Góp ý đẩy mạnh phát triển KH&CN trong giai đoạn mới

Góp ý đẩy mạnh phát triển KH&CN trong giai đoạn mới

Ngày 3/6 tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN, ĐH Quốc gia TPHCM, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (1/11/2012) về phát triển KH&CN, phục vụ sự phát triển CNH - HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhiều nội dung được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt. Trong đó, tiềm lực KH&CN được nâng lên, quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới. Hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ được chú trọng hoàn thiện; thị trường KH&CN cũng dần được hình thành và phát triển, gắn kết kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, KH&CN vẫn chưa thật sự trở thành động lực phát triển KT - XH. Đầu tư ngân sách nhà nước cho KH&CN chưa đáp ứng được nhu cầu. Nghiên cứu khoa học chưa tạo ra được các sản phẩm chủ lực mang tính đột phá. Phần lớn các kết quả nghiên cứu khoa học mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm mà chưa được hoàn thiện để có thể thương mại hóa. Bên cạnh đó, năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ, sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo.

Bộ trường Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo   Ảnh: HA
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo Ảnh: HA

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, chiến lược phát triển khoa học cơ bản của Việt Nam chậm so với thế giới 200 năm. Đổi mới sáng tạo chậm 50 năm, riêng so với Trung Quốc cũng chậm hơn 20 năm. Theo GS Đức, cần đánh giá lại hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và tăng cường cải cách cơ chế điều phối chính sách phù hợp với bản chất phức tạp và đa ngành vốn có của đổi mới sáng tạo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần tham gia trực tiếp vào đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và kiến tạo văn hóa đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Tuyến, Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An, cho biết, việc chuyển giao các giải pháp kỹ thuật áp dụng tiến bộ KH&CN cao hiện vẫn đang ở quy mô thử nghiệm nhỏ, chưa có sự cam kết đồng hành giữa các bên tham gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thường không đủ nguồn lực để đầu tư về KH&CN, trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước rất hạn chế. Theo ông Tuyến, cần tăng cường đào tạo thế hệ kỹ sư trẻ; đồng thời mở rộng liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế để huy động mọi nguồn lực phát triển KH&CN. Bên cạnh đó, cần giao lại các kết quả từ đề tài, dự án thử nghiệm cho doanh nghiệp sử dụng, cũng như hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản lý.

Nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận được chia sẻ tai Hội thảo
Nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận được chia sẻ tai Hội thảo Ảnh: HA

TS. Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam thì cho rằng, cần tập trung xây dựng và phát huy, phát triển sức sáng tạo của con người Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc gia. Theo đó, cần đo lường cụ thể các chỉ số IQ, EQ,... một cách có hệ thống, để đánh giá đúng thực trạng sức sáng tạo của người Việt; đồng thời, tạo môi trường tâm lý, nhu cầu, động lực, thể chế, cơ chế sáng tạo, nhất là sáng tạo KH&CN, cho giới trẻ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là những gợi ý quan trọng để ngành KH&CN nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH, CN và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.



Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận