Nỗi niềm đón Tết xa xứ của cựu sinh viên FPT

Nỗi niềm đón Tết xa xứ của cựu sinh viên FPT

Nỗi niềm đón Tết xa xứ của cựu sinh viên FPT

Trương Trung Anh (mặc áo cử nhân) trong Lễ tốt nghiệp tại Đại học FPT.

Theo thống kê của Đại học FPT, đến nay trường đã có 7 khóa với tổng số gần 3.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, khoảng 15% cựu sinh viên FPT đã và đang làm việc tại nước ngoài.

Những ngày Tết này, không ít cựu sinh viên FPT đang phải công tác xa quê hương. ICTnews xin ghi lại cảm xúc, tâm sự của cựu sinh viên khóa 7, Đại học FPT Trương Trung Anh lần đầu tiên đón Tết Nguyên đán trên đất nước “mặt trời mọc”:

Mười tám tuổi, tôi vào học tại chuyên ngành Japanese Sofware, Đại học FPT. Đất nước Nhật Bản đến với tôi qua lời kể của các anh chị sinh viên khóa trên đã từng được trường chọn đi thực tập tại các công ty ở xứ sở hoa anh đào. Mơ ước được làm việc tại đó nhen nhóm và lớn dần trong tôi. Hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp Đại học, tôi may mắn được nhận vào làm việc tại một công ty Nhật Bản.

Lần đầu tiên xa nhà, đối mặt với bộn bề công việc để hòa nhập vào cuộc sống, văn hóa Nhật Bản, tôi không còn nhiều thời gian để dành cho bản thân hay nghĩ về gia đình. Chợt trong buổi chiều của một ngày đi làm về muộn, tôi nghe loáng thoáng một vài người bạn nhắc đến Tết. Phải rồi, chỉ còn ít ngày nữa, tôi sẽ đón cái Tết đầu tiên ở Nhật - một mình và xa gia đình.

Với tôi, đón Tết bên gia đình như là lẽ tất nhiên, là điều không hề thay đổi kể từ khi tôi được sinh ra. Dù bận rộn đến đâu nhưng khi Tết đến, mọi thành viên sẽ gác lại công việc của mình để trở về bên gia đình.

Mẹ tôi mở quán bán hàng ăn sáng ở chợ. 364 ngày trong năm, bất kể nắng mưa, mẹ không nghỉ ngày nào nhưng đúng đến 29 Tết, dù đông hay vắng khách, mẹ sẽ đều đóng cửa hàng. Cứ như một thông lệ, vào ngày đó, cả nhà cùng nhau dọn dẹp quán sạch sẽ tinh tươm, kết thúc một năm tất bật để chuẩn bị sắm sửa cho Tết.

Nói về sắm Tết, mẹ và chị gái tôi đảm trách việc chuẩn bị những món ăn truyền thống, hoa quả, bánh kẹo và những vật dụng cần thiết khác. Tôi và bố thì nhận một nhiệm vụ quan trọng đó là chọn một cành đào thật đẹp để trưng trong dịp Lễ quan trọng nhất năm. Có năm, trời rét căm căm lại lất phất mưa phùn nhưng hai bố con vẫn đèo nhau bằng xe máy, đi hơn chục cây số vào tận vườn để chọn hoa. Đó không còn là “việc phải làm” mà đã trở thành thói quen, niềm vui của hai bố con trong những ngày cuối năm.

Năm nay, không biết Tết ở gia đình sẽ khác gì khi tôi không thể trở về đón năm mới. Còn riêng đối với tôi, ở Nhật, cái Tết xa nhà đầu tiên chắc chắn có nhiều khác biệt.

Nơi tôi đang sống là đảo Okinawa - một hòn đảo phía Nam, cách khá xa với khu vực trung tâm của Nhật. Đó là một hòn đảo đẹp, nổi tiếng về du lịch với nhiều bãi biển trải dài tưởng như vô tận. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Okinawa là bầu không khí trong lành ở đây - rất rất khác với không khí của vùng đất mỏ than ở quê nhà Việt Nam.

Sau một vài ngày đầu làm quen với mọi người trong công ty, tôi cũng bắt đầu công việc của mình. Khi ở Việt Nam, đã được đọc, được nghe về những đức tính tốt, những nét văn hoá tiêu biểu của người Nhật, nhưng khi sống ở đây, tôi mới có những trải nghiệm thực tế của mình, và cũng rất ấn tượng với con người Nhật, với văn hoá và cách ứng xử của họ.

Người Nhật chuyên nghiệp và cực kỳ bận rộn với công việc hàng ngày. Họ lại đón Tết theo Dương lịch (không như Việt Nam, Trung Quốc) nên những ngày này ở Nhật, hoàn toàn không có cái gọi là “không khí Tết”. Tôi cũng không được nghỉ mà vẫn đi làm như bình thường. Môi trường sạch và trong lành, chẳng thể mong tìm thấy những chiếc nồi lấm lem than củi hay mùi nhóm bếp luộc bánh chưng. Người Nhật làm gì cũng tỉ mỉ, cố gắng giữ yên tĩnh đến tuyệt đối nên lâu lắm rồi tôi không nghe những thanh âm rộn ràng, í ới gọi nhau ngày giáp Tết như ở nhà. Nhớ lại ngày trước, đã có lúc mình “phát bực, phát mệt” vì sự bận rộn, ồn ã đó mà sao giờ đây lại thấy nhớ nó da diết.

Nỗi niềm đón Tết xa xứ của cựu sinh viên FPT

Cựu sinh viên FPT Trương Trung Anh cho biết, thứ người Việt xa quê "thèm" nhất mỗi khi Tết đến không phải là bánh chưng hay mứt tết mà là... đường truyền Internet ổn định.

Giờ này ở Việt Nam, không khí đường phố chắc hẳn đã náo nhiệt lắm. Hàng quán bán đồ trang trí tết, chợ hoa đông vui tấp nập. May mắn, tôi có quen một nhóm bạn người Việt ở đây. Chúng tôi có kế hoạch tổ chức một bữa cơm đầm ấm và cùng nhau ra bãi biển đốt pháo bông đón giao thừa. Và tất nhiên, sau đó mỗi người sẽ “ôm” một cái máy tính để gọi Skype về chúc Tết gia đình. Chúng tôi hay đùa nhau rằng không phải bánh chưng hay mứt mà đường truyền Internet ổn định mới là thứ người Việt xa quê “thèm” nhất mỗi khi Tết đến.

Làm việc tại nước ngoài không phải là điều dễ dàng, bởi những khó khăn trong chuyên môn và cả những thiếu thốn về tình cảm. Nhiều bạn trẻ chọn cách chấp nhận thiếu thốn tình cảm nhưng riêng tôi, tôi cho rằng làm việc ở Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào đều là để tích luỹ kinh nghiệm, cũng như học hỏi những thành công của người ta để về phát triển ở Việt Nam. Vì lẽ đó, tất nhiên sau khi cảm thấy đã học hỏi đủ, tôi sẽ trở về Việt Nam làm việc và cống hiến. Quê hương là chùm khế ngọt, dù đi đâu xa cũng sẽ trở về. Lúc đó, những cái Tết quê nhà sẽ ngọt ngào và trọn vẹn hơn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận