Hợp tác KH&CN Việt Nam và Italia mở ra những hướng mới

Hợp tác KH&CN Việt Nam và Italia mở ra những hướng mới

Trên nền tảng được xây dựng trong 20 năm qua, mối quan hệ hợp tác phát triển KH&CN giữa Việt Nam và Italia đang bước vào giai đoạn mới, các nhà nghiên cứu của hai quốc gia ở một số lĩnh vực có thể trao đổi một cách bình đẳng và tạo ra những kiến thức chung, hữu ích với cả hai phía.

Nâng cao năng lực nghiên cứu

Diễn ra vào ngày 6/5 vừa qua, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro có nhiều ý nghĩa quan trọng, nhất là khi nó nằm ở giữa Ngày Nghiên cứu Italia trên thế giới và Ngày KH&CN Việt Nam (18/5). Trong cuộc gặp gỡ, ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam, trao tặng Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ấn phẩm chuyên đề mang tên “Innovations in Land, Water and Energy for Vietnam’s Sustainable Development” (Những đổi mới sáng tạo về đất, nước và năng lượng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam) do Nhà xuất bản Springer mới ấn hành. Điểm đặc biệt ở cuốn sách này không chỉ là việc có sự tham gia của 40 tác giả Việt Nam (trong tổng số 92 tác giả) ở Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Thủy lợi… mà còn ở chỗ cuốn sách như một dấu mốc mới của chặng đường hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Italia hơn 20 năm qua.

Hợp tác KH&CN Việt Nam và Italia mở ra những hướng mới
PGS. Tạ Hải Tùng giới thiệu về các dự án của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) với Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro và GS Marco Abbiati - tùy viên Khoa học công nghệ (Đại sứ quán Italia tại Việt Nam). Vào ngày 14/4, PGS Tạ Hải Tùng đã được trao Huân chương Công trạng Italia tước hiệu Hiệp sỹ vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học của ông. Ảnh: Duy Thành/HUST

Được đặt nền móng đầu tiên từ Hiệp định khung hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa hai chính phủ (1990) và Nghị định thư hợp tác KH&CN (ký kết năm 1992, có hiệu lực từ năm 1998), theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đã có nhiều dấu mốc trong mối quan hệ hợp tác về KH&CN giữa hai quốc gia: “Trong hơn 20 năm qua, hai bên đã tổ chức bảy khóa họp Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN, triển khai bảy Chương trình hợp tác KH&CN song phương với hơn 90 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực Italia có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và phục vụ thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; góp phần đưa hợp tác KH&CN trở thành một trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”. Do đó, ấn phẩm chuyên đề của Nhà xuất bản Springer về các công trình hợp tác nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước là minh chứng sinh động cho kết quả hợp tác trong giai đoạn 2017 – 2019.

Do đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, “hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Italia đã diễn ra rất hiệu quả, các nghiên cứu đều chất lượng, và đội ngũ cả hai bên đều vô cùng tâm huyết khi tham gia vào việc hợp tác này”. Bổ sung cho ý kiến này, bà Trần Thị Thu Hương – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN – cho biết trong hơn 20 năm qua, đã có 85 trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam – Italia tham gia cùng nhau trong các dự án, có 220 lượt chuyên gia Việt Nam - Italy trao đổi đoàn; 30 thạc sỹ, tiến sỹ đào tạo qua nghiên cứu và hàng trăm bài báo công bố trong nước, quốc tế.

Nếu nhìn vào bức tranh KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam khoảng năm năm trở lại đây, có thể rõ sự thay đổi ngoạn mục về mức đóng góp của các trường đại học. Các chương trình hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Italia cũng phản ánh xu hướng đó. Theo bà Thu Hương, điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác với Italia không chỉ góp phần vào xu hướng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học Việt Nam mà còn góp phần hỗ trợ nó phát triển lên một mức độ mới, và “đó quả thật là một tín hiệu vô cùng đáng mừng”.

Trước những kết quả tích cực ấy, Đại sứ Antonio Alessandro cho biết, chia sẻ kiến thức luôn luôn là trọng tâm của chiến lược ngoại giao khoa học của Italia. “Chúng tôi rất tự hào là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập ngoại giao với Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN. Chúng tôi hi vọng hợp tác KH&CN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của cả hai đất nước”.

Hướng đến lĩnh vực vũ trụ và bảo tồn di sản

Trong bối cảnh mới của một Việt Nam đang không ngừng thay đổi, mối quan hệ hợp tác với Italia sẽ tiếp tục phát triển như thế nào? Tại hội thảo “Hợp tác KH&CN Việt Nam – Italia: Kết quả và triển vọng vì sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ, mục tiêu mà Bộ KH&CN Việt Nam hướng đến trong thời gian tới là phát triển bền vững: “KH&CN và đổi mới sáng tạo là trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi hướng đến một cộng đồng phát triển bền vững, lấy mục tiêu vì con người làm trung tâm. Chúng tôi cũng mong muốn gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam, từ đó hướng đến ko chỉ phát triển một Việt Nam bền vững mà còn đóng góp vào cho sự phát triển của cộng đồng thế giới”.

Do đó những dự án mà Italia và Việt Nam sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 – 2023 sẽ tập trung vào mục tiêu này. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như khoa học nông nghiệp và thực phẩm, công nghệ sinh học và y tế, môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin và truyền thông, bảo tồn di sản văn hóa và tự nhiên; giai đoạn hợp tác này sẽ mở rộng ra ở các lĩnh vực mới nổi như công nghệ vật liệu mới, công nghiệp 4.0, vật lý thiên văn, khảo sát không gian và Trái đất.

Cũng trong buổi gặp, ông Antonio Alessandro đã đặc biệt nhấn mạnh hai lĩnh vực trọng tâm mà ông mong muốn hai nước có thể phối hợp làm việc, đó là lĩnh vực vũ trụ và lĩnh vực bảo tồn di sản. “Với lĩnh vực vũ trụ, chúng tôi đã nghiên cứu thận trọng chiến lược phát triển hàng không vũ trụ của Việt Nam trong những năm gần đây”. Ông cũng cho biết, Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Italia (ISA) bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác tin cậy tại Việt Nam để phối hợp, hỗ trợ Việt Nam đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này. “Italia là một trong số rất ít những nước có chuyên gia hàng đầu về nhiều khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực vũ trụ như: vệ tinh, phóng vệ tinh, quan sát Trái đất, định vị, sự sống trong không gian… Cá nhân tôi cho rằng, đây là lĩnh vực hứa hẹn để Việt Nam và Italia cùng nhau triển khai trong thời gian tới”, ông nhận định.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề vũ trụ và đã có những đầu tư nhất định cho lĩnh vực này. “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030. Trong đó, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ xây dựng luật này. Sắp tới đây, Bộ KH&CN sẽ phụ trách quản lý nhà nước về lĩnh vực vũ trụ, còn Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ là nơi triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên môn”. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong chiến lược vũ trụ, Việt Nam ưu tiên quan tâm đến công nghệ phục vụ cho viễn thông và viễn thám, và ông hi vọng Italia có thể hỗ trợ những công nghệ này.

Về lĩnh vực bảo tồn di sản, ông Antonio Alessandro khẳng định, đây chính là thế mạnh của Italia. “Chúng tôi có rất nhiều công nghệ bảo tồn di sản, chẳng hạn như công nghệ bảo tồn, công nghệ phục hồi, công nghệ định giá giá trị kinh tế cũng như giá trị du lịch…” Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, bản thân ông từng đến thăm Milan và rất ngưỡng mộ kiến trúc, di sản nơi đây. “Tôi nhận thấy những nhà thờ lớn ở Italia được bảo tồn rất tốt. Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều di sản cần bảo tồn, vì vậy chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Italia trong lĩnh vực này”.

Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Italia đã mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học hai bên. Tuy nhiên, hợp tác ấy sẽ không dừng lại, mà sẽ tiếp tục với nhiều kế hoạch và mục tiêu hơn nữa, như chia sẻ của ông Manlio Di Stefano, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia, tại Hội thảo “Hợp tác KH&CN Việt Nam – Italia: Kết quả và triển vọng vì sự phát triển bền vững” diễn ra cũng vào buổi chiều hôm ấy: “Chúng ta đã làm rất tốt, nhưng ưu tiên của chúng ta sắp tới sẽ là huy động nguồn lực tư nhân và nguồn tài trợ từ Chương trình Horizon 2020”, để từ đó thêm nhiều nghiên cứu sẽ được ứng dụng ra ngoài đời sống hơn nữa.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận