Hoàn thành kết nối mạng các quầy thuốc trong cả nước vào năm 2019

Hoàn thành kết nối mạng các quầy thuốc trong cả nước vào năm 2019

Hoàn thành kết nối mạng các quầy thuốc trong cả nước vào năm 2019

Cùng với yêu cầu Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu trong năm 2018 hoàn thành kết nối hệ thống với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Ngày 23/8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường quản lý, kết nối các các cơ sở cung ứng thuốc.

Trong thời gian qua, hệ thống cung ứng và phân phối thuốc của Việt Nam đã phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu cung cấp thuốc cho nhân dân. Theo thống kê Cục quản lý Dược – Bộ Y tế, hệ thống dược Việt Nam đang quản lý khoảng 61.900 cơ sở bán lẻ thuốc với 19.100 nhà thuốc, 39.000 quầy thuốc và 3.800 tủ thuốc.

Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, hoạt động cung ứng thuốc vẫn còn không ít bất cập, nổi bật là tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động.

“Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả, chưa có công cụ hữu hiệu giúp cho người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường”, Chỉ thị cho hay.

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý việc cung cấp, phân phối thuốc vì lợi ích của người dân, trước hết là chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, giá cả, không bảo đảm chất lượng, tình trạng bán thuốc không theo đơn, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thuốc theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tại Chỉ thị 23, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm thống nhất quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối thuốc bảo đảm lợi ích người bệnh, người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9/2018; trong năm 2018 hoàn thành đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc.

Bộ Y tế cũng có trách nhiệm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, tập huấn bằng văn bản hoặc video... bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân liên quan được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, không để bất cứ cơ sở nào không kết nối do không được tập huấn, hướng dẫn; ban hành quy định về việc kê đơn thuốc điện tử đồng bộ với việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn; thường xuyên tổng hợp, cập nhật và tăng cường phổ biến thông tin về sản phẩm thuốc, chỉ định, cách dùng, liều dùng, nguồn gốc xuất xứ và giá cả thông qua cơ sở dữ liệu (CSDL) thuốc quốc gia.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc; người dân sử dụng, tra cứu thông tin thuốc qua CSDL thuốc quốc gia, thực hiện việc kê đơn, mua bán thuốc và sử dụng thuốc theo đơn; tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn và thực hiện việc kê đơn, bán thuốc theo đơn theo quy định.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng được chỉ đạo phải tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, việc mua và sử dụng thuốc theo đơn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kết nối và thực hiện kê đơn, mua bán thuốc theo đơn.

Hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị 23, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, hôm nay, ngày 24/8, tại Hưng Yên, Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc. Được kết nối tới hơn 700 điểm cầu, hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc Viettel Hoàng Sơn cùng đại diện các cơ quan ban ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị trực tuyến ngày 24/8 đã đánh dấu lộ trình chính thức triển khai kết nối các cơ sở cung ứngthuốc trên toàn quốc.

Ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc do Tập đoàn Viettel xây dựng gồm: Hệ thống quản lý nhà thuốc; CSDL Dược quốc gia; Cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân, đồng thời cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả tới cơ quan quản lý.

Theo đó, với nhà thuốc hệ thống giúp tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, đảm bảo liên thông những dữ liệu được yêu cầu lên Hệ thống quản lý Dược quốc gia; quản lý được chuỗi nhà thuốc; quản lý triệt để hoạt động của nhân viên, tránh thất thoát hàng hóa; giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Còn với Bộ Y tế, Sở Y tế, hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào 1 số nhà cung cấp; truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định.

Đặc biệt, Viettel cho hay, với Cổng tra cứu và ứng dụng di động cho người dân, người dân có thể tra cứu thông tin thuốc, truy xuất hóa đơn bán thuốc, truy xuất hạn sử dụng cho từng lô thuốc; cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Theo kế hoạch, Cổng này sẽ tiếp tục được phát triển, trở thành Cổng thông tin về thuốc, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, tuyên truyền về thuốc; cho phép người dân tìm kiếm nhà thuốc, xem thông tin Dược sĩ, thực hiện đánh giá (Rating) các nhà thuốc, tìm kiếm nơi bán còn thuốc, hệ thống mua bán thuốc online; và tiến tới xây dựng cộng đồng tìm kiếm chia sẻ thuốc.

Trước thời điểm diễn ra hội nghị trực tuyến ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc được tổ chức ngày 24/8, đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối vào vào hệ thống liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc được cấp tài khoản, trong đó có 1.915 cơ sở đã thực hiện kết nối mạng, quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận