Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp: Bốn năm nhìn lại

Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp: Bốn năm nhìn lại

Nếu lấy Techfest năm 2015 là mốc đánh dấu cho mối quan tâm của nhà nước đối với startup Việt Nam thì chúng ta đã trải qua bốn năm với nhiều thay đổi, qua đó bước đầu tạo dựng được một số nền tảng cơ bản trong đường lối, chính sách của nhà nước trong hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng. Ảnh: Hảo Linh
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng. Ảnh: Hảo Linh

Báo Khoa học và Phát triển đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng về chặng đường quan trọng này.

Ngày nay vấn đề hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành một đề án của Chính phủ, nhận được mối quan tâm rất lớn của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, nhưng chỉ vài năm trước đây khởi nghiệp vẫn còn là khái niệm xa lạ ngay cả với phần lớn các nhà quản lý và những người hoạch định chính sách ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã khiến Bộ KH&CN trở thành cơ quan tiên phong thúc đẩy định hướng mới mẻ này?

Khoảng năm 2013, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng tôi và một số người thuộc khối tư nhân (trong đó có chị Thạch Lê Anh - người điều hành khóa tăng tốc khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley, chị Nguyễn Thị Hòe – chủ tịch tập đoàn sơn Kova) đã tổ chức hội thảo đầu tiên ở Vũng Tàu bàn về khởi nghiệp sáng tạo. Sau đó anh Quân, tôi và chị Lê Anh đã có dịp sang thăm thung lũng Silicon tại Mỹ và tìm hiểu về các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở đây. Bấy giờ mọi người mới nhắc đến khái niệm khởi nghiệp sáng tạo và tôi bắt đầu suy nghĩ về nó. Năm 2014, khi dự sự kiện Slush ở Phần Lan (sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Bắc Âu), tôi mới có điều kiện hiểu rõ hơn tầm quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo và thế giới đã làm như thế nào để khuyến khích điều đó.

Phần Lan là một đất nước rất nhỏ bé, với vài triệu dân thôi nhưng sự kiện Slush có tới 14 nghìn người tham dự từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao như Phó Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng của Estonia, Thủ tướng của Phần Lan. Những ý tưởng khởi nghiệp được trình bày ở đây khiến tôi rất ấn tượng. Chẳng hạn như, ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, phổ biến tình trạng các thùng rác chưa đầy nhưng ô tô chở rác đã đến thu thập. Một cậu sinh viên đã đưa ra ý tưởng là lắp ở mỗi thùng rác ấy một cái sensor cảm biến có chức năng thông báo về cho trung tâm điều hành để biết khi nào các thùng rác đã đầy và ô tô chở rác có thể đến thu thập. Các bạn có biết là sáng kiến đó hằng năm tiết kiệm cho thủ đô Helsinki bao nhiêu tiền không? Tôi không thể hình dung được, người ta bảo là tiết kiệm được 5 triệu USD.

Một buổi giảng về đổi mới sáng tạo của GS Goran Roos do chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) tổ chức cho các nhà quản lý KH&CN và đổi mới sáng tạo. Ảnh: IPP
Một buổi giảng về đổi mới sáng tạo của GS Goran Roos do chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) tổ chức cho các nhà quản lý KH&CN và đổi mới sáng tạo. Ảnh: IPP

Chúng tôi thấy rằng những ý tưởng sáng tạo như vậy của mọi người được sử dụng và phát huy thì sẽ đem lại một sự thay đổi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí là tác động lớn đến các ngành, các lĩnh vực, đem lại lợi ích cho xã hội. Thế là tôi nói với ông Riku Makela, cố vấn cao cấp về Đổi mới sáng tạo của Chương trình IPP2 rằng nếu được, thì năm sau tôi sẽ thử tổ chức sự kiện tương tự như thế này để xem có thể thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hay không. Và năm 2015, Bộ KH&CN đã phối hợp với ĐHQG Hà Nội tổ chức một sự kiện gọi là Techfest, bây giờ chúng ta đều biết đó là ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến năm 2016, chúng ta đã trình lên Thủ tướng đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2020 được biết với tên gọi là đề án 844 để phê duyệt. Còn đến năm 2017, chúng ta còn được phê duyệt thêm một đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và một đề án khác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Trong bốn năm qua, những kết quả nào mà ông cảm thấy ấn tượng nhất?

Thứ nhất là chúng ta đã mở rộng được kết nối với quốc tế. Trong những năm trước, chúng tôi cũng đã mời những nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài tới tham dự Techfest nhưng năm nay họ mới có những hoạt động cụ thể và hiệu quả hơn. Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ KH&CN mời đại điện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN – Global Entreprership Network) tới Techfest. Sau ngày hội, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lần đầu tiên vào Việt Nam trong số đó đã quay trở lại Bộ KH&CN làm việc và ngỏ ý hợp tác chẳng hạn như Plug and Play (một hệ thống vườn ươm/khóa tăng tốc khởi nghiệp nổi tiếng ở Silicon Valley) và Qualcomm, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất chip.

Thứ hai, tôi cũng cảm nhận được rằng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp giờ đây đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn của Đảng và Nhà nước. Chẳng hạn sự kiện Techfest 2018 vừa qua là do Bộ KH&CN phối hợp với Ban Kinh tế Trung Ương, Đoàn Thanh niên, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức. Năm nay cũng là năm đầu tiên Thủ tướng đến được với sự kiện, chia sẻ những kì vọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, là một sự động viên rất lớn đối với chúng tôi. Công việc hỗ trợ khởi nghiệp vì vậy đó không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ KH&CN. Đã có một sự chỉ đạo tổng thể, có hệ thống từ nhiều cơ quan nhà nước, tạo mọi điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Techfest 2015. Ảnh: BTC Techfest 2015.
Techfest 2015. Ảnh: BTC Techfest 2015.

Mặc dù có những kết quả tích cực như vậy, nhưng trong Techfest 2018, Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa đủ hấp dẫn nên nhiều startup tiềm năng của Việt Nam lại lựa chọn Singapore làm nơi đăng ký kinh doanh. Vậy theo ông chúng ta cần có thêm những chính sách gì để thực sự thu hút nhiều startup?

Cách thức quản lý kinh tế của chúng ta có những điểm chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm. Chẳng hạn như, những nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian chuyển tiền vào Việt Nam để đầu tư muốn thoái vốn và chuyển tiền ra nước ngoài thì không hề đơn giản, phải qua rất nhiều thủ tục, quy trình và nhiều khi những quy định này không rõ ràng. Quan điểm của chính phủ nước ta là dòng tiền này phải quản lí thật chặt để tránh những trường hợp rửa tiền và vô hình trung điều đó gây ra những khó khăn cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Nhiều startup chia sẻ với tôi là vì vậy, họ chuyển sang đăng ký kinh doanh ở Singapore hoặc ở các nước Đông Nam Á khác, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những nhà đầu tư của họ.

Hay việc đánh thuế đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng là một vấn đề. Ai cũng biết rằng, đầu tư mạo hiểm mười dự án thì chín dự án thất bại, chỉ một dự án thành công nhưng những quy định về thuế của chúng ta không tính đến những điều kiện như vậy. Với một dự án thành công, nhà đầu tư được lãi mười đồng nhưng với chín dự án thất bại, họ có thể đã mất đi chín đồng. Rốt cục, họ chỉ lãi một đồng chẳng hạn nhưng hiện nay họ đang bị đánh thuế trên cả mười đồng, với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20% thì tiền đóng thuế có khi còn cao hơn lãi mà họ có sau khi đầu tư mười dự án. Đó là điều rất thiệt thòi đối với nhà đầu tư.

Hơn nữa, cơ chế của chúng ta hiện nay không cho phép nhà nước tham gia đầu tư cho startup kể cả thông qua hình thức hợp tác với một quỹ tư nhân mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành nghị định 38 trong đó có quy định việc “sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo”. Lí do rất đơn giản, đặc điểm của khởi nghiệp là chỉ có số ít các dự án thành công, phần lớn các dự án gặp thất bại, nhưng theo quy định hiện hành cơ quan nào quản lý các dự án thất bại sẽ bị coi là vi phạm luật ngân sách nhà nước, phải đối diện với bộ luật hình sự.

Ông có thể chia sẻ qua cách thức để khối nhà nước lắng nghe các phản hồi của cộng đồng khởi nghiệp và lộ trình để thay đổi những vấn đề trong các chính sách mà ông vừa nói?

Việc lắng nghe ý kiến của cộng đồng khởi nghiệp chủ yếu diễn ra thông qua các phiên đối thoại chính sách tại Techfest. Từ trước đến nay, tôi thường tham gia cùng với nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông ở các phiên này để giải đáp, trao đổi, chia sẻ các vướng mắc về chính sách. Với những vấn đề mà thực tế chưa giải quyết được tiếp nhận từ phía của người làm khởi nghiệp, chúng tôi đều nghiên cứu, xem xét tổng hợp lại. Trong quá trình xây dựng những văn bản pháp lí liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, chúng tôi sẽ tìm cách gỡ dần trong thẩm quyền của mình. Ví dụ khi xây dựng các nghị định hướng dẫn và các thông tư về Luật chuyển giao công nghệ, chúng tôi đều cố gắng đưa vào những nội dung hỗ trợ khởi nghiệp. Gần đây, chúng tôi đã báo cáo lên để Thủ tướng cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể nhận hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ của Việt Nam. Theo đó, họ có thể nhận được tài trợ và vay vốn để thực hiện những ý tưởng mới, mua sắm máy móc – trang thiết bị, sản xuất thử nghiệm.

Những vấn đề khác liên quan đến luật và thể chế kinh tế thì cần thời gian.

Vậy trong tương lai gần, quan điểm nhà nước về đầu tư cho khởi nghiệp sẽ như thế nào?

Hiện nay, trong đề án 844 có một nội dung về hỗ trợ các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp. Theo đó, nhà nước có thể hỗ trợ cho các vườn ươm, khóa tăng tốc khởi nghiệp do tư nhân lập ra về mặt cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, chi phí vận hành…để họ có thể mở rộng dịch vụ cho nhiều đối tượng hơn, với chi phí ưu đãi hơn. Với cách này, ta vẫn hỗ trợ các startup mà không nhất thiết phải đầu tư trực tiếp cho họ và không vi phạm các quy định hiện hành của nhà nước.

Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần phải thay đổi những quy định tài chính hiện tại. Trong những lần gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với nhóm làm khởi nghiệp và các bộ ngành có liên quan, các ý kiến đều được tổng hợp lại và giao lại cho Bộ Tài chính để xây dựng những cơ chế như thế. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng hỗ trợ của nhà nước chỉ là “vốn mồi” – rất ít và chỉ nên dành cho giai đoạn đầu tiên phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của cả nước. Điều này cũng phù hợp với thông lệ của nhiều nước. Về sau, khi hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển hơn thì sẽ có sự tham gia mạnh mẽ hơn của nhiều nguồn lực khác từ xã hội như nhà đầu tư thiên thần, do các quỹ đầu tư mạo hiểm, do các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của những tập đoàn và doanh nghiệp thành công. Tôi nhớ những người tổ chức sự kiện Slush ở Phần Lan từng chia sẻ rằng lúc đầu nguồn lực để tổ chức sự kiện cũng chủ yếu đến từ ngân sách nhưng gần đây phần hỗ trợ của nhà nước chỉ chiếm khoảng 10% mà thôi.

Có một điểm mới trong hỗ trợ của Nhà nước hai năm trở lại đây đó là chúng ta hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều địa phương, những nơi còn rất hạn chế cả về nhân lực và chất lượng những startup. Trong khi có quan điểm cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung vào hai nơi có hệ sinh thái đang phát triển là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là người ta thấy rõ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi có nguồn lực tốt nhất, nhưng còn tinh thần khởi nghiệp thì chưa chắc. Đồng Tháp là một ví dụ. Tôi rất ngạc nhiên Bí thư Tỉnh Ủy của tỉnh này, anh Lê Minh Hoan cùng ngồi với tôi chia sẻ, trao đổi, giải quyết những những câu hỏi của những người làm khởi nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp và mọi người rất hồ hởi. Một khi bí thư tỉnh ủy đã quan tâm, đã thấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, đóng một vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội trên tỉnh mình thì tất cả cơ quan, sở ngành cũng đều thống nhất, và tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp, cho đổi mới sáng tạo. Chính vì thế, tôi không nghĩ là chỉ nên tập trung vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Có những vùng chưa có kiến thức và con người khởi nghiệp nhưng tôi nhìn thấy tiềm năng. Ở đó cần những người lãnh đạo hiểu rằng đổi mới sáng tạo là con đường phát triển, đó là dùng khoa học và công nghệ, áp dụng những ý tưởng đổi mới sáng tạo, khuyến khích những lực lượng trẻ đi cùng với lực lượng doanh nghiệp đã có kinh nghiệm để hình thành nên những sản phẩm chủ lực của địa phương, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Như tôi nhớ là khi chúng ta áp dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo quản vải thiều của Bắc Giang nhằm đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, đã giúp tăng tổng giá trị của sản phẩm này của tỉnh từ 2.000 tỉ thành 5.500 tỉ, trong đó 3.500 tỉ là thuộc về người trồng vải thiều, còn lại là các dịch vụ gia tăng để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, chế biến và đến tay người tiêu dùng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tôi cũng đánh giá là rất tiềm năng vì đây là nơi sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp dựa trên thế mạnh của họ. Khi một khu vực đã có doanh số lớn trong sản xuất và xuất khẩu như vậy thì tư duy của doanh nghiệp và người nông dân cũng thay đổi, và họ sẽ sẵn sàng hơn trong việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học và công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo, theo đó các nhóm làm khởi nghiệp cũng sẽ có thị trường và cơ hội để phát triển.

Vì vậy, với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi thấy phải quan tâm, phải ủng hộ, hỗ trợ cho tất cả các địa phương, các vùng.

Xin trân trọng cảm ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận