Phát triển hạ tầng, dữ liệu AI tại Đà Nẵng

Phát triển hạ tầng, dữ liệu AI tại Đà Nẵng

Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành thành phố, các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, cộng đồng startup và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hạ tầng số và AI tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia tập trung đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu AI tại Đà Nẵng, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm toàn cầu. Nhiều tham luận mang đến cái nhìn toàn diện về các nền tảng hạ tầng tiên tiến, bao gồm GPU, DPU, Infiniband, Zkb Database – những công nghệ đang trở thành tiêu chuẩn mới trong triển khai AI hiệu suất cao.

Hội thảo cũng ghi nhận các đề xuất về mô hình hạ tầng “AI-as-a-Service”, phục vụ linh hoạt cho startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ, viện trường và cộng đồng nghiên cứu – giúp tăng tốc quá trình số hóa doanh nghiệp, khai phá dữ liệu và thương mại hóa trí tuệ nhân tạo.

Nhiều diễn giả từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google Cloud, NVIDIA, Alibaba, Viettel IDC, VDI, Orochi Network1..., chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các mô hình triển khai trung tâm AI hiệu quả và đề xuất cụ thể cho Đà Nẵng trong quá trình xây dựng nền tảng hạ tầng số tiên tiến.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phụ trách giải pháp doanh nghiệp, Công ty NVIDIA Việt Nam với tham luận về “AI có chủ quyền” đề cập đến khả năng của một quốc gia trong việc sản xuất trí tuệ nhân tạo và đề xuất Dự án CoE với thành phố Đà Nẵng.

Theo ông cường: “Thành phố Đà Nẵng đang đi đúng hướng trong việc xây dựng AI có chủ quyền. NVIDIA luôn luôn mong muốn đồng hành cùng với thành phố Đà Nẵng trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân cũng như phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp đối tác của Đà Nẵng”.

Tại phiên tọa đàm mở, các chuyên gia, startup, nhà đầu tư và đại diện trường viện cùng nhau trao đổi về định hướng đầu tư, chia sẻ hạ tầng và chính sách hỗ trợ để phát triển hệ sinh thái AI – Blockchain – đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.

Ông Vladimir Kangin, đồng sáng lập và giám đốc điều hành một công ty công nghệ đề cập các tiêu chuẩn quốc tế trong vận hành trung tâm dữ liệu AI – Kinh nghiệm từ 37 quốc gia và đề xuất chiến lược cho Đà Nẵng. Khi Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành Trung tâm tài chính quốc tế và thành lập Khu thương mại tự do, những cơ hội mới xuất hiện để định vị thành phố như: Trung tâm dữ liệu AI (Hỗ trợ khối lượng công việc AI với cơ sở hạ tầng tiên tiến và năng lực điện toán mật độ cao); Trung tâm điện toán biên cho các dịch vụ AI khu vực (Phục vụ các ứng dụng AI thời gian thực trên khắp Đông Nam Á thông qua các triển khai có biên độ trễ thấp.

Ông Vladimir Kangin khuyến nghị: “Chiến lược để xây dựng thương hiệu Đà Nẵng thành Cổng AI khu vực, phục vụ châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa, thành phố cần đầu tư vào các tuyến cáp ngầm có độ trễ thấp hướng đến Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; Phát triển các quy định và phân vùng cụ thể về AI; Khuyến khích các trung tâm dữ liệu hiệu quả năng lượng, sẵn sàng cho AI; Nâng cấp cơ sở hạ tầng điện cho các hoạt động AI quy mô lớn”.

Hội thảo chuyên đề lần này không chỉ là một diễn đàn trao đổi chuyên môn, mà còn là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ cao quốc gia, với nền tảng hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến và chính sách cởi mở. Hành động cụ thể – Kết nối nguồn lực – Bứt phá dài hạn. Đây là bước khẳng định quyết tâm của thành phố Đà Nẵng trong việc đầu tư bài bản cho hạ tầng phục vụ chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Trong chiến lược dài hạn, Đà Nẵng hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ cao quốc gia, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố từ chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật số, môi trường thử nghiệm (sandbox) đến hệ sinh thái startup và đào tạo nguồn nhân lực. Việc phát triển hạ tầng AI tại Đà Nẵng không chỉ phục vụ riêng cho lĩnh vực công nghệ, mà còn là động lực nền để thúc đẩy nhiều ngành mũi nhọn như đô thị thông minh, y tế số, giáo dục, logistics, du lịch và đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn đang được thành phố ưu tiên chiến lược.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm DSAC cho rằng: “Hiện nay, trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số thông qua nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, không chỉ Đà Nẵng mà tất cả các địa phương ở Việt Nam, cũng như quốc tế cũng sẽ đầu tư rất nhiều làm thế nào để không chậm chân. Chúng ta không đua trend nhưng chúng ta cũng không thể quá cầu toàn, không hiệu quả trong quản lý và phát triển hạ tầng”.  

Tại hội thảo, Trung tâm DSAC đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng Công ty Mobifone và Hệ thống giáo dục Sky-Line, nhằm thúc đẩy các chương trình đào tạo, triển khai giải pháp AI trong giáo dục và cung cấp hạ tầng số phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, Hệ thống giáo dục Sky-Line cam kết tài trợ miễn giảm học phí từ 30-50% cho con em các chuyên gia AI và bán dẫn đến làm việc tại địa bàn Đà Nẵng theo chính sách thu hút chuyên gia của Đà Nẵng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận