Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước (Kỳ 1): Những làn sóng từ phương Tây

Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước (Kỳ 1): Những làn sóng từ phương Tây

Trong hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tạm thời làm chậm và nghẽn lại những dòng chảy du học sinh. Đây chính là thời điểm để nhìn nhận những gì đã, đang và có thể sẽ diễn ra với quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước ở Việt Nam.

Hiện giờ, các quốc gia trên thế giới đều đã thống nhất về một số mục tiêu mà quốc tế hóa giáo dục đại học hướng tới: giao lưu học hỏi giữa các văn hóa khác nhau, bồi dưỡng năng lực liên văn hóa, góc nhìn quốc tế và toàn cầu, tăng cường khả năng kiến tạo tri thức và đổi mới, để phục vụ công việc và đời sống cá nhân cũng như sự phát triển của đất nước. Quốc tế hóa giáo dục đại học dường như gắn liền với tiến bộ và đương nhiên là đáng mơ ước. Tuy vậy, nếu nhìn vào thực tiễn lịch sử, có thể thấy quốc tế hóa giáo dục đại học diễn ra không đồng đều, đặt ra những vấn đề về cách con người đối xử với nhau và tạo ra nơi chốn sinh sống của mình.

Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước (Kỳ 1): Những làn sóng từ phương Tây
Môi trường học tập đa văn hoá tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: ueb.edu.vn

Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước ở châu Âu: Chất lượng và bình đẳng

Từ cuối những năm 1980 đầu 1990, giáo dục quốc tế không còn chủ yếu giới hạn trong cơ chế hợp tác giáo dục chính thức giữa các quốc gia mà bắt đầu được định hình bởi sự di chuyển tự do hơn của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn. Trong bối cảnh các chính sách của Liên minh châu Âu nhằm tạo ra một khu vực chung, các hệ thống giáo dục đại học ở châu Âu đã tiên phong trong việc đưa giáo dục quốc tế và tính di động (mobility) trở thành một phần không thể thiếu của giáo dục đại học.

Sau nhiều năm triển khai chương trình Erasmus, một chương trình trao đổi sinh viên của EU được thành lập từ năm 1987, những người quan tâm nhận ra rằng hệ thống đã tập trung vào các giải pháp hành chính cho tính di động mà lơ là chất lượng chương trình và kết quả học tập. Hơn thế nữa, những sinh viên không có điều kiện du học vẫn chiếm phần đông. Để phản hồi việc đánh đồng quốc tế hóa giáo dục với dịch chuyển xuyên quốc gia của sinh viên, vấn đề quốc tế hóa giáo dục trong nước (“internationalization at home”, dịch sát là “quốc tế hóa tại nhà”) được đưa ra thảo luận lần đầu tiên trong Hội nghị lần thứ 11 của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Châu Âu (EAIE) tại Maastricht, Hà Lan năm 1999 (Nilsson & Otten, 2003).

Quốc tế hóa giáo dục trong nước tập trung vào các chiều kích liên văn hóa, quốc tế và toàn cầu trong chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa, là một động thái nhằm lồng ghép quốc tế hóa vào chất lượng giáo dục tổng thể. Tuy ý tưởng về quốc tế hóa giáo dục trong nước nhanh chóng được biết tới và đẩy lên thành trào lưu ở các nước phát triển, những thảo luận về nó sớm thưa dần.

Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, các nước phương Tây nói tiếng Anh đã “tiếp quản sân khấu”. Khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu, các nước này có lợi thế lớn trong việc hấp dẫn du học sinh. Họ tích cực áp dụng logic thị trường từ sớm và nhanh chóng hoạt động hiệu quả với việc thương mại hóa giáo dục và khai thác sinh viên quốc tế như khách hàng. Mỹ và Úc đã vươn lên như những đế chế và hình mẫu của quốc tế hóa giáo dục đại học.

Giáo dục xuyên quốc gia: Thị trường dựa trên khao khát phương Tây

Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam diễn ra không giống như quốc tế hóa giáo dục ở các nước phát triển. Xét về dòng chảy du học sinh, Việt Nam là nơi gửi đi nhiều sinh viên hơn là nơi nhận sinh viên tới. Giáo dục quốc tế ở trong nước bắt đầu với việc du nhập các chương trình nước ngoài, lập nên những chương trình liên kết quốc tế dành cho nhóm đối tượng sinh viên khá giả, không phải là nỗ lực đảm bảo chất lượng và bình đẳng cơ hội giáo dục cho mọi sinh viên như làn sóng quốc tế hóa giáo dục trong nước ở châu Âu kể trên.

Hoạt động của các chương trình liên kết quốc tế ở Việt Nam nằm trong chiến lược xuất khẩu giáo dục của các nước phương Tây, thuộc về trào lưu giáo dục xuyên quốc gia (“transnational education”, viết tắt là TNE), xuất hiện từ những năm 1990, khi các trường đại học ở các quốc gia nói tiếng Anh chiếm ưu thế như Mỹ, Úc và Anh phát triển các cơ sở chi nhánh và hoạt động nhượng quyền tại Singapore, Malaysia, Việt Nam, Nam Phi, v.v. Trào lưu này đánh dấu bước chuyển từ khai thác sự dịch chuyển của sinh viên sang khai thác sự dịch chuyển của chương trình và trường đại học. Đối với các trường đại học phương Tây, hoạt động ở các nước sở tại là “ngoài khơi” (offshore), nhưng đối với các nước sở tại, chúng diễn ra ở trong nước, hay là “ở nhà” (at home).

Làn sóng quốc tế hóa trong nước thứ 2 thông qua các mô hình TNE không thật sự dựa trên “lợi thế sân nhà” mà hướng ngoại, thể hiện mong mỏi được học theo các giá trị gắn mác phương Tây và tiếp nhận những lợi ích từ vai trò toàn cầu của tiếng Anh. Các nước sở tại đảm bảo tính hợp lệ của các chương trình này thông qua kiểm định chất lượng. Việt Nam, cũng như nhiều nước châu Á khác, đã đón nhận TNE một cách hồ hởi, chủ động mời chào và tích cực quảng bá. Khao khát phương Tây và luật chơi của TNE, vì vậy, được chủ động đồng kiến tạo bởi các nước sở tại chứ không đơn thuần là sự áp đặt của phương Tây như nhiều học giả lập luận (xem thêm Phan, 2017 để hiểu rõ hơn về những nhận định này).

Để duy trì tính nghiêm ngặt và uy tín của chương trình gốc, ở một trường quốc tế có nhiều năm hoạt động thành công tại Việt Nam như RMIT, giảng viên được yêu cầu tuân thủ chương trình đã được thiết kế, ít có không gian để điều chỉnh chương trình cho phù hợp với thực tiễn lớp học. Khâu kiểm tra đánh giá được tiến hành rất chặt chẽ. Tất cả nhân viên, giảng viên và sinh viên đều phải nói tiếng Anh. Tại thời điểm này, một khóa học thông thường có giá khoảng 36 triệu đồng; một khóa học kép (với số lượng tín chỉ gấp đôi) sẽ có giá gấp đôi (có thể vào trang web chính thức của trường để tham khảo giá các chương trình khác nhau, ví dụ chương trình cử nhân Thiết kế và Truyền thông số - học trong 3 năm, gồm 24 khóa, có giá trọn gói là 901.786.000 đồng). Phần lớn sinh viên là khá giả, song điều này không có nghĩa là họ không chịu những áp lực nặng nề về tài chính và những chấn thương khi trượt môn.

Theo TS. Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), 70 trường đại học trong nước hiện đang cung cấp 452 chương trình quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau; trong đó 50 chương trình thuộc các cơ sở nhận đầu tư nước ngoài, 50 chương trình là kết quả hợp tác giữa chính phủ Việt Nam với các quốc gia khác, và 352 chương trình liên kết do các trường đại học trong nước quản lý. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các chương trình quốc tế tuyển sinh được nhiều hơn. Lượng sinh viên tăng lên đáng kể có thể là một làn gió mới cho những chương trình này.

Quốc tế hóa giáo dục để xây dựng năng lực quốc gia: KHCN và bảng xếp hạng

Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước là một chiến lược quan trọng để mỗi quốc gia xây dựng năng lực của mình, tạo nên làn sóng quốc tế hóa trong nước thứ 3. Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở hoạt động nhập và bán các chương trình phương Tây mà còn thể hiện ở những chiến lược đa dạng khác nhằm nâng cao vị thế của giáo dục đại học trong nước trên trường quốc tế. Vị thế này cơ bản được xác định bởi vị trí của các trường đại học trong nước trên các bảng xếp hạng quốc tế và những thành tựu khoa học công nghệ đạt được từ đầu tư vào nghiên cứu ở các trường đại học, gắn nghiên cứu ở các trường đại học với hoạt động của các lĩnh vực công nghiệp.

Với làn sóng thứ 3 này, trong hai thập kỷ vừa qua, các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc văn hóa Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đại lục đã phấn đấu trở thành những người dẫn đầu trong giáo dục đại học và đạt được những thành tựu lớn. Trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới hằng năm của Times Higher Education, từ 2016 tới 2021, Trung Quốc đại lục đã tăng số đại diện của mình trong số 200 trường đại học hàng đầu từ 2 lên 7 (với Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã làm nên lịch sử bằng cách lọt vào top 20 thế giới lần đầu tiên năm 2021), Hồng Kông từ 3 lên 5, và Hàn Quốc từ 4 lên 7 (Baty, 2021). Dữ liệu gần đây cũng chỉ ra rằng các trường đại học trẻ sôi động nhất thế giới tập trung ở Đông Á (Baty, 2021).

Nhiệm vụ cũng như thành tựu của giáo dục đại học Việt Nam trong những năm vừa qua chưa phải là vươn lên vị trí dẫn đầu nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã có tên trên các bảng xếp hạng quốc tế. Đại học Bách khoa Hà Nội có những chương trình thuộc vào top 350-500 thế giới về toán, cơ khí, công nghệ thông tin và kỹ thuật điện tử. Các cơ sở khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế đều có vị trí trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế. Tuy vậy, để tiến bộ trên các bảng xếp hạng, trong cuộc chạy đua xuất bản quốc tế, một số tiểu xảo không bền vững (như trả nhiều tiền cho các xuất bản quốc tế không thật sự có giá trị) đã được dùng tới, làm dấy nên những bất bình và được thảo luận sôi nổi trên báo chí cũng như các không gian mạng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Toàn cầu hóa giáo dục đại học: Những điều kiện chung, những bất bình đẳng

Toàn cầu hóa giáo dục đại học chỉ tới việc giáo dục đại học ở các quốc gia và các vùng lãnh thổ trở nên giống nhau ở phạm vi toàn cầu vì cùng được định hình bởi những dạng thức và ý tưởng chung. Những dạng thức và ý tưởng chung này thường có nguồn gốc từ các nước phương Tây phát triển, song điều này không có nghĩa là giáo dục đại học ở những nước này luôn vượt trội và không gặp vấn đề gì. Chúng tôi gọi toàn cầu hóa giáo dục đại học là làn sóng quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước thứ 4, nó không tách rời những làn sóng đã mô tả nhưng rộng hơn, cần tới một đề mục riêng để làm nổi lên những điều kiện chung và bất bình đẳng mà quá trình này đang tạo ra.

Trước hết, để sắp xếp chương trình và chuyển đổi tín chỉ linh hoạt, gia tăng tính thông suốt của giáo dục ở những chương trình, cơ sở khác nhau, phục vụ kiểm định chất lượng, chương trình dạy và học ở bậc đại học được mô-đun hóa thành những đơn vị chuẩn. Theo chương trình mô-đun, học tập dễ đi theo bề rộng của tri thức hơn và tập trung vào những kĩ năng có thể chuyển đổi cho nhiều bối cảnh (transferable skills). Giáo dục không còn là một cuộc viễn du với những khám phá không ngờ mà trở thành việc đạt được những chuẩn đầu ra đã biết trước và giống nhau ở nhiều nơi. Cách khung khổ này làm suy giảm tính tự chủ của giảng viên, suy giảm mối quan hệ giữa người dạy và học, suy giảm tính cụ thể và địa phương của tri thức, do việc học trở thành vấn đề cá nhân tích lũy những đơn vị kiến thức đã biết trước.

Tiếng Anh đang trở nên thông dụng trong giáo dục đại học. Cùng sử dụng tiếng Anh khiến tri thức lưu chuyển dễ dàng hơn, nhưng tiếng Anh không trong suốt. Đi kèm với tiếng Anh là văn hóa của các nước phương Tây nói tiếng Anh và những văn hóa toàn cầu được tạo ra bởi tiếng Anh. Việc áp đặt sử dụng tiếng Anh vẫn kéo theo những hệ lụy cần cân nhắc. Từ năm học 2021-2022, kết quả bài thi tiếng Anh IELTS, một bài thi tiếng Anh quốc tế vốn được thiết kế để sử dụng cho việc du học ở các trường đại học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, được nhiều trường đại học ở Việt Nam dùng như tiêu chí quan trọng nhất để tuyển sinh, kể cả tuyển sinh chương trình dạy bằng tiếng Việt. Lệ phí cho một lần thi là khoảng 4.750.000 đồng (khoảng 206 USD), trong khi mức lương tháng trung bình của một công nhân ở Việt Nam là khoảng 3.390.000 đồng (148 USD). Học sinh phải đăng ký những khóa luyện thi tốn kém và thi nhiều lần cho đến khi đạt được điểm số mong muốn. Ưu tiên luyện thi IELTS thay vì học các môn học nền tảng khác là chiến lược nhiều học sinh lựa chọn. Hơn thế nữa, giảng dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam không phải là không gây nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận và tạo lập tri thức.

Vai trò của di động ảo trong giáo dục và quốc tế hóa giáo dục ngày càng tăng. Với sự hỗ trợ của công nghệ, sinh viên có thể học chương trình ở nước ngoài trong khi vẫn ở nhà. Các trường đại học phương Tây có lợi thế lớn trong quá trình chuyển đổi số. Khi việc học tập online được chấp nhận nhiều hơn, chương trình của họ sẽ có giá phù hợp với khả năng chi trả của người Việt Nam và dễ tiếp thị hơn. Ví dụ, Đại học Liverpool John Moores của Anh đang quảng bá chương trình thạc sỹ online ngành khoa học dữ liệu với giá 145 triệu. Cũng cần lưu ý rằng khi tham gia vào trật tự số, không phân biệt quốc gia, tất cả chúng ta tham gia vào một trật tự biến thế giới thành thông tin, làm cho nó mất tính khả xúc mà tăng tính tiện nghi, dễ được điều khiển bởi một vài thao tác và vì thế khuếch đại bản ngã của con người, như triết gia người Đức gốc Hàn Byung-Chul Han đã chỉ ra (xem Borcherdt, 2021).

Quá trình toàn cầu hóa cho thấy sự tích cực gia nhập khung khổ chung của các nước không phải là phương Tây, song việc tham gia vào quá trình này cũng đặt ra vấn đề xây dựng bản sắc khu vực và quốc gia. Quá trình này thiên về kiến tạo biểu tượng để cạnh tranh quyền lực hay thật lòng quan tâm tới những điều kiện tạo ra nơi chốn tốt lành là câu hỏi cho những người làm giáo dục.

***

Quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước (Kỳ 2): Tầm nhìn mới sau COVID-19

***

Bài viết dựa trên chương sách:

Phùng, T., & Phan, L.H. (2021). Higher education in Vietnam and a new vision for internationalization at home post COVID-19. In J. Gillen, L. C. Kelley, & L. H. Phan (Eds.), Vietnam at the vanguard: New perspectives across time, space, and community (pp. 235-256). Springer International.

Tài liệu tham khảo

Baty, P. (2021, July 8). Asian universities are on the rise. This is what it means for the rest of the world. World Economic Forum. Retrieved from https://www.weforum.org/agenda/2021/07/asian-universities-on-the-rise-education-rankings-learning/.

Borcherdt, G. (2021, December 2). Byung-Chul Han: “I practicse philosophy as art.” ArtReview. Retrieved from https://artreview.com/byung-chul-han-i-practise-philosophy-as-art/

Nilsson, B. & Otten, M. (2003). Editorial. Journal of Studies in International Education, 7(1): 3–4.

Phan, LH. (2017). Transnational education crossing ‘Asia’ and ‘the West’: Adjusted desire, transformative mediocrity, neo-colonial Disguise. London: Routledge.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận