Đổi mới cách đánh giá học sinh: Liệu có ngăn được học lệch?

Đổi mới cách đánh giá học sinh: Liệu có ngăn được học lệch?

Thông tư 22 được ban hành mới đây có thể mở ra những nhận thức mới trong việc đánh giá quá trình rèn luyện, chất lượng và năng lực học tập của học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, muốn nó thực chất và hiệu quả, rất nhiều công việc khác cũng cần phải được vận hành song song.

Thoát khỏi nỗi “ám ảnh” học lực yếu và hạnh kiểm kém

Ngày 20/7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Dễ nhận thấy thông tư này thể hiện rõ sự thay đổi về tư duy đánh giá rèn luyện, học tập của học sinh. Chẳng hạn, thay vì chấm điểm, các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm sẽ được đánh giá “bằng nhận xét” theo một trong hai mức “đạt”, “chưa đạt”. Lâu nay, trong thực tế, các môn này chỉ thực sự thuận lợi với học sinh thành phố, đô thị còn với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn, thì khó lòng đáp ứng các yêu cầu, điều kiện học tập “cầm, họa” cho thật bài bản. Việc có thêm cách đánh giá “bằng nhận xét” cũng giúp học sinh không phải “trình” ra những điểm số quá thấp, khiến các em thiếu tự tin hoặc lo lắng mỗi khi phụ huynh hỏi han. Ranh giới giữa “đạt” và “chưa đạt”, nhờ vẻ mơ hồ mà tên gọi gợi ra, có thể làm giảm nhẹ các chú ý, săm soi quá mức về khả năng học tập của học sinh.

Đổi mới cách đánh giá học sinh: Liệu có ngăn được học lệch?
Việc đánh giá chỉ giảm bớt mức độ căng thẳng, áp lực nếu bản thân nhà trường, giáo viên mở ra nhiều kênh xem xét, nhận định khác nhau đối với học sinh. Ảnh minh họa: INT

Cách tính điểm trung bình cộng của các môn học như duy trì lâu nay sẽ không còn được sử dụng. Thay vào đó, chỉ có điểm trung bình theo từng môn và giáo viên sẽ dựa vào đây để đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh trong từng kì học và cả năm học. Có bốn mức đánh giá cuối cùng là “tốt”, “khá”, “đạt” và “chưa đạt”. Như vậy, cách xếp loại hạnh kiểm và học lực “giỏi”, “khá”, “trung bình”, “yếu”, “kém” sẽ không còn.

Thay đổi trong cách thức đánh giá cũng kéo theo thay đổi trong khen thưởng. Thông tư 22 loại bỏ danh hiệu “học sinh tiên tiến”, chỉ duy trì danh hiệu “học sinh xuất sắc” (nếu có kết quả rèn luyện và học tập cả năm đạt mức “tốt” và có ít nhất 6 môn được đánh giá bằng nhận xét và điểm số có điểm trung bình cả năm đạt 9 trở lên) và danh hiệu “học sinh giỏi” (nếu kết quả rèn luyện và học tập cả năm đạt mức “tốt”). Như thế, người học cũng sẽ thoát được nỗi “ám ảnh” mang tên học lực và hạnh kiểm “yếu”, “kém”. Cách xếp loại vốn dễ gây tổn thương tinh thần này sẽ không còn nằm trong học bạ, hồ sơ của các em, và vì thế, học sinh hẳn cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi phải đối diện các câu hỏi về “hạnh kiểm”. Việc loại bỏ danh hiệu “học sinh tiên tiến” là hợp lí nhưng không vì thế mà ngăn chặn ngay tình trạng “lạm phát” danh hiệu. Vẫn còn đó danh hiệu “học sinh giỏi” trong tầm tay để học sinh và nhà trường hướng đến, không chỉ vì nó thiết thân mà còn vì nó là một tiêu chí để đánh giá chất lượng dạy học của một cơ sở giáo dục.

Cần thêm nhiều kênh nhận định về học sinh?

Có thể thấy một số thay đổi trong cách đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh theo qui định tại thông tư 22 mang chiều hướng khích lệ sự học, mục đích học ở hơn là nhắm đến kết quả, danh hiệu cuối cùng. Tuy vậy, về bản chất, cách thức đánh giá kết quả học tập, rèn luyện vẫn phân chia theo thang bậc, vừa có nhận xét, vừa có điểm số nên ít nhiều đòi hỏi giáo viên phải sát sao hơn. Chưa kể, những đánh giá “bằng nhận xét” có thể mang nhiều cảm tính. Do đó, việc đánh giá vẫn cho thấy “quyền uy” của giáo viên, rút cuộc, đang được giữ nguyên, thậm chí còn nâng cao hơn, trong mối quan hệ giữa người học-người dạy. Dù là điểm số hay nhận xét thì học sinh vẫn phải chịu áp lực nhất định vì trong sự vận hành của trường học, bản thân giáo viên không thể lơi là các nhiệm vụ, thành tích được giao. Nhìn ở góc độ này, có lẽ, việc đánh giá chỉ giảm bớt mức độ căng thẳng, áp lực nếu bản thân nhà trường, giáo viên mở ra nhiều kênh xem xét, nhận định khác nhau đối với học sinh. Kết quả các bài thi, kiểm tra kiến thức chiếm vị trí then chốt nhưng cũng nên tham khảo, đối chiếu với những nỗ lực, kết quả khác của học sinh.

Thông tư 22 cũng bỏ đánh giá điểm trung bình cộng các môn nhưng để đạt kết quả ở mức “tốt” thì học sinh phải có 6/8 môn tính điểm phải đạt từ 8 trở lên, 2 môn còn lại từ 6,5 trở lên. Ba môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh không còn nằm trong điều kiện bắt buộc khi tính điểm trung bình cộng cho xếp loại học lực giỏi như trước đây. Cách đánh giá này nhận được sự đồng thuận cao bởi nó loại bỏ suy nghĩ phân biệt “môn chính”, “môn phụ” của học sinh. Các môn học bắt buộc trong chương trình, từ đây, có thể sẽ được coi trọng, quan tâm như nhau.

Tuy vậy, thật khó để nói rằng học sinh sẽ không tập trung đầu tư vào một số môn được coi là xương sống, “môn chính” trong tiếp nhận kiến thức lẫn chuẩn bị cho lựa chọn ngành nghề về sau. Các “môn chính”, tự bản thân nó, vẫn đang nằm trong kì thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, vẫn đang nằm trong tổ hợp môn xét tuyển đại học theo phương thức xét tuyển kết quả học bạ. Các tổ hợp xét tuyển phần lớn đều xoay quanh các “môn chính”, trong đó bộ ba môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh, thường xuất hiện trong nhiều tổ hợp môn khác nhau. Thực tế này khiến học sinh và kể cả giáo viên đều phải chủ động lựa chọn, theo đuổi kiên trì một số môn học được cố định khi xét tuyển đại học. Học sinh sẽ không dám mạo hiểm bung sức cho nhiều môn, trong khi càng củng cố ý tưởng học vài môn cho chắc chắn còn hơn làng nhàng tất cả các môn.

Hạn chế hiện tượng học lệch hay phân biệt môn học “chính”, “phụ”, như vậy, không thể chỉ dựa vào hoạt động đánh giá. Mặt khác, khi có nhiều môn và quá nhiều lượng kiến thức như đang thể hiện trong cơ cấu chương trình hiện nay, học sinh chắc chắn phải biết cách thích ứng, mà thiết thực nhất, là chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng cho việc thi tuyển đại học, xét tuyển ngành nghề. Tâm lí (cũng như tính toán) chung là học tốt môn “mũi nhọn”, sát với năng lực, và nếu làm tốt được điều này thì trong mắt phụ huynh, người học đã giỏi, xuất sắc lắm rồi.

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới, theo lộ trình: từ năm học 2021-2022 với học sinh lớp 6; năm học 2022-2023 với học lớp 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 8 và 11; năm học 2024-2025 với lớp 9 và 12. Đối với học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, việc đánh giá sẽ căn cứ theo qui định tại thông tư 26, ban hành tháng 9 năm 2020 của Bộ GD&ĐT.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận