VEPR: Để các chính sách dịch COVID-19 “nhắm đích”

VEPR: Để các chính sách dịch COVID-19 “nhắm đích”

Thoạt nhìn các chính sách hỗ trợ kinh tế mà chính phủ đưa ra nhằm “giảm đau kinh tế” trong và sau dịch Covid-19 có vẻ toàn diện, nhưng đằng sau nó vẫn còn một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Các chuyên gia kinh tế đưa ra một số đánh giá và khuyến nghị về vấn đề này.

Dưới đây là ý kiến lược ghi của các chuyên gia kinh tế chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến “Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I/2020” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ngày 13/04/2020. Các nhận xét chính sách được dựa trên thông tin công khai sẵn có tính đến thời điểm tọa đàm.

Những ràng buộc cần lưu ý
TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR

TS Phạm Thế Anh

Nguồn tài khóa hạn hẹp

Trước khi khuyến nghị chính sách cho dịch COVID-19, tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam có những ràng buộc khiến chúng ta không thể thực hiện nhiều biện pháp như những nền kinh tế lớn khác. Thứ nhất là ràng buộc của chính sách tài khóa với nguồn lực tài khoá hạn hẹp. Trong khoảng 20 năm gần đây, chưa bao giờ chúng ta có thặng dư ngân sách, chỉ có thâm hụt ít hay thâm hụt nhiều, do vậy Việt Nam không có các đệm tài khóa để chi tiêu mạnh tay trong thời kỳ xảy ra những cú sốc kinh tế bất ngờ. Bên cạnh đó là tỷ lệ nợ công trong những năm gần đây mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức khá cao và gánh nặng trả lãi vay ngày càng lớn.

Thứ hai là ràng buộc về chính sách tiền tệ với những mục tiêu lạm phát và tỷ giá. Những nước có tỷ lệ lạm phát thấp xấp xỉ 0% có thể thực hiện các gói nới lỏng định lượng rất lớn, tuy nhiên Việt Nam không thể làm điều tương tự do có mục tiêu lạm phát đặt ra dưới 4% - mà trên thực tế đang ở mức 5,6%. Đặc biệt quan trọng hơn là vấn đề tỷ giá. Đồng tiền Việt Nam là đồng tiền yếu, nếu nới lỏng định lượng quá mức sẽ khiến đồng nội tệ mất giá và gây ảnh hưởng mạnh đến các dòng vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể dẫn đến sự rút chạy của các dòng vốn ngoại và khi đó nguy cơ rơi vào khủng hoảng kép còn tồi tệ hơn.

Do các ràng buộc này nên chính sách tài khóa và tiền tệ triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 cần phải thực hiện đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém. Ví dụ chính sách đồng loạt giảm giá điện hay tiền thuê đất cho tất cả hộ gia đình và doanh nghiệp mà không phân loại về mức độ chịu tác động có thể sẽ kém hiệu quả hơn so với việc chọn lọc để hỗ trợ theo mục tiêu.

Hướng đến hỗ trợ “nhắm đích”

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện không phân chia rõ đối tượng mặc dù mỗi lĩnh vực kinh doanh có thể chịu tác động dịch bệnh khác nhau. Chúng tôi cho rằng có thể phân ra 3 nhóm doanh nghiệp để có biện pháp ứng xử khác nhau. Điều lưu ý là trong mọi hoàn cảnh đều phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, tránh việc ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương.

Ở nhóm doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì bệnh dịch (như du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ), do họ vẫn phải tiếp tục gánh trả nhiều chi phí mà không có doanh thu, nên tại thời điểm này, chính sách khuyến khích tăng trưởng tín dụng hay khuyến khích mở rộng sản xuất kinh doanh với họ là điều không khả thi. Họ cũng không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ các chính sách giãn thuế, miễn thuế. Biện pháp hỗ trợ áp dụng với họ chỉ cần là hoãn, ngưng các chi phí tài chính và tiền thuê đất. Khi bệnh dịch qua đi, nhóm ngành này sẽ cần đến các biện pháp kích thích vay nợ để vực dậy.

Với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch nhưng vẫn còn hoạt động, Chính phủ cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu ảnh hưởng và hưởng hỗ trợ. Có thể thực hiện những biện pháp hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT, nhưng không phải thuế TNDN. Nhiều dự thảo đã đưa đối tượng này vào diện miễn thuế TNDN năm 2020, nhưng với bối cảnh nhà nước hạn hẹp về nguồn lực tài khóa, chúng tôi cho rằng chính sách như vậy chưa đúng trọng tâm. Nhóm này có thể hưởng lợi từ chính sách tiền tệ như ưu đãi vốn vay, nhưng cần phải đảm bảo họ có phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu. Tôi cho rằng các ngân hàng thương mại vẫn đang làm rất tốt việc quyết định cho ai vay, nên cần tránh việc cứ “ép” cho doanh nghiệp vay, bởi nợ xấu một khi đã tạo ra sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài hơn, phải mất nhiều năm mới giải quyết như giai đoạn 2011 - 2014.

Với nhóm doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc chuyển đổi sản xuất có hiệu quả, chúng ta cần hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Nhóm này có thể giúp gánh đỡ cho cả nền kinh tế trong năm 2020. Tình cảnh bất thường như dịch COVID-19 đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp linh hoạt. Gần đây, những doanh nghiệp dệt may khi muốn chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, đồ bảo hộ y tế xuất khẩu; hay các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đang có nhu cầu thị trường lớn thực sự vẫn chưa nhận được sự tháo gỡ kịp thời về thể chế.

Rõ ràng, khi các đối tượng được phân loại, chúng ta sẽ có chính sách nhắm trúng mục tiêu hơn.

Đầu tư công tạo kích thích thị trường

Bên cạnh hỗ trợ các nhóm bị tổn thương và khu vực doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần triển khai các chính sách thúc đẩy đầu tư công, đi kèm tiết kiệm chi tiêu công thường xuyên. Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh rằng đẩy mạnh đầu tư công trong thời điểm này không phải là đầu tư dàn giải, mở ra các dự án mới hay những khoản đầu tư ở cấp độ địa phương, mà là đẩy nhanh việc giải ngân và thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt, đã nằm trong kế hoạch ngân sách, có nguồn vốn sẵn sàng để chi tiêu - chẳng hạn dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam hay sân bay Long Thành.

Về mặt quản trị, khởi động các dự án quốc gia như thế này sẽ dễ dàng, tập trung hơn so với việc dàn trải đầu tư trên khắp cả nước có nguy cơ dẫn đến việc thất thoát lãng phí và không kiểm tra được nguồn lực. Báo cáo của chúng tôi cũng khuyến nghị rằng các gói thầu của dự án quốc gia như vậy nên được chia cho nhiều doanh nghiệp và nhiều địa bàn - chẳng hạn như tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam kéo dài cả đất nước có thể chia thành nhiều đoạn để các đơn vị, tỉnh khác nhau thực hiện. Đầu tư công như vậy sẽ tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, cũng như dòng thu nhập cho các thành phần tham gia. Thậm chí nếu đã có ngân sách, chúng tôi cho rằng Chính phủ hoàn toàn có thể tiến hành chuyển các dự án BOT vốn đã tai tiếng từ trước sang sử dụng ngân sách nhà nước trong thời điểm này.

Khi nền kinh tế đang sụt giảm ở tất cả các khu vực, việc đẩy nhanh chi tiêu ở khu vực công có thể tạo ảnh hưởng tích cực cho hoạt động kinh tế và giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch. Đi kèm với đó, Chính phủ cần kế hoạch cắt giảm chi thường xuyên - tối thiểu là 10% - ở tất cả các bộ ngành, tỉnh thành để đồng hành với các khu vực khác.

Trong dài hạn hơn, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần đẩy nhanh 3 điểm (i) tiếp tục giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định (về tỷ giá, giá cả tiêu dùng, thâm hụt ngân sách, nợ công…) để rút ngắn thời gian phục hồi; (ii) từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19 và (iii) đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.

Mối lo thanh khoản – dòng máu của nền kinh tế
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập

TS Nguyễn Trí Hiếu

Hiện tại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn còn tương đối tốt, nhưng tôi hết sức lo ngại về thanh khoản nếu đến cuối tháng 6 dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Khi đó dòng tiền của hệ thống ngân hàng sẽ bị tác động mạnh vì lượng tiền gửi giảm do người lao động sẽ rút tiền để chi trả cuộc sống và doanh nghiệp phải tạm ngưng, đóng cửa khiến tiền gửi ngân hàng của họ cũng giảm xuống. Đồng thời với đó là rủi ro nợ xấu tăng lên [Khách đi vay không trả được nợ]. Không chỉ trong hệ thống ngân hàng mà còn cả các công ty tài chính đều đang sẽ gặp khó khăn về thu hồi nợ. Nợ xấu được dự báo có thể lên tới 20% và tôi nghĩ còn có thể cao hơn nữa nếu mốc tháng 6 không đạt được.

Hiện Việt Nam đã tuyên bố 3 gói hỗ trợ dịch bệnh COVID-19, gồm Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp gần 300.000 tỷ đồng (về bản chất không phải là khoản tiền do ngân sách Nhà nước bỏ ra, mà lấy từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại); Gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng và Gói hỗ trợ người bị tác động bởi dịch bệnh 62.000 tỷ đồng*. Tuy nhiên, nếu nều kinh tế ngày càng bị lún sâu vào trong khủng hoảng thì tôi e rằng những gói này sẽ không đủ.

Mặt khác, chúng ta cũng cần cảnh giác với kịch bản khi một lượng tiền khổng lồ đi vào lưu thông mà hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn không được cải thiện, [hoặc bơm tiền một cách méo mó vào một số thị trường]. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát bị đẩy lên rất cao và khiến nợ công cùng ngân sách của Chính phủ lâm vào khủng hoảng. Trong trường hợp đó, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ bị đe dọa, như bài học từ đợt khủng hoảng 2007-2008.

Cái cũ, cái mới và bước chuyển kinh tế số
TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn cao cấp của VEPR

TS Nguyễn Đức Thành

Dịch bệnh COVID-19 là một cú sốc, nhưng cũng đồng thời là một cú hích lớn để nhiều người chuyển sang sử dụng các nền tảng số. Nhiều hành vi của người dân và doanh nghiệp đã dần thay đổi. Tự bản thân nền kinh tế đã có cấu trúc mới. Câu hỏi đặt ra là vậy chính phủ có chuyển động theo kịp được hay không?

Bởi vì từ trước đó, việc chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang diễn ra. Nhưng cách điều hành trong tổ chức bộ máy nhà nước vẫn theo phương thức truyền thống, tức là không có sự đan xen giữa những ngành riêng biệt vốn là đòi hỏi của không gian số. Chúng ta đã gặp phải sự bối rối trong việc đưa ra các chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng số, từ định danh Grab cho đến sự tham gia của các doanh nghiệp Việt khi xây dựng mới hoặc tham gia vào các nền tảng có sẵn của thế giới. Nhờ sự bối rối đó, các công ty có lợi ích truyền thống trên thị trường cũng có điều kiện để vận động khiến chính sách thay đổi diễn ra chậm hơn, duy trì lợi ích của họ. Những điểm này cho thấy về mặt tổ chức chính sách chúng ta còn khá yếu.

Trong đợt dịch COVID-19, tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ không có nhiều chuyển biến mới của chính phủ về kinh tế nền tảng số. Cả hệ thống chính trị đang rất bận rộn trong cuộc đối phó với dịch bệnh và không có sự chuẩn bị để cơ cấu lại. Nếu có thì việc cơ cấu đó cũng phải nằm trong một chủ trương lớn của Đảng theo quy trình ra chính sách của Việt Nam. Liệu những ý tưởng mới [của cú hích COVID-19] có được đưa vào cuộc đại hội Đảng đầu năm sau, khi mà bản thân những nội dung sẵn có cũng đã bị cản trở lại vì dịch bệnh?

Rõ ràng về mặt lý thuyết Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn, một ngã ba đường mà tại đó chúng ta có thể lựa chọn sự cải cách. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng trong một vài năm tới, thậm chí là 3-4 năm tới, Chính phủ vẫn đi theo hướng truyền thống, củng cố những gì đang có hoặc có những thay đổi mang tính chất từ từ, tiệm cận. Khả năng xuất hiện bước nhảy vọt trong khu vực công là chưa có. Và vì thế, theo một nghĩa nào đó, chúng ta sẽ không nắm bắt được cơ hội mà đại dịch này mang lại.

Cần dự báo liên ngành cho giai đoạn hậu COVID-19
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR

TS Phạm Sỹ Thành

Hiện nay, việc dự đoán triển vọng của các tổ chức quốc tế cũng khá bi quan, họ liên tục phải điều chỉnh và đưa ra những kịch bản thận trọng. Ở trong nước, chúng ta chưa thể dám chắc được điều gì về quá trình phục hồi nền kinh tế. Liệu đời sống kinh tế của chúng ta sẽ thoát ra khỏi cơn đại dịch này như một tai nạn hay sẽ thay đổi vĩnh viễn một số hành vi kinh tế. Tôi cho rằng để trả lời câu hỏi đó thì chỉ nhà kinh tế không thôi sẽ không thể đủ dữ liệu, mà phải có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực khác.

Chúng ta không biết liệu sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu chi tiêu của người dân cho các mặt hàng thiết yếu sẽ như thế nào; thói quen và sở thích đi lại, du lịch, mua sắm sẽ thay đổi ra sao; thời gian dành cho những công việc trên mạng so với những hoạt động offline sẽ như thế nào.... Tất cả những vấn đề đó đều cần phải được suy nghĩ và có những tính toán rất nghiêm túc. Nếu hành vi của chúng ta thực sự thay đổi thì sự phục hồi nền kinh tế chắc chắn sẽ đi theo dạng hoàn toàn khác trước. Và chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó./.

3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dưới tác động của  dịch COVID-19 năm 2020

Trong "Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I/2020", VEPR đưa ra 3 kịch bản cho năm 2020 với giả định dịch bệnh không bùng phát mạnh ở Việt Nam như Vũ Hán, do đó không cần áp dụng những biện pháp bế quan tỏa cảng toàn bộ đất nước mà phải từng bước đang kiểm soát bệnh dịch và nới lỏng dần các hoạt động kinh tế. Mức dự báo GDP cả năm 2020 lần lượt là 4,2%, 1,5% và -1,0% nếu dịch kéo dài đến cuối quý II, quý III và quý IV năm nay. Các con số này đều có vẻ kém lạc quan hơn so với dự báo của Ngân hàng Thế giới công bố đầu tháng 4 (từ 1,5% đến 4,9%).

Tuy nhiên, VEPR nhấn mạnh con số tăng trưởng GDP không đại diện hết những khó khăn thật của nền kinh tế phải đối mặt, bởi khu vực kinh tế phi chính thức vốn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế sẽ bị tổn thương mạnh hơn những đợt suy thoái khác nhưng không đủ dữ liệu để phản ánh hết. Sự phục hồi nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.


________________________________
Ghi chú:
*Lượng tiền cả 3 gói hỗ trợ đều chưa thực sự đi vào nền kinh tế tính đến thời điểm nói.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận