Di sản khoa học của ông Abe

Di sản khoa học của ông Abe

Di sản Thủ tướng Shinzō Abe để lại khiến người kế nhiệm ông phải thực hiện một chính sách khuyến khích sự đa dạng, tăng cường hòa nhập với khoa học thế giới và môi trường khoa học tốt hơn.

Thủ tướng Shinzo Abe trao đổi với giáo sư hệ gene Noriyuki Satoh trong chuyến tới thăm Viện KH&CN Okinawa năm 2013. Nguồn: Viện KH&CN Okinawa
Thủ tướng Shinzo Abe trao đổi với giáo sư hệ gene Noriyuki Satoh trong chuyến tới thăm Viện KH&CN Okinawa năm 2013. Nguồn: Viện KH&CN Okinawa

Khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, Abe đã lập ra một loạt các chính sách kinh tế tích cực mà sau này người ta gọi là “Abenomics”. Kế hoạch của ông là truyền sinh khí cho một nền kinh tế đã phải trải qua hai thập kỷ tăng trưởng chậm chạp và đưa Nhật Bản trở thành một trong số các quốc gia đổi mới sáng tạo bậc nhất thế giới.

Đặt KH&CN vào trung tâm chiến lược tăng trưởng kinh tế

Vậy KH&CN đã được thúc đẩy như thế nào dưới thời kỳ của ông?

Chính phủ của Abe đã thiết lập mục tiêu giành 1% GDP cho KH&CN vào năm 2020 (tăng từ mức 0,65% vào năm 2015), góp phần thúc đẩy ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này lên con số 300 tỷ yen mỗi năm. Theo Nature, khoản đầu tư cho R&D của Nhật Bản chiếm 3,2% thu nhập quốc dân - mức thấp so với đầu tư của các quốc gia phát triển. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo của ông Abe nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ các hoạt động khoa học thu được những kết quả không mấy rõ ràng.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Abe đã đặt KH&CN vào trung tâm của chiến lược tăng trưởng kinh tế. Atushi Sunami, thành viên ban tư vấn cho chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia, nhận xét. “Chính sách ‘kinh tế kiểu Abe’ nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo dẫn dắt việc tái định hình các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Nhật Bản, đặc biệt là cải cách trường đại học”. Tất cả các trường đại học quốc gia đều trở thành các trường đại học tư nhân được chính phủ hỗ trợ một phần, qua đó buộc họ phải tự tìm thêm nguồn hỗ trợ ở nơi khác và trở nên năng động hơn.

“Việc thúc đẩy các trường đại học nghiên cứu đóng góp nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo làm cộng đồng khoa học Nhật Bản dấy lên những lo ngại lớn về khả năng làm giảm giá trị của nghiên cứu cơ bản và cơ sở hạ tầng nghiên cứu”.

Dù không tăng cường một cách đáng kể ngân sách đầu tư cho khoa học nhưng với chính sách của chính phủ là tập trung vào những nơi mà lĩnh vực tư nhân có thể hợp tác với các nhà khoa học, do vậy các nhà khoa học ứng dụng và các kỹ sư được hưởng lợi nhiều hơn trong chính sách này hơn là những người làm về khoa học cơ bản.

Yuko Harayama, một cựu thành viên Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia và giờ là giám đốc điều hành tại RIKEN, đồng ý với Sunami là di sản khoa học của Abe rất gây tranh cãi. Xét ở khía cạnh ưu điểm, vị thế và tầm quan trọng của KH&CN của Nhật tăng lên trong xã hội. “Thêm vào đó, chính phủ của ông khuyến khích đối thoại giữa các lĩnh vực công và tư, vốn là điều mới của Nhật Bản. Ngay cả những người làm nghiên cứu cơ bản cũng bắt đầu xem xét việc hợp tác với khối công nghiệp”.

Chính quyền của ông đã lập được hai chương trình quan trọng. Chương trình Tác động trong giai đoạn 2013–2018 hướng tới mục tiêu đầu tư vào những lĩnh vực mới có thể thay đổi xã hội và nền kinh tế. Các nhà nghiên cứu có thể nộp đề xuất xin tài trợ với những ý tưởng mới, thách thức và khó có thể được xem xét chấp thuận theo cách làm truyền thống.

Chương trình thứ hai là Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo khuyến khích công nghiệp hợp tác với các nhà nghiên cứu trong khu vực công. Nó phù hợp cho những dự án về định hướng ứng dụng như dự án xe tự lái. “Về truyền thống, các công ty Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu nhưng lại không hợp tác nhiều”, Harayama nhận xét. “Nhưng sau nhiều năm không phát triển, họ mới nhận ra rằng một số hợp tác nếu nhận được đầu tư công thì cũng tốt cho công việc của họ”.

Phải nói rằng nhiệm kỳ trước ông Abe là một giai đoạn khó khăn cho khoa học, Harayama giải thích. “Nhưng Abe đã thúc đẩy ý tưởng sử dụng quyền lực của đối mới sáng tạo trong khoa học để hỗ trợ phục hồi kinh tế. KH&CN trở nên quan trọng hơn nhưng thật không may, ngân sách dành cho khoa học lại không được như mong muốn của ông. Ngân sách đầu tư cho khoa học vẫn ở mức thấp cho đến tận năm 2018 mới tăng lên”.

Mặt trái tấm huy chương

Dẫu cho còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của Cơ quan nghiên cứu và phát triển Y học Nhật Bản nhưng đáng chú ý là chính phủ đã lập tức tạo điều kiện cho quá trình thương mại hóa của y học tái tạo. Chính phủ thông qua hai luật vào năm 2014 cho phép các công ty được cấp phép quyền sử dụng tế bào gốc và những liệu pháp tái sinh khác trên bệnh nhân nhanh hơn. Với sự cho phép này, Nhật Bản quyết định bỏ qua quan điểm của các chuyên gia quốc tế là chưa nên thương mại hóa liệu pháp tế bào gốc cho đến khi có bằng chứng rõ ràng và chặt chẽ dưới hình thức các ca điều trị lâm sàng có kiểm soát để chứng tỏ sự an toàn và hiệu quả. Bất chấp những lời chỉ trích trong và ngoài nước, Chính phủ Nhật Bản không thay đổi cách tiếp cận.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản thực thi chính sách hạn chế việc mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo và thiết kế bán dẫn. Họ muốn ngăn cản việc nghiên cứu những lĩnh vực khoa học “nhạy cảm” để khỏi chia sẻ thông tin với các nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, tương tự như chính sách của một số quốc gia như Mỹ và Úc. Tuy nhiên chính sách này đã ảnh hương đến tiến trình quốc tế hóa cộng đồng nghiên cứu của Nhật Bản ví dụ một phần đáng kể các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và nghiên cứu sinh ở Nhật Bản là từ Trung Quốc.

Trong suốt thời kỳ ông Abe nắm quyền, danh tiếng của học thuật Nhật Bản trên toàn cầu không thực sự gia tăng. Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan KH&CN Nhật Bản năm 2019 dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus của nhà xuất bản Elsevier về số lượng các bài báo chất lượng cao ở 151 lĩnh vực được xuất bản thời gian 2015–2017, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 5 trong 18 lĩnh vực (20 năm trước đứng ở vị trí 83) nhưng nhiều lĩnh vực Nhật Bản rất mạnh trong quá khứ như hóa học, khoa học vật liệu đều bị suy giảm số lượng trích dẫn. “Thật không may là vị trí của khoa học Nhật trên thế giới đã bị suy giảm, thậm chí trong 8 năm qua”, Sunami nói. ‘Xu hướng đó thực ra đã bắt đầu từ năm 2004. Chính quyền ông Abe đã nỗ lực đảo ngược nó bằng việc cải thiện môi trường học thuật và tăng cường đầu tư. Cuộc cải cách của ông đã đạt dược một số kết quả quan trọng”.

Harayama nghĩ vấn đề có thể là bởi có ít nhà nghiên cứu Nhật Bản có mối hợp tác quốc tế toàn cầu. ‘Thật thách thức cho việc khuyến khích nhà nghiên cứu kết nối với đồng nghiệp quốc tế. Điều đó mới thay đổi với một số giải pháp của chính quyền. Dữ liệu cho thấy Nhật Bản bắt đầu gửi nhiều nhà nghiên cứu ra nước ngoài hơn”.

Vậy tương lai của khoa học Nhật Bản sẽ như thế nào? Các nhà nghiên cứu sẽ phải thuyết phục chính phủ mới là hệ thống nghiên cứu sẽ cần trở nên đổi mới sáng tạo và linh hoạt hơn thông qua khả năng nắm bắt sự đa dạng ý tưởng và tăng cường hòa nhập với khoa học thế giới cũng như một cách tiếp cận thông minh hơn trước những khoản đầu tư của chính phủ. Và hơn hết, Nhật Bản cần một chính sách đầu tư cho khoa học tốt hơn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận