Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019: Doanh nghiệp chia sẻ nhiều sáng kiến

Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019: Doanh nghiệp chia sẻ nhiều sáng kiến

Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 ngày 12/9 đã đem lại nhiều sáng kiến và cam kết hành động vì sự phát triển bền vững của đất nước trong thập kỉ tới.

Đại diện cấp cao của nhà nước tham gia Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019
Đại diện cấp cao của Nhà nước tham gia Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019. Ảnh: BTC

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030.

Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, các bộ trưởng của một số Bộ ngành liên quan, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, địa phương, đại sứ quán, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế và các viện nghiên cứu.

Trước đó, sáng ngày 12/9, Hội thảo đã diễn ra 3 chuyên đề thảo luận về vấn đề trọng tâm liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm: Kinh tế tuần hoàn; Hợp tác công tư để phát triển bền vững; và Phát triển nguồn vốn con người.

Khai mạc phiên buổi chiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ, mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động trong nước. Ông nhấn mạnh việc biến những mục tiêu đó thành hành động không thể đạt được nếu thiếu sự chung tay, hợp tác đồng bộ từ tất cả các khu vực nhà nước-doanh nghiệp-người dân cũng như các tổ chức hỗ trợ và cộng đồng quốc tế.

Những đề xuất từ các bộ, ngành

Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành đã đem đến nhiều báo cáo về những kết quả hoạt động trong lĩnh vực của mình góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ việc lồng ghép “Các mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030” bằng cách đẩy mạnh tính đồng bộ, tính bền vững và sự tham gia của các bên. Ông đề cập đến việc xây dựng các bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững ở các cấp thấp hơn như bộ, ngành/lĩnh vực và địa phương.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở cấp độ luật và thay đổi cách thức quản lý PPP, để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào các dự án, chương trình, lĩnh vực phát triển của đất nước. Về vai trò nền kinh tế tư nhân trong phát triển bền vững, ông đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp, để đưa các lực lượng như hộ kinh doanh vào khu vực chính thức, kết nối vào chuỗi giá trị.

Ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình Phát triển Con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới), đề cập đến Chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam đang ở mức 67/100 điểm, cao thứ hai Đông Nam Á, sau Singapore là 88 điểm. Để nâng cao hơn chất lượng của chỉ số HCI này phục vụ cho nhu cầu nhân lực tương lai, ông đưa ra 2 khuyến nghị là giải quyết vấn đề chênh lệch đối với các nhóm dân tộc thiểu số (thông qua cải cách các Chương trình mục tiêu quốc gia và chuyển đổi tính chất lao động khỏi công việc đồng áng) và tăng cường phát triển lực lượng lao động (thông qua cải cách hệ thống giáo dục đại học và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân).

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh vấn đề rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên diễn ra khắp nơi. Ông cho rằng, trong thập kỉ tới, hướng tiếp cận từ mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên. Trong nước đã tồn tại một số mô hình về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt ở 3 lĩnh vực là nông nghiệp, công nghiệp – thủ công nghiệp, và du lịch-dịch vụ; bởi vậy ông cho rằng cần hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho sự phát triển của các mô hình kinh tế tuần hoàn đó. Ông cũng nhấn mạnh việc mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy các thị trường tái chế trong nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định những tiến bộ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cả việc nghiên cứu phát triển trong nước lẫn hấp thụ chuyển giao công nghệ nước ngoài trong nhiều năm qua đã góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần giải quyết nhiều vấn đề nông nghiệp, y tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, những tác động đó vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng. Ông cho rằng trong 10 năm tiếp theo, nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ; khuyến khích thúc đẩy sự hợp tác viện - trường - doanh nghiệp và tạo ra nhiều tài sản trí tuệ chất lượng cao có khả năng thương mại hóa, thay đổi các cơ chế tài chính cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp….

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng nhấn mạnh con người, chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên, sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong tương lai. Ông cho rằng trong tỷ trọng GDP, đầu tư cho giáo dục đại học đang ít hơn so với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, đồng thời ít hơn nhiều so với các nước OECD. Mức đầu tư này sẽ là một thách thức lớn cho mục tiêu trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức trong tương lai. Ông nêu ra một số giải pháp cầ ưu tiên để cải thiện giáo dục đại học, bao gồm hoàn thiện thế chế để tự chủ đại học, tăng đầu tư ngân sách nhà nước và thay đổi cơ chế phân bổ hiệu quả hơn, đẩy mạnh việc kiểm định chất lượng giáo dục, chuyển đổi cơ chế đào tạo gắn với nhu cầu thị trường thị trường hơn...

Doanh nghiệp chia sẻ sáng kiến

Bên cạnh những kiến nghị của các bộ ngành, một số doanh nghiệp lớn đang trực tiếp áp dụng một số biện pháp bền vững cũng chia sẻ các kinh nghiệm của mình.

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao của Heineken Việt Nam, chia sẻ về thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại nhà máy: dùng vỏ trấu và mùn cưa để cung cấp năng lượng đốt, men thừa và bã hèm từ quy trình nấu bia được tái sử dụng làm phân bón và thức ăn gia súc, tái sử dụng các loại bao bì như thùng và chai bia, tái chế lon nhôm, sử dụng nước tuần hoàn như nước thải được xử lý đạt chuẩn để quay lại dùng trong trồng trọt, tối ưu hóa khâu vận chuyển giảm phát thải CO2 bằng việc sử dụng các xe trọng tải lớn tiêu chuẩn khí thải Euro 4,….Ông Wilson nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả tài nguyên có nghĩa doanh nghiệp đã góp phần tạo tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu bền vững.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV, cho biết, thời gian qua, BIDV đã dành nguồn tín dụng khoảng 20.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, gom tái chế xử lý rác thải, cung cấp nước sạch và tái sử dụng tài nguyên. Năm 2018, BIDV đã xây dựng Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng ý cấp khoản tín dụng trung và dài hạn 300 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Ông cũng đề xuất chính phủ nên tạo thêm các chương trình ưu đãi tín dụng với các dự án xanh, đồng thời có chính sách ứng xử tín dụng với các dự án tác động xấu tới môi trường và xã hội bằng cách tăng lãi suất cho vay và hạn chế cấp tín dụng.

17 mục tiêu phát triển bền vững
17 mục tiêu phát triển bền vững

Ông Hoàng Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty PwC Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp cần tích hợp việc phát triển bền vững ngay từ khi xây dựng chiến lược của mình. Thay vì xây dựng các báo cáo tài chính theo kiểu “truyền thống”, ông cho rằng các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến việc xây dựng các báo cáo phát triển bền vững, tại đó doanh nghiệp xem xét đến lợi ích và tác động mà họ tạo ra không chỉ vì lợi nhuận và dành cho các cổ đông như trước nữa, mà còn phải quan tâm đến việc tối đa lợi ích cho các bên liên quan bị chịu ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh của công ty. Ông cho biết Coca Cola và Vinamilk là hai trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện báo cáo theo xu thế mới.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào và Campuchia, đánh giá rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn chủ yếu rót vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, tiêu tốn tài nguyên. Để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng không lạm dụng tài nguyên, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số. Ông cho rằng những công nghệ tương lai như 5G sẽ giúp tạo ra các đô thị thông minh có thể điều hành trên nền tảng số hóa, giúp hạn chế tác động tới môi trường.

Tổng kết Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp. Ông cho rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng đưa ra 6 quan điểm chỉ đạo, bao gồm (i) thống nhất về nhận thứ và nguồn lực của các cấp, các ngành để đưa con người vào trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững; (ii) tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế (iii) nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực, (iv) nâng cao tính hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo (v) xây dựng cơ chế khuyến khích các mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế không rác thải. (vi) toàn cầu hoá công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh.

Với những yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan trình Chính phủ các kế hoạch cụ thể trong tháng 10/2019 để Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

5 lời hứa từ doanh nghiệp

Cũng trong hội nghị, VCCI cho biết có một số sáng kiến đang được triển khai nhằm giải quyết các thách thức từ rác thải nhựa nói riêng, từ đó góp phần triển khai những mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Sáng kiến 1: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam)

Cam kết đến năm 2030, sẽ thu gom và tái chế toàn bộ bao bì đóng gói sản phẩm của các chủ sở hữu thương hiệu cùng tham gia vào liên minh. Hiện đã có một số công ty tham gia như Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie Vietnam, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, TH Group, Saigon Coopmart, Tetra Pak, Universal Robina Corporation….

Sáng kiến 2: Không xả thải vào thiên nhiên (Zero Waste to Nature)

Được thực hiện từ năm 2018, dự kiến sẽ kéo dài trong 5 năm với mục đích xây dựng thành công các mô hình kinh doanh bền vững dựa vào phân loại chất thải sinh hoạt đầu nguồn. Một số đối tác tham gia gồm: Unilever Việt Nam, Coca Cola Vietnam, Dow Chemical Việt Nam, Công ty Môi trường Đô thị thành phố Hồ Chí Minh Citenco…

Sáng kiến 3: Dự án hợp tác phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng

Dự án diễn ra trong vòng 15 tháng, từ tháng 10/2019 đến 12/2020 tại khu vực TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của công ty Unilever Việt Nam, sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh…

Sáng kiến 4: Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải để làm đường giao thông

Mục đích để tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, bị vứt bừa bãi hoặc chôn lấp, thành nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông. Chương trình đã được thí điểm xây đoạn đường dài 1km từ 4 tấn bao bì nhựa dẻo (tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa) tại Hải Phòng, do công ty Dow Việt Nam hợp tác với DEEP C Hải Phòng, dự kiến sẽ hoàn tháng vào tháng 9/2019.

Sáng kiến 5: Xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp Việt Nam

Được thực hiện bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), mục tiêu nhằm kiểm soát tại nguồn các chất rắn, ví dụ như cho ngành giấy và tái chế giấy.




Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận