Thêm 4 tỉ euro vào ngân sách Horizon Europe: Một chiến thắng của các nhà khoa học?

Thêm 4 tỉ euro vào ngân sách Horizon Europe: Một chiến thắng của các nhà khoa học?

Ngày 10/11/2020, nghị viện châu Âu đã quyết định tăng thêm 4 tỉ euro vào ngân sách của Horizon Europe - chương trình đầu tư cho khoa học lớn nhất châu Âu sẽ bước vào giai đoạn mới từ năm 2021.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch EC tới thăm Trung tâm trải nghiệm AI của trường Đại học Vrije Brussel vào tháng 1/2020. Nguồn: Twitter
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch EC tới thăm Trung tâm trải nghiệm AI của trường Đại học Vrije Brussel vào tháng 1/2020. Nguồn: Twitter

Giữa làn sóng mới của đại dịch Covid-19 và lệnh đóng cửa ở châu Âu, viễn cảnh của chương trình đầu tư cho khoa học hàng đầu châu Âu đã có thêm một chút tươi sáng. Trong vòng cuối của đàm phán ngân sách, các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý trao 85 tỉ euro (tương đương 100 tỉ USD) cho chương trình nghiên cứu kéo dài bảy năm Horizon Europe sẽ khởi động vào tháng 1/2021, nhiều hơn đề xuất trước đây 4 tỉ euro. Việc gia tăng kinh phí vào giờ chót là một phần của thỏa thuận giữa 27 thành viên Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu về tổng ngân sách cho chương trình diễn ra từ năm 2021 đến 2027, một gói kỉ lục 1,8 nghìn tỉ euro, bao gồm trong đó là 750 tỉ cho gói phục hồi kinh tế sau Covid-19.

Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ phải quyết định phân bổ số tiền tăng thêm vào các phần chương trình trụ cột của Horizon Europe, bao gồm việc đầu tư cho khoa học cơ bản và các lĩnh vực được định hướng như khí hậu, ung thư, khoa học nghiên cứu về đất và thực phẩm.

Dường như kết quả này được đón nhận một cách khác nhau, với đánh giá ở góc độ nhà quản lý và nhà khoa học.

Thỏa thuận này là “một chiến thắng cho các nhà nghiên cứu”, Christian Ehler, người phát ngôn về nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, công nghiệp và năng lượng của Nghị viện châu Âu, nhấn mạnh. “Đây là một cuộc ‘đấu tranh’ rất cam go nhưng ít nhất chúng tôi có thể nói là chúng tôi đã cố gắng ‘thu hồi’ được 4 tỉ euro cho Horizon Europe trước sự cắt giảm đóng góp của các quốc gia thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nghị viện châu Âu đã sử dụng quyền lực của mình để buộc các quốc gia thành viên tiếp tục đàm phán và đề xuất một khoản ngân sách 94,4 tỉ euro cho chương trình này", ông nói.

“Tôi thực sự tự hào về việc chúng tôi đã đấu tranh – cả sáu người trong ủy ban ngân sách của Nghị viện châu Âu,” van Overtveldt nói. “Người ta có thể dùng thuật ngữ ‘đấu tranh’ theo đúng nghĩa đen. Thật vậy, chúng tôi đã đấu tranh cho những gì chúng tôi nhận được. Chúng tôi tự hào bởi chúng tôi quan tâm đến lợi ích của khoa học châu Âu và lợi ích của công dân châu Âu trong ngắn hạn và dài hạn”.

“Khi đánh giá lại những gì có thể đạt được trong thời điểm tài chính công gặp khó khăn như hiện nay, chúng tôi sẽ phải đón nhận kết quả này và chúng tôi phải hiểu là các thành viên của Nghị viện châu Âu đã cố gắng để đảm bảo giữ nguồn đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng”, Jan Palmowski, tổng thư ký Mạng lưới Các trường đại học nghiên cứu châu Âu (thành lập năm 2016, có trụ sở ở Brussels), nói. “Và bây giờ thì chương trình mới có thể bắt đầu đúng hạn”.

Ngược lại, theo quan điểm của Robert-Jan Smits, người từng phụ trách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Hội đồng châu Âu và hiện là chủ tịch ban điều hành trường Đại học Công nghệ Eindhoven, thì kinh phí đầu tư cho Horizon Europe “xứng đáng được tăng thêm nhiều hơn nữa”.

“Ồ nó chỉ mới tăng thêm một chút, không thể đạt được con số 100 tỉ euro theo đề xuất ban đầu của Hội đồng châu Âu và con số 120 tỉ mà Nghị viện châu Âu cũng từng đề nghị các quốc gia thành viên. Vì vậy có thể nói là tôi thực sự thất vọng, thậm chí rất thất vọng,” ông nói.

Sau khi tiến hành những cuộc vận động hành lang để có thể đón nhận được mức đầu tư cho nghiên cứu nhiều hơn, các tổ chức nghiên cứu châu Âu cho rằng mức thỏa thuận này dẫu sao cũng không thực sự như mong đợi.

Tại sao các tổ chức nghiên cứu châu Âu lại thất vọng như vậy? Thực sự thì dù tổng kinh phí 85 tỉ euro lớn hơn đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu vào năm 2018 nhưng Horizon Europe lại phải trừ đi một khoản 5 tỉ euro cho nghiên cứu ứng dụng và hỗ trợ các công ty công nghệ để họ có thể phục hồi sau đại dịch. Do đó, phần ngân sách còn lại nhỏ hơn một chút so với chương trình hiện tại là Horizon 2020 và các tổ chức nghiên cứu châu Âu sẽ phải nhận khoản tiền đầu tư ít hơn vào những năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là các tổ chức nghiên cứu cơ bản như Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC) cũng có thể nhận ít tiền hơn vào năm 2021.

Đó là lý do tại sao con số 4 tỉ euro tăng thêm này cần phải rót vào ngân sách của Hội đồng nghiên cứu châu Âu và chương trình học bổng Marie Skłodowska-Curie, Kurt Deketelaere nói và bình luận thêm, khoản tiền này so với nhu cầu của hai nơi này chỉ nhỏ như “những hạt lạc”. Ông và những người ủng hộ giáo dục sau đại học đã vận động hành lang cho khoản kinh phí 160 tỉ euro nên ông cảm thấy “thật sự khó chịu khi thấy một số người coi đây là một dạng chiến thắng”.

Tuy nhiên, Christian Ehler cho rằng các cuộc bàn bạc sắp tới về ngân sách Horizon Europe sẽ cần kết thúc nhanh chóng để các chương trình được bắt đầu đúng thời hạn, vì vậy khó có thể có được những thay đổi về kinh phí như yêu cầu của các tổ chức nghiên cứu. Dẫu không loại trừ việc ngân sách đầu tư cho khoa học cơ bản trong năm 2021 có thể giảm nhưng ông vẫn cho rằng Hội đồng nghiên cứu châu Âu có thể hi vọng “về một mức tăng vừa phải” trong bảy năm tới - nhưng “họ không thể nhận được mức tăng như họ đòi hỏi”. Các cuộc đàm phán tới cũng bao gồm cả quy định cho các quốc gia ngoài EU tham gia chương trình, ông cho biết thêm.

Một điều khiến Kurt Deketelaere cảm thấy khó chịu là số tiền tăng thêm sẽ đến từ khoản tiền phạt chống độc quyền và khoản ngân sách chưa dùng đến từ các khoản đóng góp của những quốc gia thành viên. Deketelaere coi những nguồn đó là những khoản phi thực tế và cho rằng chúng là chỉ dấu của tinh thần thiếu thiện chí của các quốc gia cho đầu tư vào khoa học của chính mình: “Amazon sẽ trả tiền cho khoản kinh phí tăng thêm của Horizon Europe ư?”. Hội đồng châu Âu vào ngày 9/11 đã bắt đầu mở một cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của công ty này tại châu Âu. Trong vài năm gần đây, EU đã phạt Google hơn 8 tỉ euro.

Thật trùng hợp là ngày 10/11, ngày thống nhất mức kinh phí đầu tư cho khoa học châu Âu những năm tới lại là Ngày khoa học thế giới. “Vào ngày Khoa học thế giới, châu Âu lại quyết định một khoản ngân sách tồi tệ cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giáo dục trong bảy năm tới. Thật đáng buồn,” Deketelaere viết trên tài khoản Twiter của mình.

Như một tín hiệu của việc gia tăng áp lực lên cuộc đàm phán sắp tới để mong có thêm đầu tư cho nghiên cứu, một cuộc kêu gọi “Cứu lấy Horizon Europe” đã vang lên trong cộng đồng khoa học thông qua nền tảng mạng xã hội Twitter. “Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các nhà khoa học ở châu Âu tạm gác công việc của họ trong vòng 24 giờ trong thời gian diễn ra đại dịch (kể cả những người đang nghiên cứu vaccine và làm xét nghiệm) để báo hiệu là các kế hoạch đầu tư cho khoa học hiện thời cho của châu Âu là một hành động đe dọa cho tương lai của chúng tôi”, Carlos Ribeiro, một nhà khoa học thần kinh tại Quỹ Champalimaud, Bồ Đào Nha, đặt câu hỏi trên tài khoản Twitter của mình.

Nguồn: nature.com, sciencemag.org, sciencebusiness.net

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận