Giám đốc đơn vị Z79 của FPT Software: “Hãy ngủ ít để thành công nhanh hơn”

Giám đốc đơn vị Z79 của FPT Software: “Hãy ngủ ít để thành công nhanh hơn”

Ngày  2/4/2016, tại Hà Nội, FPT đã phối hợp cùng Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình “FPT Leader Talk” với chủ đề “You Can Make It” (Bạn cũng có thể làm). 

Là sự kiện thứ 15 của chuỗi chương trình giao lưu giữa lãnh đạo, các nhà quản lý trẻ của Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc, “FPT Leader Talk” tại Đại học Công nghệ cũng nhằm mục tiêu khích lệ các bạn sinh viên hãy chấp nhận thử thách, nỗ lực theo đuổi đam mê để sớm đạt được thành công như những diễn giả của sự kiện.

Góp mặt tại “FPT Leader Talk” tại Đại học Công nghệ, bên cạnh Tổng Giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh - người giữ vai trò làm cầu nối giữa các diễn giả với sinh viên, 4 diễn giả tham gia chương trình đều là các  lãnh đạo, quản lý, chuyên gia công nghệ trẻ của FPT Software: Giám đốc Đơn vị sản xuất Z79 Nguyễn Khắc Hiệp; Trưởng nhóm thiết bị ngoại vi Nguyễn Tuấn Minh; Kỹ sư CNTT mảng điện toán đám mây (Cloud) Luyện Ngọc Anh và Trưởng nhóm dự án Bùi Công Sơn. Phần lớn họ còn rất trẻ nhưng đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội phát triển và trở thành những nhân sự cốt cán của FPT Software.

Giám đốc đơn vị Z79 của FPT Software: “Hãy ngủ ít để thành công nhanh hơn”

Giám đốc Đơn vị sản xuất Z79 của FPT Software  Nguyễn Khắc chia sẻ với sinh viên Đại học Công nghệ.

Trong đó, Giám đốc Đơn vị sản xuất Z79 Nguyễn Khắc Hiệp, sinh năm 1986, là một cựu sinh viên Đại học Công nghệ. Năm 2008, ngay sau khi ra trường, Hiệp đầu quân vào FPT Software vì có một vài người quen. Chỉ 3 tháng sau, Hiệp đã được tin tưởng và đề bạt vào vị trí trưởng nhóm công nghệ. Sáu tháng sau, Hiệp được cử sang Nhật học quản trị dự án trong vòng một năm và kết thúc thời gian học, Hiệp được giao vị trí Quản trị dự án với hãng sản xuất tivi hàng đầu Nhật Bản có quy mô ban đầu là 10 người, rồi 20 người, 40 người và lên đến 80 người. Đến nay, Hiệp đang quản lý một team có quân số khoảng 200 người chuyên về thiết bị thông minh,  từ điện thoại đến tivi.

Hồi tưởng lại quãng thời gian 8 năm làm việc tại FPT Software, Hiệp tâm sự: “Chỉ cần cống hiến hết mình thì sẽ được thành quả xứng đáng. Sau 8 năm làm việc và cống hiến, tôi luôn cảm thấy FPT Software có nhiều cơ hội đến mức không phải tìm kiếm mà cơ hội tự tìm đến. Quá nhiều cơ hội để làm việc, vẫy vùng với những đam mê và sở thích của chính mình”.

Chia sẻ với các bạn sinh viên về kinh nghiệm để đạt được thành công, Hiệp nhắn nhủ: “Tôi nghĩ rằng trừ những bạn thần đồng ra thì không có ai là quá vượt trội so với người khác. Bạn chỉ có đi nhanh hơn, thành công nhanh hơn người khác nếu ngủ ít hơn. Thời sinh viên, tôi chỉ ngủ tầm 4 tiếng/ngày”.

Hiệp cũng cho biết, khi bắt đầu đi làm, cậu cũng đã có suy nghĩ là những kiến thức học trong trường đại học không giúp ích gì cho công việc. Tuy nhiên, sau nay khi chuyển sang làm một số dự án khó hơn về công nghệ, cậu mới ngộ ra rằng những gì được học ở trường Đại học giúp ích nhiều cho công việc. “Vì vậy đừng bỏ  qua bất cứ kiến thức nào mà bạn được học ở trưởng Đại học. Sau này bạn sẽ cần dùng đến nói, có thể năm đầu tiên đi làm không dùng nhưng sau này chắc chắn sẽ dùng đến”, Hiệp chia sẻ. 

Nói về mảng công việc của Nguyễn Khắc Hiệp, Tổng giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh cho biết, Hiệp đang quản lý nhóm làm dự án cho khách hàng cực kỳ tên tuổi của Nhật về sản xuất tivi. Nhiệm vụ Công ty giao cho nhóm Hiệp rất thách thức. Khi nhóm Hiệp bắt đầu công việc với khách hàng này thì họ đang giao việc cho cả đối tác ở Ấn Độ, Trung Quốc. Nhiệm vụ lớn nhất của nhóm Hiệp là phải làm sao lấy được phần lớn công việc từ Trung Quốc, Ấn Độ về cho Việt Nam. Nhóm của Hiệp đã tăng trưởng rất ấn tượng, lúc đầu chỉ có 3 người, sau đó lên 20, 40 rồi đến 80 người.

Thời gian làm dự án với khách hàng lớn này cũng là quãng thời gian đáng nhớ với Nguyễn Khắc Hiệp: “Có nhiều kỷ niệm khi làm dự án cho hãng sản xuất tivi hàng đầu Nhật Bản như: một thời gian dài 3 - 4 tháng gần như không ngủ và khi về Việt Nam thì phải nằm viện 2 tuần vì bị thoái hóa cổ, lưng...  Dự án này cũng là niềm tự hào của mình và cả đội dự án vì đây là lần đầu tiên mình cũng như đội dự án chính thức đấu đầu trực tiếp với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ. Lần đầu cảm thấy người Việt Nam mình có thể cạnh tranh được với các nước mạnh khác về lĩnh vực CNTT”.

Giám đốc đơn vị Z79 của FPT Software: “Hãy ngủ ít để thành công nhanh hơn”

Luyện Ngọc Anh (ngoài cùng bên phải), Nguyễn Tuấn Minh (thứ hai từ phải sang) và Bùi Công Sơn (ngoài cùng bên trái) đều là những chuyên gia công nghệ thế hệ 9x của FPT Software.

Còn với kỹ sư CNTT mảng điện toán đám mây 9x Luyện Ngọc Anh, lời nhắn với các bạn sinh viên là: “Nếu bạn còn trẻ, đừng ngại thử sức”. Ngọc Anh tình cờ đến với công nghệ điện toán đám mây khi đầu quân vào FPT Software với vị trí kỹ sư CNTT về mảng này của Ban Công nghệ. Lúc đầu Ngọc Anh cũng bị ngợp nhưng chỉ sau thời gian ngắn tiếp cận, cậu đã “chốt” sẽ nỗ lực học hỏi, nghiên cứu để trở thành chuyên gia về điện toán đám mây.

Hiện Ngọc Anh đang cùng đồng nghiệp nghiên cứu và phát triển sản xuất liên quan đến xu hướng công nghệ PaaS (Platform as a Service - Dịch vụ cho Platform). Cậu dự định, sau khi sản phẩm do nhóm phát triển ra mắt sẽ bắt đầu tập trung ôn thi chứng chỉ ở mức cơ bản về Cloud của Amazon Web Services. “Em sẽ cố gắng từng bước một để thi các chứng chỉ công nghệ liên quan đến Cloud. Không có thành công nào mà không phải trải qua rèn luyện. Cố gắng hoàn thành những mục tiêu gần để dần dần tiến xa”, Ngọc Anh bày tỏ quyết tâm.

Vừa gia nhập FPT Software, Nguyễn Tuấn Minh, sinh năm 1991, đã được giao tham gia vào dự án phát triển các ứng dụng cho một công ty sản xuất điện thoại tên tuổi của Nhật Bản. Nhưng chỉ 3 ngày sau, Minh đã quyết định viết đơn xin thôi việc có cảm giác “chẳng làm được gì với đống thiết bị thử nghiệm và quá stress”. Ngay sau khi Minh nộp đơn, lãnh đạo đã kiên nhẫn lắng nghe những trăn trở của Minh về khó khăn trong công việc và đưa ra đề nghị tiếp tục làm việc trong 3 tháng, nếu trong thời gian này mọi việc vẫn không tiến triển thì có thể xin nghỉ. Minh đã quyết định ở lại. Và đến bây giờ cậu vẫn thấy đó là một quyết định đúng đắn. Trưởng nhóm Thiết bị ngoại vi tại FPT Software Nguyễn Tuấn Minh chia sẻ: “Nếu có ai hỏi mình điều tuyệt vời nhất của nghề lập trình là gì thì đó chính là khi được thấy sản phẩm của mình đi đến từng gia đình, được nhiều người sử dụng, được quản cáo ở khắp mọi nơi và mang lại giá trị cho cuộc sống”.

Là diễn giả nhà tuổi nhất, sinh năm 1992, mặc dù vừa mới ra trường nhưng Bùi Công Sơn đã được tham gia vào những dự án “khủng” với các khách hàng tên tuổi tại Nhật Bản và quản lý hơn 100 nhân viên. Sơn chia sẻ: “Chính cơ hội được trải nghiệm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và đầy thử thách khi đi onsite ngắn hạn tại Nhật đã giúp mình phá bỏ những giới hạn của bản thân và hiểu được những quy tắc cơ bản trong quá trình làm việc”.

FPT đã và đang nỗ lực hướng đến mục tiêu 100.000 người. Do đó, ước tính trong giai đoạn 2016-2020 FPT sẽ cần tuyển khoảng 50.000 nhân sự ở nhiều vị trí, từ sinh viên thực tập, quản lý tới lãnh đạo cấp cao trong các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế... Trong đó, FPT Software, đơn vị thành viên của FPT, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. FPT Software hiện có khoảng 9.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại Việt Nam và các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đức, Slovakia, Pháp, Anh, Hàn Quốc... Dự kiến, trong 3 năm tới, FPT Software cần tuyển mới 10.000 nhân lực và 50% trong số đó là sinh viên các ngành CNTT và ngoại ngữ mới ra trường.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận