Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ “có tính cấp bách”

Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ “có tính cấp bách”

Bám sát định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, trong năm qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã có các hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ “có tính cấp bách” đổi mới công nghệ, kết nối cung – cầu công nghệ cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu công nghệ.

Nhà máy của Vietnam Food. Ảnh: Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia.
Nhà máy của Vietnam Food. Ảnh: Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia.

Trước đây, nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp và thủy hải sản nước ta vẫn bị cho là để lại “một khoảng trống tỉ đô” vì còn ít sử dụng công nghệ để gia tăng giá trị cho chuỗi sản phẩm đặc sản và chủ lực. Đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại càng ít có cơ hội đổi mới công nghệ, ví dụ, ông Phan Thanh Lộc, Tổng Giám đốc Vietnam Food từng cho biết, trong khi trung bình ở các nước, tỉ lệ thu hồi phụ phẩm vào khoảng 75%, thậm chí ở các nước có công nghệ tiên tiến như Nauy thì tỉ lệ này lên tới 95% nhưng ở Việt Nam mới chỉ khiêm tốn ở mức 56%. Lượng “phung phí” là rất lớn bởi tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 7 triệu tấn/năm thì phụ phẩm chiếm khoảng khoảng hơn 1 triệu tấn (vào khoảng 15-20%), đều chủ yếu đem làm thức ăn gia súc mà không tận dụng được nguồn tritin.

Trước bối cảnh đó, chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 ra đời là nhằm để các cơ quan quản lý xắn tay hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Cho đến nay, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thực hiện đến nay đã triển khai được 47 nhiệm vụ “có tính cấp bách” trên tổng số gần 300 đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương với tổng mức kinh phí khoảng 1.350 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 430 tỉ đồng, tỉ lệ được nhận hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp (chiếm 68%), theo báo cáo của ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) tại Hội nghị Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2019. Các dự án đã giúp tạo ra sản phẩm mới, gia tăng giá trị của các sản phẩm truyền thống và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cá, dừa, lúa gạo. Các công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt được chuyển giao cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) giúp doanh nghiệp tăng năng lực xuất khẩu lên 26 lần, doanh thu sau khi đổi mới tăng lên gần 120 lần, dự án Hoàn thiện thiết kế và chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/ mẻ giúp doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã (An Giang) đã làm giảm tiêu thụ diện năng, giảm chi phí triển khai khoảng 10-15%, giảm nhân công vận hành hệ thống 50-60% và tăng độ bền hệ thống 20-25%.

Không chỉ tập trung vào các “chính phẩm” của các mặt hàng chủ lực truyền thống, mà các cải tiến công nghệ được SATI nhắm tới còn là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, “biến phụ phẩm thành chính phẩm”. Hai trường hợp tiêu biểu có thể kể đến là Vietnam Food đã hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp, giúp giảm giá thành sản xuất chitosan tới 25-30% so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, hiện nay đang chiếm lĩnh 80-90% thị phần trong nước. Tập đoàn Sao Mai (An Giang) cũng nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ phụ phẩm cá tra, giúp tăng doanh thu từ chế biến mỡ cá lên gấp hơn hai lần và đưa được sản phẩm chất lượng cao sang các thị trường “khó tính” như Dubai, Singapore, Hàn Quốc...

SATI cũng xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ để từ đó hỗ trợ kết nối cung – cầu công nghệ giữa các đơn vị trong nước với công nghệ, chuyên gia trong và ngoài nước. Trong năm 2019, thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát, tọa đàm, tư vấn, SATI đã tổ chức 289 cuộc kết nối cung cầu công nghệ. Tại riêng sự kiện Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ năm 2019 (Techdemo) tại tỉnh Gia Lai, SATI đã tiếp nhận và xử lý 370 nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cung cấp thông tin 2600 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước trên hệ thống dữ liệu công nghệ của cục.

Bên cạnh đó, SATI xây dựng bản đồ công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai lộ trình đổi mới công nghệ, đang xây dựng báo cáo về hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Đối với các địa phương, SATI hỗ trợ triển khai cơ chế tự chủ của các đơn vị công lập thuộc sở KH&CN, hỗ trợ thành lập các điểm kết nối cung cầu công nghệ và tổ chức các hội thảo hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vùng (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ- Tây Nguyên).

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thực hiện đến nay đã triển khai được 47 nhiệm vụ “có tính cấp bách” trên tổng số gần 300 đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương với tổng mức kinh phí khoảng 1.350 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 430 tỉ đồng, tỉ lệ được nhận hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp (chiếm 68%).


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá, hoạt động “rất có ý nghĩa” của SATI đã bám sát định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm – hướng mà Bộ KH&CN đang quan tâm đẩy mạnh. SATI đã giúp “chuyên giao nhanh chóng nhiều công nghệ quan trọng, đi cùng với doanh nghiệp, tác động giúp làm thay đổi năng suất, chất lượng, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Để phát huy tốt hơn nữa những kết quả hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị SATI kết hợp với các đơn vị khác trong bộ cùng kết hợp để tổ chức các sự sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và đổi mới công nghệ sao cho hiệu quả nhất bởi vì, thực chất “ba sự kiện (Techfest, Techdemo, Techmart – PV) là chuỗi chuyển giao kết quả KH&CN, đưa KH&CN vào đời sống”. Trường hợp gần Việt Nam có thể học hỏi là Singapore, họ đã kết hợp sự kiện Techfest và chuyển giao công nghệ vào làm một, tuy kéo dài nhưng hỗ trợ, kết nối cung cầu được cho doanh nghiệp nhiều hơn. “Chúng ta phải bàn với nhau về cách thức tổ chức thực hiện, quy mô, cách làm, không phải bỏ cái gì cả mà là kết hợp với nhau để đạt hiệu quả cao hơn”, Thứ trưởng nói.

Về mặt dữ liệu công nghệ, là điều mà các địa phương, doanh nghiệp rất cần, theo Thứ trưởng, “SATI phải quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ bài bản, chuẩn, có tính thống nhất, kết nối, liên thông giữa các đơn vị với nhau, giữa các địa phương với trung ương”. Tránh tình trạng “bên nào cũng xây dựng dữ liệu mà không thống nhất thì không sử dụng được”.

Cho rằng, để chuẩn bị cho năm bản lề của giai đoạn tới đây một cách “phát triển hơn nữa”, GS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN lưu ý SATI phải đặt trọng tâm vào các xu hướng công nghệ đang được quan tâm nhiều trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư như AI, IoT, điện toán đám mây…, hoặc theo các ngành hàng quan trọng như cơ khí hóa, tự động hóa, linh kiện điện tử, điện dân dụng, gia dụng, vật liệu mới, ngành nông nghiệp… Từ đó nắm bắt được các công nghệ này đang được nghiên cứu, ứng dụng ở những đơn vị nào, doanh nghiệp nào, nhu cầu về các công nghệ này là gì. “Chỉ khi nắm được hiện trạng sử dụng, các xu hướng nhu cầu công nghệ và có cơ sở dữ liệu thì mới hỗ trợ được các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường”, giáo sư Hoàng Văn Phong, nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận