Sáng 22/4, tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2025 (DCCI Summit 2025), ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC đã mở đầu bằng con số ấn tượng, đó là: quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự báo đạt 630 triệu USD trong năm nay và sẽ chạm mốc 1,1 tỷ USD vào cuối thập kỷ. Trong năm 2024, Viettel IDC giữ vị trí dẫn đầu với 49% thị phần, vượt xa các đơn vị khác như FPT (17%) hay CMC (10%).
![]() |
ASUS giới thiệu giải pháp máy chủ tiên tiến. Ảnh: HC |
Một trong những yếu tố giúp thị trường nội địa thu hút đầu tư là chi phí xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Đây là ưu thế không nhỏ, trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch dữ liệu và hạ tầng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ từ các nền kinh tế phát triển sang Đông Nam Á.
Theo dữ liệu mới nhất 2025 từ Cushman & Wakefield, Việt Nam có chi phí xây dựng trong nhóm thấp nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chi phí xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam tính trên megawat thấp nhất là 5,4 triệu USD, cao nhất là 8,4 triệu USD và theo tiêu chuẩn trung bình là hơn 6,9 triệu USD (tương đương hơn 176 tỷ đồng). Mức chi phí này chỉ cao hơn con số tiêu chuẩn trung bình 6,4 triệu USD trên megawatt của Đài Loan và thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Trung Quốc đại lục (7,1 triệu USD), Thái Lan (7,6 triệu USD), Indonesia (8,7 triệu USD), Malaysia (9 triệu USD)...
Trung tâm dữ liệu có chi phí xây dựng đắt đỏ nhất châu Á Thái Bình Dương thuộc về Nhật Bản với mức phí hơn 13,2 triệu USD trên megawatt. Tiếp theo là Singapore (11,7 triệu USD) và Australia (9,6 triệu USD).
![]() |
Tuy nhiên, ông Tân cũng chỉ rõ, lợi thế về chi phí chưa đủ để tạo thế mạnh bền vững nếu thiếu nền tảng hạ tầng kết nối quốc tế. Hiện Việt Nam mới có 6 tuyến cáp quang biển, thấp hơn nhiều so với Singapore (22 tuyến), Malaysia (18 tuyến), Thái Lan (08 tuyến), Philippines (17 tuyến)... Điều này khiến việc trao đổi dữ liệu quốc tế còn phụ thuộc, tiềm ẩn rủi ro và hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội.
“Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 15 tuyến cáp quang biển đến 2030. Khi đó, chúng ta sẽ thay đổi vị thế trên bản đồ hạ tầng số khu vực”, ông Tân khẳng định, tràn đầy sự lạc quan.
![]() |
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC chia sẻ cơ hội thị trường Hạ tầng số khu vực APAC tại Hội nghị. Ảnh: HC |
Nếu ví hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu, thì an ninh mạng chính là những đập chắn bảo vệ dòng chảy ấy khỏi sự xâm nhập. Dữ liệu do Viettel Cyber Security công bố năm 2024, Việt Nam ghi nhận gần 1 triệu cuộc tấn công DDoS nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, tăng 34% so với năm trước, với quy mô tấn công đạt trên 1 Tbps, gây gián đoạn nghiêm trọng cho các hệ thống tài chính, công nghệ và dịch vụ quan trọng. Các cuộc tấn công sử dụng mã độc tống tiền (ransomware) cũng gây thiệt hại lớn, với tổng lượng dữ liệu bị mã hóa lên đến khoảng 10-11 triệu USD, trong đó có nhiều vụ tấn công mã độc tống tiền kết hợp đánh cắp thông tin để tăng sức ép đòi tiền chuộc.
![]() |
Ông Tân ví von: “An ninh mạng giống như một loại hình bảo hiểm – chỉ khi gặp rủi ro, ta mới nhận ra giá trị thật sự”. Điều này cho thấy, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng về bảo mật ngay từ đầu, doanh nghiệp có thể phải trả giá đắt bằng danh tiếng, dữ liệu, thậm chí là sự tồn tại của chính mình.
Theo ông Tân, chuyển đổi số ngày nay không đơn thuần là ứng dụng AI hay điện toán đám mây, mà là chiến lược vươn mình để doanh nghiệp Việt khẳng định mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo báo cáo khảo sát chính phủ điện tử 2024 của Liên hợp quốc, dự báo kinh tế số toàn cầu sẽ đạt 16,5 nghìn tỷ USD và chiếm 17% GDP toàn cầu vào năm 2028. Doanh thu toàn cầu từ sản phẩm và dịch vụ số đã tăng 6,5 lần trong một thập kỷ, từ 2.500 tỷ USD lên 16.000 tỷ USD. Trong đó, riêng lĩnh vực AI được dự báo tăng trưởng gấp 25 lần, từ 189 tỷ USD lên hơn 4.700 tỷ USD.
![]() |
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC chia sẻ tiềm năng AI tại Hội nghị. Ảnh: HC |
Dữ liệu từ 43 quốc gia, chiếm khoảng ba phần tư GDP toàn cầu, cho thấy doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp đã tăng gần 60% từ năm 2016 đến 2022, đạt 27 nghìn tỷ USD.
Ông Tân cũng nhấn mạnh, Luật Dữ liệu tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2025, cùng các mục tiêu như đạt 80% thanh toán số, đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho hệ sinh thái số nội địa. “Đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Việt khai phá không gian tăng trưởng mới”, ông Tân nhận định.
![]() |
Một điểm nhấn quan trọng của Viettel IDC là chiến lược phát triển công nghệ xanh. Theo báo cáo của PwC, 85% doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương đã cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Từ Google, Microsoft đến các doanh nghiệp SME, tất cả đều đang chuyển mình hướng tới phát triển tương lai bền vững.
Viettel IDC cũng không nằm ngoài xu thế. Dự án trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam 140 MW của Vitettel tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, TP. Hồ Chí Minh, với diện tích 4 ha, được thiết kế theo chuẩn xanh, thân thiện môi trường. “Chúng tôi không chỉ cung cấp hạ tầng số, mà còn cam kết đồng hành với mục tiêu net-zero của Việt Nam đến 2050”, ông Tân nói.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đang đặt ra với các trung tâm dữ liệu, nhất là khi máy chủ AI có mức tiêu thụ điện lớn, từ 10,2 kW đến 120 kW tùy cấu hình. Đến năm 2030, ước tính 70% công suất trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ phục vụ AI, đòi hỏi giải pháp làm mát và năng lượng mới.
Giám đốc Viettel IDC cho hay, DCCI Summit 2025 năm nay quy tụ hơn 3.500 đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận các vấn đề thực tiễn trong chuyển đổi số. Sự kiện thậm chí phải đóng cổng đăng ký sớm do lượng quan tâm vượt ngoài kỳ vọng.
“Chúng ta không còn đi chậm, mà sẽ đi nhanh hơn, bởi công nghệ đã sẵn sàng và cơ hội đang ở phía trước” ông Tân nhấn mạnh.
Từ một nhà cung cấp hạ tầng số, Viettel IDC đang đặt tầm nhìn xa hơn: trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi số bền vững. Như lời ông Lê Bá Tân: “Mỗi hoàn cảnh là cơ hội hay thách thức, tùy thuộc vào cách chúng ta lựa chọn và hành động”.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận