Tuy nhiên, Trung Quốc đang chuyển hướng sang một giải pháp năng lượng bền vững hơn: thu hoạch năng lượng mặt trời từ không gian. Để phục vụ điều này, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang phát triển một dự án nhà máy điện mới có khả năng thu thập và chuyển đổi năng lượng mặt trời trực tiếp từ không gian.
Dự án nhà máy điện trên không gian sẽ có diện tích 1 km² và có khả năng gửi năng lượng trở lại Trái Đất dưới dạng bức xạ vi sóng. Theo các chuyên gia, năng lượng thu được từ cơ sở quỹ đạo này trong một năm sẽ tương đương với tổng lượng dầu có thể khai thác từ Trái Đất.
Tên lửa CZ-9 giúp Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng
Một trong những nhà khoa học hàng đầu tham gia dự án là Long Lehao, chuyên gia tên lửa và thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc. Ông hiện đang nghiên cứu tên lửa Long March 9 (CZ-9) - một tên lửa siêu nặng mới được cải tiến để có thể tái sử dụng, với khả năng nâng ít nhất 136 tấn từ bề mặt hành tinh.
Bắc Kinh dự kiến sử dụng CZ-9 và các tên lửa khác để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng, đồng thời vận chuyển các tấm pin mặt trời vào quỹ đạo địa tĩnh quanh Trái Đất. Năng lượng thu thập được trong không gian sẽ có mật độ gấp 10 lần so với năng lượng mặt trời trên bề mặt nhờ vào việc không bị ảnh hưởng bởi mây và bầu khí quyển.
Lehao cho biết, dự án này có ý nghĩa quan trọng tương đương với việc di chuyển Đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái Đất 36.000 km. Nằm trên sông Dương Tử, Đập Tam Hiệp là nhà máy điện lớn nhất thế giới đã đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2012 và có khả năng sản xuất khoảng 100 tỷ kilowatt-giờ điện mỗi năm.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đang quan tâm đến việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời trên không gian (SBSP). Các công ty như Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ, cùng với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và cơ quan vũ trụ Nhật Bản, đang nghiên cứu tính khả thi của các dự án tương tự, mặc dù chúng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Nhóm của Lehao hy vọng sẽ giải quyết một số thách thức liên quan đến SBSP bằng cách áp dụng công nghệ tên lửa tái sử dụng của mình trong dự án CZ-9. Trung Quốc đang đặt ra tham vọng lớn cho chương trình thám hiểm không gian với kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2035.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận