Giáo dục STEM nơi vùng cao Si Ma Cai

Giáo dục STEM nơi vùng cao Si Ma Cai

Nhờ hình thành được hệ sinh thái giáo dục STEM, Lào Cai đã có nền tảng để lan tỏa phương pháp giáo dục mới này ở những địa phương còn nhiều khó khăn trong tỉnh như huyện Si Ma Cai.

Khách mời từ TP Hà Nội, TP Lào Cai và các thầy cô giáo đã thật xúc động khi trên sân khấu vang lên câu nói “Chào mừng Ngày hội STEM!” của em Lùng Thị Hoài, nữ sinh dân tộc Nùng, thì pháo hoa điện cũng bắn lên. Lùng Thị Hoài và các bạn học sinh Trường Tiểu học và THCS Nàn Sán đã làm một thiết bị biểu diễn khoa học được thiết kế sao cho các dung dịch chảy từ trên cao xuống thấp theo các tầng, như kiểu tháo nước ruộng bậc thang, để đóng mạch bắn pháo hoa điện chào mừng Ngày hội STEM Si Ma Cai 2021.

Giáo dục STEM nơi vùng cao Si Ma Cai
Nữ sinh Lùng Thị Hoài (cầm micro) tự tin cùng đồng đội thực hiện tiết mục bắn pháo hoa điện để chào mừng Ngày hội STEM Si Ma Cai 2021. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

Si Ma Cai là huyện nghèo biên giới ở nơi mây bay dưới chân và cách thành phố Lào Cai gần 100km đường núi cua tay áo liên tục, vậy mà học sinh đã có thể tự thực hành biểu diễn khoa học ngay trong Ngày hội STEM lần đầu, trong đó có những tiết mục khiến người xem đặc biệt thích thú như màn trình diễn pháo hoa điện hay sử dụng các hoá chất an toàn dùng trong nấu ăn mô phỏng núi lửa phun trào.

Giống như lễ hội ở vùng cao luôn gắn với các cuộc thi đấu hấp dẫn, Ngày hội STEM Si Ma Cai cũng có cuộc thi “Chế tạo mô hình xe thế năng - động năng” với sự tham gia của 7 đội thi đến từ 14 đơn vị trường học có cấp THCS trên địa bàn huyện.

Khác với nhiều địa phương, các lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện đều trực tiếp tham gia ban giám khảo các cuộc thi tại Ngày hội. Nhà giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai, cho biết thêm, lãnh đạo Phòng GD&ĐT trước đó đã trực tiếp đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm tổ chức Ngày hội STEM.

Giáo dục STEM nơi vùng cao Si Ma Cai
Một gian trưng bày tại Ngày hội STEM Si Ma Cai 2021. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

SI MA CAI SẼ PHỔ CẬP LẬP TRÌNH ROBOT CHO MỌI HỌC SINH

Các bài biểu diễn khoa học từ hóa chất nhà bếp và cuộc đua thả xe thế năng trên cầu trượt trong lễ khai mạc Ngày hội STEM Si Ma Cai 2021 đã cho thấy, không cần robot và máy tính vẫn có thể dạy và học STEM trên núi cao một cách thú vị. Nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh và ban lãnh đạo Phòng GD&ĐT Si Ma Cai lại mong muốn làm được nhiều hơn thế - làm sao để học sinh của mình có thể tự lập trình robot như học sinh TP Lào Cai, những “chiến binh 4.0” vừa giành giải Nhất cuộc thi robot khu vực phía Bắc do Trung ương Đoàn tổ chức hồi tháng 11/2020.

Để có được màn trình diễn robot hấp dẫn trong Ngày hội STEM, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Si Ma Cai đã đề nghị Phòng GD&ĐT TP Lào Cai trợ giúp.

Trân trọng tình cảm của các thầy cô huyện Si Ma Cai, Phòng GD&ĐT TP Lào Cai đã thành lập một đội tình nguyện do thầy Đỗ Huy Học, chuyên viên của phòng, đứng đầu. Đội tình nguyện còn có hai thầy giáo Vũ Huy Hoa, Vũ Đức Tuyên và hai học sinh Lưu Tuấn Hưng, Nguyễn Thành Nam của Trường THCS Lý Tự Trọng - ngôi trường đầu tiên tự dạy lập trình robot ở Lào Cai từ cách đây gần 4 năm. Anh Lưu Hồng Hà (bố cháu Lưu Tuấn Hưng) là bác sỹ bệnh viện tỉnh, tự nguyện lái xe của gia đình để phục vụ nhóm trong hai ngày.

Giáo dục STEM nơi vùng cao Si Ma Cai
Hai học sinh lớp 6 của Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Lào Cai) trình diễn robot do các em tự lập trình tại Ngày hội STEM Si Ma Cai 2021. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

Tiết mục trình diễn robot trong Ngày hội STEM Si Ma Cai đã thu hút đông đảo người xem. Hai học sinh Lưu Tuấn Hưng và Nguyễn Thành Nam đã dồn hết đam mê và trách nhiệm để trực tiếp trình diễn khả năng tự đi lại và gắp đồ vật của các robot có vẻ “dễ bảo”.

Sau màn trình diễn robot, thầy Đỗ Huy Học thay mặt Phòng GD&ĐT TP Lào Cai tặng robot và tất ấm cho Si Ma Cai. Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Lào Cai) cũng tặng 3 con robot tự chế cho Trường THCS Thị trấn Si Ma Cai.

Cũng nhân dịp này, Chương trình hỗ trợ STEM robot và máy thông minh (chuyên giúp đỡ các huyện vùng cao và nông thôn tiếp cận với STEM lập trình robot) đã tặng 16 con robot cho 8 trường tiểu học và THCS của Si Ma Cai, nhiều gấp đôi số robot mà Chương trình thường tặng các huyện khác. Hai bên còn cam kết, nếu cả 8 trường này thử nghiệm dạy lập trình robot có kết quả tốt thì Chương trình sẽ gửi tặng thêm 22 con robot và máy thông minh để các trường học còn lại ở Si Ma Cai cũng được học lập trình robot, phấn đấu trong năm 2021, 100% học sinh và giáo viên được tiếp cận lập trình robot, 100% các trường có câu lạc bộ robot với giáo viên đã được tập huấn chuyên sâu. Nếu làm được như vậy, Si Ma Cai sẽ được tặng thêm ít nhất một máy in 3D.

Ngay sau Tết, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Si Ma Cai đã lên kế hoạch tập huấn lập trình robot từ tháng 3 tới cho giáo viên và học sinh của 8 trường vừa được tặng robot với sự trợ giúp của các thầy cô ở TP Lào Cai và trong Liên minh STEM.

Giáo dục STEM nơi vùng cao Si Ma Cai
Ba chàng trai đến từ Trường Tiểu học và THCS xã Nàn Sán và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS số 1 xã Quan Hồ Thẩn giành giải Nhất trong số 7 đội thi đến từ 14 trường tham gia cuộc thi “Chế tạo mô hình xe thế năng - động năng”. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn

BỆ ĐỠ HỆ SINH THÁI GIÁO DỤC STEM

Trong khi nhiều trường phổ thông ở các thành phố lớn còn chưa làm được gì đáng kể để thúc đẩy giáo dục STEM, liệu một huyện vùng cao miền biên giới còn nhiều khó khăn như Si Ma Cai có thể phổ cập lập trình robot không?

Câu trả lời là CÓ. Thực tế cho thấy, các giải pháp tập huấn giáo viên qua internet đã thành công. Đầu tiên là sự kiện hồi đầu năm học, TS Đặng Văn Sơn tập huấn phổ cập STEM cho 1.500 giáo viên của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) qua internet với hơn 70 điểm cầu. Gần đây, nhóm của Ths Hoàng Vân Đông đã thử nghiệm tập huấn chuyên sâu lập trình robot cho 200 giáo viên của 77 trường học trong toàn huyện Yên Thành (Nghệ An). Trong thời gian tới, những kinh nghiệm quý báu này của Liên minh STEM sẽ được dùng để tập huấn cho giáo viên ở huyện Si Ma Cai.

Hơn nữa, tham gia giúp Si Ma Cai tập huấn giáo viên còn có các thầy cô ở TP Lào Cai - những người có bề dày kinh nghiệm dạy lập trình robot. Xin nói thêm là đã có 56 đội tham gia cuộc thi robot trong Ngày hội STEM 2020 của TP Lào Cai cách đây 3 tháng, một con số kỷ lục. Huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cũng đã có không ít trường có robot do các nhà hảo tâm mua tặng, giá mỗi con robot chỉ gần 2 triệu đồng và mỗi trường học chỉ cần hai con robot là có thể dạy cho học sinh lập trình.

Si Ma Cai tuy ở xa xôi trên núi cao nhưng Huyện ủy, UBND Si Ma Cai với sự tham mưu của Phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo chuyên đề về giáo dục STEM cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2020-2025. Quyết định này của Si Ma Cai cũng dễ hiểu vì Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai vừa qua đã giao nhiệm vụ cụ thể về giáo dục STEM cho ngành giáo dục.

Đề án 04- ĐA/HU ngày 31/7/2020 của Huyện ủy Si Ma Cai về đổi mới, nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM tại 100% các trường phổ thông. Trên tinh thần của Đề án, Phòng GD&ĐT Si Ma Cai đã xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội STEM “khơi nguồn đam mê, đánh thức trí tuệ” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM; tạo cơ sở ban đầu để lan tỏa phương pháp dạy học STEM; tạo cơ hội để học sinh giới thiệu các kết quả của quá trình vận dụng kiến thức vào thực tiễn, làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Ngày hội STEM Si Ma Cai lần đầu diễn ra ngày 22/1/2021 tại Trường THCS thị trấn Si Ma Cai với sự góp mặt của 27 trường tiểu học, THCS, và THPT. Các trường được tổ chức theo các cụm để cùng nhau dựng các gian trưng bày sản phẩm tại Ngày hội.

Lý do lãnh đạo tỉnh Lào Cai tự tin chỉ đạo thúc đẩy giáo dục STEM mạnh hơn nữa là vì Lào Cai có nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy giáo dục STEM ở cả phương diện đào tạo mũi nhọn và phổ cập, cả năm cấp học từ mầm non cho tới đại học đều đã được kết nối để tạo thành một hệ sinh thái giáo dục STEM.

Trong 5 năm gần đây, Lào Cai đã tiến hành nhiều chương trình tập huấn giáo dục STEM cho hàng ngàn giáo viên ở tất cả các huyện. Để xây dựng Hệ sinh thái giáo dục STEM bài bản, Sở GD&ĐT Lào Cai đã thành lập tổ tư vấn STEM, tương tự như vậy ở cấp Phòng GD&ĐT các huyện. Chỉ riêng ban chỉ đạo giáo dục STEM của huyện Bảo Thắng đã có hơn 70 giáo viên tham gia.

Bên cạnh đó, Lào Cai được sự trợ giúp của các nhóm chuyên gia giáo dục STEM nhiều kinh nghiệm ở Hà Nội như nhóm của TS Đặng Văn Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Ths Hoàng Vân Đông (ĐH Điện lực), TS Dương Tuấn Hưng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), TS Lê Chí Ngọc và TS Hàn Huy Dũng (ĐH Bách khoa Hà Nội). Năm 2019, các cựu du học sinh Việt Nam theo học bổng VEF (Mỹ) đã tập huấn giáo dục STEM cho hàng trăm giáo viên trong chương trình hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Lào Cai còn may mắn có Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại tỉnh và các thầy cô ở đây rất nhiệt tình tham gia thúc đẩy đổi mới.

Ngoài ra, Lào Cai đã hợp tác với các chương trình bổ trợ cho việc hội nhập như chương trình dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh của ISMART Education (thành viên của Tổ chức giáo dục EQuest) hay Chương trình thi vô địch toán nước Mỹ AMC-8 do GS.TS Lê Anh Vinh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) trợ giúp từ nhiều năm trước.

Trong việc thúc đẩy giáo dục STEM, mỗi địa phương đều cần có các chuyên gia nhiệt tình trợ giúp cho lãnh đạo Phòng GD&ĐT và xét từ góc độ này, Lào Cai có một đội ngũ rất đông đảo.
Hệ sinh thái giáo dục STEM của Lào Cai còn có không ít nhà tài trợ là các ngân hàng và doanh nghiệp. Mới đây, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện Bảo Thắng vừa tài trợ một phòng lab STEM rất hiện đại cho Trường THCS Bản Phiệt. Với trang bị như vậy, Trường THCS Bản Phiệt trong tương lai gần sẽ đạt chuẩn Fablab như chỉ có ở vài trường THPT và đại học ở Hà Nội.

Kinh nghiệm thúc đẩy giáo dục STEM của Lào Cai đang được chia sẻ cho nhiều nơi. Cách đây vài tuần, nhà giáo Vương Quang Trọng, hiệu phó Trường THPT Số 1 Lào Cai, đã có bài thuyết trình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng câu lạc bộ STEM trong trường THPT cho hàng trăm giáo viên của diễn đàn Cộng đồng giáo viên STEM. Thầy Trọng cũng chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp để những học sinh của trường như Vũ Hoàng Long đạt giải Ba cuộc thi khoa học Intel ISEF ở Mỹ năm 2019 - một thành tích quốc tế lớn nhất của giáo dục STEM Việt Nam trong năm đó.

Thúc đẩy giáo dục STEM đóng góp một phần quan trọng cho đổi mới giáo dục và chuyển đổi số, trong đó thúc đẩy giáo dục STEM ở vùng cao là việc rất khó nhưng Lào Cai bước đầu đã có thành tựu nhờ cách làm bài bản. Đặc biệt, hệ sinh thái giáo dục STEM mà Lào Cai hình thành được sẽ cung cấp nền tảng để thúc đẩy giáo dục STEM ở những địa phương như huyện Si Ma Cai.

Một trong những huyện nghèo nhất cả nước, còn đầy khó khăn như Si Ma Cai mà làm giáo dục STEM thành công, tức là giáo dục STEM khả thi với các quận huyện còn lại của Việt Nam.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận