FPT Telecom về Bộ Công an - Động lực mới cho thị trường viễn thông Việt Nam

FPT Telecom về Bộ Công an - Động lực mới cho thị trường viễn thông Việt Nam

Ngày 16/7/2025 tại Hà Nội, lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Bộ Công an diễn ra thành công. Thượng tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đồng chủ trì buổi lễ quan trọng này.

Thiếu tướng Phạm Trường Giang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính - Bộ Công an và đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc SCIC đã ký kết biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an.
Quang cảnh Lễ ký kết biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an

Thiếu tướng Phạm Trường Giang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính Bộ Công an và Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy đã ký kết biên bản chuyển giao dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai Bộ. Sự kiện này mở ra "chương mới" trong cách thức quản lý doanh nghiệp nhà nước.

FPT Telecom đã khẳng định vị thế trong số những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. FPT Telecom sở hữu hệ thống hạ tầng viễn thông hiện đại phủ sóng khắp cả nước, kết hợp với đội ngũ nhân lực chất lượng cao và khả năng điều hành quản lý vượt trội. Những yếu tố này giúp FPT Telecom duy trì vị thế hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông và các giải pháp công nghệ số tại Việt Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của cả nước.

Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh việc chuyển giao này thể hiện chính sách chiến lược nhằm đảm bảo an ninh dữ liệu và an ninh chủ quyền số quốc gia. Ông bày tỏ niềm tin Bộ Công an sẽ tạo điều kiện thuận lợi để FPT Telecom tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong Đề án 06 về xây dựng chính phủ số và xã hội số.

Thiếu tướng Phạm Trường Giang cho biết các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an sẽ phối hợp hoàn thiện thủ tục chuyển giao. Quá trình tiếp nhận, tổ chức và vận hành mới sẽ diễn ra đồng bộ, hiệu quả và ổn định. Bộ Công an cam kết hoàn thiện hành lang pháp lý, thực hiện chính sách ổn định tổ chức để cán bộ, công nhân viên FPT Telecom tiếp tục cống hiến.

Việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tăng cường tiềm lực cho Bộ Công an trong thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin và viễn thông chuyên dùng trong tình hình mới.

Thị trường viễn thông internet cố định Việt Nam năm 2025 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Đến quý II/2025, cả nước có 24,4 triệu thuê bao internet cố định băng rộng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ internet cố định Việt Nam đạt mức cao trên thế giới với trung bình 224,2 Mbps tải xuống trong tháng 6/2025. Con số này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 và đạt mức cao nhất trong 12 tháng gần đây. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85,1%, tiếp tục tăng qua từng năm.

MobiFone chính thức về Bộ Công an
MobiFone chính thức về Bộ Công an

VNPT duy trì vị trí dẫn đầu thị trường internet cố định với tốc độ trung bình 211,35 Mbps và doanh thu 58.500 tỷ đồng năm 2024. Viettel xếp thứ hai với tốc độ 203,62 Mbps và doanh thu 189.900 tỷ đồng nhờ đầu tư mạnh vào hạ tầng số. FPT Telecom đứng thứ 3, tiếp tục duy trì vị trí quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ cho hộ gia đình và doanh nghiệp.

Trong thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam, FPT Telecom hiện đứng ở vị trí thứ ba sau hai "ông lớn" Viettel và VNPT về quy mô cũng như số lượng hạ tầng số.

Hiện tại, FPT Telecom vận hành ba trung tâm dữ liệu lớn tại hai thành phố quan trọng nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổng diện tích của ba trung tâm này đạt khoảng 8.000 mét vuông với 3.400 tủ rack để đặt máy chủ. FPT Telecom triển khai trung tâm dữ liệu mới, diện tích lên tới 10.000 mét vuông tại Khu công nghệ cao Quận 9, TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đi vào hoạt động.

Theo Thông tư 05/2025/TT-BKHCN, VNPT, Viettel và MobiFone được xác định là các doanh nghiệp viễn thông giữ vị trí thống lĩnh thị trường từ ngày 20/7/2025. Các doanh nghiệp này chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước đối với các dịch vụ chủ chốt.

Việc FPT Telecom chuyển về Bộ Công an tạo ra động lực mới cho thị trường viễn thông Việt Nam. Từ cuộc cạnh tranh giữa Viettel, VNPT thị trường giờ đây chứng kiến sự xuất hiện của khối thứ ba là MobiFone-FPT Telecom dưới sự quản lý của Bộ Công an.

Khối mới này sở hữu ưu thế độc đáo khi kết hợp thế mạnh mạng di động của MobiFone với năng lực internet cố định và dịch vụ doanh nghiệp xuất sắc của FPT Telecom. Đặc biệt, việc thuộc quyền quản lý chi phối của Bộ Công an mang lại lợi thế cho FPT Telecom về an ninh mạng và bảo mật thông tin trong thời đại số hóa.

FPT Telecom cung cấp dịch vụ Wi-Fi 6 ra thị trường
FPT Telecom cung cấp dịch vụ Wi-Fi 6 ra thị trường. Ảnh: FPT

Thế kiềng ba chân của này sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, buộc các nhà mạng phải đầu tư mạnh hơn vào chất lượng dịch vụ và công nghệ. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ cuộc đua giảm giá cước và nâng cao chất lượng mạng. Tuy nhiên, khối MobiFone-FPT Telecom cần vượt qua thách thức chứng minh khả năng cạnh tranh công bằng trên thị trường. Sự thành công của mô hình này sẽ định hình tương lai ngành viễn thông Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Việc chuyển giao FPT Telecom về Bộ Công an mở ra "chương mới" trong việc tăng cường an ninh mạng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Thị trường viễn thông Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với sự cạnh tranh "khốc liệt" giữa các nhà mạng lớn, hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng đều trên toàn quốc.

FPT Telecom là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Đơn vị này hiện có hai cổ đông lớn là Bộ Công an (Trước đó là Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) nắm 50,2% cổ phần và Tập đoàn FPT sở hữu 45,7% vốn.

FPT Telecom dự kiến ngân sách đầu tư cho năm tới là 3.840 tỷ đồng trong đó các dự án thông thường chiếm 2.790 tỷ đồng. Số còn lại để dành cho các dự án trọng điểm như dự án trung tâm dữ liệu quận 9 (500 tỷ đồng), dự án FTEL Tower Tân Thuận (100 tỷ đồng), dự án trung tâm dữ liệu HN03 (70 tỷ đồng), dự án tuyến cáp quang biển ALC (170 tỷ đồng) và dự án tuyến cáp quang biển SJC2 (210 tỷ đồng).

Năm 2024, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần 17.610 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.588 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 18% so với cùng kỳ. Đây kết quả cao nhất FPT Telecom đạt được từ khi khi thành lập đến nay.

FPT chính thức tham gia vào thị trường eSports FPT chính thức tham gia vào thị trường eSports

Hôm nay, 27/2/2025 dưới sự ủy quyền của tập đoàn FPT, FPT Telecom đã ký kết hợp tác toàn diện cùng GAM Esports với mục ...

FPT tăng cường đảm bảo chất lượng internet trong dịp Đại lễ FPT tăng cường đảm bảo chất lượng internet trong dịp Đại lễ

Nhân dịp lễ 30/4, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), FPT đã triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng dịch vụ ...

FPT được vinh danh FPT được vinh danh 'Nhà mạng được yêu thích nhất'

Vượt qua nhiều tên tuổi lớn trong ngành viễn thông, FPT vừa được vinh danh “Nhà mạng được yêu thích nhất” tại Vietnam Gameverse 2025 ...

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận