Triển khai các dự án phần mềm nguồn mở sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình số hóa

Triển khai các dự án phần mềm nguồn mở sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình số hóa

Bộ TT&TT tập huấn lập dự toán triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở | Triển khai các dự án phần mềm nguồn mở sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình số hóa

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, một trong những điểm nghẽn trong triển khai các dự án phần mềm nguồn mở ở các cơ quan nhà nước chính là thiếu định mức để làm cơ sở tính toán, phân bổ ngân sách.

Hôm nay, ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở 2018 với chủ đề “Tập huấn lập dự toán triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở”, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo chuyên trách về CNTT của các Bộ ngành, các Sở TT&TT và đại diện các hiệp hội và các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho hay, 20 năm trước, vào năm 1998, Tổ chức “Sáng kiến nguồn mở” được thành lập với mục đích quảng bá Phần mềm nguồn mở. Hai mươi năm sau ngày thành lập, mục tiêu ban đầu đã thành công ngoài mong đợi. Ngày nay, phần mềm nguồn mở đã được sử dụng rộng khắp trên toàn cầu. Phần mềm nguồn mở đã mở ra cách thức và mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

Cho biết Liên minh châu Âu coi phần mềm nguồn mở là động lực chính cho chuyển đổi số chính phủ, Thứ trưởng Phan Tâm cũng thông tin thêm, tại Brazil, yêu cầu sử dụng phần mềm nguồn mở  được đưa ra từ 13 năm trước và đến nay 93% các cơ quan của chính phủ đã sử dụng phần mềm nguồn mở.

Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng, Chính phủ, Bộ TT&TT đã có chủ trương đẩy mạnh sử dụng phần mềm nguồn mở tử rất sớm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều quyết sách thúc đẩy phần mềm nguồn mở như Quyết định 235 ngày 2/3/2004 phê duyệt dự án tổng thể ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008; hay Quyết định 169 năm 2006 quy định ưu tiên sử dụng phần mềm nguồn mở trong đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bộ TT&TT cũng đã ban hành một số chính sách nhằm định hướng và thúc đẩy ứng dụng, phát triển phần mềm nguồn mở tại các Bộ ngành, địa phương, điển hình là Thông tư 20 được Bộ ban hành năm 2014  quy định về các sản phẩm phần mềm nguồn mở được ưu tiên mua sắm, sử dụng trong cơ quan nhà nước.

“Với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan, công tác triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở đã có những kết quả đáng kể. Theo ICT Index 2018, có khoảng 1/3 máy chủ trong cơ quan nhà nước và khoảng 1/4 máy tính của cán bộ công chức đã cài đặt hệ điều hành nguồn mở. Tuy nhiên, so với kỳ vọng, tỉ lệ sử dụng nguồn mở còn chưa tương xứng”, Thứ trưởng đánh giá.

Bộ TT&TT tập huấn lập dự toán triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở | Triển khai các dự án phần mềm nguồn mở sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình số hóa

Hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở 2018 với chủ đề “Tập huấn lập dự toán triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở” được Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.

Đề cập đến lợi ích của việc triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở, Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với nước đang phát triển như Việt Nam, với nguồn lực đầu tư cho phát triển còn chưa nhiều thì việc triển khai các dự án phần mềm nguồn mở sẽ mang lại lợi ích kép cho cả Chính phủ cũng như cộng đồng phát triển phần mềm nguồn mở, đẩy nhanh tiến trình số hóa với chi phí phù hợp, đồng thời phát triển nguồn nhân lực, công nghệ bản địa.

Tuy nhiên, mặc dù định hướng ưu tiên, đẩy mạnh sử dụng phần mềm nguồn mở đã có, song thực tiễn triển khai cho thấy việc bố trí kinh phí cho các dự án phần mềm nguồn mở ở các cơ quan nhà nước còn rất hạn chế. Và theo Thứ trưởng, một trong những điểm nghẽn trong triển khai các dự án phần mềm nguồn mở chính là thiếu định mức để làm cơ sở tính toán, phân bổ ngân sách.

Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 14/11/2018, Bộ TT&TT đã ra quyết định 1872 ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở. Định mức này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp phần mềm mã nguồn mở, mở ra khả năng tham gia cạnh tranh vào các gói thầu dự án mua sắm, phát triển CNTT của nhà nước.

Cũng tại hội thảo tổ chức ngày 29/11, Thứ trưởng Phan Tâm đã chỉ đạo Vụ CNTT, Vụ Kế hoạch Tài chính trực thuộc Bộ TT&TT chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các Sở TT&TT, các Cục CNTT của các Bộ ngành, các doanh nghiệp CNTT hiểu rõ để áp dụng đúng và đầy đủ các quy định tại Quyết định 1872.

Thứ trưởng đề nghị các Sở TT&TT và các Cục CNTT của các Bộ, ngành căn cứ vào bộ định mức kinh tế kỹ thuật mới ban hành tham mưu với lãnh đạo Bộ ngành, địa phương trong triển khai các dự án CNTT để tăng tỷ lệ sử dụng phần mềm nguồn mở, giảm chi phí mua sắm bản quyển phần mềm trong cơ quan nhà nước.

Các doanh nghiệp CNTT cần tập trung nghiên cứu kỹ quy định mới để chủ động tham vấn các đơn vị chuyên môn của Bộ khi gặp vướng mắc trong áp dụng để sớm có phương án cạnh tranh triển khai các dự án phần mềm nguồn mở trong cơ quan nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động bám sát định hướng phát triển ngành để nghiên cứu, phát triển các dịch vụ, sản phầm phần mềm nguồn mở trọng tâm của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo Phát triển phần mềm nguồn mở 2018 chủ đề “Tập huấn lập dự toán triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở”, đại diện Vụ CNTT đã trao đổi về “Thúc đẩy triển khai phần mềm nguồn mở trong cơ quan, tổ chức nhà nước”; đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính cập nhật thông tin về công tác quản lý tài chính (nguồn vốn sự nghiệp) trong áp dụng định mức phần mềm nguồn mở; còn đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hướng dẫn công tác lập dự toán định mức triển khai áp dụng phần mềm nguồn mở.

Theo Quyết định 1872 ngày 14/11/2018 của Bộ TT&TT, định mức kinh tế - kỹ thuật được ban hành kèm theo quyết định này được áp dụng cho 9 loại phần mềm gồm: phần mềm nguồn mở hệ điều hành máy chủ; phần mềm nguồn mở hệ điều hành máy trạm; phần mềm nguồn mở cơ sở dữ liệu; phần mềm nguồn mở hệ thống thư điện tử máy chủ; phần mềm nguồn mở văn phòng; phần mềm nguồn mở thư điện tử máy trạm; phần mềm nguồn mở trình duyệt web; phần mềm nguồn mở tiện ích; phần mềm nguồn mở an toàn thông tin.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận