Techfest quốc gia đến Sơn La

Techfest quốc gia đến Sơn La

Năm 2022, Techfest có một concept mới, ban tổ chức Techfest quốc gia đồng hành cùng các trưởng làng đi tới các tỉnh mang theo mô hình, công nghệ, giải pháp để giải quyết những bài toán của địa phương. Ban tổ chức tin rằng, đây là cách lan tỏa cảm hứng tới những vùng trũng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nương theo thế mạnh của đại ngàn

Với những người nông dân ở hợp tác xã Pa Cốp (Vân Hồ, Sơn La), hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là khái niệm xa lạ. Trên diện tích 23 ha, khi được hướng dẫn và học tập từ các mô hình trên cả nước, ông Đỗ Quý Hạnh – người dân tộc Thái cùng bà con chuyển đổi canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ với cây ăn quả như cam đường canh, cam Vinh, mận, nhãn muộn và xoài ngọt. Doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng nhưng ở Pa Cốp, ngoài việc làm nông nghiệp xanh, người nông dân chưa tìm thêm được hướng đi khác để khai thác thế mạnh đang có, thậm chí, nghĩ thêm về việc đưa Pa Cốp trở thành một điển hình mẫu mực về nông nghiệp và du lịch. Đó là điều những trưởng làng của Techfest nhìn thấy.
Techfest quốc gia đến Sơn La
Các đại biểu tham gia gian hàng tại Techfest Sơn La lần thứ nhất 2022

Năm 2022 là lần đầu tiên Sơn La tổ chức Techfest với khát vọng, những mô hình kinh doanh mới hay công nghệ có thể đưa tỉnh nhà trở thành điểm sáng về kinh tế tại vùng núi Tây Bắc.

Chị Nguyễn Thị Thu – Trưởng làng nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia hào hứng nói: “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Sơn La xây dựng 2 mô hình là trồng, chế biến cam gắn với du lịch phát triển nông thôn từ tài nguyên bản địa và xây dựng phát triển chuỗi giá trị cây mơ, bảo tồn cây mơ cổ”.

Có mặt ở Sơn La từ rất sớm, các chuyên gia của làng nông nghiệp thông minh tư vấn hỗ trợ xây dựng tour du lịch tại vườn cam hữu cơ, nhằm giới thiệu về quy trình trồng, chăm sóc cũng như thúc đẩy tiêu thụ cam. Hơn 100 đại lý tham gia livestream bán hàng, giúp HTX Pa Cốp tiêu thụ 30 tấn cam trong một tuần. Dưới những gốc mơ cổ tuổi đời hàng trăm năm của HTX Chiềng Khừa Xanh, đã có hơn 100 du khách được tham quan, thưởng thực đặc sản rượu mơ, mơ muối tía tô, dấm mơ và nghe những câu chuyện về cây mơ. Mô hình này giúp tăng 30% giá trị của trái mơ.

Nói về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hẳn nhiều người nghĩ đến những startup tỷ đô, những công nghệ và mô hình kinh doanh có thể làm thay đổi thế giới. Điều đó có thể diễn ra ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nghệ An nhưng còn Sơn La – nơi cách thủ đô hơn 300 km với phần đông là đồng bào dân tộc, đó không phải chuyện một sớm một chiều. Giá trị của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, theo lời ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) ở chỗ, khai thác được “tiềm năng với nhiều sản phẩm đặc hữu của Sơn La. Tài nguyên vô giá đó chỉ cần gắn thêm đổi mới sáng tạo có thể giúp Sơn La trở thành tâm điểm về khởi nghiệp”. Với triết lý ấy, sau năm năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Techfest quốc gia muốn lan tỏa cảm hứng và đưa các mô hình, công nghệ ở quốc gia, quốc tế về các địa phương.

Lựa chọn những trưởng làng đồng hành với từng địa phương, kỹ sư trưởng của Techfest hẳn phải có tính toán phù hợp với đặc thù của Sơn La nói chung và Tây Bắc nói riêng. Những sự kết hợp của làng nông nghiệp với hợp tác xã Pa Cốp, Chiềng Khừa Xanh đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

“Làng nông nghiệp thông minh, làng dược phẩm sạch, làng công nghệ giáo dục đồng hành cùng ban tổ chức Techfest để mang những mô hình, công nghệ mới đã chứng minh được hiệu quả của quốc gia, thậm chí là từ thế giới về với đại ngàn Tây Bắc” – ông Phạm Hồng Quất hào hứng nói.

Nếu như khởi nghiệp chính là việc giải quyết những nỗi đau của xã hội bằng mô hình kinh doanh hay công nghệ mới thì triết lý này hoàn toàn phù hợp với Sơn La. Bởi vậy khi tiếp cận với tỉnh miền núi phía Bắc này, những người tổ chức Techfest không đặt ra các bài toán quá cao siêu, phải ứng dụng các công nghệ đình đám. Đó là những công nghệ, kỹ thuật, giải pháp, mô hình kinh doanh nhỏ, đơn giản nhưng giải quyết hiệu quả bài toán đang tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Thu cho rằng, với xác định thế mạnh nông nghiệp và đang chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang trồng cây ăn quả thì vấn đề của Sơn La nằm ở việc, phải đưa được nông dược thành đặc sản, chứ không phải bán thô và phụ thuộc vào thương lái, mùa vụ.

“Điều này cần sự hỗ trợ của công nghệ chế biến sau thu hoạch với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực này từ trong đến ngoài nước. Công nghệ chế biến sẽ đưa nông sản của Sơn La trở thành đặc sản. Đó là triết lý chúng tôi áp dụng với đặc sản trái mơ má đào, xây dựng ba sản phẩm rượu vang, dấm mơ và mơ muối lá tía tô” – bà Thu nói.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia tin rằng, Sơn La có nhiều vấn đề khác mà ứng dụng công nghệ có thể giải quyết được như sói mòn đất, kết nối phát triển nguồn nhân lực địa phương.

“Sơn La có thể chia sẻ các vấn đề cần giải quyết cho các bạn trẻ trong, ngoài tỉnh, thậm chí là nước ngoài giải quyết thông qua các trưởng làng” – ông Đàm Quang Thắng gợi ý và cho biết sẽ cùng Sơn La xây dựng đội ngũ cố vấn khởi nghiệp tốt nhất. Trường ĐH Tây Bắc sẽ là trung tâm tập hợp đội ngũ chuyên gia đủ năng lực về đổi mới sáng tạo, kết nối, xây dựng tư vấn chính sách và tập hợp nguồn lực. Từ đây, Sơn La có thể bổ và chia sẻ nguồn lực với các địa phương có thế mạnh tương đồng để giải quyết bài toán tương tự.

Tinh thần này cũng được ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh nhiều lần rằng, chủ đề của Techfest Sơn la chính là liên kết để thu hút nguồn lực. Khi mà mối liên kết càng lớn, độ mở càng rộng đồng nghĩa với việc Sơn La và các tỉnh thành khác càng có nhiều nguồn lực để giải quyết bài toán của mình.

“Các giải pháp công nghệ hay mô hình hay ở nơi khác đã ứng dụng phát triển nếu phù hợp sẽ được giới thiệu ở Sơn La mà không cần nghiên cứu từ đầu. Những cái đặc hữu sáng tạo của Sơn La cũng sẽ được mang đi toàn cầu thông qua mạng lưới này” – ông Quất nói thêm.

Hành lang đổi mới sáng tạo

Sơn La chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình truyền cảm hứng khởi nghiệp của Techfest 2022. Sau Sơn La sẽ là Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…

“Hành trình này sẽ thúc đẩy các tỉnh dần hình thành hành lang về đổi mới sáng tạo, liên kết các vùng đất có cùng văn hóa, thế mạnh, tiềm năng và quyết tâm của thế hệ trẻ” – ông Phạm Hồng Quất nói.

Ý tưởng về một hành lang đổi mới sáng tạo vốn đã được Đề án 844 manh nha. Tại Techfest 2020 và Techfest 2021, ở cấp quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai hàng loạt hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia sâu rộng của trường đại học và tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Một bên là đơn vị cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao – với một bên cung cấp các nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, tập khách hàng…

Với mạng lưới như thế, câu chuyện phát triển hệ sinh thái không dừng lại ở các thành phố lớn, mà cần được lan toả về địa phương, để Việt Nam trở thành ‘quốc gia khởi nghiệp’. Trong năm năm tới, nhiệm vụ của Đề án 844 là định hình trụ cột tiên phong dẫn dắt hệ sinh thái.

“Về bản chất, hệ sinh thái phải có liên kết và đi theo chuỗi giá trị, chu trình tuần hoàn của vốn đầu tư. Khi những công ty khởi nghiệp lớn mạnh mới dẫn dắt, đầu tư được cho các doanh nghiệp khác. Chu trình tuần hoàn này là động lực nội tại để hệ sinh thái phát triển bền vững, biến 1 đồng đầu tư trở thành 20, 50 đồng” – ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ BK Fund giải thích thêm.

Triết lý đó được ông Phạm Tuấn Hiệp nhìn thấy trong cách làm của công ty sữa Mộc Châu và Vinamilk. Với tâm điểm là nuôi bò, cung cấp sữa và sản phẩm từ sữa nhờ tận dụng thế mạnh của Mộc Châu, bài toán ần giải quyết là tận dụng thế mạnh của Sơn La và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ. Đây không chỉ là câu chuyện chăn nuôi và chế biến, mà còn là chuyện bón phân, trồng cỏ, cung cấp máy nông nghiệp, xử lý môi trường (đầu vào và đầu ra)…

“Giải quyết những vấn đề này, Mộc Châu cần doanh nghiệp khác phụ trợ và công nghệ sẽ giúp giải quyết triệt để các vấn đề. Đơn cử, họ cần đơn vị có công nghệ xử lý môi trường xuất sắc để trang trại nuôi bò có khí hậu trong lành, tươi mát. Họ cần đơn vị khai thác được phần du lịch sinh thái như triển khai tour trang trại, homestay nghỉ dưỡng…” – ông Hiệp nói. Làm được điều này Mộc Châu sẽ xây dựng được một nền nông nghiệp bền vững với người nông dân hạnh phúc, nông nghiệp xanh và Sơn La giàu mạnh như kỳ vọng.

Như vậy, sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp, cụm trường đại học như Mộc Châu, Viettel, FPT… là bước khởi đầu hình thành các cụm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dần đưa giải pháp, mô hình mới tiếp cận địa phương.

“Sẽ không có chuyện 63 tỉnh thành dàn hàng ngang và làm khởi nghiệp giống nhau, mà cần định hình vùng công nghiệp, vùng chiến lược,định hình các tỉnh thành đơn vị đối tác dẫn đầu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” – ông Hiệp gợi mở và tin rằng, sự tư vấn, hỗ trợ từ Techfest sẽ góp phần để tỉnh này trở thành trung tâm kinh tế của Tây Bắc trong tương lai gần nhờ đổi mới sáng tạo.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận