Đại dịch Covid và hỗn loạn thông tin: Đâu là lối thoát?

Đại dịch Covid và hỗn loạn thông tin: Đâu là lối thoát?

Mặc dù được giới khoa học đánh giá vaccine là con đường duy nhất để thoát khỏi đại dịch Covid nhưng việc tiêm vaccine hay không lại nằm ở quyết định của mỗi con người cụ thể, vốn bị rất nhiều yếu tố chi phối, trong đó có cả sự nhiễu loạn thông tin.

Làm thế nào để mỗi người có thể hiểu và đi đến quyết định đúng đắn về vaccine do đó phụ thuộc vào thông tin dựa trên căn cứ khoa học từ các cơ quan truyền thông cũng như sự minh bạch thông tin từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu và phát triển vaccine.

Đại dịch Covid và hỗn loạn thông tin: Đâu là lối thoát?
Cán bộ, chiến sỹ phòng, chống dịch Covid-19 số 4 của Đồn Biên phòng quốc tế Vĩnh Xương (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) thường xuyên kiểm tra thân nhiệt người dân. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Không thể đắp đê chống dịch mãi

Đến thời điểm này, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã cho chúng ta thấy hai ngã rẽ rõ ràng. Một là việc dần chuẩn bị quay trở lại cuộc sống bình thường ở các nước như Anh, Mỹ, Israel khi phủ được vaccine cho phần lớn dân số, đưa số ca tử vong do Covid gần về 0. Còn ở ngã còn lại, thảm kịch chưa có dấu hiệu ngừng đã đẩy Ấn Độ, Brazil vào sự đổ vỡ hệ thống y tế, thảm họa nhân đạo, xáo trộn xã hội và kiệt quệ kinh tế. Với họ, chỉ còn lại hai cách: một là tiếp tục phong tỏa đắp đê chắn sóng đại dịch ở quy mô quốc gia, khoanh vùng nguy cơ; hai là tiêm vaccine càng nhanh càng tốt phủ hầu khắp cả nước. Thực chất, Ấn Độ, Brazil hay bất cứ quốc gia nào rơi vào tình cảnh này chỉ còn có một lựa chọn là tiêm vaccine bởi không thể bế quan tỏa cảng lâu dài cả đất nước hoặc mỗi gia đình, dù cho trong suốt hơn một năm qua đã duy trì trạng thái “bật/ tắt” hoạt động thường ngày của đời sống để kiểm soát đại dịch.

Nhưng dù giới chuyên môn và các nhà quản lý đã xác định tiêm vaccine là con đường duy nhất phải đi thì sẽ không dễ mà tất cả mấy chục triệu người cùng sẵn sàng đặt chân lên con đường ấy. Theo PGS.TS Nguyễn Đức An, chuyên gia nghiên cứu về báo chí khoa học và sức khỏe tại Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Bournemouth, Vương quốc Anh, chúng ta đang phải đối diện với một sự thật, “vấn đề đại dịch thông tin, trào lưu phản vaccine đang trở thành mối đe dọa rất lớn với con người, kể cả các nước đang phát triển lẫn các nước phát triển”. Từ trước khi có Covid, giới chuyên môn y tế toàn cầu đã rất lo lắng về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khi trào lưu phản vaccine ngày càng mạnh hơn với ba cách đưa tin phổ biến: một là cho rằng vaccine có một số chất gây nguy hiểm cho sức khỏe con người; hai là tin vào miễn dịch tự nhiên sẽ tốt hơn tiêm vaccine; ba là tin vào những thuyết âm mưu trên mạng xã hội dẫn tới lòng tin vào vaccine suy giảm.

Câu chuyện không tin vào vaccine hoặc phản đối vaccine đã diễn ra ở Việt Nam cũng như thế giới. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, dù giới khoa học đã đưa ra nhiều căn cứ từ nghiên cứu lâm sàng và thực tiễn chứng minh tính an toàn, hiệu quả của vaccine thì tâm lý tiếp nhận vaccine vẫn rất khác nhau. Các nghiên cứu khoa học và lịch sử dịch tễ học cả thế kỷ nay đều chứng minh hiệu quả của vaccine vượt trội quá nhiều lần so với việc không kiểm soát được dịch bệnh, thậm chí tỉ lệ rủi ro khi tiêm vaccine quá nhỏ bé so với những tỉ lệ tai nạn thường ngày mà mỗi người có thể vô tình gặp phải. Trong trường hợp Covid -19, tỉ lệ tử vong khi tiêm vaccine là khoảng một vài trường hợp trên một triệu người tiêm, so với tỉ lệ sét đánh ở Mỹ cũng đã lên tới 1 trên 15 nghìn, tỉ lệ tử vong do tai nạn xe cộ là 1.4 trên 10 nghìn thì cũng vẫn không thể xóa mờ nỗi hồ nghi của nhiều người. Ở Việt Nam, nghiên cứu gần đây nhất của Welcome Trust và Gallup thực hiện vào năm 2018 cho thấy chỉ có khoảng 70% người Việt tin là vaccine an toàn, và chỉ 73% tin là vaccine có hiệu quả, thấp hơn cả các nước Đông Nam Á khác. Trong đất nước gần 100 triệu dân có tới hơn 30 triệu người không tin vào vaccine sẽ tạo ra mối nguy rất lớn cho sức khỏe cộng đồng bởi để loại trừ các dịch bệnh truyền nhiễm hoặc giữ gìn thành quả loại trừ các dịch bệnh nguy hiểm sau hàng chục năm tiêm chủng trong quá khứ luôn cần tới độ phủ vaccine cho hầu hết toàn dân.

Trong bối cảnh đó, vaccine Covid -19 được phát triển nhanh chóng với công nghệ mới, đạt kỷ lục về thời gian nghiên cứu và thương mại hóa so với lịch sử nghiên cứu vaccine trước đây càng dễ gây ra hoài nghi đối với nhiều người. Mặt khác, Việt Nam có một đặc thù riêng - được hưởng thành quả của công tác chống dịch thành công xuất sắc nên chúng ta có thời gian để “đắn đo cân nhắc thiệt hơn” hơn nhiều so với các nước đã phải chịu làn sóng càn quét của đại dịch chỉ tìm mọi cách tiêm nhanh nhất để tránh nguy cơ tử vong lên tới vài phần trăm trên 100 ca nhiễm Covid, thậm chí hơn 10% với các ca nhiễm Covid ở người cao tuổi.

Giữa bể thông tin biết đâu mà lần?

Là người có nhiều năm tập huấn tiêm chủng ở Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh, phụ trách cố vấn chuyên môn cho Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em và người lớn VNVC, có nhiều trải nghiệm chứng kiến tận mắt tâm lý của nhiều người “rất sợ chích”, hay “chỉ nghe tới chữ ‘độc’ đã run sợ” mà không kiểm chứng thông tin, tra cứu cơ sở khoa học, xem xét đánh giá của chuyên gia. Thậm chí, “ở Việt Nam nhiều khi người ta hay bàn lung tung, gây ảnh hưởng đến tiêm chung, chẳng hạn các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ sơ sinh phải được tiêm hằng năm duy trì ít nhất trong suốt khoảng hai mươi năm thì mới có hiệu quả bảo vệ”. Vì vậy, ông cho rằng, không thể để người dân rơi vào tình cảnh giữa bể thông tin không biết lối nào mà lần. Công tác truyền thông phải thực sự đưa tin tỉnh táo, khách quan về tính hiệu quả, tính an toàn, nguy cơ rủi ro nếu có và cả quá trình nghiên cứu cho đến sản xuất vaccine trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác nhau để người dân hiểu và có quyết định đúng bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

Tuy thế, mong muốn này của giới làm chuyên môn y tế đang vấp phải một thực trạng hiện nay là báo chí Việt Nam đang đưa tin về vaccine theo cách mà theo nhận xét của bác sĩ Trương Hữu Khanh và PGS. TS Nguyễn Đức An là “đọc vô rất sợ”, “một người chuẩn bị đi chích vaccine, dù có đọc một trăm tin tốt mà đọc một tin như thế này là sợ rồi” hoặc tạo ra sự “hoài nghi giả tạo” khi đưa tin tập trung vào các hiện tượng phản ứng phụ, rủi ro khi tiêm vaccine một cách đơn lẻ không có hệ thống, thậm chí không có lý giải cơ sở khoa học hay tỉ lệ tiêm chủng. PGS.TS Nguyễn Đức An thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến điều này là “báo chí Việt Nam thường chỉ dịch từ báo chí phương Tây, khi không có nền tảng tri thức khoa học thì dễ rơi vào tình trạng chỉ nói theo người ta mà không làm báo độc lập”. Thậm chí, anh còn chỉ ra nhiều tờ báo phổ thông có lượng bạn đọc lớn trong nước còn không phân biệt được nguồn tin từ các tạp chí khoa học, các báo đưa tin dựa trên cơ sở khoa học như TheGuardian hay báo “lá cải” như Dailymail, The Sun hay các blog không xác tín. Ví dụ ngay tuần qua, báo Tuổi trẻ đã đăng một bài rất dài về nguy cơ của vaccine, nhưng nguồn dịch lại lấy trên một trang blog về tài chính cực hữu và từng bị Facebook cảnh báo về đưa thuyết âm mưu.

Bên cạnh đó, các trung tâm truyền thông khoa học của Việt Nam lẽ ra trở thành cầu nối giải đáp thông tin, cung cấp thông tin từ giới chuyên môn cho cả giới truyền thông và công chúng thì thực ra lại chỉ làm công việc “của người quản trị nhiều hơn là truyền thông để giáo dục cho công chúng về sức khỏe, khoa học”. Hiện nay, để giải đáp nhiều thông tin thắc mắc của người dân xung quanh vaccine hoặc các vấn đề chuyên môn y tế khác, thường các trung tâm truyền thông khoa học lại đưa người phát ngôn là các nhà quản lý thay vì các nhà khoa học có vị thế độc lập và thẩm quyền, uy tín chuyên môn.

Trước sự hỗn loạn thông tin đó, PGS.TS Nguyễn Đức An và bác sĩ Trương Hữu Khanh cùng lưu ý, báo chí trong nước đưa các tin về vaccine và tin khoa học nói chung phải tìm hiểu các nguồn đáng tin cậy, người làm báo cần phải phân biệt được “có tờ báo chống phong tỏa, cổ xúy cho tự do bất chấp bệnh tật hay những tờ báo đưa tin dựa trên căn cứ khoa học”. Đồng, giới báo chí phải kết nối với chuyên gia để kiểm chứng, giảng giải thông tin thay vì “tự biên tự diễn”, thậm chí còn hiểu sai nhiều từ chuyên môn.

Minh bạch thông tin từ các cơ quan quản lý

Nhưng để có được lòng tin của người dân, chỉ nỗ lực của giới báo chí là không đủ mà còn cần tới thông tin minh bạch, cởi mở từ các đơn vị phát triển vaccine, các cơ quan quản lý nhà nước. Một ví dụ điển hình cho thấy lòng tin vaccine chỉ có được khi đầy đủ thông tin có kiểm chứng là: giữa các loại vaccine như Pfizer- BioNTech, Astrazeneca với các vaccine của Trung Quốc thì cho đến nay hầu như các nước trên thế giới ít khi phê duyệt hoặc đặt mua vaccine của Trung Quốc. Bởi vì, để chấp nhận một vaccine, các nước đều đặt ra yêu cầu ngay từ khi bắt đầu xây dựng hồ sơ nghiên cứu phát triển thì các hãng đã phải công khai minh bạch, chứ không phải tới khi hoàn thiện khâu nghiên cứu và bắt đầu đưa ra thử nghiệm mới công khai các báo cáo. Hầu hết các công bố, báo cáo từ khâu thiết kế vaccine, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho đến báo cáo hiệu quả, tính an toàn của vaccine đều phải được công bố, có đánh giá của các cơ quan độc lập. "Niềm tin vào vaccine là thứ không thể 'ép buộc' nên quan trọng là đừng truyền thông từ trên xuống dưới là vaccine an toàn, vaccine hiệu quả, giờ phải giải thích là quy trình làm ra vaccine như thế nào, chỉ như thế thì [truyền thông] mới hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Đức An nói.

Nhìn rộng ra, “chiến lược vaccine hay phòng bệnh và các quyết định khác phải được đưa ra dựa trên các căn cứ khoa học”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói. Chính việc nhiều nhà chính trị ở các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ đưa ra các quyết định chính trị khác nhau mà thiếu căn cứ khoa học như phủ nhận đeo khẩu trang, chậm phong tỏa… đã dẫn tới tình trạng hỗn loạn, chia rẽ và “xé nát” công tác phòng chống dịch và cuối cùng trả giá bằng tính mạng con người. Ông lưu ý về quan điểm rằng chống dịch tốt mà không cần vaccine là “ấu trĩ và vô cùng đáng sợ”. “Thế giới này chưa hết dịch thì Việt Nam không bao giờ thoát. Mình sẽ 5K hoài thì hoài chừng nào? Khi nào người ta hết bệnh hoặc khi nào người ta chích ngừa hết rồi thì mình mới bỏ từng K được. Bây giờ mình bớt là nhờ 5 K đóng cửa biên giới, tối ngày ngồi canh thôi, cứ 5K là chết đói luôn, mà không phải là đói một người, mà đói cả làng. Nên cuối cùng chỉ có vaccine mà thôi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận