Nội dung số là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển tại nhiều nước châu Á

Nội dung số là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển tại nhiều nước châu Á

Hôm nay , Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN”. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược TT&TT, cho biết Hội nghị là sự kiện chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển nội dung số bản địa, góp phần tăng thương hiệu của ASEAN, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu-phát triển, sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa các nước ASEAN…

Theo Liên minh viễn thông thế giới (ITU), khái niệm nội dung số hiện nay rất rộng lớn, bao gồm tất cả các hình thức text (chữ), đồ họa, hình ảnh, nhạc, video, streamlive và thực tế ảo, thực tế tăng cường và tất cả nội dung này được phân phối bởi tất cả người dùng Internet cũng như các tổ chức, doanh nghiệp.

Nội dung số là tất cả những sản phẩm nội dung được phân phối kỹ thuật số. Đó là âm nhạc, thông tin, hình ảnh, video … được tải hoặc phân phối trên các phương tiện điện tử. Còn nội dung số bản địa có thể được chia thành 3 loại, gồm nội dung do chính phủ phân phối, nội dung thương mại và nội dung do người dùng tạo ra.

80% nội dung trực tuyến được tạo ra bằng 10 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Trên 50% nội dung được viết bằng tiếng Anh, và chỉ 21% dân số thế giới hiểu được.

Hiện nay, 100% các nước thành viên ASEAN đều đã số hóa nội dung bản địa. 87% các nước đều có tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm riêng về phát triển và hỗ trợ nội dung số bản địa. 67% các nước áp dụng các tiêu chuẩn sáng tạo nội dung số. 80% các nước ASEAN đã thực hiện những sáng kiến nội dung số bản địa.

Nội dung số là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển tại nhiều nước châu Á

K-pop là một “câu chuyện phát triển nội dung số thành công” của Hàn Quốc.

Theo kinh nghiệm phát triển nội dung số của Hàn Quốc, Hàn Quốc xác định công nghiệp nội dung số là 1 trong 9 động cơ phát triển lớn của đất nước. Một ví dụ về phát triển nội dung số của Hàn Quốc là K-pop. K-pop là một “câu chuyện phát triển nội dung số thành công” của Hàn Quốc, trong đó công nghệ tiên tiến, nhân lực, sở hữu trí tuệ và mục tiêu kinh tế đã được kết hợp chiến lược để K-pop trở thành một nội dung âm nhạc bản địa và lan rộng ra toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đặt ra những cam kết cao nhất trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất trong mạng lưới kết nối, ứng dụng 5G và băng rộng tốc độ cao, cho phép nền văn hóa nhạc K-Pop phát triển, bùng nổ và trở thành xu hướng trên thế giới.

Về chính sách quản lý, tại Hàn Quốc, mô hình quản lý nhà nước “trọn gói” đã được thực thi, trong đó các chính sách quản lý nội dung đều được lập chi tiết. Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (KCSC) có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chặn bất kỳ nội dung nào không phù hợp hoặc có hại, và rất ít trường hợp phản đối nếu quyết định gỡ bỏ nội dung đã được cơ quan quản lý đưa ra.

Nội dung số cũng được xác định “ưu tiên phát triển” tại Trung Quốc. Về mặt chính sách, ngành công nghiệp nội dung số được hưởng nhiều ưu tiên, trong đó nguồn thông tin số là chìa khóa để Trung Quốc phát triển một quốc gia sáng tạo, duy trì được sự tăng trưởng bền vững và cạnh tranh. Công nghiệp nội dung số được xem là nhân tố chính trong “Chiến lược phát triển thông tin quốc gia 2006-2020” của Trung Quốc.

Tại Malaysia, Tổ chức kinh tế số Malaysia (MDCE) là đơn vị phát triển “one-stop”, chuyên trách nuôi dưỡng và phát triển ngành công nghiệp nội dung số của Malaysia. MDCE sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính, các quỹ nghiên cứu và phát triển, chính sách ưu đãi; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật; cung cấp về phát triển nhân lực nội dung số….

Theo đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), nội dung số là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam, trong bối cảnh thiết bị và hạ tầng mạng ngày càng phát triển, dân số trẻ, số người dùng smartphone và số thuê bao 3G, 4G ngày càng tăng, hạ tầng Internet và băng rộng ngày càng phát triển. Đơn cử như riêng về mảng video trực tuyến, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, sau Việt Nam là Philippine với 85%, Indonesia với 81%. Trong vòng 4 năm, tỷ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Có đến 97% người Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ dùng dịch vụ “video theo yêu cầu” để xem phim, 90% xem các chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài.

Doanh thu quảng cáo di động năm 2017 đạt 78 triệu USD, dự kiến sẽ đạt hơn 200 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Facebook và Google vẫn chiếm hơn 70% thị phần quảng cáo số tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng sự ủng hộ của chính phủ đóng góp tới 70% phát triển thành công của công nghiệp nội dung số ở các nước ASEAN. Ngoài ra, vẫn còn một số thách thức lớn với các nước ASEAN trong việc phát triển nền kinh tế, xã hội số; và để phát triển nội dung số bản địa, các quốc gia ASEAN cần xóa bỏ các rào cản như chính sách quản lý vẫn còn nhiều hạn chế sáng tạo, nhận thức và niềm tin của người dùng còn thấp đối với các dịch vụ số, nguồn cung cấp nội dung bản địa còn nhiều hạn chế, chủ yếu do hệ sinh thái số bản địa yếu kém.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận