Sản xuất iPhone tại Mỹ - 'Câu chuyện cổ tích' của Apple

Sản xuất iPhone tại Mỹ - 'Câu chuyện cổ tích' của Apple

Chú thích ảnh
Dòng iPhone 16 bao gồm 4 phiên bản: iPhone 16, 16 Plus, 16 Pro và 16 Pro Max. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 23/5, ông Trump đã đe dọa ông sẽ áp thuế 25% đối với iPhone được bán tại Mỹ nhưng không được sản xuất tại đây, như một phần trong nỗ lực đưa việc làm về nước Mỹ. Sau đó, ông cho biết mức thuế 25% cũng sẽ áp dụng cho Samsung và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác. Ông dự kiến mức thuế này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6.

Ông Trump cho biết sẽ không công bằng nếu mức thuế không áp dụng cho tất cả điện thoại thông minh nhập khẩu.

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Howard Lutnick, nói với đài truyền hình CBS rằng công việc "hàng triệu triệu con người vặn những con vít nhỏ xíu để làm iPhone" sẽ được đưa về Mỹ và tự động hóa, tạo ra việc làm cho công nhân lành nghề như thợ máy và thợ điện.

Tuy nhiên, sau đó, ông Lutnick, giải thích thêm rằng theo lời của ông Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple, việc đưa sản xuất iPhone về Mỹ hiện chưa thể thực hiện được vì cần có công nghệ tiên tiến hơn. Ông Cook đã nói với ông Lutnick rằng để làm được điều đó, Apple cần những cánh tay robot đủ hiện đại, có thể làm việc ở quy mô sản xuất hàng loạt và với độ chính xác cao. Ông Cook khẳng định rằng ngay khi công nghệ này có sẵn, Apple sẽ đưa hoạt động sản xuất đó về Mỹ. 

Các luật sư thương mại cho biết cách nhanh nhất để chính quyền của ông Trump gây áp lực lên Apple thông qua thuế quan là sử dụng cơ chế pháp lý tương tự được áp dụng cho các mức thuế trừng phạt đối với một loạt lớn hàng nhập khẩu.

Đạo luật này, được biết đến là Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, cho phép Tổng thống Mỹ thực hiện hành động kinh tế sau khi tuyên bố một tình trạng khẩn cấp gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với Mỹ.

Bà Sally Stewart Laing, đối tác tại công ty luật Akin Gump ở Washington, cho biết không có thẩm quyền pháp lý rõ ràng nào cho phép áp thuế cụ thể cho từng công ty. Bà Laing cho biết các phương tiện khác để áp thuế cụ thể cho từng công ty đều dựa vào các cuộc điều tra kéo dài.

Tuy nhiên, bà Laing nói rằng việc chỉ áp thuế đối với Apple sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các loại điện thoại quan trọng khác. Bà nói thêm điều này sẽ làm suy yếu mục tiêu của ông Trump về việc đưa hoạt động sản xuất về Mỹ.

Ông Dan Ives, một nhà phân tích tại công ty tài chính Wedbush, cho rằng việc chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ có thể mất tới một thập kỷ và có thể khiến mỗi chiếc iPhone có giá 3.500 USD. Mẫu iPhone hàng đầu của Apple đang bán lẻ với giá khoảng 1.200 USD.

Theo ông Ives, việc Apple sản xuất iPhone tại Mỹ là một câu chuyện cổ tích không khả thi. Ông Brett House, Giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, cho biết ngay cả khi không đi xa đến mức đó, việc áp thuế đối với iPhone sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng do làm phức tạp chuỗi cung ứng và tài chính của Apple. Ông nói rằng không điều nào trong số này là tích cực đối với người tiêu dùng Mỹ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận