Luật KH&CN năm 2000: Kế hoạch hóa và sự lạc hậu trong quản lý

Luật KH&CN năm 2000: Kế hoạch hóa và sự lạc hậu trong quản lý

LTS: Ra đời từ năm 2000, Luật KH&CN là sự thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ phát triển đất nước.

Với vai trò là luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN năm 2000 đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng để điều chỉnh, thúc đẩy và khuyến khích hoạt động KH&CN của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực này. Luật KH&CN đã được sửa đổi vào năm 2013. Đây được coi là lần sửa đổi căn bản và mang tính đột phá của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật KH&CN, qua đó đem lại những đổi thay có ý nghĩa cho hoạt động KH&CN, đặc biệt là thúc đẩy hội nhập quốc tế cũng như sự đóng góp vào sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của đất nước.

Trong năm tới, dự kiến Bộ KH&CN sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật KH&CN 2013 cho phù hợp với tình hình mới. Báo KH&PT sẽ đánh giá lại quá trình thực hiện Luật KH&CN 2013 và những nội dung mới cần điều chỉnh khi sửa đổi Luật theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, người chủ trì xây dựng Luật KH&CN năm 2013, sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện Luật KH&CN năm 2000, Việt Nam đã hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có KH&CN.

Trong khi đó, nhiều điều khoản trong Luật KH&CN năm 2000 vẫn mang nặng tính kế hoạch hóa, cơ chế tài chính cho khoa học không phù hợp với bản chất của khoa học, tổng đầu tư cho KH&CN còn thấp... khiến các hoạt động KH&CN không phát huy được năng lực sáng tạo và không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Luật KH&CN năm 2000: Kế hoạch hóa và sự lạc hậu trong quản lý
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

Thưa ông, vì sao chúng ta phải sửa đổi Luật KH&CN năm 2000?

Đi ngược lại thời gian, có thể thấy Luật KH&CN năm 2000 đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng: Một là cho phép và khuyến khích thành lập các tổ chức KH&CN ngoài công lập; thứ hai là định hướng xây dựng các tổ chức KH&CN tầm quốc gia, mở rộng hợp tác quốc tế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hình thành một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và quốc tế; thứ ba là đảm bảo sự đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài, nhất là từ doanh nghiệp và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ. Tuy nhiên đây vẫn là các quy định chung, chúng ta thực sự mới bắt đầu bước vào kinh tế thị trường nên thiếu kinh nghiệm, chưa có các chính sách cụ thể, vì thế không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt. Ví dụ có những điều cần được quy định trong Luật như tỷ lệ chi ngân sách cho KH&CN, mặc dù lúc đó đã có chủ trương đầu tư 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho hoạt động KH&CN, nhưng lại không được chính thức quy định vào luật, không được thể chế bằng luật. Vì vậy, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư vẫn làm theo cách cũ, tức là phân bổ ngân sách hằng năm tùy theo khả năng của ngân sách.

Theo tôi, KH&CN nói chung và thị trường KH&CN nói riêng vẫn mang dáng dấp của nền kinh tế kế hoạch hóa chứ chưa phải thị trường. Và muốn hội nhập quốc tế thành công cần phải khẩn trương đổi mới toàn diện, đồng bộ về tổ chức và cơ chế hoạt động KH&CN theo cơ chế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Dáng dấp kế hoạch hóa trong quản lý các hoạt động KH&CN đã thể hiện như thế nào?

Mặc dù hoạt động KH&CN có tính đặc thù khác với nhiều lĩnh vực khác nhưng cho đến nay vẫn nằm trong vòng quay chung của nền kinh tế kế hoạch hóa, tức là muốn triển khai đề tài, dự án lớn nhỏ nào thì đều phải lập kế hoạch (thuyết minh, dự toán, kế hoạch thực hiện, dự kiến sản phẩm…) và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm trước thì mới được đưa vào dự toán ngân sách của năm sau.

Hằng năm vào cuối tháng bảy đầu tháng tám, Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp dự toán ngân sách của tất cả các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp Quốc hội cuối năm để thông qua dự toán ngân sách của năm sau, và đến đầu năm sau Chính phủ sẽ giao kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương. Thường phải sau Tết âm lịch các bộ, ngành địa phương mới nhận được kinh phí của năm tài chính.

Vậy cơ chế quản lý kế hoạch hóa không phù hợp với hoạt động KH&CN như thế nào?

Hoạt động KH&CN có nhiều điểm đặc thù so với nhiều hoạt động khác, bởi đây là hoạt động sáng tạo đòi hỏi phải có tính thời sự, tính mới và tính ứng dụng. Những vấn đề cần nghiên cứu có hai dạng, một là nhiệm vụ dài hạn, trong đó có nghiên cứu cơ bản, loại nhiệm vụ này thường do nhà nước đặt hàng và đầu tư; hai là nhiệm vụ do thực tiễn cuộc sống đặt ra, các hoạt động nghiên cứu triển khai đáp ứng nhu cầu thực tiễn mang tính thời sự, cấp bách, thường rất khó triển khai bởi bao giờ cũng vướng ở một điểm là không có ngay nguồn kinh phí, vì thế cần có cơ chế đầu tư phù hợp cả từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước. Trong khi mọi khoản chi ngân sách nhà nước đã được bố trí hết theo kế hoạch đã được duyệt, không thể có nguồn đáp ứng kịp thời hoạt động nghiên cứu. Muốn làm được việc đó phải xây dựng kế hoạch nhưng quá trình phê duyệt qua nhiều cấp, mất hàng năm. Ví dụ với việc đột xuất ở một địa phương bị xói lở bờ sông, sâu bệnh, cúm gia cầm… nếu muốn làm nghiên cứu ứng phó thì phải làm thuyết minh đề cương qua rất nhiều cấp đánh giá, xác định nhiệm vụ, tuyển chọn hoặc xét chọn cơ quan chủ trì nhiệm vụ, thẩm định kinh phí… để được phê duyệt. Phê duyệt rồi cũng chưa được cấp kinh phí ngay mà phải chờ tổng hợp vào danh mục nhiệm vụ, đưa vào dự toán ngân sách của năm sau và phải chờ đợi hàng năm mới được bố trí kinh phí.

Nếu hoạt động KH&CN vận hành theo phương thức như vậy thì không thể đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội. Đây là lý do các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều có cơ chế đặc thù cho KH&CN, nghĩa là khi sử dụng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, các dự án KH&CN được hưởng cơ chế cấp kinh phí riêng, hoàn toàn khác với cơ chế cấp vốn cho các dự án xây dựng cơ bản (như làm cầu, đường, trụ sở cơ quan…) có dự toán được phê duyệt, khi nào được bố trí kinh phí thì khi đó bắt đầu thực hiện. KH&CN không thể cứ làm như vậy được.

Ngoài những bất cập do cơ chế quản lý kế hoạch hóa, trong hoạt động khoa học, người ta còn gặp quá nhiều khó khăn trong các thủ tục hành chính?

Đúng là các quy trình, thủ tục và hồ sơ quá rắc rối đã làm nguội lạnh hết nhiệt tình của các nhà khoa học. Thủ tướng Chính phủ cũng nói nhiều lần trong các phiên họp chính phủ là làm sao để khi quyết toán đề tài khoa học thì hệ thống chứng từ tài chính phải ít hơn báo cáo kết quả nghiên cứu. Đấy còn chưa kể hóa đơn chứng từ theo quy định về thanh quyết toán vô cùng phức tạp, ví dụ các khoản chi từ 100 triệu trở lên thì phải đấu thầu, hay chi cho hội thảo khoa học, xây dựng chuyên đề nghiên cứu có định mức rất thấp, không đủ để nhà khoa học dành hết tâm huyết trí tuệ cho nhiệm vụ, nên chất lượng báo cáo không đạt yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu không có sản phẩm đúng như kỳ vọng.

Vậy theo ông những nội dung cốt lõi nào của Luật KH&CN năm 2000 cần được sửa đổi?

Có ba nội dung quan trọng cần sửa đổi Luật KH&CN năm 2000, đó chính là phương thức đầu tư cho hoạt động KH&CN, cơ chế tài chính và chế độ trọng dụng cán bộ KH&CN.

Xin nói riêng một chút về phương thức đầu tư. Suốt mấy chục năm bao cấp, gần như toàn bộ nguồn đầu tư cho KH&CN là ngân sách nhà nước, mà chúng ta đều biết là ngân sách nhà nước thì vô cùng khó khăn, tiếng là Quốc hội ưu tiên dành 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho KH&CN nhưng trên thực tế chưa bao giờ đạt được con số này cả. Mặt khác, nguồn ngân sách ấy chủ yếu dành cho chi thường xuyên và chi đầu tư còn thực chất chi cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) vô cùng ít, chỉ trên dưới 10% trong tổng số 2% đó.

Chúng ta hãy hình dung, 90% tổng ngân sách chi cho KH&CN là chi thường xuyên cho tiền lương và duy trì hoạt động bộ máy, chi đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, sửa chữa nhà xưởng… của các viện nghiên cứu, trung tâm KH&CN công lập trong cả nước, khoảng 10% còn lại chi cho hoạt động nghiên cứu triển khai, và chủ yếu nằm ở khối trung ương, khối địa phương thì hầu như không đáng kể. Ngay cả ở khối Trung ương, chi cho các nhiệm vụ cấp nhà nước chỉ một phần nhỏ, còn phần lớn là giao cho các bộ, ngành để quản lý nhiệm vụ cấp bộ và cấp cơ sở, ví dụ riêng hai Viện Hàn lâm và hàng trăm viện của Bộ NN&PTNT thì chi R&D của họ có năm không kém gì các nhiệm vụ cấp nhà nước. Vì thế, dòng ngân sách chi cho KH&CN rất phân tán, nhất là nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được đầu tư quy mô rất nhỏ.

Luật KH&CN năm 2000: Kế hoạch hóa và sự lạc hậu trong quản lý
Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM, đơn vị có nhiều kết quả nghiên cứu chuyển giao thành công.

Các nước phát triển vẫn đầu tư mạnh từ ngân sách Chính phủ, chủ yếu cho các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và các nhiệm vụ mà tư nhân không đầu tư (như quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng…). Nhưng nguồn đầu tư cho KH&CN chủ yếu là từ ngoài ngân sách nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp, và tỷ trọng đầu tư này lớn gấp nhiều lần đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc giải ngân kinh phí nguồn ngoài ngân sách nhà nước đơn giản hơn, kịp thời hơn và đem lại hiệu quả nghiên cứu cao hơn, giải quyết ngay các vấn đề của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề là làm thế nào huy động được sự đầu tư của doanh nghiệp.

Với tình trạng này thì hiệu quả hoạt động KH&CN thời kỳ đó như thế nào, thưa ông?

Thật vô cùng khó để phát triển KH&CN trong bối cảnh lạc hậu về phương thức quản lý, bất cập trong thủ tục hành chính, và thiếu hụt về nguồn lực đầu tư. Trên thực tế thì nếu các nhà khoa học “xin” được một chút tiền nào từ ngân sách thì cũng chủ yếu để có việc làm, để duy trì hoạt động của viện, trường là chính, chứ không kỳ vọng tạo ra sản phẩm có giá trị. Trong trường hợp không có được kinh phí như vậy thì gần như người ta không làm nghiên cứu nữa, và nhiều viện chỉ hoạt động cầm chừng, tồn tại trên danh nghĩa, cán bộ khoa học giữ biên chế để đi làm những việc chẳng liên quan gì đến nghiên cứu nhằm có thu nhập đảm bảo mức sống tối thiểu. Chính vì thế, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu ở mức rất thấp. Nhiều người cứ bảo nhiều đề tài cất ngăn kéo, không đi vào cuộc sống nhưng thực ra, với cung cách đầu tư và quản lý như vậy thì kết quả cũng chỉ khiêm tốn như thế thôi.

Điều đáng buồn là trong suốt nhiều năm, Việt Nam không có được sản phẩm khoa học lớn, không có viện nghiên cứu có uy tín đẳng cấp quốc tế, mặc dù có đơn vị rất lớn như hai Viện Hàn lâm nhưng từng đơn vị trong hai viện đó thì hầu như không được doanh nghiệp và xã hội tìm đến và đặt hàng. Các nhà khoa học thường phải tự mình đi tìm kiếm các hợp đồng chuyển giao công nghệ, làm thêm dịch vụ bên ngoài. Do đó, dù có nguồn đầu tư không nhỏ từ ngân sách nhưng nhà nước không nhận lại được sản phẩm có giá trị, thậm chí là cơ quan chủ trì nhiệm vụ cũng không nhận được đóng góp gì từ kinh phí đề tài ngoài phần phí quản lý rất ít ỏi, và các nhà khoa học không còn động lực để toàn tâm toàn ý làm việc cho các tổ chức KH&CN công lập nữa.

Sự bất cập trong quản lý đã dẫn đến hệ quả khác là chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học cũng không được tốt?

Suốt mấy chục năm, chính sách đối với cán bộ khoa học đều như cán bộ viên chức hành chính, chế độ lương bổng đều theo thang bảng lương của nhà nước quy định, rất thấp và không đủ sống. Tuy nhiên, bất cập mà chúng ta đều thấy là với nhiều lĩnh vực khác thì cán bộ, viên chức được nhà nước hỗ trợ tăng thêm thu nhập thông qua chế độ phụ cấp, riêng cán bộ khoa học thì không có chế độ phụ cấp nào.

Chúng tôi cũng kêu rất nhiều nhưng tình trạng vẫn không biến chuyển. Đến lúc giải trình, thuyết phục có vẻ được chấp nhận thì thời điểm đấy lại có chủ trương cải cách tiền lương và cấp trên thông báo là sẽ không xem xét bổ sung phụ cấp nữa mà chờ tổng thể cải cách tiền lương. Như vậy trong khi các ngành khác đều có phụ cấp, có ngành được hai đến ba loại phụ cấp, ví dụ như phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù, thì riêng cán bộ khoa học chỉ có lương cơ bản nên khó trụ được với nghề. Điều này dẫn đến hệ lụy là ở các viện nghiên cứu, người giỏi chủ yếu là các nhà khoa học lớn tuổi, thâm niên làm việc đã mấy chục năm, còn vài năm nữa thì cố trụ lại. Các nhà khoa học trẻ thì không muốn tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp công vì lương bổng quá thấp, không có điều kiện để phát triển, nên phần nhiều chọn làm thuê cho doanh nghiệp hoặc ra nước ngoài làm việc thì có tương lai hơn. Chưa kể chính sách đãi ngộ còn cào bằng, người làm tốt có sản phẩm khoa học tốt cũng như người làm kém, chế độ đãi ngộ hầu như không khác gì nhau, không có chính sách ưu đãi cho nhà khoa học giỏi, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, nhà khoa học chủ trì các dự án lớn, nhà khoa học trẻ tài năng…

Trong bối cảnh chung như thế, đất nước đang có nhu cầu phát triển rất lớn, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào KH&CN, đặt ra nhu cầu cấp bách phải đổi mới tổ chức và hoạt động KH&CN. Ở thời điểm 2010 mặc dù người ta chưa nói tới Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng thực sự vẫn là thời đại của internet, của công nghệ số, vai trò KH&CN và nhu cầu phát triển công nghệ rất lớn. Bối cảnh ấy buộc chúng ta phải có Luật KH&CN mới.

Tôi nghĩ là nên có một luật mới để có thể hình thành một nền tảng pháp lý cho KH&CN tương thích với kinh tế thị trường, giải quyết được những bất cập tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên tôi hiểu là thật khó để đưa được những nội dung đổi mới vào luật. Vì vậy việc đầu tiên cần làm là phải có nghị quyết riêng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về KH&CN làm căn cứ cho việc soạn thảo dự luật mới. Trước đây thì Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII năm 1996 đã ra nghị quyết chung về KH&CN và giáo dục đào tạo, lần đầu tiên chính thức quy định Giáo dục Đào tạo và KH&CN là hai lĩnh vực quốc sách hàng đầu. Phải đến năm 2000, mình mới làm được Luật KH&CN để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, nhưng về tổng thể nó vẫn chưa thực sự mang hơi thở thị trường.

Chính vì thế, cần phải có nghị quyết mới của Đảng thay thế cho Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, để làm căn cứ cho việc xây dựng hệ thống luật pháp mới cho KH&CN. Ngay từ năm 2011, tôi đã đề xuất với Trung ương: trong chương trình xây dựng Nghị quyết của BCH trung ương khóa XI phải có nghị quyết riêng về KH&CN và GD&ĐT. Lúc đó, Trung ương đã giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN phối hợp xâydựng Nghị quyết về KH&CN. Nghị quyết ấy đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua tháng 10 năm 2012, đó là Nghị quyết số 20/NQ-TW. Ban soạn thảo đã làm việc rất khẩn trương ngay từ đầu năm, tới tháng 10 thì được thông qua, trong nghị quyết giao nhiệm vụ cho Quốc hội và Chính phủ thể chế hóa nghị quyết của Đảng. Ngay trong quá trình xây dựng nghị quyết, chúng tôi đã song song xây dựng dự thảo Luật KH&CN, giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Bộ KH&CN làm các thủ tục cần thiết, vì chúng tôi rất muốn là khi Trung ương ra nghị quyết thì phải sớm trình được luật.

Sau khi Nghị quyết Trung ương được ban hành thì chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo luật, lấy ý kiến các bộ ngành. Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII cuối năm 2012 thảo luận dự thảo Luật và giao cho Ủy ban KH&CN và Môi trường của Quốc hội thẩm tra. Luật KH&CN được thông qua vào ngày 18/6/2013 tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII. Rất nhanh, nghĩa là Trung ương ra nghị quyết vào tháng 10 năm 2012 thì tháng 6 năm sau Quốc hội đã thông qua luật KH&CN 2013.

TS. Nguyễn Quân

(Còn tiếp)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận