Quỹ đầu tư khởi nghiệp: Sau một năm dè dặt?

Quỹ đầu tư khởi nghiệp: Sau một năm dè dặt?

Với đà kiểm soát dịch bệnh tốt của chính phủ và sự hứa hẹn của vaccine đang vào pha thử nghiệm, liệu rằng chiếc lò xo được nén lại sau một năm dịch bệnh có bật lên trong năm 2021?

Đại diện ThinkZone tư vấn về cách gọi vốn cho statup. Ảnh: Thinkzone.
Đại diện ThinkZone tư vấn về cách gọi vốn cho statup. Ảnh: Thinkzone.

Những điểm sáng tối

Ở thời điểm hai năm trước, Việt Nam gây bất ngờ lớn trong giới khởi nghiệp Đông Nam Á với lượng tiền đầu tư đổ vào cao nhất, vượt qua cả Singapore, với hơn 800 triệu USD. Thế nhưng Covid-19 đã chặn đà tăng đó, số tiền đầu tư sáu tháng đầu năm ước tính chỉ hơn 200 triệu USD. Hầu hết đều là những cam kết đã chốt từ năm 2019 và có rất ít các thương vụ được chốt trong năm 2020. Phần lớn các lĩnh vực đều gặp khó khăn, kể cả những ngành được coi là điểm sáng như thương mại điện tử, logistics, nền tảng cung cấp dịch vụ giao tiếp, làm việc, học tập từ xa…

Thực tế thì không chỉ các startup gặp khó mà ngay cả các quỹ đầu tư với nhiệm vụ đi tìm kiếm những thương vụ tiềm năng có khả năng sinh lời để rót tiền cũng có một năm không sáng sủa. Anh Dennis Lê – Giám đốc quỹ đầu tư Openspace Ventures – quỹ đầu tư vào các công ty công nghệ giai đoạn đầu có trụ sở tại Đông Nam Á cho biết, tính đến giữa tháng 11/2020, quỹ này mới gặp gỡ nói chuyện được với khoảng 100 startup, giảm một nửa so với năm 2019. Những cuộc gặp gỡ hầu hết đều là online… bởi các nhà đầu tư của quỹ này đang không ở Việt Nam. Tình trạng này đã được dự báo trước khi các biện pháp hạn chế đi lại cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu đã và đang làm gián đoạn các hoạt động đầu tư.

Thực tế câu chuyện của Openspace Ventures là câu chuyện chung của nhiều quỹ đầu tư khác tại Việt Nam. Tại buổi hội thảo “Khởi nghiệp Việt Nam: Cơ hội và thách thức cho quỹ đầu tư hậu Covid-19” vào cuối tháng 11 vừa ua, Thinkzone Ventrures – quỹ chủ yếu đầu tư cho startup ở giai đoạn sớm, cho biết số cuộc gặp gỡ chỉ khoảng 40, giảm tới gần 2/3 so với năm 2019 là 123. Với tư cách là quỹ đầu tư nội, ThinkZone cho biết chỉ nghỉ một thời gian rất ngắn khi cách ly xã hội sau đó lập tức đi tìm kiếm các thương vụ tiềm năng với quan điểm “đây là thời gian mà startup cần mình nhất”. Dù vậy, theo tiết lộ của chị Chelsea Nguyễn - Investment Manager - ThinkZone Ventures công ty này mới chốt đầu tư cho 5 công ty từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, trong đó, tổng giá trị đầu tư chỉ bằng 1/4 so với năm 2019.

Các đại diện của các quỹ đều thừa nhận tồn tại hai vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: số lượng startup sụt giảm xuống đáng kể, và dù có tìm mọi cách “đãi cát tìm vàng” trong số startup đang tìm mọi cách sống sót qua dịch bệnh thì các quỹ đầu tư vẫn có phần dè dặt trước quyết định xuống tiền đầu tư. Sự giảm mạnh về tổng giá trị đầu tư là điều dễ hiểu, bởi hầu hết các thương vụ được chốt năm 2019 đều thuộc series B,C,D, giá trị mỗi vòng lên tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên để chốt ‘xuống tiền” với giá trị lớn như vậy, hầu hết nhà đầu tư sẽ phải gặp mặt trực tiếp, xuống tận thị trường nói chuyện với khách hàng, nghiên cứu kỹ về quy trình vận hành, sản phẩm, số liệu... Vì thế, hầu hết, các thương vụ có thể chốt được trong năm 2020 đều ở giai đoạn sớm và giá trị nhỏ.

Thận trọng và dè dặt hơn nữa có lẽ phải kể tới VIC Partners khi trong nửa đầu năm 2020 đã không chốt bất kỳ thương vụ nào mà tập trung nguồn lực hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư của mình “để họ có thể sống sót qua Covid-19” – anh Trần Anh Tùng - Managing Director của quỹ chia sẻ. Lý giải kỹ hơn chiến lược trong dịch bệnh, anh cho biết, do các startup nằm trong tầm ngắm của quỹ này thường ở giai đoạn sớm – giai đoạn cần đốt tiền để tăng trưởng nên ở thời điểm này, trước khi quyết định họ sẽ phải đặt câu hỏi ‘Liệu startup này có thể trụ vững trong 18-24 tháng tới để có thể tìm một nhà đầu tư lớn hơn không?’. Bởi nếu rót tiền mà startup không thể sống sót thì ‘xôi hỏng bỏng không”.

Liệu có sự trỗi dậy?

Khi vaccine Covid-19 đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người đã khiến nhiều nhà đầu tư nhìn về năm 2021 với nhiều hi vọng: “Một số thương vụ đã thuyết phục được nhà đầu tư nhưng để xuống tiền cho các vòng vốn lớn, họ vẫn cần gặp trực tiếp. Vì thế, họ hẹn năm sau nói chuyện tiếp” – anh Trần Anh Tùng chia sẻ và tin rằng, tổng số tiền đổ vào thị trường Việt Nam sẽ bứt phá vào năm sau, tất nhiên là trong bối cảnh việc đi lại tự đo được thực hiện.

Hi vọng này hoàn toàn có cơ sở bởi “Covid-19 đã làm thay đổi nền kinh tế và hành vi của người tiêu dùng và mang lại cơ hội cho một vài ngành nghề nhất định” – anh Nguyễn Minh Tuấn - Head of Vietnam Office của CyberAgent Capital nhận định. Một trong số đó là công nghệ - ngành được coi là xương sống của xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam với các nhu cầu như làm việc từ xa, giáo dục từ xa, khám bệnh từ xa, mua sắm từ xa….,

Một con số cụ thể được đại diện Vina Capital nêu ra là ngành thương mại điện tử toàn cầu trong ba tháng đầu xảy ra Covid-19 đã tăng lên tới 41% so với năm 2019, trong khi dự báo cả năm cũng chỉ khoảng 21%. Để đáp ứng với nhu cầu của thương mại điện tử thì các ngành phụ trợ như logistics, kho bãi, bán hàng B2B… cũng phát triển theo. Quan trọng hơn, nền tảng lõi cho tất cả sự phát triển này đều là công nghệ.

Nhìn kỹ hơn về xu hướng của nền kinh tế, anh Lê Anh Tùng nhận thấy sự lên ngôi của các local brand (thương hiệu địa phương), nghĩa là, người sản xuất trực tiếp bán hàng qua website, mạng xã hội mà không cần qua các đại lý trung gian. Thói quen mua sắm online hình thành cũng như sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử với nhiều ưu đãi đã khiến cho thị trường năm 2020 bớt ảm đảm hơn nhờ xu hướng này.

“Đây sẽ là xu hướng dài hạn bởi việc sử dụng dịch vụ online ngày một gia tăng. Thậm chí, người tiêu dùng còn đến siêu thị trực tiếp nhưng chỉ để xem còn khi mua đồ lại theo hình thức online để có nhân viên giao tận nhà” – anh Tùng cho biết và tin rằng, đây chỉ là một ví dụ gần gũi cho thấy nền kinh tế không tiếp xúc sẽ cần rất nhiều những sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân và nhà đầu tư chắc chắn sẽ không ngần ngại xuống tiền cho những thương vụ có thể tạo ra đột phá cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, các quỹ đầu tư thay vì tập trung vào một mục tiêu đã mở rộng phạm vi tìm kiếm. Đơn cử như CyberAgent Capital. Cụ thể, nếu như trước kia chỉ tìm kiếm các startup gọi vốn ở series A,B thì giờ đây quỹ này tìm kiếm cả ở series C,D và đã có một vài thương vụ đang trong quá trình thẩm định, dự kiến sẽ quyết định đầu tư nửa đầu năm 2021.

“Một khái niệm đang rất phổ biến trên thế giới là “fly to quality” (hướng tới chất lượng), nghĩa là tại những thời điểm khó khăn như thế này chúng tôi phải tìm đến những đội ngũ sáng lập giỏi nhiều kinh nghiệm, mô hình kinh doanh tốt, có tầm nhìn bền vững để có thể vượt qua mọi khó khăn” – anh Nguyễn Minh Tuấn cho hay và dự báo giá trị đầu tư năm 2021 có thể đi lên nhiều nếu cuộc sống thật sự bình thường trở lại.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận