Gặp gỡ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ: Những suy nghĩ về tương lai đất nước

Gặp gỡ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ: Những suy nghĩ về tương lai đất nước

Hai cuộc gặp gỡ và nhiều cuộc đối thoại giữa những người lãnh đạo đất nước với đại diện của khối trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỉ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác tuyên giáo, đã trở thành cơ hội cùng chia sẻ mối quan tâm, suy nghĩ về một Việt Nam hôm nay và cả ngày mai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện của khối trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỉ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác tuyên giáo.

Nếu cuộc gặp gỡ trí thức năm 2019 diễn ra trong dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam với những nhà khoa học tiêu biểu thì sự kiện năm nay được mở rộng phạm vi để trở thành diễn đàn của hơn 200 nhà trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ tiêu biểu của cả nước trong khuôn khổ kỷ niệm 90 năm ngành Tuyên giáo với sự tham gia tổ chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL. Mặt khác, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid và làn sóng thứ hai đang xuất hiện ở Việt Nam cũng như thế giới, cuộc gặp gỡ đặc biệt này dường như lại càng có những nội dung phong phú và sát thực hơn với đời sống đất nước như “làm gì để đất nước vượt qua thách thức?”, “làm gì để phát huy tối đa năng lực trí tuệ của tri thức KH&CN?”, “gìn giữ và bồi đắp nguồn vốn văn hóa và tri thức của quốc gia như thế nào?”, “nuôi dưỡng và vun trồng tâm hồn và hiểu biết cho thế hệ Việt Nam tương lai ra sao?”…

Có lẽ, hơn ai hết, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ hiểu vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tham gia giải quyết những vấn đề đó của đất nước bởi họ chính là một trong những nguồn lực quan trọng mà theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất. Tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác thì càng sinh sôi, nảy nở”.

Một dân tộc giàu chưa hẳn là một dân tộc mạnh, một dân tộc mạnh phải là một dân tộc có khả năng trường tồn. Một dân tộc mạnh thì phải có quyết tâm để trở thành một dân tộc giàu. Một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, một dân tộc đã sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, trong đó có danh nhân được thế giới tôn vinh, một dân tộc đã hiển hách chống lại những cuộc xâm lăng của ngoại bang để trường tồn, thì đó phải là một dân tộc mạnh. Dân tộc đó quyết không thể để thế giới coi thường như một dân tộc bạc nhược, quyết không thể là một dân tộc nghèo được. Đây cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta cùng với ngành Tuyên giáo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của chúng ta cùng chung tay lãnh ấn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thách thức của hôm nay và ngày mai

Trong cả hai cuộc gặp gỡ ngày 30 và 31/7/2020, trước những nhà lãnh đạo đất nước như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, nhiều nhà khoa học và nghệ sĩ đã thẳng thắn chia sẻ những điều mà họ cảm nhận và đúc rút trong quá trình làm việc và quan sát đời sống xã hội. Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm từng thực hiện nhiều công trình cấp quốc gia và cấp bộ, gần đây nhất là nhiệm vụ Nghị định thư Việt Nam - Pháp “Nghiên cứu đặc trưng động học hình thái vùng vịnh và đề xuất ứng dụng các giải pháp tái tạo, nâng cấp bãi biển Nha Trang, Khánh Hòa có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” (Bộ KH&CN), giáo sư Nguyễn Trung Việt (ĐH Thủy lợi) cho rằng, tình hình đại dịch trên thế giới và nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam “càng đặt ra vấn đề là Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ và phát triển nền tảng công nghệ của riêng mình”. Theo phân tích của ông, nếu không làm được điều này, Việt Nam sẽ mất thế chủ động trong giải quyết các vấn đề của mình và phải phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Nhưng những vấn đề công nghệ mà Việt Nam cần làm chủ và phát triển là gì? Nếu nhìn vào những nhu cầu của xã hội ở thời điểm hiện nay để chuẩn bị nền tảng cho mai sau, không có cách gì khác là “làm chủ được các công nghệ nền tảng để có thể tận dụng ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và xây dựng một số chiến lược phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn của Việt Nam trong 20 năm đến 50 năm tới.”.

Do đó, giáo sư Nguyễn Trung Việt nêu một số vấn đề mà chúng ta cần tập trung làm chủ như dữ liệu lớn, khai phá dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…, những công nghệ mà chúng ta có thể đưa vào áp dụng một cách hiệu quả trong nhiều lĩnh vực quản trị đất nước, quản lý tài nguyên, chế biến sản xuất hay nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên qua những gì mà ông quan sát được thì tình hình chưa được như mong đợi “Việt Nam chưa có dữ liệu lớn để có thể áp dụng một cách thực sự hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà nước, quan trọng hơn là chưa phát triển được lực lượng chuyên gia có khả năng phân tích dữ liệu và trên cơ sở đó dự báo nhu cầu, xu hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới”. Đây cũng là những điều mà nhiều nhà khoa học như giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện John von Neumann, ĐHQGTPHCM), PGS. TS Bùi Thu Lâm (Học viện Kỹ thuật quân sự), chuyên gia dữ liệu mở - khoa học mở Lê Trung Nghĩa… từng trao đổi trong nhiều cuộc họp. Khi thực hiện khảo sát về một số định hướng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI ở Việt Nam, PGS. TS Bùi Thu Lâm đã đưa ra nhận xét “hầu như chưa có nền tảng mở cho AI như dữ liệu, phần mềm, ứng dụng mang đặc thù Việt Nam”.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thăm trưng bày ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Chinhphu.vn
Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thăm trưng bày ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Chinhphu.vn

Cũng đồng tình về nhận định cần đưa những công nghệ hiện đại vào lĩnh vực chế biến, chế tạo để có những sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng cao hơn và độc đáo hơn, giáo sư Trần Đình Long, chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, nhấn mạnh đến tác động đặc biệt của nó với ngành nông nghiệp để biến “Nông nghiệp phát triển thành nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị. Công nghệ và trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này để mang về cho đất nước không chỉ là 40 tỷ USD mà là 400 tỷ USD”. Là người từng nghiên cứu và tuyển chọn nhiều giống đậu đỗ, vừng lạc năng suất cao, ông cảm thấy buồn khi “làm nông nghiệp như chúng ta hiện nay xuất được 41 tỷ USD nhưng hoàn toàn là xuất kiểu thô. Ngay cả khi chúng ta có giống gạo ngon nhất thế giới nhưng chỉ xuất được vài tấn, vấn đề là phải là triển khai sản xuất thu về mấy triệu tấn cho có ý nghĩa”. Sự đóng góp của các công nghệ mới qua việc chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác thông minh, AI, IoT cũng như những công nghệ chế biến mới có thể đưa “một cân đậu tương thông thường chỉ bán được 12.000 đồng nhưng có thể chế được 16 lít sữa, đưa nó thành nhiều sản phẩm mới như sữa giúp trẻ hóa chẳng hạn, thì chúng ta không chỉ thu được 400 triệu USD/ha ở đồng bằng sông Hồng mà có thể được 2 tỷ USD/ha”, ông lưu ý đến những giá trị mang lại của nông nghiệp với nền kinh tế đất nước khi được khai thác đúng hướng.

“Trước yêu cầu đất nước trong thời kỳ mới, hơn lúc nào hết, việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trở thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng, bởi đây là tập đoàn lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Không những thế, khi đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vững mạnh, chính là trực tiếp nâng tầm trí tuệ dân tộc ta, tăng thêm sức mạnh nội sinh của đất nước ta”.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng


Yêu cầu đổi mới trong quản lý khoa học

Tuy nhiên, để Việt Nam có thể triển khai được những công nghệ mới cũng như định hướng phát triển cho nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị bền vững như ước muốn của các nhà khoa học, không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của họ. Rõ ràng, nhà khoa học cũng chỉ là một khâu trong “liên kết bốn nhà để tạo ra chuỗi giá trị mà chúng ta vẫn hay nói đến mỗi khi đề cập về nông nghiệp”, giáo sư Trần Đình Long nói. Là người đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu như “Chọn tạo giống cây trồng cạn lấy hạt và biện pháp thâm canh” (KN-01-11:1991-1995), “Chọn tạo giống đậu đỗ (KHCN-08-02: 1996-2000), “Nghiên cứu tuyển chọn giống và phát triển Vừng - Hướng dương (2001-2004)..., ông hiểu rõ những ràng buộc về cơ chế và những vấn đề mà chính sách mới chưa thể với tới để có thể giúp nhà khoa học toàn tâm toàn ý vào nghiên cứu. “Muốn đem lại những giá trị mới cho nông nghiệp thì chúng ta phải tổ chức nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ khoa học theo cách khác. Nếu phát triển nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp công nghệ cao thì những vấn đề liên quan đến mặt tổ chức của các trường, viện phải thật sự rõ ràng chứ theo quy định hiện nay, các giáo sư vẫn phải chạy đi lo thủ tục hành chính giấy tờ. Hoàn toàn là thủ tục, có những thủ tục không thể làm được. Cần có cơ chế tháo gỡ thật sự, tự chủ thật sự để nhà khoa học chỉ làm khoa học thôi”, ông nói.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Ý kiến của giáo sư Trần Đình Long cũng là suy nghĩ của rất nhiều nhà nghiên cứu khác, những người đang ngày ngày trực tiếp hoạt động trong một môi trường khoa học chịu sự chi phối của rất nhiều thông tư và nghị định. Theo giáo sư Nguyễn Trung Việt, “nghiên cứu khoa học cũng là một dạng đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro, có thể phát minh ra nhiều thứ nhưng cũng có thể thất bại, vì thế quản lý khoa học nên theo tư duy đầu tư rủi ro”. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai thực hiện các đề tài theo thông tư “khoán sản phẩm đến khâu cuối cùng” vẫn còn khó khăn, do đó “các đề tài vẫn phải bám theo các định mức chi tiêu của nhà nước khiến thay vì tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo, đội ngũ cán bộ KH&CN hiện nay vẫn phải dành nhiều thời gian cho việc hoàn thiện chứng từ, thủ tục hành chính”.

Đây không phải là câu chuyện mới mà là vấn đề đã tồn tại từ rất lâu, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của Bộ KH&CN mà còn cả bộ, ngành khác để giải quyết rốt ráo vấn đề, giáo sư Trần Đình Long lưu ý. Ở một góc nhìn khác, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan chính trị (Bộ Quốc phòng) bổ sung, “Cơ chế chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển đội ngũ trí thức thì đã có nhiều rồi. Tôi cho rằng, chỉ cần thực hiện rất nghiêm túc, đồng bộ các chính sách ấy là có thể tạo động lực và điều kiện giúp họ phát huy được các vai trò, đóng góp nhiều hơn”.

Các phản ánh, đề xuất của các nhà nghiên cứu với mong muốn có được một môi trường khoa học cởi mở và phát huy tối đa năng lực sáng tạo đã được những người đứng đầu đất nước ghi nhận. “Chúng ta thường nói nhiều đến vai trò, những đóng góp và đòi hỏi của chúng ta đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ thì chúng ta cũng cần quan tâm đến những nguyện vọng của các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ đối với chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc lắng nghe những đề xuất đó. Du việc hoàn thiện những cơ chế và chính sách không phải một sớm một chiều nhưng Thủ tướng cam kết “trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục thực hiện và sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, trí thức có cống hiến. Chúng tôi ghi nhận những kiến nghị. Để đạt được điều này, giao Bộ KH&CN, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, có trách nhiệm tiếp tục tạo điều kiện cho giới khoa học… Từ ý kiến của các vị hôm nay, sẽ có những báo cáo cần thiết với Bộ Chính trị hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương để có những cách tổ chức phù hợp, để chúng ta có được nhiều nhà khoa học lớn và đóng góp nhiều hơn nữa”.

Sự trưởng thành của đội ngũ y học dự phòng Việt Nam thể hiện rất rõ qua các đợt dịch bệnh lớn. Khi có dịch SARS vào năm 2003, công việc giám sát cách ly của chúng ta vẫn còn non nớt bởi chúng ta vẫn chưa có kinh nghiệm, chưa có chuyên gia. Do đó, các tổ chức quốc tế phải cử các chuyên gia tới hỗ trợ làm việc, hỗ trợ xây dựng hệ thống giám sát cúm quốc gia.

Sáu năm sau, năm 2009, chúng ta phải đối mặt với cúm A/H1N1, chuyên gia nước ngoài giúp chúng ta xây dựng chương trình ứng phó và khi đó chúng ta mới có khái niệm an toàn sinh học. Tuy nhiên với SARS CoV-2, toàn bộ chiến lược phòng chống và tổ chức thực hiện đều do nỗ lực của các cán bộ của y học dự phòng Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài đều có mặt nhưng chỉ trong vai trò quan sát và tất cả những hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm của các tổ chức quốc tế cũng chỉ mang ý nghĩa phụ thêm

Ban đầu nhiều chuyên gia quốc tế hoài nghi giải pháp xét nghiệm trên diện rộng nhưng ở thời điểm này, khi làn sóng thứ hai đang xuất hiện ở Việt Nam thì tôi vẫn tin chúng ta vẫn có thể vượt qua khi hệ thống phòng chống dịch của chúng ta đã được kích hoạt đồng bộ và hiệu quả.

PGS. TS Trương Thị Quỳnh Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương


Văn hóa cũng cần chính sách đầu tư mới

Những suy nghĩ và chia sẻ của những đại biểu tham dự sự kiện đặc biệt này không chỉ dừng lại ở yếu tố KH&CN, mặc dù đây là thứ “vũ khí” lợi hại để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia mạnh trên nhiều lĩnh vực, mà còn là chuyện đào tạo con người, nguồn nhân lực quan trọng trong tương lai. Trong con mắt của họ, việc cung cấp tri thức trong đào tạo mới chỉ là một phần của câu chuyện bởi con người cần có sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên trong bối cảnh hôm nay, việc gây dựng được một môi trường văn hóa lành mạnh với sự phát triển hài hòa của văn hóa dân tộc và văn hóa ngoại nhập là điều không dễ thực hiện, dù bản thân những người làm trong ngành văn hóa cũng đã nhận thức được điều đó từ rất lâu.

Đó là những nỗi niềm của nghệ sĩ nhân dân Lan Hương (Nhà hát kịch Việt Nam), “có nhiều vấn đề đáng lo ngại khi nói về sân khấu hiện nay: nhu cầu hưởng thụ văn hóa của khán giả đã thay đổi, nghệ thuật sân khấu không có nguồn nhân lực. Mất khán giả, nhiều giá trị văn hóa bị mai một, nhiều yếu tố nghệ thuật truyền thống trước nguy cơ thất truyền”. Là người của sân khấu kịch nên hơn ai hết, chị hiểu “những khó khăn trong đầu tư dàn dựng, chậm đổi mới của nhiều đoàn nghệ thuật đã dẫn đến sa sút, nhiều nhà hát chỉ còn hoạt động cầm chừng, nhiều năm không dàn dựng được các vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao, thiếu vắng tài năng, nhiều nghệ sĩ hoạt động thêm lĩnh vực khác, không thể chuyên tâm với nghề”.

Trình diễn sản phẩm thủ công tại Hội An.
Trình diễn sản phẩm thủ công tại Hội An.

Không chỉ các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống mà những loại hình nghệ thuật nước ngoài đã bắt rễ tại Việt Nam hơn nửa thế kỷ như âm nhạc cổ điển cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vấn đề hiện nay của sân khấu cổ điển là “cần phải xây dựng những cơ sở hạ tầng và đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp”, theo nhạc trưởng Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát nhạc giao hưởng Vũ kịch TPHCM. Ông phân tích, so với thế hệ trước kia, các nghệ sĩ hiện nay cũng có nhiều thiệt thòi. “Trước kia, chúng ta có những chương trình học bổng rất lớn cho sinh viên học tập tại những quốc gia XHCN thì nay những quỹ đó đã không còn nữa. Do đó trong những năm vừa rồi, nhiều thế hệ sau không được đào tạo trong những cái nôi của âm nhạc cổ điển, thiếu cả những cập nhật mới mẻ với thẩm mĩ nghệ thuật thế giới”.

Mỗi lĩnh vực có những đặc điểm khác biệt và cần những cơ chế đặc thù để giải quyết tồn tại và hỗ trợ sự phát triển nhưng rút cục, điều mà các nghệ sĩ cùng đồng cảm ở một điểm, đó là chính sách đào tạo nhân lực, phát hiện tài năng, qua đó có thể tạo điều kiện cho sân khấu hiện đại phát triển với hướng đi phù hợp với cuộc sống và phản ảnh được những vấn đề của xã hội.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận