh doanh mới đã bắt đầu bén rễ. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo rằng trạng thái này sẽ được duy trì và tồn tại bền vững. Cho đến trạng thái cuối cùng - DNA sống khi việc chuyển đổi đã trở nên không thể đảo ngược, công ty mới trở thành một tổ chức đổi mới sáng tạo thực thụ.

Chuyển đổi số sẽ đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ và quyết tâm, kiên trì rất lớn của những người lãnh đạo công ty. Bởi như vậy mới đủ để “xoay chuyển” cả một tập thể đang ở trong tư duy cũ, cách làm cũ, văn hóa cũ sang một hướng khác. Saldanha từng trả lời phỏng vấn rằng, chuyển đổi số thành công chỉ có 10% là công nghệ còn 90% còn lại là đóng góp từ cách quản trị sự thay đổi và văn hóa công ty. Có kiến thức số chưa đủ, tạo ra những dự án chuyển đổi số thành công trong công ty cũng vẫn chưa đủ. Nhiều dự án nhỏ lẻ độc lập trong công ty có thể đem lại những kết quả đầy hứa hẹn, nhưng khi bắt đầu tích hợp vào bối cảnh của cả tổ chức, rất dễ thất bại nếu như người đứng đầu không thực sự hiểu hoàn cảnh, năng lực và văn hóa của toàn bộ công ty khi thiết kế những dự án đó.

GS. Hồ Tú Bảo khái quát lại quá trình chuyển đổi số của một tổ chức cũng có nhiều nét tương đồng với Tony Saldahna. GS. Bảo đưa ra sáu bước trên con đường chuyển đổi số: (1) Nhận thức và tư duy mới, (2) Đặt ra chiến lược và lộ trình, (3) Xây dựng năng lực số (năng lực, hạ tầng, văn hóa), (4) Xác định công nghệ chính, (5) Thay đổi mô hình kinh doanh, hoạt động và cuối cùng là (6) Chuyển đổi quy trình: từ nhỏ đến lớn. Nhưng đó không phải là con đường thẳng, sáu bước này được xếp thành một vòng tròn nhắc nhở chúng ta rằng, có những bước bạn sẽ phải làm đi làm lại và làm liên tục trong khi vẫn phải tiến lên những bước tiếp theo.

Chuyển đổi số không phải là trào lưu

Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số như thế nào?

Mặc dù từ “chuyển đổi số” ở Việt Nam được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, trong phát ngôn của các doanh nghiệp công nghệ lớn, trong bài phát biểu của chính phủ nhưng hầu như không có mấy thông tin cụ thể về bản chất của chuyển đổi số là gì và phải làm gì để chuyển đổi số để biến những lời kêu gọi thành hành động.

Tôi thử sử dụng Google và Google Trends xem đánh giá xu hướng tìm kiếm của người Việt xoay quanh khái niệm chuyển đổi số, từ đó có một hình dung nhất định về:

- Mức độ quan tâm đến chuyển đổi số đang như thế nào?

- Mức độ quan tâm đến đổi mới mô hình kinh doanh đang như thế nào?

- Tìm hiểu về chiến lược chuyển đổi số đang ở đâu?

- Khía cạnh nào của chuyển đổi đang được quan tâm nhiều nhất?

Theo đó, từ khóa “chuyển đổi số” mới xuất hiện trên google của Việt Nam vào năm 2009, nhưng mức độ tìm kiếm gần như không có nhiều thay đổi cho đến năm 2020 bắt đầu đi lên và đạt đỉnh vào năm 2021. Trong khi đó, từ khóa “đổi mới mô hình kinh doanh” – điều gắn liền với mục tiêu của chuyển đổi số mới chỉ được quan tâm từ tháng 9.2019 và lên xuống không đồng đều. Nói cách khác là gần như không có mối liên hệ nào giữa hai sự quan tâm này: người Việt quan tâm đến chuyển đổi số nhưng lại ít để ý đến bản chất của khái niệm này. Hơn nữa, khi tìm kiếm từ khóa “chuyển đổi số” cho ra gần 14 triệu kết quả trong khi từ khóa “đổi mới mô hình kinh doanh” chỉ cho ra gần 100 nghìn kết quả, ít hơn gần 150 lần. Từ khóa khác là “mô hình kinh doanh mới” thì có phần cao hơn, cho ra khoảng gần một triệu kết quả. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn giữa kết quả tìm kiếm của “chuyển đổi số” và “mô hình kinh doanh mới” phản ánh phần nào hiện tượng thiếu tương xứng giữa thông tin hô hào chuyển đổi số và thông tin phân tích, chuyên sâu, có tính hướng dẫn thực hành hơn về khái niệm này.

Có lẽ “chuyển đổi số” ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chứ chưa thực sự được doanh nghiệp để tâm. Từ khóa “chuyển đổi số như thế nào” hầu như không được quan tâm, cho đến tháng 10/2021 khi dịch bệnh vừa mới đi qua giai đoạn cao trào và cũng không ngạc nhiên khi các tỉnh phía Nam, nơi chịu ảnh hưởng lớn hơn của dịch COVID-19 lại có mối quan tâm nhiều hơn về từ khóa này so với các tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Từ khóa “chiến lược chuyển đổi số” cũng nhận được sự quan tâm hết sức khiêm tốn (chỉ hơn 100 nghìn kết quả).

Sẽ cần nghiên cứu sâu hơn về những con số trên trong tương quan với bối cảnh để nắm được sâu hơn mối quan tâm của doanh nghiệp với chuyển đổi số và các vấn đề xung quanh nó. Tuy nhiên, những con số trên cũng phần nào phản ánh hiện trạng truyền thông về cách thức thực hiện chuyển đổi số cũng như động lực khiến các chủ doanh nghiệp đặt tay gõ lên bàn phím để tìm hiểu về chuyển đổi số còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Ngoài việc phải đưa ra những thông tin sâu sắc hơn về con đường chuyển đổi số của doanh nghiệp, truyền thông cũng cần cho thấy rằng con đường chuyển đổi số, dù là tất yếu, nhưng sẽ không đơn giản và doanh nghiệp sẽ phải có chiến lược và nguyên tắc để theo đuổi nó. Công cuộc chuyển đổi số của một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có nguy cơ thất bại và sẽ rất tốt nếu truyền thông có thể phân tích cả hai trường hợp. Khi tra bằng tiếng Việt “chuyển đổi số thành công” có gần 200 nghìn kết quả nhưng phần lớn là nội dung hướng dẫn sao cho thành công chứ chưa thực sự thấy những trường hợp thành công cụ thể được nghiên cứu và phân tích. Trong khi đó, khi tra từ khóa “chuyển đổi số thất bại” chúng ta chỉ có gần sáu nghìn kết quả.

Để thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số tổ chức kinh doanh tại Việt Nam, trước hết chính phủ cần phải có nghiên cứu để xác định nhu cầu, hoàn cảnh và năng lực chung của họ để có những chương trình (bao gồm cả từ phía nhà nước và tư nhân) được thiết kế phù hợp, tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo và cam kết với con đường chuyển đổi số này.

Năm 2020, 2021, khi COVID-19 càn quét nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp trong mạng lưới của chúng tôi buộc phải đóng cửa và thậm chí phá sản, một trong những câu hỏi lớn với chúng tôi là làm sao gia tăng tỷ lệ sống sót của các doanh nghiệp, giúp họ thích ứng, và phát triển. Sau khi phân tích hiện trạng, chúng tôi nhận ra rằng, chính những doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trên ba năm tuổi – độ tuổi đủ bình tĩnh trước những sóng gió trên thị trường nhưng cũng cởi mở để sẵn sàng điều chỉnh mô hình kinh doanh mạnh mẽ - sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những cơ hội chuyển đổi số và có tiềm năng tạo ra bứt phá.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng, “chuyển đổi số” hiện nay có thể là cái áo quá lớn với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều họ quan tâm nhất hiện nay chỉ dừng ở hai mục tiêu: làm sao để tăng doanh số và làm sao để triển khai bán hàng online thành công. Chúng tôi đã lựa chọn hỗ trợ kết hợp giữa đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh và bước đầu chuyển đổi số hơn 20 nhóm kinh doanh hướng đến ba mục tiêu chính: gia tăng doanh số qua kênh trực tuyến, đổi mới mô hình kinh doanh và gia tăng nhân sự cho hoạt động chuyển đổi số. Với hướng đi có trọng tâm này, chúng tôi đã đạt được những kết quả thực sự khả quan với sự gia tăng doanh số qua các kênh trực tuyến 300%-500% bình quân cho mỗi doanh nghiệp tham gia.

Dĩ nhiên, tăng doanh số, triển khai bán hàng online thành công và đổi mới mô hình kinh doanh hiện tại chưa được gọi là chuyển đổi số như định nghĩa của Tony Saldahna. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nó là “bước đầu” và nó sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục những bước khác sâu hơn, khó hơn, phức tạp hơn của chuyển đổi số trong tương lai.

***

Kỷ nguyên dữ liệu đang đến rất gần với khối lượng dữ liệu vào năm 2025 được dự đoán sẽ tăng gấp năm lần so với năm 2019. Khoảng 60% của gần 3000 lãnh đạo các lãnh đạo các tập đoàn kinh doanh và IT toàn cầu cho rằng năng lực của công ty họ không thể bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của dữ liệu hiện nay. Chuyển đổi số là con đường mà các doanh nghiệp phải đi nếu muốn tồn tại. Rất nhiều quyết định kinh doanh sẽ dựa trên dữ liệu. Tuy vậy, con đường chuyển đổi số của Việt Nam đang rất chậm và sẽ còn rất chông gai. Quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đặt ra những câu hỏi lớn khiến chúng tôi phải nhìn nhận lại hiện trạng về chuyển đổi số từ góc độ tư duy đến chiến lược và thực thi.

- Nhận thức của các lãnh đạo về đổi mới sáng tạo nói chung và chuyển đổi số nói riêng còn rất hạn chế dẫn đến động lực để đổi mới và chuyển đổi số rất thấp. Họ phần lớn coi đó là việc của một phòng ban và không ít coi rằng chuyển đổi số chỉ là sử dụng một số phần mềm.
- Nhân sự cho chuyển đổi số hầu như không có và/hoặc không sẵn sàng.

- Không xác định được chính xác vấn đề mình đang gặp phải nên không xác định được chuyển đổi số nói riêng và việc đổi mới toàn diện mô hình kinh doanh sẽ giúp được gì, từ đó thiếu hoàn toàn một chiến lược toàn diện cho đổi mới và chuyển đổi số.

Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm trên con đường chuyển đổi số. Thực sự cần những đột phá so với cách thức truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp cho đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thay đổi văn hóa doanh nghiệp và thích ứng các công nghệ để tiến đến những bước chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Từ đó cho ra đời những mô hình kinh doanh mới có khả năng thích ứng và tăng trưởng trong những điều kiện môi trường kinh doanh và xã hội có những biến động mạnh. Chuyển đổi số hay mô hình kinh doanh mới bản chất không phải là hai bài toán tách biệt mà là những bước đi cần thiết trong nhau, cho dù doanh nghiệp tiếp cận từ đâu.

GS. Hồ Tú Bảo từng cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội vô giá cuối cùng để Việt Nam bắt kịp với các nước phát triển. Việt Nam đang có những lợi thế trong kỷ nguyên số nhưng cũng đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Chúng ta sẽ ứng xử với cơ hội vô giá này thế nào để chuyển đổi số không là trào lưu, để chúng ta nắm bắt và hưởng lợi từ nó thực sự, có lẽ cần một tư duy mới trong chiến lược và thực thi trong đó truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu không nhìn vào vấn đề doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia đang gặp phải trong tương quan với bối cảnh thế giới để tạo ra động lực đổi mới từ nội bộ mỗi doanh nghiệp, tổ chức, thì con số thất bại 70% cũng sẽ không có những ngoại lệ ở Việt Nam nếu không muốn nói là cao hơn.

Tăng doanh số, triển khai bán hàng online thành công và đổi mới mô hình kinh doanh hiện tại chưa được gọi là chuyển đổi số như định nghĩa của Tony Saldahna. Nhưng nó là “bước đầu” và nó sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục những bước khác sâu hơn, khó hơn, phức tạp hơn của chuyển đổi số trong tương lai.

Chuyển đổi số thành công chỉ có 10% là công nghệ còn 90% còn lại là đóng góp từ cách quản trị sự thay đổi và văn hóa công ty.

Tony Saldahna


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận