Ô nhiễm nước thải chăn nuôi: Không chỉ là chuyện riêng của Hà Nội

Ô nhiễm nước thải chăn nuôi: Không chỉ là chuyện riêng của Hà Nội

Nước thải chăn nuôi đang tác động không nhỏ đến môi trường trong khi vẫn chưa có các giải pháp thực sự khả thi và chi phí phù hợp cho người chăn nuôi.

Từ lâu, câu chuyện “một hộ chăn nuôi, cả làng khó thở” có lẽ đã không còn xa lạ gì với những ai quan tâm đến vấn đề môi trường và chất thải chăn nuôi. Trên các bài báo phản ánh về tình trạng ấy, vấn đề mà hầu hết người dân đều than thở đó là nước hồ hoặc sông, suối xung quanh khu chăn nuôi bị đổi màu đen và bốc mùi khó chịu.

Với mong muốn đánh giá một cách toàn diện tác động của chất thải chăn nuôi đến nguồn nước xung quanh các trang trại, TS. Cao Trường Sơn, ThS. Lương Đức Anh và các đồng nghiệp ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành đánh giá 250 trang trại chăn nuôi bò, lợn, gia cầm tại các khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn Hà Nội thông qua việc sử dụng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chỉ số chất lượng nước tổng hợp . Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã được công bố trong bài báo “Impacts of effluent from different livestock farm types (pig, cow, and poultry) on surrounding water quality: a comprehensive assessment using individual parameter evaluation method and water quality indices” trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research.

Hiện tượng cá chết nổi trên mặt suối và nước chuyển màu, bốc mùi tại suối Bờ Vai (Thái Nguyên), nơi ở gần một trang trại chăn nuôi. Ảnh: baothainguyen.vn
Hiện tượng cá chết nổi trên mặt suối và nước chuyển màu, bốc mùi tại suối Bờ Vai (Thái Nguyên), nơi ở gần một trang trại chăn nuôi. Ảnh: baothainguyen.vn

Từ kết quả này, chúng ta có thể thấy điều gì?

Nhiều thông số vượt tiêu chuẩn

Chọn trang trại chăn nuôi ở Hà Nội – nơi đang sở hữu tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước với số lượng lên đến hơn 27 triệu con - làm địa điểm nghiên cứu, anh và các đồng nghiệp tập trung vào ba vấn đề chính là nước thải trực tiếp của trang trại, nước mặt và nước ngầm của các khu vực xung quanh trang trại. Để đánh giá mức độ ô nhiễm ở ba nơi này, họ chú trọng vào các thông số riêng liên quan đến hàm lượng chất hữu cơ, vi sinh vật (đối với nước ngầm thì chú ý đến thông số về hàm lượng chất vô cơ) cũng như chỉ số chất lượng nước tổng hợp WQI.

Theo lý giải của ThS. Lương Đức Anh, nếu như xét riêng từng thông số riêng biệt như trước đây thì chưa đầy đủ để đánh giá do sẽ có thông số này vượt chuẩn nhưng thông số kia lại thấp hơn nhiều so với mức cho phép. Trong khi đó, “WQI là một chỉ số được tính toán dựa trên giá trị của các thông số chất lượng môi trường trong mẫu phân tích, đưa ra một giá trị duy nhất cho phép chúng ta đánh chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nào, đồng thời giúp so sánh chất lượng nước tổng hợp giữa các điểm lấy mẫu khác nhau”, ThS. Lương Đức Anh giải thích.

Và thực tế đã đưa ra câu trả lời: các mẫu nước thải trực tiếp đều có nhiều thông số đã vượt quá giá trị quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi - QCVN 62-MT/2016-BTNMT (gọi tắt là QCVN 62). Chẳng hạn, hầu như tất cả các mẫu của cả ba loại trang trại chăn nuôi bò, lợn, gà đều có nồng độ coliform cao hơn giới hạn cho phép trong QCVN 62. Hơn 85% mẫu từ trang trại lợn và 55% mẫu từ trang trại bò không đạt các yêu cầu về thông số BOD5, COD, TP-P và TSS trong nước thải. Nhìn chung, chất lượng nước thải đầu ra cũng có sự biến thiên rất lớn giữa các loại trang trại do “các hệ thống xử lý tại các trang trại khác nhau có hiệu quả khác nhau, hoặc cũng có thể do quy mô chăn nuôi khác nhau và thậm chí là do mỗi loại vật nuôi khác nhau”, ThS. Đức Anh lý giải.

Về chất lượng nước mặt xung quanh các trang trại chăn nuôi, nhiều thông số cũng đã vượt quá giá trị của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cụ thể là hơn 80% tất cả các mẫu vượt quá giới hạn quy định đối với BOD5, COD và PO43--P trong cột B1 của quy chuẩn. Với chất lượng nước ngầm, nhóm nghiên cứu đánh giá kết quả các thông số tương đối tốt. “Dựa trên số liệu quan trắc thì mức độ ô nhiễm mới ở mức bình thường, chủ yếu là thông số vi sinh vật coliform bị ô nhiễm ở mức cao, còn những chất dinh dưỡng như nitrat hoặc amoni thì tần suất vượt chuẩn trong tổng số mẫu rất ít, chẳng hạn như amoni chỉ có 24/250 mẫu (chưa đến 10%) bị vượt quá giá trị giới hạn trong QCVN 09-MT:2015/BTNMT”, ThS. Đức Anh cho biết.

Tuy nhiên, do có một số thông số (chủ yếu là thành phần vi sinh) đã vượt chuẩn nên khi nhìn vào chỉ số chất lượng tổng hợp WQI của nước ngầm thường sẽ thấy chất lượng đã ở mức xấu (khoảng 70% các mẫu nước ngầm ở trang trại bò và lợn được xếp vào mục không phù hợp làm nước uống, 30% xếp vào mức chất lượng kém). Dù vậy, ThS. Đức Anh cũng lưu ý, đây mới là chất lượng nước ngầm khi chưa được xử lý, “sau khi nguồn nước ngầm này được xử lý loại bỏ vi sinh vật có hại, đảm bảo chất lượng thì vẫn có thể sử dụng bình thường trong chăn nuôi”.

Theo nhóm nghiên cứu, mức độ ô nhiễm này chưa quá nghiêm trọng so với các tỉnh thành khác – những nơi có nhiều trang trại tập trung trong một quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, “nước thải chăn nuôi không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt ở môi trường xung quanh mà còn có thể do nhiều nguồn khác như nước thải sinh hoạt, canh tác”, TS. Trường Sơn giải thích về việc tại sao chất lượng nước thải tại các trang trại chăn nuôi gà tốt hơn so với trang trại chăn nuôi lợn và bò nhưng chất lượng nước mặt ở các thuỷ vực xung quanh lại kém hơn so với hai loại trang trại còn lại.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, không nên chủ quan với kết quả này bởi nếu lơ là việc xử lý nước thải chăn nuôi sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trong tương lai. Lý do là bởi trong quá trình tìm hiểu, họ nhận thấy có hiện tượng các chất hữu cơ tích tụ trong bùn thải, tác động trực tiếp đến cảnh quan môi trường và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến nước ngầm - vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân. “Dù đấy là một quá trình dài, nhưng nếu chúng ta ko kịp thời khuyến cáo người dân phải có biện pháp xử lý nguồn nước này trước khi dùng làm nước uống, nước sinh hoạt thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lâu dài của họ”, TS. Sơn nói.

Đây cũng chính là ý nghĩa của việc tính chỉ số chất lượng nước tổng hợp WQI, khi chất lượng nước được xếp theo sáu mức, từ mức có thể sử dụng để uống, tưới tiêu, dùng cho giao thông đến mức ô nhiễm nặng và không thể sử dụng. “Điều quan trọng nhất là khuyến cáo được cho người dân sử dụng nước vào mục đích gì”, TS. Sơn nói.

Cần một giải pháp tổng thể

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước quanh các trang trại chăn nuôi không là câu chuyện riêng của Hà Nội mà còn xuất hiện ở tất cả các địa phương đầu tư phát triển vào chăn nuôi. Khi nhìn lại cả một giai đoạn dài từ năm 2010 đến nay, nhóm nghiên cứu cho rằng, mức độ ô nhiễm của nước thải chăn nuôi tại Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể. “Giai đoạn trước khi có luật bảo vệ môi trường năm 2014, với sự phát triển chăn nuôi khá ồ ạt, vấn đề môi trường chăn nuôi lúc đó gần như lên đến đỉnh điểm”. TS. Trường Sơn cho biết.

Sau khi luật bảo vệ môi trường ra đời, các địa phương cũng đã rất chú trọng đến việc kiểm soát nguồn thải. “Bây giờ, nếu các trang trại không thực hiện các biện pháp xử lý thì sẽ bị phạt và yêu cầu đóng cửa ngay. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, chúng ta đã kiểm soát được các trang trại quy mô lớn rất tốt”, TS. Trường Sơn nhận xét. Ngoài ra, chính sách di dời các trang trại chăn nuôi ra ngoài khu dân cư cũng góp phần đáng kể trong việc giảm tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi khi “trước kia, trong khu chỉ cần có một trang trại thôi là ngay lập tức các nhà xung quanh không thể chịu được. Còn bây giờ, muốn chăn nuôi là phải ra cánh đồng, hoặc cách khu vực dân cư thì mới được phép hoạt động”.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, mặc dù mức độ ô nhiễm có xu hướng giảm “nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn”. Chẳng hạn, với các cơ quan quản lý nhà nước, việc thanh kiểm tra các trang trại phải được áp dụng thường xuyên và xử phạt nghiêm ngặt. Đối với các hộ chăn nuôi, “cần nâng cao nhận thức của người dân và đưa chi phí môi trường vào chi phí sản xuất chứ không phải cứ mặc nhiên sản xuất rồi thải chất thải ra môi trường”, TS. Trường Sơn nói.

Chăm sóc đàn lợn nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An hiếu/TTXVN.
Một trang trại chăn nuôi lợn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An hiếu/TTXVN.

Về lâu dài, chiến lược của nhà nước cần phải quy hoạch được khu vực chăn nuôi căn cứ vào khả năng tiếp nhận ô nhiễm của môi trường, đồng thời, cần phải lựa chọn được giải pháp về mô hình chăn nuôi. Theo nhận định của TS. Trường Sơn, đã có nhiều nghiên cứu về công nghệ, giải pháp kỹ thuật, mô hình đơn lẻ “nhưng chúng ta vẫn đang chưa có các giải pháp cụ thể để phát triển bền vững. Muốn giải quyết triệt để thì cần có giải pháp tổng thể nhưng cũng khó thực hiện bởi tính liên kết giữa các giải pháp của mình còn yếu, mặt khác các nhà môi trường lúc nào cũng chỉ nghĩ đến xử lý môi trường thôi trong khi người sản xuất quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Khi chăn nuôi mà việc xử lý lại vượt quá chi phí sản xuất, bán ra lỗ thì chả ai muốn làm cả”, TS. Trường Sơn nhấn mạnh. “Chẳng hạn như với các công nghệ như máy ép phân, các trang trại nhỏ sẽ không lựa chọn giải pháp này vì chi phí sản xuất sẽ tăng lên rất nhiều so với quy mô của trang trại”, ThS. Đức Anh lấy ví dụ.

Vậy làm thế nào để có một giải pháp tổng thể như vậy? Theo TS. Trường Sơn, điều đầu tiên là chính sách hỗ trợ của nhà nước phải đi đầu với việc liên kết nhà sản xuất - nhà khoa học với các nhà quản lý để tạo ra được những công nghệ với chi phí thấp hơn để người dân dễ tiếp cận. “Chẳng hạn thay vì công nghệ xử lý cuối đường ống thì chúng ta tiếp cận chủ động hơn, phát triển những loại thức ăn, công nghệ để ngay từ khi con vật nuôi ăn vào đã phát sinh ít chất thải, đồng thời cố gắng tận dụng chất thải để không phải xử lý nó nữa”, ThS. Đức Anh nói. Một điều quan trọng khác là phải thay đổi được nhận thức của chủ trang trại về trách nhiệm bảo vệ môi trường, bởi nếu không, “nhiều khi mình đưa ra giải pháp tốt nhưng người chăn nuôi không ý thức đó là việc họ cần phải làm thì sẽ chỉ thực hiện kiểu đối phó, cốt làm sao cho qua đợt kiểm tra xong lại trở lại trạng thái bình thường”, anh nói.

Theo ThS. Đức Anh, hiện nay, người ta đang tranh luận về việc những giá trị quy định trong QCVN 62 đã phù hợp chưa và có quá khó để các hộ chăn nuôi đạt được hay không. Nguyên nhân là bởi một số giá trị trong quy chuẩn chăn nuôi của Việt Nam đang ở mức cao hơn nhiều so với quy chuẩn của một số nước như Thái Lan, Nhật Bản. Điều này không chỉ gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở chăn nuôi trong việc xử lý chất thải mà đồng thời còn khiến họ không tận dụng được các chất dinh dưỡng có sẵn trong nguồn thải. Hiện nay, các nhà quản lý ở Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT cũng đang loay hoay mà chưa tìm ra cách làm hợp lý bởi nếu khuyến khích người dân sử dụng chất thải cho sản xuất canh tác nông nghiệp thì lại vướng quy chuẩn 62.

Chia sẻ thêm về điều này, TS. Trường Sơn cho hay, anh và các đồng nghiệp đang tham gia vào việc góp ý xây dựng và sửa đổi quy chuẩn. “Nếu ban hành quy chuẩn mới cho phép sử dụng chất thải chăn nuôi để làm tưới tiêu thì sẽ phần nào khắc phục được những vấn đề này”, TS. Trường Sơn nói.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận